Sách Thánh & Hành Hương Thánh Địa

Trích đoạn Sách Thánh
giúp người đi viếng Thánh Địa Do Thái
Tác giả: Linh Mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, Sj
 Lời mở đầu
Hoàn cảnh xã hội và kinh tế cùng với sự tiến bộ và thuận lợi của phương tiện giao thông giúp cho người tìn hữu Việt Nam tại quê hương cũng như tản mác khắp thế giới có thể đi viếng các nơi Thánh tại miền đất nơi Chúa Giê-su đã sinh ra, đã sống, đã rao giảng Tin Mừng, đã hoàn tất công trình cứu độ bằng màu nhiệm chết và phục sinh, đã lên trời vinh hiển và gởi Thánh Thần xuống, làm cho Hội Thánh của Chúa bắt đầu vươn lên thành cây lớn bao trùm khắp thế giới loài người.
Cái đêm bi đát nhất lịch sử của ơn cứu độ và của Hội Thánh, là đêm mà Mười Hai vị tông đồ đã được tuyển chọn làm bạn thân tín nhất của Chúa, thì một ông bán Thầy, một ông chối Thầy nhanh hơn gà gáy, mười ông bỏ chạy khi Thầy bị bắt. Còn chính Con Thiên Chúa đã làm người thì bất lực, đơn thân đi qua nhục hình thập giá mà vào cõi chết. Nhưng đó là đêm hạt giống được vùi xuống đất rồi trỗi dậy như mầm cây mọc lên từ trong lòng đất.
Hai ngàn năm đã trôi qua với bao thăng trầm. Bao âm mưu đen tối không ngừng tìm cách tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Cõi chết không ngừng giơ nanh vuốt, banh họng toan nuốt chửng Hội Thánh của Chúa, như đã nuốt được Chúa một lần trong cái đêm bi đát. Nhưng bao nhiêu nanh vuốt cõi chết giơ ra – từ bên ngoài và cả từ bên trong Hội Thánh - đều lần lượt bị bẻ gãy, và Hội Thánh của Chúa vẫn lớn lên, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Chúa, được củng cố bằng máu tử đạo, bằng gương sống đức tin truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác. Đúng như lời Chúa Giê-su đã phán hứa với ông Simon-Phêrô : "17 Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,17-18).
Hành hương là một cách trở về nguồn
Nguồn sống động của đức tin của chúng ta là Lời Chúa luôn nuôi dưỡng chúng ta trong phụng vụ và qua lời rao giảng của Hội Thánh, và Sách Thánh mà ngày nay chúng ta dễ dàng mang theo mình ngay trong điện thoại cầm tay, nếu muốn đọc…
Trở về nguồn gốc địa dư, về những nơi đã mang dấu vết cuộc sống của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, của Chúa Giê-su, Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Tông Đồ và cộng đoàn tin hữu ban đầu, để thấy mình ở trong một dòng chảy không ngừng, như đi tới nguồn của một dòng sông. Ở đây chúng ta được cảm nghiệm mình đang uống chung nguồn nước đã tuôn chảy từ khi tổ phụ Áp-ra-ham được Thiên Chúa mời gọi đã tin vào Thiên Chúa, đã rời quê cha đất tổ mà tới làm kẻ ngụ cư ở đây, rồi dân của giao ước Xi-nai được Thiên Chúa đưa vào đây tiếp tục cảm nghiệm lòng yêu thương thành tín của Thiên Chúa, đón nhận các lời hứa ơn cứu độ, và thành cái nôi cho Con Thiên Chúa sinh làm người để thực hiện mọi lời hứa. Về đây, chúng ta được ngắm bầu trời Con Thiên Chúa làm người đã nhìn ngắm, uống chung nguồn nước Người đã uống, ăn những sản phẩm của mảnh đất đã nuôi Người, bước đi trên những con đường Người đã đi, bồng bềnh trên mặt hồ nơi Người đã từng qua lại trên thuyền cùng với các môn đệ, đã dẹp yên sóng gió, đã ngồi trên thuyền dạy dỗ các môn đệ và dân chúng… Đặc biệt là thấy những nơi Người đã cầu nguyện, đã bị bắt, bị xét xử, bị hành hạ, bị đóng đinh thập giá, đã trút hơi thở cuối cùng, đã được mai táng và đã từ cõi chết trỗi dậy, đã lên trời, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tông đồ khởi sự loan báo Tin Mừng và quy tụ cộng đoàn Hội Thánh của Chúa.
Những cạm bẫy cho người hành hương
Người đọc có thể nhíu mày trợn mắt khi tôi nói đến cạm bẫy. Tôi không muốn nói đến những cạm bẫy quen thuộc ở những nơi du lịch tại nhiều nước, như bị móc túi, bị mua hớ đồ lưu niệm, bị xí gạt về phẩm chất nhà trọ, đồ ăn… Đó là phần hướng dẫn viên du lịch phải lo bảo vệ cho khách hàng.
Tôi muốn nói đến những cạm bẫy riêng cho người hành hương
1/ Lẫn lộn hành hương với du lịch.
Du lịch là đi ngoạn cảnh để thỏa mãn tò mò, giải trí. Có người đi hành hương chỉ lo mang vali cho to để đựng quà mang về, mang máy chụp hình, quay phim cho tối tân để ghi hình cho nhiều, cho đẹp, đưa về cho bạn bè, con cháu được chung phần vui vẻ. Cũng tốt thôi, nhưng đó là chuyện bên lề, không phải chính yếu của một cuộc hành hương. Thêm vào đó, nhiều khi người hướng dẫn được thuê mướn chỉ là chuyên viên hướng dẫn du lịch, nên cũng chẳng thể chờ đợi nhiều hơn ở họ, và cũng không thể trách móc họ vì không thỏa mãn chờ đợi của người hành hương...
Còn hành hương là về nguồn của đức tin, để củng cố lòng tin nhờ được đắm mình trong cùng một dòng sông, với bao thế hệ tín hữu đã và đang tuyên xưng đức tin xuất phát từ nơi đây suốt từ thời tổ phụ Áp-ra-ham tới nay. Đây không phải là dòng sông Tương của chia ly : “Quân tại Tương Giang đầu, thiếp tại Tương Giang Vĩ, cộng ẩm Tương Giang thủy, tương cố bất tương kiến” (Chàng ở đầu song Tương, thiếp ở cuối sông Tương, cùng uống nước sông Tương, cùng ngoảnh lại nhìn mà chẳng thấy được nhau). Đây là dòng sông hội ngộ, làm cho mọi tín hữu gặp nhau, vì thấy mình cùng ở trong Chúa Ki-tô, Đấng đã sinh ra, đã sống, đã chết và đã sống lại ở đây, để cho chúng ta chung một hơi thở Người đã trao lại và tiếp tục đi với Người cho đến tận cùng thế giới, tận cùng thời gian. Chúng ta được cảm nghiệm rõ hơn mình đang đi trong đoàn hành hương xuyên không gian, xuyên thời gian tiến vào quê hương vĩnh cửu trên trời.
2/ Lẫn lộn Nơi Thánh với bùa ngải. Người đeo bùa, ngậm ngải… tin rằng bùa ngải tự nó hiệu nghiệm, mình chẳng cần làm gì cả. Nơi Thánh không tự nó hiệu nghiệm, nhưng là hoàn cảnh thuận lợi giúp chúng ta gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiệp thông với cả Hội Thánh. Hàng tỉ tín hữu chẳng bao giờ có dịp hành hương đến đây, thậm chí chẳng có điều kiện đến được những nơi hành hương ngay ở trong nước. Ngược lại có những người hành hương hết nơi này đến nơi khác trên khắp thế giới, nghe ở đâu có Đức Mẹ hiện ra, có phép lạ… là đi cho bằng được, làm như cứ đi hành hương cho nhiều là thành thánh to ! Nhưng cuộc sống của họ vẫn “trước sau như một”. Chúa ban ơn xuống tâm hồn nào khao khát đợi chờ, khiêm tốn cầu xin và sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng để Chúa biến đổi cuộc đời mình.
3/ Ngộ nhận về tính chính xác của Nơi Thánh. Một ngộ nhận thông thường nên biết để tránh là ngây ngô tưởng rằng chỗ này đây chính xác là nơi Chúa đã ngồi, đã đứng, đã nằm… Thực tế hai ngàn năm lịch sử, “vật đổi sao dời”, miền đất này không ngừng thay ngôi đổi chủ từ thời tổ phụ Áp-ra-ham tới nay. Vị trí hành lang giữa một bên là Địa trung Hải và một bên là sa mạc phía Đông, dùng làm đường giao thông cho mọi cuộc giao thương cũng như giao tranh giữa Bắc – Nam, Đông - Tây khiến giải đất phì nhiêu mảnh mai này qua tay hết đế quốc này đến đế quốc khác, bị chiến tranh, động đất tàn phá không biết bao nhiêu lần. Mặt đất không ngừng thay đổi. Hãy lấy một thí dụ : làng Bết-xai-đa, sinh quán của hai anh em Si-mon và An-rê, xưa là một làng chài bên hồ, bị động đất đưa lên núi ; cửa nước thượng nguồn sông Gio-đan chảy vào hồ Ga-li-lê xưa ở bên phải làng Bết-xai-đa nay ở bên trái. Thành Giê-ru-sa-lem cũng đã bị phá bình địa rồi xây lại không biết mấy lần từ thời vua Đa-vít tới nay. Đến viếng nơi hồ nước Bê-thét-đa, nơi Chúa Giê-su chữa người bất toại đã 38 năm nằm chờ, sẽ thấy mặt nước nằm sâu 20 mét dưới mặt đất hiện nay.
Lời Chúa đem ý nghĩa và ơn ích cho cuộc hành hương viếng các Nơi Thánh
Nơi Thánh có ý nghĩa, có giá trị khi giúp chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta nghe Lời Chúa đã từng vang lên ở đây, từng được chép lại để kể cho chúng ta những gì đã xảy ra ở đây, hầu giúp chúng ta biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và theo Chúa sát hơn.
Vì thế mà hành trang quan trọng nhất của người hành hương viếng các nơi thánh là Sách Thánh và việc chính cần làm ở mỗi nơi Thánh là đọc và suy gẫm những đoạn Sách Thánh liên hệ tới nơi ấy.
Đó là lý do khiến tôi cất công soạn tập sách nhỏ này để giúp người hành hương có trong tay “đồ ăn liền” tại mỗi nơi, vì phần đông người hành hương không quen mở sách Thánh, cũng không biết nơi này liên quan tới chuyện gì trong Sách Thánh. Tôi sẽ dẫn nhập vắn tắt vào mỗi nơi, rồi trích sẵn những đoạn Sách Thánh nên đọc tại mỗi nơi.

Bản dịch tôi dùng để trích dẫn là bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, in năm 2011, với sự đồng ý của Nhóm.



Nhà thờ kính Đức Me Hòm Bia Giao Ước tại Kyriat Yearim
Điểm hẹn mới cho người Việt-Nam viếng Đất Thánh

Nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam, cha Trần Công Nghị và Vietcatholic đã có sáng kiến xin một nơi đặt tượng Đức Mẹ La-vang tại Thánh Địa, để các tin hữu Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới khi đến hành hương tại quê hương của Đức Mẹ, cũng thấy hình ảnh thân thương của Mẹ Hiền đã từng thân hành đến rừng La-vang an ủi con cái trong cơn bách hại năm xưa.
Các nữ tu dòng mang danh hiệu “Thánh Giu-se được thiên thần hiện ra” (Saint Joseph of Apparition), có mặt phục vụ tại Thánh Địa từ 1848 tới nay, đã vui lòng dành cho tín hữu Việt Nam một nơi đặt tượng đài Đức Mẹ La-vang, trong vườn cây bên cạnh nhà thờ kính Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước ở Kyriat Yearim. Nơi này gần đường xe hơi nối phi trường Tel Aviv với Giê-ru-sa-lem, chỉ cách Giê-ru-sa-lem 15 cây số, nên rất thuận tiện cho khách hành hương : trên đường từ phi trường lên Giê-ru-sa-lem, dừng chân xin Đức Mẹ dẫn đi viếng các Nơi Thánh, hoặc từ Giê-ru-sa-lem ra phi trường, ghé vào địa điểm hành hương này tạ ơn Đức Mẹ và cầu cho quê hương, cho người Việt Nam đang tản mác khắp thế giới. Cũng có thể đến đây kết thúc chuyến hành hương : dâng lễ tạ ơn, ăn trưa (nhà dòng nhận nấu bữa ăn theo khẩu vị Á-đông cho khách hành hương) và nghỉ ngơi, rồi đi thêm 30 cây số nữa tới phi trường.
Hòm Bia Giao Ước
Trước khi ban cho ông Mô-sê Hai tấm Bia Đá ghi khắc Luật của Giao Ước Xi-nai, Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê dựng một cái Lều gọi là Lều Tạm làm nơi Thiên Chúa ngự, và làm Hòm Bia Chứng Ước : “8 Chúng sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng. 9 Theo như các mẫu chính Ta sẽ chỉ cho ngươi : Nhà Tạm và mọi đồ dùng, các ngươi sẽ làm như vậy. 10Chúng phải làm một Hòm Bia bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. 11 Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc, ngươi sẽ lấy vàng mà bọc cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. 12 Ngươi sẽ đúc cho Hòm Bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm Bia : bên này hai vòng, bên kia hai vòng. 13 Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. 14 Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm Bia để khiêng. 15 Đòn để xỏ vào vòng của Hòm Bia thì không được rút ra nữa. 16 Ngươi sẽ đặt vào Hòm Bia Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi.
17 Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. 18 Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. 19 Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia ; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. 20 Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. 21 Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi.22 Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng thần hộ giá đặt trên Hòm Bia Chứng Ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Ít-ra-en.” (Xh 25,8-22).
Sau khi dựng Lều Tạm thì sẽ đặt Hòm Bia trong nơi cực thánh có màn ngăn. Thương Tế chỉ được vào đây mỗi năm một lần trong ngày lễ Xá Tội để cử hành nghi thức Xá Tội : “2 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : "Hãy nói với A-ha-ron, anh ngươi, đừng vào bất cứ lúc nào trong thánh điện, phía sau màn trướng, trước nắp xá tội ở trên Hòm Bia, và như vậy nó sẽ không phải chết khi Ta hiện ra trong đám mây trên nắp xá tội… 12 Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan ĐỨC CHÚA bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. 13 Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan ĐỨC CHÚA, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Ước, và như vậy nó sẽ không phải chết. 14 Nó sẽ dùng một ngón tay lấy máu con bò tơ rảy trên nắp xá tội, về phía đông ; rồi đằng trước nắp xá tội, nó cũng dùng ngón tay mà rảy máu bảy lần.” (Lv 16,2.12-14).
Hòm Bia Giáo Ước là nơi tột đỉnh Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Giao Ước. Khi dân qua sông Gio-đan vào Đất Hứa thì Hòm Bia làm cho nước rẽ làm hai để họ đi qua, như khi họ vượt qua Biển Đỏ (x. Gs 3,14-17). Họ rước Hòm Bia đi quanh thành Giê-ri-cô thì thành sụp đổ (x. Gs 6,1-16).
Hòm Bia Giao Ước tại Kyriat Yearim
Sách Sa-mu-en, quyển thứ nhất lại cho thấy Hòm Bia ở tại Si-lô. Tại đây Sa-mu-en được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ (1 Sm 3,1-14). Trong một trận giao tranh với người Phi-li-tinh, dân It-ra-en khiêng Hòm Bia ra trận vì tin rằng Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho họ. Nhưng vì các con trai của thượng tế Ê-li đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nên Thiên Chúa để họ thua và mất luôn cả Hòm Bia (1 Sm 4,1-11) vào tay người Phi-li-tinh.
Nhưng Hòm Bia đem tai họa cho người Phi-li-tinh nên họ cho xe bò chở Hòm Bia về phía Ít-ra-en để trả lại. Dân làng Bết Sê-mét rước Hòm Bia vào, nhưng cũng bị tai họa, nên sai người lên làng Yearim trên núi đề nghị họ rước Hòm Bia về : “20 Người Bết Se-mét nói : "Ai có thể đứng vững trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa thánh thiện này ? Khi rời chúng tôi, Người sẽ lên với ai ?" 21 Họ sai sứ giả đến với dân cư thành Kia-giát Giơ-a-rim và nói : "Người Phi-li-tinh đã trả lại Hòm Bia ĐỨC CHÚA. Hãy xuống mà đưa lên với anh em."
1 Người Kia-giát Giơ-a-rim đến và đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên. Họ đưa Hòm Bia vào nhà ông A-vi-na-đáp, ở trên đồi, và thánh hiến E-la-da, con ông, để giữ Hòm Bia ĐỨC CHÚA.” (1 Sm 6,20–7,1).
Vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước về Giê-ru-sa-lem
Khoảng chừng 70 năm sau, khi vua Đa- vít thống lĩnh các chi tộc Ít-ra-en và chiếm được Giê-ru-sa-lem làm thủ đô thống nhất cả hai miền Nam Bắc (x. 1 V 5,1-10), vua mới đi rước Hòm Bia Giao Ước từ Kyriat Yearim về Giê-ru-sa-lem.
1 Vua Đa-vít lại quy tụ toàn thể tinh binh Ít-ra-en : ba mươi ngàn người. 2 Từ Ba-a-lê Giu-đa, vua Đa-vít lên đường và cùng đi với toàn dân đang ở với vua, để đưa Hòm Bia Thiên Chúa từ đó lên, Hòm Bia mang danh ĐỨC CHÚA các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá. 3 Người ta đặt Hòm Bia Thiên Chúa lên một cỗ xe mới và mang đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi. Các con ông A-vi-na-đáp là Út-da và Ác-giô điều khiển cỗ xe mới. 4 Họ đưa xe đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi, trên xe có Hòm Bia Thiên Chúa, còn ông Ác-giô đi trước Hòm Bia. 5 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en vui đùa trước nhan ĐỨC CHÚA, với mọi thứ nhạc cụ bằng gỗ trắc bá, với đàn cầm đàn sắt, trống con, chũm choẹ, thanh la.
6 Khi đoàn người tới sân lúa Na-khôn, thì ông Út-da giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. 7 ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với ông Út-da, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa. 8Vua Đa-vít buồn bực vì ĐỨC CHÚA đã đột phá hại ông Út-da. Người ta gọi nơi ấy là Pe-rét Út-da cho đến ngày nay.
9 Ngày hôm đó, vua Đa-vít sợ ĐỨC CHÚA, ông nói : "Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được ?" 10 Vua Đa-vít không muốn đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA về với mình trong Thành vua Đa-vít, nên cho chuyển hướng sang nhà ông Ô-vết Ê-đôm, người thành Gát. 11 Hòm Bia ĐỨC CHÚA ở nhà ông Ô-vết Ê-đôm người thành Gát, ba tháng, và ĐỨC CHÚA giáng phúc cho ông Ô-vết Ê-đôm cùng cả nhà ông.
12 Người ta báo tin cho vua Đa-vít rằng : "Vì Hòm Bia Thiên Chúa, ĐỨC CHÚA đã giáng phúc cho nhà ông Ô-vết Ê-đôm cùng tất cả những gì thuộc về ông." Vua Đa-vít liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ô-vết Ê-đôm lên Thành vua Đa-vít, trong niềm hân hoan. 13 Khi những người khiêng Hòm Bia của ĐỨC CHÚA đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. 14Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan ĐỨC CHÚA. 15 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và. … 16 Người ta đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. (2 Sm 6,1-16)
“Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”
Trong Kinh Cầu Đức Bà, chúng ta tung hô Đức Mẹ : “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”. Lời tung hô này xuất phát từ sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Sau khi kể chuyện thiên sứ truyền tin cho Trinh Nữ Maria, thánh Lu-ca kể tiếp :
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-45.56)
Cách kể chuyện này gợi lên chuyện vua Đa-vít đi rước Hòm Bia, để giúp chúng ta nhận biết điều gì đã xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Maria sau khi Người nộp mình vô điều kiện cho Thiên Chúa : “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ xảy ra cho tôi như lời Ngài nói”. Thiên sứ đã nói : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Đức Trinh Nữ Maria đã được Vinh Quang Thiên Chúa bao phủ như Nhà Tạm (x. 40,34), Thánh Thần là quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa đã ngự xuống trên Đức Trinh Nữ, và Con Thiên Chúa đã làm người trong lòng Đức Trinh Nữ, như lời Thiên Chúa hứa trong sách I-sai-a  7,14. Đấng thiết lập Giao Ước Mới đang ngự trong lòng Đức Trinh Nữ như Bia Chứng Ước ngự trong Hòm Bia.
Đám rước hôm nay giản lược trong hai người phụ nữ mang thai. Đứa con đã được sáu tháng trong bụng bà I-sa-ve ở phía trước nhảy mừng như vua Đa-vít nhảy múa trước Hòm Bia. Bà I-sa-ve ở phía sau, như dân chúng hò reo, được đầy Thánh Thần để công bố màu nhiệm đã thành sự nơi Đức Trinh Nữ : lời bà I-sa-ve lớn tiếng kêu lên : “Người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” có thể hiểu là “được chúc tụng”, cách nói quen thuộc để chỉ về Thiên Chúa. Vua Đa-vít sợ hãi trước vinh quang của Thiên Chúa nơi Hòm Bia : “Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được !” Còn bà I-sa-ve thì đã được đón Hòm Bia Giao Ước Mới vào nhà, nên mừng rỡ kêu lên : “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” Cuối cùng, “Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà”, gợi lại việc Hòm Bia ở lại nhà Ô-bét Ê-đôm ba tháng trước khi ngự vào lều do vua Đa-vít đã dựng cho Hòm Bia.
Nhà thờ kính Đức Bà Hòm Bia (Our Lady of the Ark)
Cuối thế kỷ 19, các nữ tu dòng thánh Giuse mua được phần đất này ở Kyriat Yearim để lập tu viện, năm 1920 các nữ tu khởi công đào móng xây nhà thờ kính “Đức Bà Hòm Bia Giao Ước”, đã trúng ngay nền ghép đá (mosaic) của một ngôi nhà thờ thuộc thế kỷ thứ năm (thời kỳ Bi-dăng-tin), và đã xây nhà thờ mới trên đó. Nhà thờ xưa đã bị người Ba-tư phá hủy cùng với tất cả các nhà thờ khác tại Thánh Địa khi họ chiếm đóng từ năm 614. (Chỉ có nhà thờ Giáng Sinh không bị phá, vì có hình ba vua mặc đồ Ba-tư đến thờ lạy). Trên đầu nhà thờ có tượng Đức Mẹ nhìn về Giê-ru-sa-lem. Ngoài nền nhà thờ cổ, có hai đầu cột bằng đá chạm trổ công phu còn lại.
Các nữ tu đã đồng ý cho dùng một đầu cột làm bệ cho tượng đài Đức Mẹ La-vang, và một đầu cột đặt bàn thờ để dâng thánh lễ bên cạnh tượng đài. Tượng đài Đức Mẹ La-vang đứng ở góc vườn, quay mặt về phía biển, nên khi nhìn lên Đức Mẹ thì thấy toàn cảnh Giê-ru-sa-lem phía sau lưng Đức Mẹ. Trong vườn này có nhiều cây ô-liu mấy trăm năm tuổi và một số cây khác che bóng cho khách hành hương, gợi lại phần nào rừng La-vang.
Tu viện và nhà tĩnh tâm cách nhà thờ một cái sân khá rộng, phía sau có một bãi cỏ lớn dành cho người tĩnh tâm và các nữ tu. Người phục vụ ở đây là các nữ giáo dân người Phi-líp-pin rất lịch sự tử tế và nấu ăn rất ngon. Các đoàn hành hương rất thích được ăn bữa từ giã Đất Thánh tại đây trước khi ra phi trường.

Phần thứ nhất
Từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem

1. Na-da-rét
Na-da-rét đã gắn liền với tên Chúa Giê-su : Giê-su Na-da-rét.
Cũng nhờ danh Chúa Giê-su mà trong cuộc chiến tranh sau khi Liên Hiệp Quốc cắt đất Pa-lét-tin để lập “Nước It-ra-en”, người Ít-ra-en đã để yên cho người Pa-lét-tin sống ở đây và trở thành công dân Ít-ra-en, trong khi hàng triệu người Pa-lét-tin đã bị đuổi đi, sống kiếp “người Pa-lét-tin di cư” ở các nước chung quanh và ngay tại phần đất Pa-lét-tin còn lại của họ 1), hàng ngàn làng Pa-lét-tin bị xóa tên. Người Ít-ra-en đã xây một thành phố Na-da-rét mới ở trên cao, gọi là “Na-da-rét thượng”.
Na-da-rét quê quán của thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giê-su là một khu dân cư nhỏ ở trên miền núi nhìn xuống đồng bằng Ét-re-lôn, gần con đường từ Biển Hồ đi ra Địa Trung Hải, gọi là con đường biển (Via Maris), cách núi Ta-bo chừng sáu cây số. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, nhiều người từ xứ Giu-đa di cư tới. Có lẽ trong số đó có những người người thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Tên làng là Na-za-rét, do một từ tiếng Hip-ri có nghĩa là “Nhánh” (Nhánh từ Gốc Giét-sê, tổ tiên của Đa- vít, Is 11, 1), “nở hoa”. Dù sao thì trong những thế kỷ đầu củea Hội Thánh vẫn có một cộng đoàn tín hữu gốc Do-thái sống ở đây, và “bà con của Chúa Giê-su” cầm đầu cộng đoàn này.
Na-da-rét là nơi thiên sứ Ga-bi-ri-en truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, nơi Chúa Giê-su sống thời thơ ấu và ẩn dật cho tới khi đi đến sông Gio-đan chịu phép rửa rồi khởi sự đi rao giảng. Trong thời đi rao giảng, Chúa trở lại thăm làng quê, nhưng dân làng không tin vào Người. Ba nơi quan trọng ở đây là 1/ nhà thờ kính màu nhiệm Truyền Tin, 2/ gần đó là nhà thờ kính thánh Giu-se, 3/ cách khoảng 15 phút đi bộ là “giếng Maria”, có nhà thờ kính thiên sứ Ga-bi-ri-en thuộc Giáo Hội Chính Thống, trong nhà thờ là nguồn nước suối vẫn chảy róc rách.
Thiên sứ truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38)
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ! " 35 Sứ thần đáp : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su tại Na-da-rét (Lc 2,39-52)
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !" 49 Người đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Chúa Giê-su về thăm Na-da-rét và bị từ chối (Lc 4,16-30)
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
23 Người nói với họ : "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !" 24 Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
2. Ca-na
Kefar Kana, cách Na-da-rét 8 cây số trên đường đi xuống hồ Ga-li-lê, là nơi mang dấu vết cho thấy từ thế kỷ thứ năm các tín hữu đã tôn kính nơi này như là quê quán của môn đệ Na-tha-na-en (tức là tông đồ Ba-tô-lô-mê-ô) được nói đến trong Tin Mừng Gio-an (1,45-51 ; 21,2) và là nơi diễn ra tiệc cưới Ca-na kể trong Tin Mừng Gio-an (2,1-12).
Tin Mừng theo thánh Gio-an kể câu chuyện Chúa Giê-su được mời dự tiệc cưới tại Ca-na, xứ Ga-li-lê, ở đó Chúa Giê-su làm cho nước lã hóa thành rượu ngon. Tin Mừng kể chuyện này với ý nghĩa đặc biệt được nêu ở câu kết : “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”.
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." 4 Đức Giê-su đáp : "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến." 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân : "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : "Các anh đổ đầy nước vào chum đi ! " Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói : "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. 12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.
Muốn hiểu hơn đoạn Tin Mừng này, xin tìm đọc trên trang mạng của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, loạt bài tôi đang viết để giúp “Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an”.
Tại nhà thờ do các cha dòng Phan-xi-cô xây lại ở Cana năm 1879, trên vết tích ngôi nhà thờ thế kỷ thứ sáu đã bị tàn phá, các đoàn hành hương hay tổ chức nghi thức cho các cặp vợ chồng tuyên lại lời hứa khi kết hôn (nói vui là “hấp hôn”).
3. Núi Ta-bo
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm kể rằng sau khi ông Si-mon-Phê-rô tuyên xưng : “Thầy là Đấng Ki-tô”, Chúa Giê-su bắt đầu loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa và điều kiện để thành môn đệ, rồi Chúa tỏ vinh quang cho ba môn đệ (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an) trên một ngọn núi cao. (x. Mt 16,13 – 17,8 ; Mc 8,27 – 9,8 ; Lc 9,18-36) Các sách Tin Mừng không nói tên ngọn núi, nhưng ít là từ thế kỷ thứ ba đã có chứng cứ cho thấy các tín hữu đã tôn kính núi Ta-bo như là nơi Chúa tỏ vinh quang (Biến Hình, Hiển Dung). Trong Cựu Ước, núi này đã là nơi diễn ra cuộc chiến do bà Đơ-vo-ra và ông Ba-rắc chống lại tướng Xi-xơ-ra (sách Thủ Lãnh, ch.4).
Các cha Phan-xi-cô trông coi nơi hành hương này. Đường lên núi này quanh co kiểu kẹp tóc, chỉ xe 10 chỗ trở xuống mới lên được. Xe chở khách hành hương lớn ghì phải sang xe ở chân trạm đường lên đỉnh (cao 588 mét). Buổi trưa đóng cửa tới 2 giờ, chiều đóng cửa lúc 5 giờ chiều. Các đoàn hành hương muốn có thời giờ ở lại đây buổi trưa, có thể ghi tên trước để ăn bữa trưa.
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !" 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : "Chỗi dậy đi, đừng sợ !" 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. (Mt 17,1-8)
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. (Mc 9,2-8)
Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35Và từ đám mây có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !" 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy. (Lc 9,28-36)
4. Ca-phác-na-um
Trong những năm Chúa Giê-su đi rao giảng thì Ca-phác-na-um giống như “trụ sở chính”. Địa bàn di chuyển của Chúa chủ yếu là chung quanh Biển Hồ Ga-li-lê. Ngay những ngày đầu, các sách Tin Mừng đã cho thấy là Chúa Giê-su trú ngụ tại Ca-phác-na-um. Đây là một thành phố quan trọng ở phía Tây Bắc của Biển Hồ, “ngã tư quốc tế” phía Bắc cho các vận chuyển giao thương Đông Tây Nam Bắc (ngã tư quốc tế phía Nam là Giê-ri-cô). Thời ấy cá trong hồ có đủ điều kiện và thời gian để sinh sản, nuôi được dân chài ở các làng, thị trấn chung quanh. Hai anh em An-rê và Si-mon từ làng Bét-xai-đa ở phía Bắc, gần nơi cửa sông Gio-đan đưa nước tư trên nguồn vào Hồ, cũng đã chuyển xuống lập nghiệp ở Ca-phác-na-um.
Nhà cửa ở đây xây bằng đá đen lấy tại chỗ. Công trình đào bới của các cha dòng Phan-xi-cô cho thấy phần nào kích cỡ của thành phố. Hai di tích quan trọng là Hội Đường Do-thái và nhà thánh Phê-rô, cách nhau chừng 100 mét.
Vết tích còn lại của Hội đường cho thấy phần trên bằng đá trắng, thuộc Hội Đường xây lại vào thế kỷ thứ tư, và nền bên dưới bằng đá đen có vẻ là của thời Chúa Giê-su. Tại đây Chúa Giê-su đã ra mắt và trừ quỷ.
Nhà thánh Phê-rô thì các tín hữu đã tôn kính từ thế kỷ đầu, thời Bi-dăng-tin đã xây nhà thờ trùm lên. Nhà thờ hiện nay được xây cao lên trên, để khi đứng bên ngoài vẫn thấy cac di tich, đứng bên trong nhà thờ, có thể nhìn xuống qua sàn bằng kiếng, thấy được những di tích còn lại trên nền nhà thờ xưa hình tám cạnh. Ngày đầu Chúa rao giảng trong Hội Đường, trừ quỷ vì nó xuất dầu lộ diện ngay khi Chúa rao giảng. Khi ra khỏi Hội Đường, Chúa về nhà ông Phê-rô, mẹ vợ ông Phê-rô đang sốt rét năm liệt giường, được Chúa cầm tay kéo dậy, bà liền khỏi sốt và đứng dậy nấu nướng cho Chúa Giê-su và các môn đệ. Có vẻ như từ đó Chúa đặt trụ sở ngay trong ngôi nhà này. Không có tài liệu nào cho biết gì thêm về gia đình này. Ngay chiều hôm đó, khi đã hết ngày sa-bát, người ta đưa mọi người đau ốm, quỷ ám đến ngoài sân. Chúa chữa lành và trừ quỷ. Ngày cuối cùng trước khi lên đường đi Giê-ru-sa-lem để đón nhận thập giá, thì Tin Mừng Mác-cô cho biết trong căn nhà này Chúa đã long trọng sửa dạy các môn đệ về chuyện khi đi dọc đường các ông cãi nhau xem ai trong các ông là người lớn nhất (Mc 9,33-37).
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !" 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : "Câm đi, hãy xuất khỏi người này !" 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !" 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.(Mc 1,21-34)
Sách Tin Mừng Gio-an kể bài giảng về bánh trong Hội Đường Ca-phác-na-um. Kết quả là nhiều môn đệ lấy làm chương tai và bỏ đi, không theo Chúa nữa. Nhưng thánh Phê-rô lại thay mặt cho anh em tuyên xưng lòng tin.
Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?" 26 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." 28 Họ liền hỏi Người : "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." 30 Họ lại hỏi : "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
32 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." 34Họ liền nói : "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức Giê-su bảo họ : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
41 Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói : "Tôi là bánh từ trời xuống." 42 Họ nói : "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : "Tôi từ trời xuống ?" 43 Đức Giê-su bảo họ : "Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" 53 Đức Giê-su nói với họ : "Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói : "Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?" 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông : "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp : "Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?" 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." 70 Đức Giê-su đáp : "Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !" 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người. (Ga 6,22-71).
5. Tabgha Nhà thờ kính nơi Chúa trao sứ mạng chăn chiên cho thánh Phê-rô và nhà thờ nơi Chúa bẻ bánh nuôi đám đông.
Đi bộ theo bờ Hồ về phía Nam, trên con đường lát đá dành cho người đi bộ, chừng 20 phút, tới nơi gọi là Tabgha. Tại đây có hai nhà thờ cách nhau vài trăm mét : nhà thờ kính nhớ Chúa trao sứ mạng chăn chiên cho thánh Phêrô và nhà thờ kính nhớ Chúa bẻ bánh nuôi đám đông.
Nơi này có tên là Tabgha, do đọc trại tên bằng tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Bảy Mạch Nước”, vì có bảy mạch nước từ phía núi Phúc Thật chảy vào hồ qua đây. Các sách Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô kể chuyện Chúa Giê-su bẻ bánh nuôi đám đông hai lần (Mc 6,30-44 và 8,1-10 ; Mt 14,13-21 và 15,32-39). Tin Mừng Lu-ca và Gio-an kể một lần (Lc 9,10-17 ; Ga 6,1-13). Riêng Tin Mừng Gio-an còn kể mẻ cá mà 7 môn đệ bắt được theo lời Chúa Phục Sinh chỉ chỗ và bữa ăn sau đó do Chúa dọn cho các ông ở bờ hồ ; sau bữa ăn này Chúa cho ông Phê-rô cơ hội tuyên xưng lòng yêu mến Chúa ba lần, sau mỗi lần Chúa trao nhiệm vụ chăn chiên cho ông, rồi Chúa loan báo ông sẽ chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.
Truyền Thống đã sớm coi Tabgha là nơi diễn ra hai sự việc này. Cũng dễ hiểu, vì ở đây có bảy mạch nước, rất thuận tiện cho đám đông nghỉ ngơi, với bảy mạch nước chảy vào hồ thì cũng là nơi cá tới kiếm ăn.
Nhà thờ nơi Chúa trao sứ mạng cho thánh Phê-rô do các cha Phan-xi-cô trông coi, còn nhà thờ nơi Chúa bẻ bánh có tu viện của các cha dòng biển Đức gốc bên Đức. Tại đây có bức tranh ghép đá (mosaic) nổi tiếng “Năm chếc bánh và hai con cá” ở ngay trước bàn thờ. Đếm trong giỏ thì có bốn chiếc bánh, hai con cá năm hai bên. Chiếc bánh thứ năm là bánh Thánh Thể trên bàn thờ, chứng tỏ từ rất sớm, việc Chúa bẻ bánh nuôi đám đông đã được liên kết với bí tích Thánh Thể, theo bài giảng ở Hội Đường Ca-phác-na-um.
Chúa bẻ bánh nuôi đám đông
Trong Tin Mưng theo thánh Mát-thêu
13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." 16 Đức Giê-su bảo : "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." 17 Các ông đáp : "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !" 18 Người bảo : "Đem lại đây cho Thầy !" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mt 14,13-21)
Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31Người bảo các ông : "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa : "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. 36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." 37 Người đáp : "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi !" Các ông nói với Người : "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao ?" 38 Người bảo các ông : "Anh em có mấy chiếc bánh ? Đi coi xem ! " Khi biết rồi, các ông thưa : "Có năm chiếc bánh và hai con cá." 39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. 41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn và được no nê. 43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. 44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông. (Mc 6,30-44)
Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca
10 Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giê-su những việc các ông đã làm. Người đem các ông đi riêng với mình, lui về thành kia gọi là Bết-xai-đa. 11 Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." 13 Đức Giê-su bảo : "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp : "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." 14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng. (Lc 9,10-17)
Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an
Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.
Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !" 10 Đức Giê-su nói : "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. (Ga 6,1-15)
Chúa trao sứ mạng chăn chiên cho thánh Phê-rô
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp : "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời : "Thưa không." 6 Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó ! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : "Đem ít cá mới bắt được tới đây !" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : "Anh em đến mà ăn ! " Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông : "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." 16 Người lại hỏi : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ? " Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói : "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." 17 Người hỏi lần thứ ba : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : "Anh có yêu mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo : "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : "Hãy theo Thầy."
6. Núi Phúc Thật
Ngọn đồi lớn trải dài bên Hồ, từ Ca-phác-na-um tới Tabgha sớm được coi là nơi Chúa đã giảng các mối Phúc Thật, trên đỉnh đồi có nhà thờ kính nhớ bài giảng này. Ca-phác-na-um, Tabgha và nhà thờ Phúc Thật làm thành hình tam giác, có thể dễ dàng đi bộ giữa ba nơi này. Trong Cựu Ước, khi lập Giao Ước Xi-nai, Thiên Chúa đã ngự xuống trên núi trong đám mây, có khói, lửa… để ban truyền Lề Luật, rồi trao cho ông Mô-sê hai bia đá khắc Luật Giao Ước. Trong nghi lễ thiết lập Giao Ước, ông Mô-sê tuyên đọc Luật Giao Ước, dân chúng chấp nhận. Ông Mô-sê rảy máu các con vật đã sát tế lên dân và nói : Đây là máu Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập với anh em, dựa trên các lời này (Xh 19,1 – 24,9).Tin Mừng Mát-thêu gom giáo huấn của Chúa Giê-su thành năm bài giảng, gợi lại năm cuốn sách Luật Mô-sê trong Cựu Ước. Đó là Luật của Giao Ước Mới.
1 Khi Đức Giê-su giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng : 2 "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá."
Trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su nâng chén rượu và công bố : 27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : "Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. 29Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy." (Mt 26,1-2.27-29).
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, Người đã sống thân phận con người như chúng ta để có thể dạy chúng ta sống theo gương của Người. Người lên núi, cho chúng ta lên theo, và Người ngồi giữa chúng ta, mở miệng nói với với chúng ta bằng miệng lưỡi của một con người, chứ không phải bằng tiếng sấm tiếng sét như ở núi Xi-nai. Tám mối Phúc Thật không phải là lý thuyết xa vời, nhưng là chân dung tự họa của Chúa (nay có thể nói là selfies). Cứ nghiền ngẫm Tin Mừng sẽ thấy Chúa Giê-su đã sống những gì Chúa dạy chúng ta.
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng :
3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. (Mt 5,1-12)
Đoạn Tin Mừng này đã được diễn thành bài kinh dễ nhớ từ lâu đời :
KINH PHÚC THẬT TÁM MỐI
Thứ nhất : Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật,
vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai : Ai hiền lành ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba : Ai khóc lóc ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được yên ủi vậy.
Thứ bốn : Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm : Ai thương xót người ấy là phúc thật,
vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu : Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy : Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Ai chịu khốn nạn vì Đạo ngay ấy là phúc thật,
vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
7. Nơi Chúa Giê-su chịu phép Rửa
Trên đường từ Biển Hồ lên Giê-ru-sa-lem dọc theo thung lũng sông Gio-đan, tới ngang Giê-ri-cô, có nơi mà truyền thống vẫn tôn kính như là nơi Chúa Giê-su chịu phép rửa (tên bằng tiếng A-rập là Qasr-al-Jahud). Từ năm 1967, sau khi người Do-thái chiếm đóng Bờ Tây sông Gio-đan thì nơi này trở thành khu quân sự, mỗi năm chỉ mở cho các cha Phan-xi-cô và tín hữu tới mừng lễ Chúa chịu Phép Rửa vào ngày 13 tháng giêng dương lịch. Cách nay khoảng 6, 7 năm thì người ta mở cho khách hành hương và du lịch vào mỗi ngày, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều (mùa đông thì mở tới 3 giờ chiều). Nhiều đoàn hành hương không biết, vẫn bị hướng dẫn viên du lịch đưa tới địa điểm tên là Porryah, ở gần Biển Hồ, nơi sông Gio-đan từ Biển Hồ chảy tiếp xuống Biển Chết. Địa điểm này chỉ có tính du lịch, thương mại. Địa điểm gần Biển Chết theo truyền thống từ xưa, phù hợp với chỉ dẫn của Sách Tin Mừng Gio-an : nơi ông Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa và làm chứng về Chúa Giê-su là Bê-ta-ni-a ở bên kia sông Gio-đan, cách Giê-ru-sa-lem hai ngày đường.
28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. (Ga 1,28)
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su. (Ga 10,40-42)
Hai người chị của ông La-da-rô ở Bê-ta-ni-a (cách Giê-ru-sa-lem 4 cây số) đã cho người tới Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan báo tin cho Chúa : “Người mà Thầy yêu qúy đang đau”. Chúa Giê-su lưu lại hai ngày nữa rồi mới lên. Khi Chúa lên tới thì La-da-rô đã ở trong mộ 4 ngày rồi (phong tục ở xứ này, từ xưa tới nay, là chết thì chôn ngay trong ngày, không để tới hôm sau). (x. Ga 11,1-27).
Tuy mở cho công chúng, nhưng vẫn là khu quân sự. Bờ bên này thì lính Ít-ra-en canh giữ, bờ bên kia thì lính Gio-đan. Nhưng cả hai bên đều rất hiền, du khách có thể đứng chụp hình với họ, nói chuyện với họ, không có gì phải sợ.
Thung lũng sông Gio-đan là một vết sụp trên vỏ trái đất, kéo dài từ Hồ Ga-li-lê tới Hồ Victoria bên Phi Châu. Hồ Ga-li-lê ở sâu gần 300 mét dưới mực nước biển Địa Trung Hải, Biển Chết ở mức 400 mét dưới mực nước Địa Trung Hải, nên nước từ Biền Hồ và các nguồn suối chung quanh đổ xuống đây chỉ có một lối thoát là… bay lên trời ! Nhưng thung lũng này nóng quanh năm, nên nước bốc hơi cũng mau. Biển này gọi là Biển Chết vì không có gì sống được ở nước có độ mặn gấp mười lần nước biển thường. Nay thì Biển Chết cũng đang chết, vì nước ở đầu nguồn, Hồ Ga-li-lê và các nguồn hai bên sông, đều bị khai thác triệt để cho nông nghiệp, nước ở cuối Biển thì người ta cho bốc hơi để lấy khóang chất rất phong phú trong nước, dùng vào nhiều mục tiêu công nghiệp.
Tin Mừng Mát-thêu kể
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !" 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán : "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3,13-17)
Tin Mừng Mác-cô kể
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. 11 Lại có tiếng từ trời phán rằng : "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." (Mc 1,9-11)
Tin Mừng Lu-ca kể
21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,21-22)
Tin Mừng Gio-an kể gián tiếp
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1,31-34).
8. Giê-ri-cô
Giê-ri-cô được coi là thành phố cổ nhất có tường lũy bao quanh (khoảng 9-10 ngàn năm trước CGS), ở địa điểm có tính chiến lược cả về quân sự lẫn thương mại, như ngã tư quốc tế giữa Đông Tây Nam Bắc. Số phận của nó rất bi đát. Vào thời tổ phụ Áp-ra-ham thành phố này đã thành đồi hoang (gọi là Tel-Es-Sultan) sau khi bị phá đi xây lại 23 lần, lớp này đè trên lớp kia. Thành Giê-ri-cô mà dân Ít-ra-en chiếm được khi ông Giô-su-ê dẫn họ vào Đất Hứa chỉ là thành ở bên cạnh đó thôi. Trong Cựu Ước có chuyện ngôn sứ Ê-li-sa dùng muối chữa lành suối nước của Giê-ri-cô “vì nó làm cho xứ sở bị nạn vô sinh”(2 V 2,19-22). Suối này vẫn là nguồn nước củ Giê-ri-cô.
Thời Chúa Giê-su thành phố này vẫn phồn vinh. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện người mù ở Giê-ri-cô được Chúa cho sáng và đi theo Chúa. Sách Tin Mừng Lu-ca kể chuyện ông Da-kêu, giám đốc Sở Thuế ở đây, được Chúa vào trọ ở nhà ông. Ông đã thực hiện lời Chúa dạy là chia của cải cho người nghèo để mai mốt họ đón vào Nước Thiên Chúa, vì Nước Thiên Chúa là của người nghèo (x. Lc 6,20 ; 16,1-31 ; 19,1-10).
Truyền thuyết cho rằng quỷ đưa Chúa Giê-su lên một ngọn núi ở gần Giê-ri-cô để cho Chúa nhìn thấy mọi vương quốc và vinh hoa phú quý và cám dỗ Chúa thờ lạy nó thì nó cho. Vì thế núi này mang tên là Núi Cám Dỗ, có tu viện của các đan sĩ Chính Thống Giáo, nằm cheo leo bên vách đá, nhìn thấy từ xa. Đây là địa điểm du lịch “rất cám dỗ” vì có thể nhìn thấy quang cảnh bao quát từ Giê-ri-cô tới Biển Chết, nên người ta làm đường xe treo (cable car), đưa khách du lịch từ Tel-Es-Sultan lên độ cao bên cạnh tu viện. Có thể dùng xe hơi nhỏ đi tới gần chân dốc lên tu viện, rồi đi bộ lên mất chừng 10 phút.
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo rằng : "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." 10 Đức Giê-su liền nói : "Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4,8-10)
Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người : "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." 8 Đức Giê-su đáp lại : "Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Lc 4,5-8)
Người mù ở Giê-ri-cô được sáng
Tin Mừng Mát-thêu kể
29 Khi Đức Giê-su và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người. 30 Và kìa có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giê-su đi ngang qua đó, liền kêu lên rằng : "Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 31Đám đông quát nạt, bảo họ im đi, nhưng họ càng kêu lớn hơn nữa : "Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 32Đức Giê-su dừng lại, gọi họ đến và nói : "Các anh muốn tôi làm gì cho các anh ?" 33 Họ thưa : "Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra !" 34 Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người. (Mt 20,29-34)
Tin Mừng Mác-cô kể
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : "Gọi anh ta lại đây !" Người ta gọi anh mù và bảo : "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh mù đáp : "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói : "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc 10,46-52)
Tin Mừng Lu-ca kể
35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng : "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : 41 "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh ta đáp : "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." 42 Đức Giê-su nói : "Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. (Lc 18,35-49)
Chuyện ông Da-kêu, Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,1-10)
9. Bê-ta-ni-a – Bết-pha-giê
Đường từ Giê-ri-cô lên Giê-ru-sa-lem xưa đi dọc theo thung lũng Kelt (Wadi Qelt), đi vội có thể đi trong một ngày, đi thong thả thì hai ngày, qua núi Cây Dầu mà vào Giê-ru-sa-lem. Xưa vua Đa-vít chạy trốn Áp-sa-lon cũng đi theo con đường này (x. 2 Sm 15,13-23). Con đường này là khung cảnh cho dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa kể trong Tin Mừng Lu-ca, để trả lời câu hỏi : “Ai là người thân cận của tôi ?”. Người Sa-ma-ri nhân hậu đưa người bị nạn vào quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc.
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."(Lc 10,29-37)
Giê-ri-cô ở gần 400 mét dưới mực nước biển Đia Trung Hải, Giê-ru-sa-lem ở độ cao 850 mét trên mực nước biển Địa Trung Hải. Đi xe hơi có thể thấy ù tai như đi máy bay. Đường xe hơi hiện nay rộng rãi như xa lộ, đi cách thung lũng Kelt một, hai cây số về phía Nam. Đường cũ hẹp hơn, nay đã hư hại, xe hơi không chạy được nữa.
Đường xưa đưa lên tới làng Bê-tani-a trên núi Ô-liu, nơi có nhiều kỷ niệm trong sách Tin Mừng. Trước hết là nhà ba chị em Mác-ta, Maria và La-da-rô. Sách Tin Mừng Lu-ca kể chuyện hai chi em Mác-ta và Maria tiếp đón Chúa Giê-su và các môn đệ, nhưng không cho biết tên làng.
38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" 41 Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10,38-42)
Các nhà giảng thuyết hay dùng chuyện này để đề cao đời sống chiêm niệm hơn đời sống hoạt động. Nhưng đọc kỹ sách Tin Mừng Lu-ca thì thấy đó không phải là ý nghĩa Tin Mừng gán cho câu chuyện này. Lu-ca nói đến việc nghe và thực hành lời Chúa như hai vế không thể tách rời. Hai lần Lu-ca đã đề cao gương của Đức Mẹ “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) ; “Còn Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả n hững điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Nhưng nghe suông không đủ, phải thực hành. Hai chị em cùng nhau đón tiếp Chúa : nghe Lời Chúa và làm việc phục vụ Chúa. Cả hai cùng ngồi nghe thì chẳng ai múc nước cho Chúa uống ; cả hai cùng xuống bếp thì để Chúa ngồi nói chuyện với gốc cột sao ? Chúa Giê-su đi rao giảng, không còn giờ để ăn uống (Mc 3,20) nhưng đêm khuya, sáng sớm (Lc 5,42) hoặc suốt đêm (Lc 6,12) Chúa ra nơi thanh vắng, lên núi cầu nguyện. “Người ta tuốn đến để nghe giảng và xin chữa bệnh, nhưng Chúa lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (Lc 5,16). Thánh Phao-lô cũng theo sát gương Chúa Giê-su (x. 2 Cr 11,26-29 ; Cl 1,9). Các vị tông đồ lớn của Hội Thánh vẫn nêu gương ấy. Hội Thánh luôn cần cả hai : chiêm niệm và hoạt động, nên Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong thân thể Hội Thánh nhiều ơn gọi khác nhau, hoạt động và chiêm niệm ; thánh Đa-minh dạy linh đạo “contemplata tradere” (trao cho người khác những gì mình đã chiêm niệm) ; thánh I-nha-xi-ô dạy linh đạo chiêm niệm trong hoạt động...
46 "Tại sao anh em gọi Thầy : "Lạy Chúa ! Lạy Chúa !, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?
47 "Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành." (Lc 6,46-49).
Tin Mừng theo thánh Gio-an lại kể cho chúng ta về ba chị em Mác-ta, Maria và La-da-rô ở làng Bê-ta-ni-a này. Ba chị em đều được Chúa Giê-su yêu dấu. La-da-rô đau nặng trong khi Chúa Giê-su đang nở Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan, cách hai ngày đường. Hai bà chị nhờ người đi báo tin cho Chúa : “Cục cưng của Thầy đang đau”. Ở chương thứ tư, viên sĩ quan ngoại đạo từ Ca-phác-na-um lên Ca-na, cũng hai ngày đường, tìm gặp và xin Chúa xuống gấp chữa con trai ông đang đau nặng gần chết, thì Chúa chữa liền từ xa : “Ông về đi, con ông sống”. Còn cục cưng của Chúa thì Chúa để cho chết thối trong mồ rồi mới đến gọi ra. Hai người chị cũng được Chúa yêu dấu, nhưng Chúa để cho khóc hết nước mắt rồi mới tới. Đó là số phận Chúa dành cho ba cục cưng của Chúa ! Tại Bê-ta-ni-a có một nhà thờ kính nhớ ba chị em này và do các cha Phan-xi-cô trông coi. Gần nhà thờ có một ngôi mộ xưa nằm sâu dưới đất, do một gia đình Hồi giáo giữ chìa khóa, mà người ta vẫn giới thiệu là mộ của La-da-rô, để kéo khách hành hương mua vé xuống xem. Nhưng không xuống cũng không mất gì cho chuyến hành hương !
1 Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô.3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."
5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.
6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !" 8 Các môn đệ nói : "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?" 9 Đức Giê-su trả lời : "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !"
11 Nói những lời này xong, Người bảo họ : "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây."12 Các môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ : "La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !"
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Đức Giê-su nói : "Em chị sẽ sống lại !" 24 Cô Mác-ta thưa : "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25 Đức Giê-su liền phán : "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?" 27 Cô Mác-ta đáp : "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."
28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !" 29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34Người hỏi : "Các người để xác anh ấy ở đâu ?" Họ trả lời : "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." 35 Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói : "Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !" 37 Có vài người trong nhóm họ nói : "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?" 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói : "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." 40 Đức Giê-su bảo : "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?" 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng : "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !" 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."
Cục cưng của Chúa thì Chúa cho hạnh phúc được chung số phận với Chúa : chết và sống lại. Đừng ghen với “Cục Cưng” này. Tất cả và mỗi người chúng ta đều là “cục cưng của Chúa”, như thánh Phao-lô nói : “Người đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Trong bữa tiệc trước ngày Chúa vào Giê-ru-sa-lem và được tung hô là vua, La-da-rô ngồi ăn với Chúa, Mác-ta phục vụ, còn “Maria đem một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá đổ lên chân Chúa Giê-su rồi lấy tóc mà lau”, tạo khung cảnh sách Diễm Ca cho cuộc Thương Khó và Phục sinh, cuộc tôn vinh của Chúa Giê-su : “12 Lúc quân vương ngự giữa nội cung, dầu cam tùng của tôi toả hương thơm ngát.” (Dc 1,12). Cuộc Thương Khó theo thánh Gio-an là cuộc tôn vinh Chúa Giê-su làm vua : dân chúng tung hô khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su giải thích về vương quyền của Chúa, Phi-la-tô xác nhận bằng bản án viết treo trên thập giá.
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : 5 "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ? "6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.7 Đức Giê-su nói : "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."(Ga 12,1-8)
Con đường từ Bê-ta-ni-a lên Giê-ru-sa-lem ngày nay bị bức tường oái oăm của Ít-ra-en cắt ngăn, phải đi xe buýt vòng vo 16 cây số mới vào được. Chúa Giê-su và các môn đệ chỉ phải đi bốn cây số băng qua núi Ô-liu. Giữa đường là làng Bét-pha-giê, nơi Chúa Giê-su sai hai môn đệ đi mượn một con lừa con, chưa ai cỡi bao giờ, để Chúa cỡi mà đi vào thành. Ngày lễ Lá hàng năm, đông đảo tín hữu ở Giê-ru-sa-lem cùng với khách hành hương tập trung tại ngôi nhà thờ nhỏ ở đây, ngay bên đường, rồi long trọng cầm cành lá đi rước, hát hò , nhảy múa trên con đường xưa Chúa đã đi vào Giê-ru-sa-lem để đón nhận thập giá. Con đường hai cây số nhưng đám rứơc phải đi hai tiếng đồng hồ mới vào hết, vì số người tham dự rất đông. Xưa thái tử Sa-lô-môn lên ngôi kế vị Da-vít thì cỡi con la mà Đa-vít vẫn cỡi, và ngồi lên ngai của Đa-vít (x. 1 V 1,33-35). Chúa Giê-su cũng là con vua Đa-vít, nhưng vương quyền của Chúa lại hoàn toàn mới mẻ nên Chúa cỡi con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, vào thẳng trong Đền Thờ, rồi mấy ngày sau ngự trên ngai thập giá.
Tin Mừng theo thánh Gio-an kể
12 Hôm sau, dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, 13 họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò : Hoan hô ! Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en  !14 Đức Giê-su gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép : 15 Hỡi thiếu nữ Xi-on, đừng sợ ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con. 16 Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy. (Ga 12,12-15)
Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể
1 Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ 2 và bảo : "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. 3 Nếu có ai bảo : "Tại sao các anh làm như vậy ?", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." 4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. 5 Mấy người đứng đó nói với các ông : "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy ?" 6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông. 7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : "Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời !" 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai. (Mc 11,1-11)
10. Núi Ô-liu
Nhà thờ kính nhớ Chúa dạy kinh Lạy Cha và nhà thờ Chúa khóc thương Giê-ru-sa-lem
Từ Bét-pha-giê đường lên giốc. Lên tới đầu giốc là nhà thờ kính Chúa dạy cầu nguyện và Kinh Lạy Cha. Tại đây có đan viện Cát Minh, mà một trong các nữ tu sáng lập đã từng tham gia lập đan viện Cát Minh Saigon. Trong nhà thờ có Kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt khắc trên tường cùng với Kinh Lạy Cha bằng nhiều thứ tiếng khác.
Đoàn rước đi xuống giốc bên triền Giê-ru-sa-lem. Đi một quãng thì có nhà thờ kính nơi Chúa khóc thương thành Giê-ru-sa-lem, kiến trúc gợi hình giọt nước mắt.
Tin mừng theo thánh Lu-ca kể
41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói : "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." (Lc 19,41-44)
Ghết-sê-ma-ni
Xuống tới chân núi Ô-liu bên triền Giê-ru-sa-lem thì có nhà thờ kính nơi Chúa cầu nguyện và bị bắt. Nhà thờ này do nhiều nước đóng góp xây dựng nên cũng gọi là “Nhà Thờ Muôn Dân” (Church of Nations).
Hang các Tông Đồ
Qua khỏi nhà thờ Ghết-sê-ma-ni thì bên tay phải có lối đi xuống nơi gọi là Hang Các Tông Đồ (Grotto of the Apostles). Truyền thuyết cho rằng khi Chúa vào cầu nguyện trong Vườn Ghết-sê-ma-ni, thì Chúa để các môn đệ ở lại đây… Và các ông ngủ. Chúa trở lại đánh thức hai lần cũng không mở mắt nổi (coi trong đoạn Tin Mừng trích dưới đây.
Nhà thờ Mộ Đức Mẹ
Kế bên hang này có nhà thờ Mộ Đức Mẹ, thuộc Giáo Hội Chính Thống. Theo một truyền thống thì Đức Mẹ chết, chôn ở đây, rồi được sống lại và được rước lên trời.
Nhà thờ thánh Phê-rô gà gáy
Tối thứ Năm Tuần Thánh thì có giờ thánh tại nhà thờ Ghết-sê-ma-ni từ 9 giờ tới 10 giờ, sau đó là cuộc rước đèn từ đây băng qua thung lũng Kít-rôn, sang “nhà thờ thánh Phê-rô gà gáy”. Tại đây có một cầu thang từ thung lũng Kít-rôn đi lên, còn lại từ thời Chúa Giê-su. Người ta nghĩ rằng Chúa Giê-su đã bị dẫn từ Ghết-sê-ma-ni qua lối này, lên Dinh Thượng Tế ở gần đâu đây, vì nơi này gần lối vào Đền Thờ.
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện thánh Phêrô theo Chúa vào tận trong sân dinh Thượng tế. Tại đây ông đã chối Chúa ba lần. Khi ông đã chối đủ ba lần thì có tiếng gà gáy. Mát-thêu và Mác-cô kể rằng khi nghe gà gáy thì ông Phê-rô nhớ lại lời Chúa Giê-su đã báo trước. Lu-ca kể rằng khi gà gáy thì Chúa Giê-su quay lại nhìn ông Phê-rô, ông nhớ lại lời Chúa Giê-su đã báo trước và chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể
30 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. 31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông : "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép : Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. 32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em." 33 Ông Phê-rô liền thưa : "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã." 34 Đức Giê-su bảo ông : "Thầy bảo thật anh : nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần." 35 Ông Phê-rô lại nói : "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
36 Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ : "Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện." 37 Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. 38 Bấy giờ Người nói với các ông : "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." 39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng : "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." 40 Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô : "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ? 41 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn." 42 Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói : "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha." 43 Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. 44 Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. 45 Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông : "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. 46 Đứng dậy, ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới !"
47 Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. 48 Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng : "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy !" 49 Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói : "Ráp-bi, xin chào Thầy !", rồi hôn Người. 50 Đức Giê-su bảo hắn : "Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi ! " Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su. 51Một trong những kẻ theo Đức Giê-su liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. 52 Đức Giê-su bảo người ấy : "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. 53 Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần ! 54 Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy." 55 Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông : "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt ? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt. 56 Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ." Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.
57 Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó. 58 Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.
59 Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình. 60 Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra, 61 khai rằng : "Tên này đã nói : tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại." 62 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su : "Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó ?" 63 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người : "Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết : ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không ?" 64 Đức Giê-su trả lời : "Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay : từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến." 65 Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói : "Hắn nói phạm thượng ! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, 66 quý vị nghĩ sao ? " Họ liền đáp : "Hắn đáng chết !"
67 Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người 68 và nói : "Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi : ai đánh ông đó ?"
69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói : "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì ?" 70 Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói : "Tôi không biết cô nói gì !" 71 Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó : "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy." 72 Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối : "Tôi không biết người ấy." 73 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói : "Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay." 74 Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng : "Tôi thề là không biết người ấy." Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. 75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói : "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
11. Xi-on : Nhà Tiệc Ly
Từ nhà thờ “thánh Phê-rô gà gáy”, lên giốc qua một bãi đậu xe thì tới tường thành Giê-ru-sa-lem, gần cổng Xi-on. Con đường từ cổng Xi-on đi ra, chừng hơn 100 mét thì có nhà thờ và tu viện “Cenaculum” (Nhà Tiệc Ly) của các cha Phan-xi-cô. Tiếp tục đi bên tay phải, hơn 100 mét nữa thì tới nhà nguyện nhỏ từ thời Binh Thánh Giá ở trên lầu, kính nhớ nhà Tiệc Ly, “Phòng lớn ở trên lầu” [Upper Room] (x. Lc 22,11-13), nơi Chúa Giê-su ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ và lập bí tích Thánh Thể ; cũng là nơi mà trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống trên các môn đệ và các tông đồ bắt đầu rao giảng Tin Mừng, quy tụ cộng đoàn Hội Thánh sơ khai. Người Hồi Giáo đã biến nhà nguyện này thành nơi cầu nguyện của họ. Hiện nay thì sở du lịch của Israel quản lý nơi này.
Mộ Vua Đa-vít
Dựa trên lời thánh Phê-rô giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần : “29 Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay”, các tín hữu thời Binh Thánh Giá muốn gtăng giá gtrị cho nới này, cho rằng mộ vua Đa-vít ở ngay gần nhà Tiệc Ly. Nay thì người Do-thái dựa vào đó để tìm cách lấn chiếm tối đa khu vực này làm nơi cầu nguyện, tụ họp của họ. Thực ra thì mộ vua Đa-vít không thể ở đây, vì “Vua Đa-vít được chôn cất trong thành vua Đa-vít (1 V 2,10), tức là ở triền núi thấp hơn. Quả là gậy ông đập lưng ông ! Ráng chịu ! Bao lâu họ còn để cho mình đến viếng thì cứ đến. Hiện nay chỉ có ngày Thứ Năm Tuần Thánh và ngày Lễ Hiện Xuống là các cha Phan-xi-cô có thể long trọng đi rước tới đây, hát kinh chiều và cầu nguyện ở đây. Cá nhân khách hành hương vào đây âm thầm ngồi đọc sách Thánh, cầu nguyện… thì chẳng ai làm phiền gì.
Nhà thờ và tu viện “Tiệc Ly” của các cha Phan-xi-cô giáp vách với nhà Tiệc Ly này, tại đó có thể tự do dâng lễ. Thực ra thì chẳng ai có thể nói đích xác chỗ nào, vì Giê-ru-sa-lem đã thay ngôi đổi chủ, chiến tranh tà phá, phá đi xây lại bao nhiêu lần trong hai ngàn năm qua ; chỉ biết là ở đâu đó trong khu vực này thôi, vì vẫn có các tín hữu sống ở đây.
Nhà thờ Đức Mẹ ngủ
Gần nhà Tiệc Ly có tu viện các cha dòng Biển Đức (gốc từ bên Đức) với nhà thờ “Đức Mẹ Ngủ” (Dormition) vì theo một truyền thuyết thì Đức Mẹ ngủ đi rồi được đưa lên trời chứ không chết.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói : "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !" 12 Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau : "Thế nghĩa là gì ? " 13 Nhưng người khác lại chế nhạo : "Mấy ông này say bứ rồi !"
14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. 15 Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. 16 Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến : 17 Thiên Chúa phán : Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. 18 Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. 19 Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. 20 Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang. 21 Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ.
22 "Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.
29 "Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe. 34 Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói : Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, 35 để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. 36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô."
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?" 38Ông Phê-rô đáp : "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi." 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ." 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
42 Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2,1-42)
Phần thứ hai
Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-su chịu Khổ Nạn và Phục Sinh
Dẫn nhập. Trước khi theo đòan Rước Lá vào qua cổng thành Giê-ru-sa-lem, tưởng cũng nên biết vài điều căn bản về lịch sử và địa dư để khỏi mất phương hướng.
Kết quả cuộc nổi dậy của người Do-thái trong thập niên 60 (thế kỷ thứ nhất) là vào năm 70, Thành Giê-ru-sa-lem có tường lũy bao quanh đã bị Rô-ma phá hủy bình địa. Người Do-thái bị đuổi ra khỏi Giê-ru-sa-lem, quy tụ thành những cộng đồng tản mác trong xứ hoặc chạy đi xa. Đền Thờ do vua Hê-rô-đê Cả xây lại nguy nga, đã thành đống hoang tàn. Khuôn viên Đền Thờ do Hê-rô-đê mở rộng còn lại bức tường phía Tây đỡ nền vượt cao của khuôn viên. Người Do-thái được tới đây mỗi năm một lần để cầu nguyện trong ngày kỷ niệm Giê-ru-sa-lem bị phá. Họ than khóc… Vì thế gọi là “tường than khóc”, ngày nay họ thích gọi là “Tường Phía Tây” hơn. Khi chiếm được Giê-ru-sa-lem năm 1967 họ đã phá một khu vực rộng ở gần bức tường, để có chỗ rộng rãi cho những ngưới đến cầu nguyện hàng ngày.
Năm 134 sau CGS, hoàng đế Adriano đã xây lại thành Giê-ru-sa-lem theo cấu trúc của một thành phố Rô-ma. Trong công trình này có kèm theo kế hoạch phá hủy dấu vết nơi Chúa chịu đóng đinh, được mai táng rồi phục sinh thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, vì các tín hữu vẫn kính viếng nơi này : trên mỏm đá gọi là Gôn-gô-tha (Cái Sọ), nơi dựng thập giá, vua cho đặt tượng thần Giu-pi-te, trên nơi có mộ của Chúa, thì đặt tượng nữ thần Ve-nut. Thế kỷ thứ tư, nhờ vua Công-tang-ti-nô và thái hậu Hê-lê-na, nơi Thánh này mới có Đền Thờ Mộ Thánh / Đền Thờ Chúa Phục Sinh.
Từ đó đến nay miền đất này và thành Giê-ru-sa-lem vẫn là nơi của máu và nước mắt, tranh giành, chia rẽ, chiến tranh và thiên tai. Tường thành Giê-ru-sa-lem cũng đứng, sụp, co, giãn tùy thời. Tường thành hiện nay là công trình của vua Su-lê-man (Thổ nhĩ kỳ) xây lại năm 1539-1542. Chính Đền Thờ Mộ Thánh / Chúa Phục Sinh cũng bị phá đi xây lại nhiều lần, rồi thay đổi cấu trúc bên trong. Cấu trúc chung hiện nay là công trình của thời Binh Thánh Giá. Vụ hỏa hoạn năm 1808 là cơ hội cho Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp thế lực của họ xóa bỏ mọi vết tích của Binh Thánh Gía ở bên trong, đưa tới bộ mặt bên trong như hiện nay. Nơi Thánh này vừa là bằng chứng sự phổ quát của Hội Thánh của Chúa, vừa là hình ảnh của sự chia rẽ trong Hội Thánh, như áo của Chúa bị lính chia làm bốn phần, nhưng chiếc áo dài dệt liền một tấm thì để nguyên mà bốc thăm (x. Gio-an 19, 23-24).
Đến viếng nơi thánh này thì người Việt Nam chúng ta có cảm tưởng như bước vào một gia đình Việt Nam “ngũ đại đồng đường” (năm đời sống chung một nhà) trong ngày Tết : ta thấy hình ảnh sự đoàn tụ đẹp đẽ, nhưng cũng nghe tiếng chí chóe của lũ cháu và có khi thấy cả những ánh mắt ganh ghét, tị nạnh của người lớn. Tuy nhiên ông, bà, cụ, cố, ngồi nhìn con cháu ba, bốn đời cùng sum họp, thì vuốt râu, mỉm cười hạnh phúc. Nhìn xuống cảnh chí chóe tranh giành ở đây chắc Chúa cũng mỉm cười và hãnh diện vì quy tụ được con cái loài người khắp năm châu bốn bể, tất cả cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, Đức Giê-su Ki-tô là Chúa. Ta đừng để mình bị chia trí, chi phối vì sự khác biệt, tranh giành bên ngoài, nhưng hãy tập trung chiêm ngắm bằng chứng Tình Yêu Thiên Chúa : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3, 16) ; “Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và đã thí mạng vì tôi” (Ga-lát 2, 20).
1- Cổng thánh Tê-pha-nô
Trở lại đường đi rước ngày Lễ Lá. Tường thành Giê-ru-sa-lem hiện nay có một cổng mở về phía Đông (cổng sư tử / thánh Tê-pha-nô), một cổng mở về phía Tây (cổng Giáp-pha), ba cổng mở về phía Bắc (Cổng Hê-rôt, cổng Đa-mát và cổng Mới), hai cổng mở về phía Nam (Cổng Xi-on, và cổng đổ rác). Đoàn rước từ Núi Ô-liu xuống qua nhà thờ Ghết-sê-ma-ni, theo con đường băng qua thung lũng Kít-rôn, qua khỏi tu viện thánh Tê-pha-nô của Giáo Hội Chính Thống, rồi lên giốc vào qua cổng gọi là Cổng Sư tử, vì có hình khắc hai con sư tử trên tường hai bên ; cũng gọi là Cổng Thánh Tê-pha-nô, vì theo truyền thuyết thì người ta lôi thánh Tê-pha-nô qua cổng này ra ngoài thành mà ném đá.
54 Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.
55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.56 Ông nói : "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa."57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng : "Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con."60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng : "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.
2- Nhà thờ thánh An-na
Đoàn rước vào qua cổng vài trăm mét thì vào nhà thờ Thánh An-na, nơi có hồ Bê-thét-đa, là nơi Chúa Giê-su chữa người bất toại đã nằm chờ 38 năm. Vết tích hồ này ở sâu 20 mét bên dưới mặt đất hiện nay. Khu vực này khá rộng, co các cha Hội Thừa Sai Phi Châu trông coi từ giữa thế kỷ thứ 19 tới nay.
Tin Mừng theo thánh Gio-an kể
1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên ; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : "Anh có muốn khỏi bệnh không ? "7 Bệnh nhân đáp : "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi ! "8 Đức Giê-su bảo : "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi ! "9Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. (Ga 5, 1-9)
Theo một truyền thuyết thì Đức Mẹ sinh ra ở đây. Nhà thờ khá lớn được xây từ thời Binh Thánh Giá. Bị người Hồi Giáo chiếm sau khi Binh Thánh Giá bị đuổi khỏi Giê-ru-sa-lem từ thế kỷ 13, mãi đến giữa thế kỷ 19, do quan hệ tốt giữa nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, vua Thổ Nhĩ Kỳ đã trao lại nơi này cho nước Pháp. Các cha Thừa Sai Phi Châu được trao nhiệm vụ giữ gìn nơi này từ đó tới nay.
Nhà thờ đơn sơ, không có trang hoàng nhiều. Nhưng có âm thanh rất tốt. Các đoàn hành hương thích hát thánh ca ở đây để thưởng thức âm thanh vang vọng không cần mi-cờ-rô. Dưới tầng hầm nhà thờ có bàn thờ kính nơi Đức Mẹ sinh ra. Trong giờ mở cửa, các cha Thừa Sai Phi Châu luôn có người trực để giảng giải cho khách hành hương.
4. Đàng Thánh Giá
Đàng Thánh Giá chúng ta đi theo hiện nay là truyền thống từ thời Binh Thánh Giá. Từ nhà thờ thánh An-na đi lên giốc vài tram mét, gặp tu viện của các Cha Phan-xi-cô.
Đối diện tu viện Phan-xi-cô, bên kia đường là một trường của trẻ em Hồi Giáo. Từ thời Binh Thánh Giá, người ta vẫn cho rằng Phi-la-tô trú đóng tại đây, trong pháo đài An-tô-ni-a, nên Chúa Giê-su bị Phi-la-tô trao cho lính đem Chúa đi đóng đinh từ đây. Và các tín hữu thời đó bắt đầu đàng Thánh Giá ở đây. Nhưng từ khi binh Thánh Giá bị đuổi đi, và người Hồi Giáo trấn giữ nơi này thì các tín hữu bắt đầu Đàng Thánh Giá từ tu viện Phan-xi-cô, trujyền thuyết coi là nơi Chúa bị đánh đòn. Chỉ có ngày thứ sáu Tuần Thánh thì người ta mở cho tín hữu vào trong sân trường để bắt đầu Đàng Thánh Giá long trọng buổi trưa.
Tiếp tục lên giốc một quãng ngắn, tới tu viện của các nữ tu Đức Bà Xi-on. Truyền thuyết coi đây là nơi Phi-la-tô đưa Chúa Giê-su đã bị đánh nhừ đòn, đội mão gai, mặc áo đỏ ra trước đám đông và tuyên bố : “Người đấy” (Ecce Homo), nên tu viện này có tên là “Ecce Homo”. Chặng thứ hai của Đàng Thánh Giá ở đây. Tiếp tục lên tới góc đường, quẹo tay trái thì gặp chặng thứ ba và thứ tư liền nhau.
Đi một đoạn ngắn chừng 100 mét nữa thì gặp chặng thứ năm. Quẹo tay phải đi lên theo con đường bậc thang, một phố buôn bán tấp nập, khách hành hương. Du lịch và người đi mua sắm chen nhau. Có lẽ ngày Chúa vác thánh giá là dịp lễ lớn, cũng phải chen chúc như vậy. Lên giữa đường thì gặp chặng thứ sáu, nơi có tu viện của các nữ tu Tiểu Muội Chúa Giê-su.
Lên hết giốc, tới góc đường thì gặp chặng thứ bảy và thứ tám gần nhau. Quẹo tay trái, tiếp tục chen chúc trên dãy phố buôn bán, gần hết đường thì có cầu thang lên tới chặng thứ chin, ở gần nhà thờ của tín hữu Ê-ti-ô-pi-a. Sau đó phải xuống lại, tiếp tục chen chúc hết dãy phố buôn bán, quẹo tay phải rồi tay trái thì gặp nhà thờ Chúa Cứu Thế của tín hữu Lu-te-rô. Tiếp tục đi, chui qua một cửa hẹp thì vào sân trước Đền Thờ Mộ Thánh. Người ta thường suy niệm chặng thứ mười ở sân này.
Vào qua cửa Đền Thờ, leo bậc thang lên nơi Chúa chịu đóng đinh. Ơ đây có bàn thờ kính Chúa chịu đóng đinh và bàn thờ Đức Mẹ Sầu Bi, chặng 11, do các cha Phan-xi-cô trông coi. Kế bên bàn thờ Đức Mẹ Sầu Bi là bàn thờ kính nơi dựng thánh giá và Chúa trút hơi trên thánh giá, thuộc Giáo hội Chính Thống.
Xuống khỏi nơi dựng thánh giá, thì có phiến đá trên nền nhà, gợi nhớ nơi tẩm liệm sau khi tháo đinh. Chặng thứ 13.
Từ đây đi vào chừng 50 mét thì tới Mộ Thánh. Mộ có một kiến trúc như một ngôi đền nhỏ trùm lên, qua một cửa hẹp vào nơi “tiền sảnh’ gọi là “nhà nguyện các thiên thần”, vì trong Tin Mừng nói đến thiên thần báo tin cho các phụ nữ biết Chúa không còn ở đây, vì Người đã sống lại rồi.
Đây là nơi Chúa được mai táng và cũng là nơi Chúa đã phục sinh. Người La-tinh gọi Đền Thờ Mộ Thánh, Người Hy Lạp gọi là Đền Thờ Chúa Phục Sinh.
Từ trong mộ bước ra thì thấy trước mặt là một “nhà nguyện” lớn, có vòm cao, trang hoàng lộng lẫy của Giáo Hội Chính Thống. Quẹo bên tay trái thì tới bàn thờ kính nơi Chúa Phục Sinh hiện ra với thánh nữ Maria Ma-đa-le-na. Đi thẳng mấy bước nữa là nhà thờ kính Chúa Giê-su hiện ra với Đức Mẹ. Không có sách Tin Mừng nào kể chuyện Chúa hiện ra với Đức Mẹ, nhưng theo truyền thống thôi. Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la viết trong sách Linh Thao : Kinh thánh giả thiết “chúng ta có trí khôn… Chúa hiện ra với bao nhiêu người chẳng lẽ không hiện ra với Mẹ của mình” (Linh Thao, s. 299).
Núi Ô-liu, nơi khởi đầu và kết thúc màu nhiệm Vuợt Qua
Núi Ô-liu ở phía đông, cách Giê-ru-sa-lem bởi thung lũng Kít-rôn, là nơi khởi đầu cuộc Khổ Nạn, vì là nơi Chúa Giê-su cầu nguyện và bị nộp vào tay những kẻ âm mưu giết Chúa.
Sách tin Mừng Lu-ca (Lc 24,50-51) và sách Công Vụ (Cv 1,6-13). Việc này đã được Lu-ca hé mở từ chương thứ 9, câu 51 :51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Cách nói ở đây đã gợi lại chuyện ông Ê-li-a được rước lên trời trong sách thứ hai các Vua :
1 Vào thời ĐỨC CHÚA đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc, ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa rời Ghin-gan. 2 Ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa : "Xin anh ở lại đây, vì ĐỨC CHÚA sai thầy đến Bết Ên." Nhưng ông Ê-li-sa thưa : "Có ĐỨC CHÚA hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy !" Rồi các ông đi xuống Bết Ên. 3 Các anh em ngôn sứ ở Bết Ên ra gặp ông Ê-li-sa và nói : "Ông có biết không, hôm nay ĐỨC CHÚA sẽ đem thầy của ông lên cao ngay trên đầu ông ?" Ông nói : "Tôi cũng biết chứ, im đi !" 4Ông Ê-li-a bảo ông : "Này Ê-li-sa, xin anh ở lại đây, vì ĐỨC CHÚA sai thầy đi Giê-ri-khô." Nhưng ông Ê-li-sa thưa : "Có ĐỨC CHÚA hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy ! " Và các ông đã đến Giê-ri-khô. 5 Các anh em ngôn sứ ở Giê-ri-khô đến gần ông Ê-li-sa và nói : "Ông có biết không, hôm nay ĐỨC CHÚA sẽ đem thầy của ông lên cao, ngay trên đầu ông ? " Ông nói : "Tôi cũng biết chứ, im đi !" 6 Ông Ê-li-a bảo : "Xin anh ở lại đây, vì ĐỨC CHÚA sai thầy đến sông Gio-đan." Nhưng ông thưa : "Có ĐỨC CHÚA hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy !" Rồi cả hai ông cùng đi.
7 Năm mươi anh em ngôn sứ cũng đi, đứng ở đằng xa, phía trước hai ông, còn hai ông thì đứng bên bờ sông Gio-đan. 8 Ông Ê-li-a lấy áo choàng của mình, cuộn lại mà đập xuống nước. Nước rẽ ra hai bên. Hai ông đã đi qua ráo chân. 9 Vậy, khi đã đi qua, ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa : "Anh cứ xin đi : thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh ?" Ông Ê-li-sa nói : "Xin cho con được hai phần thần khí của thầy !" 10 Ông Ê-li-a đáp : "Anh xin một điều khó đấy ! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế ; bằng không, thì không được." 11 Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. 12 Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên : "Cha ơi ! Cha ơi ! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en !" Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh. 13 Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. (2 V 2,1-13)
Sách Tin Mừng Lu-ca kể
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 24,50-53).
Sách Công Vụ kể
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?" 7 Người đáp : "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." (Cv 1,6-10)
Trên đỉnh núi Ô-liu có một ngôi nhà thờ từ năm 387, kính nơi được coi là nơi Chúa Lên Trời. Người Ba Tư đã phá hủy năm 614 và giết 1207 Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem. Thời Binh Thánh đã xây lại nhà thờ này, nhưng năm 1187 người Hồi Giáo biến thành “nhà thờ” của họ. Nay các cha Phan-xi-cô chỉ được cử hành tại đó Kinh Chiều áp lễ Lên Trời và thánh lễ tại đó từ nửa đêm cho tới trưa ngày lễ Chúa Lên Trời. Hàng ngày, khách hành hương và du khách muốn vào phải trả tiền.
Tin Mừng về Màu Nhiệm Vượt Qua (Đau Khổ và Vinh Quang)
Cốt lõi đầu tiên của Tin Mừng mà các Tông Đồ công bố từ ngày đầu rao giảng là Cuộc Khổ Nạn và Vinh Quang Phục Sinh của Chúa.
Mỗi sách Tin Mừng có một cách nhìn về màu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, nên cố gắng dành thời giờ đọc và suy niệm theo từng sách Tin Mừng. Tôi đã viết bài giải thích những chương này trong từng Sách Tin Mừng, đã in trong cuốn “Ngài Đến Đây Làm Gì ?” (Antôn & Đuốc Sáng, 2015).
Ngồi trong Giê-ru-sa-lem hay trên núi Ô-liu mà đọc và suy niệm Tin Mừng “Khổ Nạn và Vinh Quang”, ít là trong một sách Tin Mừng, thì sẽ thấm thía nhớ đời, vì đọc tại nơi đã diễn ra các việc này và cũng là nơi các Tông Đồ được Thánh Thần soi sáng để giải nghĩa nhiệm màu cho chúng ta, còn hơn cả lời của Hàn Mặc Tử mời ta ngồi ngắm trăng mờ Đalat để “xem trời giải nghĩa yêu”. Ở đây từng viên đá, từng ngọn cây, từng con phố, từng khuôn mặt… đều giúp ta thấy được “Tình Chúa yêu ta” bao la hơn trời cao đất rộng như thế nào, vì tại đây Thiên Chúa đã bày tỏ lòng yêu ta đến nỗi ban Con Một yêu dấu cho ta (Ga 3,16). Tại đây, Con Một Thiên Chúa đã làm người : tại đây Con Thiên Chúa đã sống, sống trọn kiếp người, đã chết, đã từ cõi chết trỗi dậy và lên trời vinh hiển để đem chúng ta lên với Người, đã biến đổi kiếp người của chúng ta bằng vinh quang Thiên Chúa và sự sống đời đời.
CHÍNH NHỜ NGƯỜI, VỚI NGƯỜI VÀ TRONG NGƯỜI
MÀ MỌI DANH DỰ VÀ VINH QUANG ĐỀU QUY VỀ CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG
TRONG SỰ HỢP NHẤT CỦA CHÚA THÁNH THẦN MUÔN ĐỜI.
Phần thứ ba
Tin Mừng Thời Thơ Ấu
Dẫn nhập
“Tin Mừng thời Thơ Ấu” là bước phát triển cuối cùng trong quá trình các Tông Đồ được Thánh Thần hướng dẫn để nhận biết màu nhiệm Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ muôn dân, đi ngược lên từ Khổ Nạn và Vinh Quang, tới Phép Rửa của ông Gio-an, rồi lên đến ngay từ khi thành thai trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Các Tông Đồ nhận ra kế hoạch Thiên Chúa đã chuẩn bị và loan báo qua các ngôn sứ, từ lời hứa cho tổ tiên loài người ngay khi vừa bị Xa-tan lừa dối mà bất tuân lệnh của Thiên Chúa (St 3,15), đến lời hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham một dòng dõi sẽ đem phúc lành cho muôn dân (St 12,1-3), lời nhà chiêm tinh Bi-lơ-am (Ba-la-am) loan báo về ngôi sao từ lều Gia-cóp (Ds 24,16-17), rồi lời hứa cho vua Đa-vít một triều đại vững bền muôn đời (2 Sm 7), lời hứa cho vua A-khát, thuộc dòng dõi Đa-vít, một dấu hiệu ơn cứu độ (Is 7,14), lời sách Mi-kha loan báo về Be-lem (Mk 5,1-3).
Cựu Ước kể việc ông Sa-mu-ên được Thiên Chúa sai đi Be-lem xức dầu cho một người con của nhà Giê-sê để làm vua thay Sao-lê, đó là cậu út Đa-vít, “chàng mục tử đẹp” đang lùa chiên ngoài đồng (1 Sm 16,1-13).
Hai sách Tin Mừng có kể về thời thơ ấu của Chúa Giê-su là Lu-ca 1-2 và Mat-thêu 1-2. Cả hai đều vận dụng những lời loan báo kể trên, nhưng mỗi sách theo một hướng suy nghĩ và một cách vận dụng khác nhau. Tin mừng Mát-thêu dùng phương pháp trích dẫn, dễ thấy dễ nhớ : kể chuyện về Chúa Giê-su rồi trích dẫn cho thấy : “Ây là để ứng nghiệm lời Sách Thánh…” Tin Mừng Lu-catinh vi hơn, không trích dẫn nhưng vận dụng hình ảnh, từ ngữ và cấu trúc của bản văn loan báo để dệt nên bản văn kể chuyện của mình, như vậy người đọc cảm nghiệm được rằng chuyện xảy ra và đang được kể lại cho mình nghe là ứng nghiệm những lời ngôn sứ đã loan báo từ xưa.
1. Be-lem, thành vua Đa-vít (Lu-ca 2,10-12)
"Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Sách Tin Mừng Lu-ca mở đầu với hai câu chuyện Thiên Sứ báo tin về hai trẻ sẽ sinh ra : trong Đền Thờ, tư tế Da-ca-ri-a được Thiên Sứ báo tin rằng bà vợ già son sẻ của ông sẽ sinh một đứa con trai để đi trước mặt Chúa, dọn lối cho Người ; tại làng Na-da-rét ở miền núi Ga-li-lê chẳng ai biết đến, một trinh nữ tên là Ma-ri-a, đã đính hôn với Giu-se thuộc dòng dõi vua Đavít, nhưng chưa rước dâu, Thiên sứ dùng những lời trong sách Xô-phô-ni-a nói với Xi-on và những lời Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít (xem bản văn trích dẫn ở phần thứ nhất), cùng những lời Cựu Ước nói về sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa trên lều Hội Ngộ và Đền Thờ để giải thích cho Trinh Nữ biết.
Ông Da-ca-ri-a xong thời gian phục vụ thì về nhà, trở lại cuộc sống vợ chồng, rồi bà có thai. Trinh Nữ Ma-ri-a thì chưa rước dâu nên xin thiên sứ cho biết phải làm sao. Thiên sứ dùng những lời Cựu Ước nói về sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa trên lều Hội Ngộ và Đền Thờ để giải thích cho Trinh Nữ [và cho chúng ta] biết nàng sẽ thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, chứ không phải do chuyện vợ chồng ăn ở với nhau như thường tình, nên chưa rước dâu cũng không thành vấn đề. Thiên sứ cho nàng biết chuyện bà già son đã có thai được sáu tháng rồi. Bà già son có thai với chồng, hay Trinh Nữ thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần đều là công trình của Thiên Chúa, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được !
Cuộc thăm viếng là dịp cho hai bà mẹ và hai trẻ gặp nhau. Đứa con trong bụng bà I-sa-ve bắt đầu thi hành sứ mạng mở đường của mình bằng cách nhảy mừng như Vua Đa-vít đi trước Hòm Bia, bà mẹ được đầy Thánh Thần để công bố điều màu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a : Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi
Trong những trình thuật tiếp theo, Lu-ca tiếp tục vận dụng cùng một phương pháp “đối chiếu ngầm” để phân ngôi “Chúa – tôi ” giữa hai trẻ :
- con bà I-sa-ve sinh ra trong khung cảnh gia đình ấm cúng, có bà con và xóm giềng tới mừng, cả khi sinh ra lẫn ngày cắt bì đặt tên ;
- con của Trinh Nữ, thuộc dòng dõi Đa-vít (vì chồng là người dòng dõi Đa-vít, tuy không phải là “tác phẩm” của ông, nhưng theo luật thì con trẻ vẫn thuộc dòng dõi Đa-vít), ra đời tại thành vua Đa-vít, sinh quán của vua Đa-vít, nhưng không có chỗ - từ ngữ trong bản văn Hy-lạp (Lc 2,7) có thể hiểu là trong quán trọ [như người ta quen dịch], và có thể hiểu là trong đại sảnh của dòng họ để con cháu về thì có chỗ nghỉ ngơi [như đại sảnh trên lầu của gia đình ở Giê-ru-sa-lem cho Chúa mượn để ăn lễ Vượt Qua (Lc 22,12), và sau khi Chúa lên trời thì các môn đệ tụ họp ở đây cùng với Đức Mẹ, x. Cv 1,13] – Mẹ phải đặt nằm trong máng cỏ của bò lừa, [có thể là ngay nơi nhốt chiên, bò lừa của gia đình, không nhất thiết giữa đồng không mông quạnh như ta thường tưởng tượng, như vậy càng đau xót hơn] - họ hàng, xóm giềng chẳng ai ngó ngàng tới cặp vợ chồng trẻ xứ Ga-li-lê quê mùa, nghèo hèn và đứa con này. Tin Mừng Gioan thâu tóm trong nỗi đau này bằng một câu : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
- con của bà già I-sa-ve được cắt bì đặt tên giữa dòng họ quây quần tranh luận về cái tên phải đặt, rồi lớn lên trong hoang địa ;
- con của Trinh Nữ khi cắt bì đặt tên, cũng như khi chào đời, chẳng có họ hàng thân thích tời dự, nhưng sau đó được đưa vào Đền Thờ. Câu chuyện gợi lời sách Ma-la-khi : 1 Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến (Ml 3,1).
Ngoài ra, nên chú ý tới cách Tin mừng Lu-ca bố cục theo kịch nghệ Hy-lạp, phân làm bốn màn, mỗi màn kết thúc thúc bằng một bài ca mà phụng vụ Hội Thánh dùng trong các giờ kinh sáng, chiều, tối và trong thánh lễ.
***********************
Be-lem cách Giê-ru-sa-lem khoảng 9 cây số về phía nam, địa thế cao hơn, mặt biển Địa Trung Hải 777 mét. Đêm Giáng Sinh nhiều người đi bộ từ Giê-ru-sa-lem xuống Be-lem.
Trong kế hoạch xóa dấu vết của Ki-tô giáo, đế quốc Rô-ma lập vườn thờ thần A-đô-nit (Tam-mút) trên nơi các tín hữu ban đầu kính viếng như là nơi Chúa Giáng Sinh. Thời vua Công-tan-ti-nô (thế kỷ thứ tư) Vương cung thánh đường Giáng sinh mới được xây lên tại đó, rồi gần hai trăm năm sau, thời hoàng đế Giút-ti-ni-a-nô, được xây lại trên nền cũ. Khi quân Ba-tư chiếm đất này năm 614, họ phá hết mọi nơi thờ phương của các Ki-tô hữu tại Thánh địa, nhưng thấy trong nhà thờ này có hình “Ba Vua” mặc đồ Ba Tư, họ không phá. Phần chính của Vương cung thánh đường hiện nay do Giáo Hội Chính Thống Hy-lạp giữ. Người công giáo chỉ được dâng lễ ở bàn thờ của mình (gọi là Bàn Thờ Máng Cỏ), trong hang Giáng Sinh ở bên dưới cung thánh.
Mấy năm gần đây công việc trùng tu đang tiến hành đã cho thấy lại những bức họa bằng đá ghép rất đẹp (mosaic) trên tường và các bức họa trên các cây cột. Dưới nền nhà thì có một khoảng được mở ra cho thấy nền nhà trang trí bằng đá ghép từ thời nhà thờ đầu tiên.
Bên cạnh nhà thờ này, có nhà thờ do các cha Phan-xi-cô xây trên nền tu viện của thánh Giê-rô-ni-mô (thế kỷ thứ năm), kính thánh nữ Ca-ta-ri-na (Ai-cập). Đêm Giáng Sinh, thánh lễ nửa đêm cử hành tại đây, muốn dự phải xin vé sớm ba bốn tháng trước, vì chỉ có một ngàn chỗ cho người tham dự. Thường ngày, các đoàn hành hương đông người có thể xin dâng lễ ở đây, vì ở Hang Giáng Sinh chật hẹp, chỉ có thể cho tối đa là 16 người tham dự thôi.
Các cha Phan-xi-cô có nhà “Casa Nova” cho khách hành hương trọ ở bên cạnh.
Gần nhà thờ còn có một chỗ gọi là Hang Sữa, vì có truyền thuyết cho rằng sau khi Chúa Giê-su sinh ra thì thánh Giu-se tìm được một hang đá rộng rãi hơn gần đó và di chuyển qua đó… Nơi này do các cha Phan-xi-cô trông coi, có nhà nguyện đặt Mình Thánh chầu suốt ngày.
2. Cánh đồng mục tử
Tin Mừng Lu-ca kể rằng thiên sứ đến báo tin cho những người chăn chiên thức đêm canh giữ đàn vật ở ngoài đồng, họ bảo nhau : “Nào ta sang Be-lem…” Truyền thống từ những thế kỷ đầu đã ghi nhận quả đồi cách Be-lem một thung lũng gọi là cánh đồng bà Rút (x. sách truyện bà Rút, bà nội của vua Đa-vít, trong Cựu Ước), nay gọi là làng Bét Sa-hua. Cánh đồng bà Rút thì nay đầy nhà cửa nối liền hai bên thung lũng. Ở đây có vết tích những nhà thờ, tu viện từ thời thế kỷ thứ tư, thứ năm, hiện do các cha Phan-xi-cô trông coi. Có nhà nguyện rất đẹp trên đỉnh đồi, do Giáo Hội Công Giáo Canada dâng cúng. Bên sườn đồi có nhiều hang đá được biến thành nhà nguyện để dâng lễ. Đêm Giáng Sinh nhiều đoàn hành hương dâng lễ tại đây, rồi đến sáng thì qua viếng Be-lem.
8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ : "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." 13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng :
14 "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."
15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." 16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (Lc 2,8-17).
Đọc đoạn Tin Mừng này, xin chú ý đặc biệt tới dấu hiệu thiên sứ cho những người chăn chiên để nhận ra Đấng Cứu Độ, Đấng Ki-tô. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Dấu hiệu không chỉ sự khác thường, nhưng là cho thấy Đấng Cựu Độ vừa sinh ra cũng giống y như những đứa con của họ. Họ sống trong những hang động quanh đây, khi con họ sinh ra thì họ cũng vấn tã rồi kéo cái máng cỏ, trải rơm trải cỏ và đặt con họ vào đó. Đấng Ki-tô, con vua Đa-vít sinh ra trong cảnh nghèo hèn, họ hàng, xóm giềng chẳng ai mở cửa cho trọ, cũng chẳng ai tới thăm. Những người chăn chiên là cùng đinh bên lề xã hội và tôn giáo. Họ bị coi là ô uế, không được vào Đền Thờ ; mà họ cũng chẳng có thời giờ để đi tới Giê-ru-sa-lem. Thiên sứ được sai đến báo tin cho họ biết và lập tức họ rủ nhau hối hả đi sang Be-lem để đón nhận Tin Mừng. Trong bài giảng “Phúc Thật”, thánh Lu-ca kể lời Chúa nói trực tiếp với người nghèo : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).
3. Đức Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu ?
Tin Mừng thời thơ ấu theo thánh Mát-thêu trình bày gốc tích Đức Giê-su Ki-tô, dòng dõi vua Đa-vít, dòng dõi Áp-ra-ham. Hài nhi mang tên Giê-su này là người dòng dõi vua Đa-vít, dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham như thế nào ? làm sao lại là Đức Ki-tô ?
Tin Mừng Mát-thêu mở đầu với bản “Gia phả Đức Giê-su Ki-tô” được kể xuôi từ tổ phụ Áp-ra-ham và Đa-vít xuống tới ông Giu-se, người đặt tên cho Hài nhi, tức là thi hành bổn phận làm cha đối với hài nhi. Đó là kể ngược so với văn gia phả trong Sách Thánh : gia phả của một người thì kể con cháu của người đó (sách Sáng thế và sách Sử biên niên cho rất nhiều gia phả). Hai vị tổ phụ được đặt làm cột mốc là Đa-vít và Áp-ra-ham, cũng là kể ngược. Tại sao lại nêu tên hai vị tổ phục này như hai cột mốc chính ? Vì hai vị này đã nhận được những lời hứa của Thiên Chúa mà Mát-thêu muốn chỉ cho ta thấy là được thực hiện đầy đủ nơi hài nhi này.
Đến ông Giu-se thì lại thấy một kẽ hở : đang đọc ngon trớn ông A sinh ông B, ông B sinh ông C do bà N… bỗng ta bị sụp, vì “ông Giu-se là chồng bà Ma-ri-a, do bà này mà Đức Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, sinh ra”. Tại sao ? Mát-thêu tiếp tục làm bảng tổng kết, từ Áp-ra-ham tới Chúa Giê-su là ba chuỗi 14 đời. Nhưng “kiểm toán” cho kỹ thì phát hiện ra chuỗi thứ ba chỉ có 13 đời thôi. Điều bí ẩn nằm ở vết gãy giữa ông Giu-se và Chúa Giê-su.
Mát-thêu thủng thẳng kể tiếp : Gốc tích Đức Giê-su Ki-tô là thế này… Chuyện éo le dày vò ông Giu-se. Có gì bí ẩn nơi vị hôn thê mà ông không hiểu và nàng cũng lặng lẽ không nói một lời. Một đêm tối tăm dày đặc, ông đã quyết định âm thầm ca bài “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu...” như trong truyện trầu cau của Việt Nam. Ánh sáng bừng lên trong đêm tối khi Thiên sứ đến trong giấc mộng để giải nghĩa nhiệm màu cho ông và truyền cho ông ca bài “anh đưa nàng về dinh”, rồi đặt tên cho đứa con trai do nàng sinh ra. Mát-thêu kể rằng cha đẻ ông Giu-se tên là Gia-cóp, vậy là giống như Giu-se thời các tổ phụ. Ông cũng nhận ánh sáng của Chúa trong giấc mộng. Giu-se ngày xưa được Thiên Chúa sai đi Ai-cập trước để cứu cả gia đình, Giu-se này cũng sẽ nhận lệnh “đem hài nhi và mẹ” trốn sang Ai-cập, để thoát tay Hê-rô-đê tàn sát. Mát-thêu bảo đó là ứng nghiệm Is 7,14.
Đến đây ta có cảm tưởng như Đức Giê-su là điểm tới của gia phả ông Áp-ra-ham. Đến cuối sách ta mới thấy Chúa Giê-su không phải là điểm tới, nhưng là điểm khởi đầu mới để gia phả Áp-ra-ham tiếp tục theo lời hứa của Thiên Chúa. Chúa Giê-su phục sinh sẽ gọi các môn đệ là “anh em của Thầy” và sai họ đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, tức là trở thành anh em của Chúa và con cháu của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham đem phúc lành cho muôn dân và làm cha nhiều dân tộc. (Mt28,10.19-20 ; x. St 12,1-3 ; 22,15-18).
Ngôi sao của Người
Sang chương thứ hai thì Mát-thêu lại dùng câu chuyện Bi-lơ-am (Ba-la-am) trong sách Dân Số (22-24) làm nền để kể chuyện xảy ra sau khi Chúa Giê-su sinh ra tại Be-lem. Bi-lơ-am là nhà chiêm tinh ở phương Đông được vua Mô-áp mời đến để nguyền rủa, trù ẻo dân của Giao Ước Xi-nai mượn đường đi vào Đất Hứa, vì hoảng sợ. Bảy lần lập bàn thờ tế lễ, bảy lần Chúa vặn họng Bi-lơ-am để chúc lành cho Dân Chúa thay vì trù ẻo, lần thứ bảy ông nói đến “ngôi sao” :
16 Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. 17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên ; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp,một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết. (Ds 24,16-17).
Tin Mừng Mát-thêu kể
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
Các vị này là “đồng nghiệp” và đồng hương với Bi-lơ-am. Bi-lơ-am thấy ngôi sao còn xa, trong thị kiến của ông thôi. Các vị đồng nghiệp đồng hương của ông quả quyết : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Điều nghịch lý là những người từ phương đông lại ghi nhờ lời của Bi-lơ-am và chờ đợi, đi tìm, còn con cái của Gia-cóp thì biết chính xác nơi Ngài sinh ra, nhưng lại đứng về phía Hê-rô-đê “Hê-rô-đê bối rối – cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao”. Hê-rô-đê Cả tỏ ra xứng đáng là cha đẻ ra “cáo già” Hê-rô-đê con (x. Lc 13,31-32). Ông muốn biến các nhà chiêm tinh đi tìm bái lạy Vua người Do-thái thành “công an chìm” của ông để đi “dò hỏi tường tận”… Thượng tế và kinh sư thì bình chân như vại. Ngôi sao họ đã thấy lại xuất hiện và đích thân dẫn họ tới nơi hài nhi và Mẹ đang ở, rồi thiên sứ báo cho họ biết, và họ đi đường khác mà về xứ mình. Vua Mô-áp và Bi-lơ-am cũng đã chia tay nhau, đường ai nấy đi.
Câu chuyện này cũng báo trước chuyện sẽ xảy ra khi “Vua người Do-thái” vào Giê-ru-sa-lem : 8 Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9 Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời.
10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : "Ông này là ai vậy ?" 11 Dân chúng trả lời : "Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy."
Đã gặp Chúa thì không thể quay lại “đường xưa lối cũ”. Chúa là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Chú thích
1) Ngay tại Be-lem có ba trại di cư cho người Pa-lét-tin, vẫn còn đó sau hơn 60 năm : họ không có đất, không có nhà, không có công ăn việc làm ngay trên phần đất cha ông họ đã sống từ bao đời. Liên Hiệp Quốc vẫn ăn no ngủ yên trên số phận của họ. Điều này và bao nhiêu bất công khác giải thích sự căng thẳng triền miên, mà dân cả hai bên phải sống từ đó tới nay, chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Không có nhận xét nào: