4 ĐỀN THỜ ROMA


Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong mục Sinh Hoạt hôm nay và các lần tới chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị các vương cung thánh đường lớn tại Roma, bắt đầu là Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đền thờ Thánh Phêrô được xây trên mộ của thánh nhân, tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64. Chương 12 sách Công Vụ kể rằng sau khi ra lệnh chém đầu Giacôbê là anh của Gioan, vua Hêrôđê thấy việc này làm vừa lòng người Do thái nên ra lệnh bắt cả Tông đồ Phêrô là Thủ lãnh Giáo Hội. Nhưng đêm trước ngày bị đem ra xử, thiên thần Chúa đã giải thoát Phêrô. Ông đến nhà bà Maria, mẹ của Marcô, kể lại việc Chúa đã đưa ông ra khỏi tù như thế nào. Thánh nhân xin họ báo tin cho Giacôbê và các Tông Đồ khác biết, rồi đi đến một nơi khác. Rời bỏ đất Palestina thánh Phêrô sang tới Roma rao giảng Tin Mừng cho dân chúng tại đây. Cộng đoàn Kitô Roma đã không do các Tông Đồ thành lập, nhưng chắc chắn do các lính Roma, trong đó có quan bách quản Cornelio, ông Longino là người lính đã cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu,  và những người Roma đã tin theo Chúa Giêsu, cũng như các thương gia hay các nô lệ biết Chúa tin Chúa nên truyền bá Tin Mừng cho những người khác, và hình thành ra cộng đoàn kitô Roma, bao gồm nhiều nô lệ.  Vào thế kỷ thứ Nhất tại Roma có tới 1 triệu nô lệ thuộc đủ mọi quốc tịch và giai tầng xã hội, kể cả người trí thức. Đa số các đền đài thành quách của đế quốc được xây dựng với xương máu của các nô lệ.

Vào năm 64 hoàng đế Nêron muốn xây một thành Roma mới nên ra lệnh cho lính đốt các khu xóm ổ chuột. Vụ hoả hoạn cố ý này đã khiến cho dân chúng Roma nổi loạn. Hoàng đế liền vu khống cho các kitô hữu và bắt đầu bách hại họ. Nhớ lời Chúa Giêsu dặn: khi họ bắt bớ các con ở thành này, hãy trốn qua thành khác, thánh Phêrô bỏ Roma đi ra ngoài thành theo đường Appia Antica, là con lộ nối liền trung tâm đế quốc Roma với các vùng khác: lên phía bắc dọc ven biển qua Tiểu Á và xuống phía nam qua tới Phi châu. Nhưng khi vừa ra khỏi thành khoảng 500 mét, thánh nhân gặp Chúa Giêsu đi vào ngược chiều nên ngài hỏi: “Domine, quo vadis, Lậy Thầy Thầy đi đâu?”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta vào thành để chết một lần nữa.” Hiểu ý thánh Phêrô quay vào thành và liền bị hoàng đế Neron bắt, đem ra xử ở quảng trường trong khu phố do thái, hiện có nhà thờ Đức Bà in Trastevere, rồi bị điệu đi đóng đinh tại hí trường Neron trên đồi Vaticăng. Hí trường này hiện ở bên dưới đại thính đường Phaolô VI. Khi bị đóng đinh Thánh Phêrô nói với các lý hình là ngài không xứng đáng chết như Thầy mình nên xin họ giộng ngược đầu thánh giá xuống đất. Tín hữu đã chôn cất thánh nhân ngay trong nghĩa trang cổ của Roma nằm cạnh hí trường. Hiện nay nghĩa trang này ở bên dưới Đền Thờ thánh Phêrô.

Trong các năm 77-88 ĐGH Anacleto đã cho xây một nhà nguyện nhỏ dâng kính thánh Phêrô. Năm 313 hoàng đế Costantino ký sắc lệnh bỏ bắt bớ Kitô giáo và năm 324 khi  cho xây vương cung thánh đường nguy nga đầu tiên kính thánh nhân ngay trên mộ ngài, hoàng đế đã ra lệnh lấp đất toàn bộ nghĩa trang này. Đền thờ được ĐGH Silvestro thánh hiến năm 326, dài bằng hai phần ba đền thờ hiện nay gồm 5 gian dọc, còn dấu tích các bức tường và một số cột ở bên dưới đền thờ hiện nay. Đền thờ đã chỉ hoàn tất năm 349, sau 25 năm kiến trúc dưới thời hoàng để Costanzo, con của hoàng đế Costantino. Trong các thế kỷ sau đó đền thờ đã được tu bổ và trang hoàng với nhiều chất liệu khác nhau như đá cẩm thạch quý lấy từ các đền đài ngoại giáo ở Roma hay từ Đông Phương, kể cả gỗ bá hương của Libăng. Trước bàn thờ chính có một tảng đá vân ban tròn. Chính tại đây năm 800 hoàng đế Carlo Cả đã quỳ để được ĐGH Leo III thánh hiến phong vương. Tảng đá này hiện còn được gắn trên nền đền thờ hiện nay, cách cửa vào hơn chục thước.

Cho tới năm 1308, các ĐGH cư ngụ trong dinh gần Đền Thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính toà của Roma. Nhưng năm 1308 quân Pháp đánh Italia và bắt ĐGH về Avignon. Các Giáo Hoàng sống tại Avignon cho tới năm 1377, khi thánh nữ Catarina thành Siena viết thư cho ĐGH nói rằng chỗ của ĐGH là tại Roma. Trong thời gian này đền thờ thánh Phêrô đã hầu như bị bỏ hoang nên hư hại rất nhiều.

Vào năm 1452 thấy đền thờ muốn sập, ĐGH Nicolo V quyết định xây đền thờ mới và giáo nhiệm vụ cho kiến trức sư Bernardo Rossellino. Nhưng phải đợi cho đến năm 1502 công việc xây cất mới tiến triển với ĐGH Giulio II. Kiến trúc sư Donato Bramante bỏ đồ hình thánh gia latinh của Rossellini để theo đồ hình thánh giá hy lạp 4 cánh bằng nhau, với một mái tròn lớn chính giữa và hai mái nhỏ hai bên. Năm 1515 Raffaello lấy lại đồ hình thánh gia latinh. Petruzzi theo đồ hình thánh gia Hy lạp. Sangallo lấy lại họa đồ thánh gia latinh. Năm 1546 khi ĐGH Phaolo III giao cho Michelangelo việc xây cất ông lại theo đồ hình thánh giá hy lạp. Khi Michelangelo qua đời năm 1564, Vignola hoàn thành hai mái tròn nhỏ, trong khi các kiến trúc sư Pirro Ligorio, Giovanni della Porta và Domenico Fontana hoàn thành mái tròn lớn. ĐGH Palolo V truyền cho Carlo Maderno nối dài gian chính giữa đền thờ thành hình thánh giá latinh với hành lang và mặt tiền như thấy hiện nay. Ngày 18 tháng 11 năm 1626 ĐGH Urbanbo VIII long trọng thánh hiến đền thờ mới nhân kỷ niệm 1.300 năm ngày thánh hiến đền thờ cũ. Kiến trúc sư Bernini xây thêm hai tháp chuông nhỏ, nhưng phải phá đi một cái, vì vết nứt dưới chân móng.

Đền thờ thánh Phêrô có diện tích 15.160 mét vuông, trong khi nhà thờ chính toà Milano chỉ có 11.700 mét vuông, Saint Paul ở Luân Đôn 7.875 mét vuông, thánh nữ Sophia ở Costantinopoli là 6.890 mét vuông Koeln 6.166 mét vuông, Nhà thờ Đức Bà Paris 5.966 mét vuông. Tất cả các nhà thờ khác lọt thẳm trong đền thờ thánh Phêrô.

Đền thờ dài 211 mét 50 kể cả mặt tiền. Gian giữa cao 46 mét 20 , rộng 27 mét 50. Gian ngang bên trong dài 137 mét 50. Mái tròn kể cả thánh giá cao 132 mét 50, chu vi 42 mét, nhỏ hơn mái tròn của Pantheon 1 mét 40.

Mặt tiền đền thờ dài 114 mét 69, cao 45 mét 44, kiểu barốc, có 4 trụ chính và 8 cây cột nâng mái tiền đường, với hàng chữ dâng kính có từ thời ĐGH Phaolo V. Bên trên có 5 cửa và 5 bao lơn. Bao lơn chính giữa là nơi ĐGH ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trong các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh và Đầu Năm mới. Cũng từ bao lơn này Hồng Y niên trưởng công bố tên của Đức Tân Giáo Hoàng sau khi được Mật nghị Hồng Y bầu.

Trên cùng là sân thượng trang hoàng với các bức tượng cao 5 mét 70: Chúa Giêsu, thánh Gioan Baotixita và 11 Tông Đồ, không có thánh Phêrô, và hai chiếc đồng hồ do kiến trúc sư Giuseppe Valadier làm năm 1822. Dưới đồng hồ  bên trái là quả chuông có chu vi 7 mét 50 nặng 9 tấn 3.

Tiền đường dẫn vào đền thờ dài 71 mét, rộng 13 mét. Bên trái là tượng hoàng đế Carlo Cả, bên phải là tượng hoàng đế Costantino do Bernini tạc năm 1670. Cửa thứ nhất bên phải là Cửa Thánh chỉ mở trong các Năm Thánh. Đối diện với cửa chính giữa là bức khảm đá mầu nổi tiếng của Giotto tựa là “Con thuyền nhỏ” hay “Dẹp yên bão tố”, tượng trưng cho con thuyền Giáo Hội lênh đênh giữa sóng gió trần gian, nhưng luôn có Chúa hiện diện hộ phù.

Cánh cửa đồng chính giữa thuộc đền thờ cũ do Filarete chạm trổ giữa các năm 1439-1445 diễn tả Chúa Giêsu Đức Mẹ, hai thánh Phêrô Phaolô và cảnh các ngài tử đạo: thánh Phêrô bị đóng đinh ngược và thánh Phaolô bị chặt đầu. Các bức vẽ trên cao diễn tả các cảnh thần thoại và cảnh Roma, thú vật, hoa trái và chân dung các hoàng đế. Cửa thứ hai và thứ 5 là của nhà điêu khắc Giacomo Manzù.

Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII cho đào khảo cổ nghĩa trang bên dưới và người ta đã tìm thấy xương của thánh Phêrô được gói trong một miếng nhung đỏ viền chỉ vàng đặt trong một hộc có bảng viết “Petros Eni” Phêrô ở đây. Xương thánh nhân hiện được đặt trong một hòm ở hầm đền thờ, thẳng bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Quảng trường thánh Phêrô là một trong các quảng trường rộng và đẹp nhất thế giới, dài 340 mét rộng 240 mét. Chính giữa hình bầu dục, hai đầu hình thang. Quảng trường do kiến trúc sư Bernini xây giữa các năm 1656-1667. Nó biểu tượng cho trung tâm Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và gồm hai hàng hiên giống như đôi cánh tay Mẹ hiền Giáo Hội giang rộng đón chào các đoàn con từ khắp nơi trên thế giới tuốn về. Hai hàng hiên có mái che gồm 88 trụ cột lớn và 280 cây cột kiểu đô rích xếp thành 4 hàng, bên trên được trang hoàng với 140 bức tượng các thánh và huy hiệu của ĐGH Alessandro VI. Phần lớn trong số các cây cột này được lấy từ các đền đài ngoại giáo, chẳng hạn như đền Septizionium thời hoàng đế Settimo Severo, cai trị Roma từ năm 193 tới 211.

Chính giữa quảng trường là tháp bút nham thạch đỏ cao 25 mét 50 lấy từ thành phố Heliopolis bên Ai Cập, và được hoàng đế Caligula đặt ở chính giữa hí trường trên đồi Vatican. Ngày 10 tháng 9 năm 1586 ĐGH Sisto V truyền cho kiến trúc sư Domenico Fontana dựng tháp bút giữa quảng trường. Ông đã phải huy động 800 công nhân, 150 con ngựa và rất nhiều máy móc mới dựng nổi. Chung quanh tháp bút là hình hoa hồng gió bốn phương. Giữa tháp bút và hai phông ten có một tảng đá tròn, từ đó có thể trông thấy bốn hàng cột của mái hiên sắp thành hàng thẳng tắp như thể chỉ có một cột.

Hai phông ten hai bên  cao 14 mét, cái bên phải xây hồi thế kỷ XVI dưới thời ĐGH Sisto V, cái bên trái hồi thế kỷ XVIII dưới thời ĐGH Clemente XI. Kể từ thời ĐGH Pio IX tượng thánh Phêrô do De Fabris tạc và tượng thánh Phaolô do Tadolini tạc thay thế hai bức tượng của Paolo Romano. Bên phải quảng trường là Cửa Đồng dẫn lên Dinh Tông Toà. Cửa sổ thứ hai tầng trên cùng là nơi ĐGH thường đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu mỗi trưa Chúa Nhật và trong vài ngày lễ. Phiá nối tiếp có mái xanh là Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Đàng sau là mái cuả nhà nguyện Sistina nơi các Hồng Y bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Trên mái có ống khói nhỏ. Khi chưa bầu xong, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói đen. Khi bầu xong rồi, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói trắng, như dấu chỉ đã có Tân Giáo Hoàng. Sau đó từ bao lơn chính giữa mặt tiền đền thờ ĐHY niên trưởng sẽ công bố cho tín hữu đợi dười quảng trường biết “Habemus Papam Chúng ta có Giáo Hoàng” với danh tánh và tên gọi của ngài. Sau đó Đức Tân Giáo Hoàng ra mắt chào và ban phép lành đầu tay cho dân chúng.

Quảng trường thánh Phêrô có thế chứa được hơn 200.000 người. Nếu đứng chật ở cả quảng trường Piô XII và Đại Lộ Hoà Giải thì được hơn 300.000.

Đại lộ Hoà Giải được xây năm 1937 trên các khu xóm thời Trung Cổ và Phục Hưng, sau khi Toà Thánh và nước Italia ký thỏa hiệp Laterano ngày 11 tháng 2 năm 1929 thừa nhận Quốc gia Thành Phố Vatican. Vatican là quốc gia độc lập, trong đó ĐGH là quốc trưởng, có một Hồng Y thống đốc điều hành các việc hành chánh dân sự, có toà án, nhà in, nhà băng, tiền, tem thư, bưu điện, siêu thị, nhà ga xe lửa, viện bảo tàng và đài phát thanh. Nước ĐGH chỉ gồm 44 héc ta là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, bao gồm Đền Thờ Thánh Phêrô, Điện Vaticăng các đền thờ Đức Bả Cả, Thánh Gioan Laterano, Thánh Phaolô ngoại thành, Dinh Bộ Truyền Giáo, các Giáo hoàng học viện trực thuộc Bộ, và một số dinh thự khác.  Thành phố quốc gia Vatican đã chi là nơi ở của các Giáo Hoàng từ năm 1377, khi ĐGH từ Avignon trở vể Roma. Trưóc đó cho tới năm 1309 các vị sống trong dinh Laterano cạnh đền thờ, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma.

Sát quảng trường Pio XII bên phải là Bộ Phụng Tự và một số bộ khác, bên trái là Bộ Giáo Dục công giáo, Bộ Giáo Sĩ và các dòng tu.  Một số dinh thự hai bên đại lộ cũng là tài sản của Toà Thánh. Nhà thờ Traspontina thuộc thế kỷ XI. Dinh thự cuối cùng bên trái là Đài phát thanh Vatican, đối diện với Lâu đài Thiên Thần. Dinh thụ bên phải là trụ sở của một số tổ chức trong đó có Hội Đồng Toà Thánh bảo vệ sự sống.



Sau Đền thờ Thánh Phêrô, Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành là Đền thờ rộng lớn và nguy nga thứ hai ở Roma. Đền thờ được gọi như thế vì nằm ở bên ngoài tường thành Roma. Đây là bức tường dài 19 cây số bọc thành Roma do hoàng đế Aureliano cho xây giữa các năm 270-275 để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân rợ.

Đền thờ được xây trên mộ của thánh Phaolô, tử đạo năm 67 dưới thời hoàng đế Neron, theo sử gia Eusebio thành Cesarea. Các chương từ 21 tới 28 sách Công vụ các Tông Đồ cho biết thánh Phaolô lên Giêrusalem, bị người Do thái bắt và tìm cách giết. Nhưng vì là công dân Roma nên thánh nhân được giao cho tổng trấn Felice ở Cesarea xét xử. Người do thái tiếp tục gây áp lực để giết Phaolô, nên thánh nhân kháng án lên hoàng đế. Thánh nhân đưọc tổng trấn Festo thay thế tổng trấn Felice xét xử, và cũng có dịp trình diện vua Agrippa và hoàng hậu Berenice. Trên đường về Roma tầu gặp bão rồi giạt vào đảo Malta. Nhờ thánh Phaolô  mà không có tù nhân nào bị giết. Trong khi lưu lại đảo thánh nhân đã chữa cho thân sinh quan Publicio và các bệnh nhân tại đây lành bệnh. Tới Roma trong khi chờ đợi được hoàng đế xét xử thánh Phaolô bị quản thúc hai năm, nhưng được tự do rao giảng và gặp gỡ người do thái cũng như các tín hữu. Thánh nhân đã bị chém đầu tại Tre Fontane và được chôn cất trên đường Ostiense, tại nơi có đền thờ dâng kính ngài hiện nay.

Khu vực này đã là một nghĩa trang ngoài trời rất rộng, được sử dụng liên tục giữa các thế kỷ I-III, và sau đó thỉnh thoảng được sử dụng lại để xây các lăng tẩm trong các thế kỷ tiếp theo. Bên dưới đền thờ và các khu vực chung quanh có ít nhất 5.000 mộ. Trong tác phẩm Lịch sử Giáo Hội sử gia Eusebio có trích dẫn thư của linh mục Gaio dưới thời ĐGH Zefirino nói rằng thi hài của thánh Phêrô được chôn cất trên đồi Vaticang trong khi thi hài thánh Phaolô được chôn cất dọc đường Ostiense; và cả hai nơi mau chóng trở thành địa điểm hành hương liên tục  của các kitô hữu từ thế kỷ thứ I.

Đền thờ đầu tiên rất nhỏ do hoàng đế Costantino xây năm 324 trên mộ của thánh Phaolô và được ĐGH Silvestro thánh hiến ngày 18 tháng 11 năm 324. Cung thánh nhà thờ này ngược với nhà thờ hiện nay như được thấy truớc quan tài đựng xương của thánh nhân dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Năm 386 hoàng đế Teodosio I, Graziano và Valentiniano II cho xây một đền thờ rộng lớn hơn được trang hoàng với các bức khảm đá mầu. Đền thờ được ĐGH Siricio thánh hiến năm 390 và được hoàng đế Onorio hoàn thành năm 395. Sau đó vào thế kỷ thứ V ĐGH Leo Cả (440-461) cho nâng cao gian ngang lên để cho thấy bàn thờ ở ngay trên mộ của thánh Phaolô, cũng như cho xây thêm khải hoàn môn và cho làm các bức khảm đá mầu hình của tất cả các Giáo Hoàng dọc theo gian giữa của đền thờ.

ĐGH Leo III cho trang hoàng đền thờ lộng lẫy hơn. Vào thế kỷ thứ IX đền thờ bị cướp phá, ĐGH Gioan VIII cho xây chiến luỹ chung quanh gọi là Giovannipoli.

Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 7 năm 1823 đã xảy ra một trận hoả hoạn thiêu rụi gần hết đền thờ, do sự bất cẩn của một người thợ hàn quên tắt ngọn lửa ông dùng để làm việc. Vụ hoả hoạn kéo dài 5 giờ đồng hồ. Khi ông Giuseppe Perna một người chăn bò gần đó báo động, hai giờ sau đội lính cứu hỏa mới tới nơi. Gian giữa và gian trái đền thờ hoàn toàn bị phá hủy, nhưng gian ngang vẫn không bị cháy, cung thánh, khải hoàn môn, sân trong đền thờ và chân nến Phục  Sinh cũng như tàn bàn thờ bằng đá do Arnolfo di Cambio tạc, và một số các bức khảm đá mầu không bị hư hại. Tin đền thờ bị cháy đã không được báo cho ĐGH Pio VII bị ngã gẫy chân ngày mùng 6 trước đó và qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1823.

Đền thờ như hiện nay đã do ĐGH Leo XII  giao cho các kiến trúc sư Pasquale Belli, Bosio và Camposeri xây lại theo kích thước và hình dạng cũ. Hình dạng đền thánh hiện nay phần lớn là do kiến trúc sư Luigi Poletti thực hiện. Ngày 25 tháng giêng năm 1825 Đức Leo XII công bố thông điệp  “Ad plurimas” kêu gọi kitô hữu toàn thế giới quảng đại trợ giúp ngân khoản tái thiết đền thờ. Nga hàng Nicola I dâng cúng hai tảng đá Malakít Khổng tước xanh để trang hoàng hai bàn thờ cạnh gian ngang, Phó vương Ai Cập dâng cúng 4 cây cột bằng thạch cao trang hoàng bên trong hai bên cửa chính.

Năm 1840 ĐGH Gregorio XVI thánh hiến gian ngang và bàn thờ tuyên xưng đức tin. Năm 1854 ĐGH Pio IX thánh hiến toàn đền thờ nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng việc xây cất tiếp tục cho tới năm 1874 với các bức khảm đá mầu mặt tiền; và tiền đường với 150 cây cột trang hoàng đã chỉ được thực hiện năm 1928.

Mặt tiền quay ra sông Tevere có khuôn viên vuông được trang hoàng với 150 cây cột bằng nham thạch, đồ sộ, oai nghiêm, theo kiểu các dinh thự xưa kia, do Guglielmo Calderini thực hiện giữa các năm 1890-1828 theo đồ án của Luigi Poletti. Tiền đường chỉ có một hàng gồm các cột lớn hơn bằng nham thạch hồng, trong khi ba mặt gồm hai hàng cột. Phía trước có các bức khảm đá mầu hình của 12 Tông Đồ.

Chính giữa sân là tượng thánh Phaolô cầm gươm lời Chúa bằng cẩm thạch Carrara, do Giuseppe Obici tạc. Các bức khảm đá mầu làm năm 1885 theo mẫu vẽ của F. Agricola và N. Consoni. Cửa chính giữa bằng đồng dát bạc cao 7 mét 48 rộng 3 mét 35, có các bức chạm trổ kể lại cuộc đời hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và cảnh hai vị tử đạo, do Antonio Maraini tạc năm 1931. Hai bên có hai tượng thánh Phêrô và Phaolô với đôi mắt quắc thước và các gân tay rất sống động. Cửa Thánh phiá bên trái có tạc vài cảnh trong cuộc đời của thánh Phêrô bị đóng danh ngược đầu xuống đất và cảnh thánh Phaolô bị chặt đầu. Cửa bên phải thuộc thế kỷ XI là cửa cổ xưa nhất, gồm 54 ô có khắc các cảnh cuộc đời Chúa Giêsu và các Tông Đồ, gọi là Cửa Bisantina và là cửa chính cho tới năm 1967. Trong khi Cửa Thánh cao 3 mét 71 rộng 1 mét 82 do Enrrico Manfrini tạc có đề tài Chúa Ba Ngôi và cảnh hai Tông Đô Phêrô Phaolô tử đạo.

Bên trong Đền thờ rất đẹp hình thánh giá Ai Cập dài 131 mét 66, rộng 65 mét và cao 29 mét 70, gồm 5 gian dọc. Hai bên gian giữa là hai hàng 80 cây cột nham thạch lớn. Trần bằng hồ giả cẩm thạch mầu trắng và vàng, chính giữa có huy hiệu của ĐGH Pio IX. Trên tường có các cửa sổ và 36 bức tranh kể lại cuộc đời thánh Phaolô, do nhiều họa sĩ khác nhau vẽ theo lệnh của Đức Pio IX và hoàn thành năm 1860. Bên dưới là hàng các mề đai khảm đá mầu hình của 266 Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho tới Đức Phanxicô. Chúng đã được bắt đầu làm năm 1847 trong thởi Đức Pio IX theo mẫu đã có trong đền thờ cũ. Các cửa sổ kính mầu do ông Antonio Moroni làm năm 1830 đã bị vỡ hết, sau vụ kho đạn Forte Portuense nổ ngày 23 tháng 4 năm 1891 và chúng được thay thế bằng các mảnh thạch cao.

Khải hoàn môn khảm đá mầu có hai cây cột khổng lồ bằng nham thạch chống đỡ, do Galla Placidia xây, trên đó có viết “Teodosio bắt đầu, Onorio hoàn thành – phòng được thánh hiến bởi thi hài Phaolô tiến sĩ thế giới”. Ngoài ra còn có câu “Tâm trí đạo đức của Placidia vui mừng về việc trang hoàng công trình của thân phụ với tất cả sự huy hoàng bởi sự lo lắng của ĐGH Leo”. Trận hoả hoạn đã khiến cho bức khảm đá mầu thuộc thế kỷ thứ IV đẹp hơn. Chính giữa khải hoàn môn bên trong hào quang toả sáng là Chúa Kitô giơ tay ban phép lành theo kiểu vẽ icône hy lạp, hai bên có hai thiên thần thờ lậy, và 4 huy hiệu của các thánh sử: bên trái là con bò của thánh Luca, thiên thần của thánh Mátthêu, bên phải là chim đại bàng của thánh Gioan và con sư tử của thánh Marcô. Dưới nữa là 24 bô lão đứng thành 4 nhóm 6 người, mỗi bên 2 nhóm, mang khăn quàng và cầm triều thiên, như tả trong sách Khải Huyền. Cuối cùng bên dưới là thánh Phaolô bên trái, và Phêrô bên phải.

Phiá trước Khải hoàn môn là tượng hai thánh Phêrô do Iacometti tạc,  và Phaolô do Revelli tạc. Mặt sau khải hoàn môn còn vết tích các bức khảm đá mầu của Pietro Cavallini.

Bên trên bàn thờ tuyên xưng đức tin là cái tán do Arnolfo di Cambio và Pietro Cavallini tạc năm 1285. Đây là thí dụ điển hình của nghệ thuật điêu khắc vùng Toscana, trung Italia, hồi thế kỷ XIII.

Dưới bàn thờ là mộ thánh nhân bên trên có tấm bia mộ khắc “Phaolô Tông Đồ tử đạo”. Phía trên còn lưu giữ một khúc xích của thánh nhân trong suốt hai năm bị tù tại Roma. Truớc khi nhà thờ bị cháy có hai lối vào hai bên, tín hữu có thể đi vòng ra phiá sau sờ tay vào quan tài đựng hài cốt thánh nhân. Khi xây lại người ta đã bít hai lối vào. Hồi Năm Thánh 2000 tín hữu đã đề nghị mở lại hai lối vào. Năm 2006 người ta đã đào bới để lộ cung thánh đền thờ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ thứ tư, ngược chiều với đền thờ hiện nay, cũng như cho thấy quan tài đá đựng xuơng thành Phaolô.

Trong cung thánh có bức khảm đá mầu do các chuyên viên Venezia làm năm 1220 dưới thời ĐGH Onorio III (1216-1227). Chính giữa là Chúa Kitô tay trái cầm sách Phúc Âm tay phải ban phép lành theo kiểu vẽ hy lạp, dưới chân Ngài là ĐGH Onorio III đang thờ lậy. Bên phải là hai thánh Phêrô và Anrê, bên trái là hai thánh Phaolô và Luca. Phía dưới là hình thánh giá dát ngọc đặt trên bàn thờ, hai thiên thần và Mười Thánh Tông Đồ, đan sĩ Ardinolfo và 5 Thánh Vô Tội. Ngai giám mục với hình chạm nổi là của Pietro Tenerani. Bên trên là tranh vẽ của Vincenzo Camuccini.

Trong gian ngang trần và tường có dát đá cẩm thạch đẹp và hiếm, cũng như các cột trụ kiểu Ionien đều thuộc đền thờ cũ xưa kia. Hai đầu gian ngang là hai bàn thờ bằng đá khổng tước và ngọc lưu ly Lapis lazuri, do nga hoàng Nicola I dâng tặng.

Trong gian ngang bên trái có nhà nguyện I dâng kính thánh Stephano có tượng thánh nhân do Rainaldi tạc. Nhà nguyện II dâng kính Thánh Giá do Maderna xây. Chính trong nhà nguyện này thánh Ignazio đã cùng 4 bạn đầu tiên khấn trọn đời và thành lập dòng Tên ngày 22 tháng 4 năm 1541. Bên trái cửa vào có tượng thánh Phaolô bằng gỗ thuộc thế kỷ XIII.

Cạnh bàn thờ tuyên xưng đức tin có chân nến Phục Sinh tuyệt đẹp do Nicola di Angelo và Pietro Vassaletto tạc hồi thế kỷ XII. Nhà nguyện I dâng kính thánh Lorenzo, do Gugliemo Calderini xây có tranh ba cánh bằng cẩm thạch thuộc thế kỷ XV. Nhà nguyện II dâng kính thánh Biển Đức, ông tổ phong trào viện tu bên Tây Phương, có vẻ khắc khổ, do kiến trúc sư Poletti xây, mô phỏng theo căn phòng của một đền thờ ngoại giáo. Các cột lấy từ Veio về. Cạnh cửa nhà nguyện có tượng quỷ đang sợ hãi che mặt khi thấy một em bé giơ tay chấm nước thánh. Ma quỷ rất sợ ba thứ: nước thánh, Thánh Giá và Mình Thánh Chúa.

Trên bàn thờ gian ngang bên phải có bức vẽ cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ của họa sĩ Giulio Romano. Tượng thánh Biển Đức và thánh Scolastica em gái thánh nhân do hai điêu khắc gia Gnaccarini và Baini tạc.

Bên trái bàn thờ là cửa vào nhà nguyện hồ rửa tội với các bức bích họa thuộc thế kỷ XV. Các bức khảm đá mầu trên nền nhà nguyện thuộc thế kỷ XIII. Phòng bên cạnh có tượng ĐGH Gregorio XVI do Rinaldi tạc. Cửa bên phải bàn thờ dẫn vào sân trong của tu viện các cha dòng Biển Đức. Nó nhỏ hơn nhưng được bảo trì kỹ hơn sân trong tu viện cạnh đền thờ thánh Gioan Laterano. Hành lang chung quanh sân trong trang hoàng các cột sóng đôi chạm trổ và dát đá mầu theo đủ hình dạng rất mỹ thuật và công phu. Nó được kiến trúc sư Pietro Vassaletto khởi công xây cất dưới thời Đức viện phụ Pietro da Capua và hoàn thành năm 1214. Trên tường trưng bầy các bia mộ, bản khắc và di tích cổ, trong số đó có tượng ĐGH Bonifacio IX, quan tài đá của Pierre de Léon bên trên có chạm trổ hình Apollon và Marsyas, vài quan tài bằng đá, hay bằng vữa, và các hộp đựng tro người chết. Bên trái là gian hàng bán tượng ảnh và viện bảo tàng nhỏ trưng bầy các bức tranh còn sót lại sau vụ hỏa hoạn, cũng như một số tài liệu, các sách hát lễ chép tay, và các bản khắc kể lại công trình xây cất đền thờ và cảnh hoả hoạn năm 1823. Bên cạnh có một phòng nhỏ trưng bầy hài cốt các thánh, trong đó có nhiều sĩ quan và bính lính Roma tử đạo. Trong tu viện còn giữ cánh cửa đồng của đền thờ cũ do Staurakios chạm trổ bên Costantinopoli năm 1070, nhưng bị hư hại nhiều trong vụ hoả hoạn năm 1823.

Trên lối ra bạn đi qua bức tường cũ dầy 3 mét thuộc đền thờ cũ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ thứ IV. Tiếp đến có các bức hình kể lại lịch sử tu sửa, nâng cao gian ngang đền thờ, vị thế của bàn thờ chính trên mộ của thánh Phaolô, tấm bia mộ, cũng như hình vụ hoả hoạn và cảnh đền thờ bị thiêu rụi. Dọc lối đi ra là  dấu tích các đầu cột bị hư hại trong vụ hoả hoạn và một số cột gẫy đổ còn lại. Bên trái dưới lòng đất vùng đào khảo cổ là các dấu tích của đan viện Biển Đức có từ thế kỷ thứ VII.

Linh Tiến Khải


----------------------------------------------------------------
 Ðền Thờ Ðức Bà Cả


Ðền Thờ Ðức Bà Cả trên đồi Esquilino, dâng kính Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ðược gọi là Ðền Thờ Ðức Bà Cả (Basilica of Saint Mary Major) vì đây là Ðền Thờ đầu tiên dâng kính Ðức Mẹ bên Tây Phương. Thánh Ðường này nhắc nhớ các tín hữu sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ, thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả chúng ta. Tình mẫu tử của Mẹ Maria, đối với chúng ta, không phải chỉ giới hạn nơi sự bảo bọc và chuyển cầu, nhưng đồng thời cũng là lời liên tục mời gọi chúng ta hãy làm tất cả những gì Chúa Con chỉ dạy; liên tục nhắc nhớ chúng ta về những sự cao cả Chúa đã làm cho chúng ta.

Theo truyền thuyết, đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 8 năm 352, Ðức Mẹ hiện ra với nhà quý tộc Giovanni và Ðức Giáo Hoàng Liberio, và truyền lệnh xây một đền thờ dâng kính Ðức Mẹ trên đồi Esquilino, ngay trên đỉnh đồi, chỗ có tuyết phủ. Hôm sau phép lạ xảy ra như vậy, tuyết rơi phủ đỉnh đồi Esquilino giữa mùa hè. Ðức Giáo Hoàng Liberio cho xây đền thờ và tài chánh do nhà quí tộc Giovanni dâng cúng. Do đó cũng còn gọi là Ðền Thờ Liberiana, hay Ðền Thờ Ðức Bà Xuống Tuyết hoặc Ðền Thờ Máng Cỏ, vì tại đây còn giữ di tích máng cỏ của Chúa Giêsu, trong một hòm qúy bên dưới chân bàn thờ chính.


Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới. Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. (x.BGCN 2008).

Mời bấm vào Chữ có các số tương ứng với địa điểm trong khuôn viên tòa thánh Vatican để xem cận cảnh, thật tuyệt vời !

https://images-blogger-opensocial.googleusercontent.com/gadgets/proxy?url=http%3A%2F%2Fwww.vatican.va%2Fvarious%2Fbasiliche%2Fsan_giovanni%2Fvr_tour%2FMedia%2FImages%2FLateran_Banner.gif&container=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*
It | En

-------------------------------------------------------------------------------------------

NHÀ THỜ CẦU THANG THÁNH

Đây là một trong những Thánh tích được các tín hữu hành hương đến Roma kính viếng. Theo tương truyền, Cầu thang này đã được Chúa Giêsu leo lên leo xuống 3 lần trong dinh Tổng trấn Philato: lần đầu khi Chúa bị dẫn tới trước mặt Tổng trấn, lần thứ hai lúc Chúa bị vua Hêrôdê gửi trả lại Tổng trấn Philatô; lần thứ ba khi Chúa bị kết án tử hình.

Thánh nữ Helena đã đem Cầu thang này từ Giêrusalem về Roma năm 326. Hoàng đế Constantinô con của Thánh nữ đã tặng Cầu thang này cho Đức Giáo Hoàng Silvestro I (314- 337), và ngài đặt Cầu thang thánh này tại dinh Lateranô. Cầu thang thánh lưu lại đây hơn một ngàn năm, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Sixto V (1585- 1590) ra lệnh phá hủy tòa nhà cũ của dinh Giáo Hoàng và đặt trong tòa nhà mới, gần đối diện với Đền thờ Gioan Laterano. Ban đêm Cầu thang thánh được đưa tới địa điểm mới: đưa từng bậc một từ dưới lên cao. Tòa Thánh đã ủy thác cho các cha Dòng Thương Khó có Tu viện ở bên cạnh đó coi sóc Đền thờ này. Khi hành thương đến đây, các tín hữu thường quì và leo lên 28 bậc Thang Thánh bằng cẩm thạch được bọc gỗ cho khỏi mòn. 

Cho đến năm 1723, các bậc thang của Cầu Thang thánh còn mang những vết máu từ vết thương Chúa Giêsu, nhưng sau đó bị mòn và biến mất. Ở bức tường quanh Cầu Thang thánh có những bức họa liên hệ đến ngày thứ năm và thứ sáu Tuần Thánh: bên phía dưới bên trái là cảnh Bữa Tiệc Ly, bên phải là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu Cầu Thang thánh là cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Trên đầu Cầu Thang thánh có nhà nguyện gọi là Sancta Santorum chứa đựng các Thánh tích vô giá mang về từ Thánh địa và một số hài cốt của các vị tử đạo Roma thời Giáo Hội tiên khởi. Đó là nhà nguyện riêng của các vị Giáo Hoàng thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, và được dâng kính Thánh Lorenso.
Ở đây vẫn có một bảo vật được người Roma rất quí chuộng, đó là bức ảnh Chúa Kitô bằng bạc có gắn đá quí được mang trong các cuộc rước của Đức Giáo Hoàng qua các đường phố ở Roma hồi năm 756, do Đức Giáo Hoàng Stephano II chủ sự, để cầu xin Chúa bảo vệ thành Roma chống lại cuộc xâm lăng của người Lombardi. Vào mùa Chay, các xứ đạo ở Roma thường tổ chức hành hương tại Cầu Thang Thánh để cầu nguyện và thống hối đền tội bằng việc đi bằng đầu gối lên các bậc thang của thang thánh này. Họ cũng xưng tội và tham dự thánh lễ tại đây.

Đá cẩm thạch của Cầu Thang thánh chỉ có ở Trung Đông mà thôi. Người ta tự hỏi có thật là Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn đã leo lên cầu thang này 3 lần hay không? Cha Fioravanti là Bề trên nhà Dòng Thương khó phụ trách coi sóc Nhà thờ nói: “khác với quan niệm về Thánh tích của chúng ta thời nay, đối với các tín hữu thời Trung cổ, Thánh tích là một biểu tượng đưa tâm trí chúng ta hướng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay một vị thánh. Có lần Cha lấy tay chỉ vào những vết lõm trên đá cẩm thạch quanh bàn thờ ở Nhà nguyện và nói rằng: “Các bạn có biết bao nhiêu tín hữu hành hương đã đi qua và quỳ cầu nguyện tại đây và họ đã để lại những dấu vết này?”

Lm. G. Nguyễn Hữu An

------------------------------

Thánh đường Thánh Giá Giêrusalem, Roma

a. Thánh giá bị chôn vùi và bị xúc phạm

Đồi Gôngôtha với ngôi mộ táng xác Chúa đã trở thành nơi hành hương nổi tiếng vì các người Kitô hữu thường xuyên đến kính viếng và cầu nguyện. Tình trạng này khiến người Do thái và dân ngoại lo âu. Hoàng đế Adrianô (117-138) vào những năm cuối đời ông đã trở thành vị bạo Chúa rất ghét Kitô giáo. Ông ra lệnh làm ô uế đồi Gongôtha và ngôi mộ bằng cách lấp đầy đất và bít kín lối vào ngôi mộ rồi ra lệnh xây một đền thờ kính thần Jupiter và một đền thờ kính nữ thần Venus. 

b. Thánh nữ Helena tìm thấy Thánh giá

Nhờ vào dấu cây Thập giá hiện ra trên nền trời (in hoc signum vincit: cứ dấu hiệu này ngươi sẽ thắng) tướng Constantino đã cho tạc hình Thập giá trên các khiên của binh sĩ dưới quyền, trong cuộc chiến chống lại quân của Hoàng đế Massenziô là con của Hoàng đế Massimiô vào năm 312 và đã chiến thắng vị hoàng đế này và Constantino đã lên ngôi hoàng đế Roma. Một năm sau, năm 313 ông ra chiếu chỉ tại Milan ngưng bách hại các Kitô hữu và chính ông đã gia nhập Kitô giáo. Thân mẫu của Hoàng đế là Thánh nữ Helena theo gương con mình trở lại đạo Công giáo lúc bà 64, 65 tuổi. Bà sống đơn sơ thánh thiện. 

Hoàng đế Constantinô đã cho xây một ngôi Thánh đường lớn trên đồi Gongotha và trên mộ Chúa Giêsu và được thánh hiến vào năm 335. Hiện nay khu vực Nhà thờ Mồ thánh ở Giêrusalem là địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Thánh địa.

Theo tương truyền Hoàng thái hậu Helena vào năm 80 tuổi, đã đến hành hương Gierusalem để cầu nguyện cho con mình là Hoàng đế Constantinô vì ông này đã ra tay giết chết vợ mình là Hoàng hậu Fausta và cả hai hoàng tử của ông đều bị kết án là phản loạn. Trong cuộc hành hương Thánh địa, Thánh nữ Helena đã tìm thấy cây Thập Giá Chúa cùng với tấm bảng viết của Philatô gắn vào cây Thập giá.

Thánh Cyrillo (+386), kế vị Thánh Macario làm Giám Mục Thành Jerusalem, đã viết cho Hoàng đế Costanzo, con của Hoàng đế Constantino: “Dưới thời Constantino, thân phụ của Ngài, Cây gỗ cứu độ đã được tìm thấy ở Jerusalem”. Costanzo qua đời năm 361, nên chắc chắn bức thư của Thánh Cyrillo đã được viết trước ngày đó. Thánh nữ Helena gửi một mẩu Thánh giá thật cho Hoàng đế Constantino. Một phần Thánh giá bà đích thân mang về Roma, phần còn lại vẫn lưu giữ tại Jerusalem. Theo sử gia Socrate, việc tìm thấy cây Thánh Giá Chúa xảy ra vào khoảng năm 325 hoặc 326.

c. Thánh giá đến Roma

Năm 329, Thánh nữ Helena từ Giêrusalem lên tàu quay trở về Roma, và mang theo nhiều Thánh tích: gỗ Thánh giá, đất thánh ở đồi Gongotha, vài cái đinh đóng chân tay Chúa và vài cái gai trong vòng gai đội trên đầu Chúa. Bà đặt các di tích thánh này trong tư dinh của mình ở khu vực Sessoriano. Cũng năm đó thánh nữ qua đời.

d. Xây dựng Nhà thờ Thánh giá 

Để tưởng niệm thân mẫu, Hoàng đế Constantino đã biến một phần dinh thự ở Sessoriano thành ngôi Nhà thờ để chứa một khúc Thánh giá thật. Qua nhiều lần thay đổi và trùng tu cuối cùng vào thế kỷ XVIII, Nhà thờ có hình dáng như chúng ta thấy ngày nay. 

Trong Nhà thờ chứa các Thánh Tích: gỗ Thánh Giá, có chứa cả một cánh thập giá của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Năm 1561 Đức Giáo Hoàng Pio IV đã ủy thác cho Dòng Xitô nhiệm vụ coi sóc Nhà thờ Thánh Giá này.

Vào thế kỷ XVI, Đức Thánh Cha Piô V cho phép chuyển các Thánh Tích tới nhà nguyện mới khô ráo hơn, thay vì nhà nguyện nằm dưới đất ẩm thấp. Nhà nguyện hiện thời được bố trí nhân dịp Năm thánh 1925. Bước vào, chúng tôi thấy thanh ngang cây Thập giá người trộm lành dài 178 cm, dày 13 cm. Nhà nguyện được khánh thành năm 1930, và hoàn tất năm 1952.

e. Các Thánh tích

Từ phần Thánh giá được Thánh nữ Helena mang về từ Giêrusalem, hiện thời chỉ còn 3 mảnh nhỏ. Điều này cho thấy Thánh tích cây gỗ Thánh giá Chúa ở Nhà thờ Helena đã chịu cắt xén nhiều lần do sự kiện các vị Giáo hoàng cắt xén nhiều lần để tặng cho các vị vua hay hoàng tộc. Tính chất xác thực của Thánh giá Chúa ở Đền thờ Thánh giá Giêrusalem được chứng thực qua nhiều văn kiện. Trong các văn kiện phụng tự, cũng chứng tỏ. Thánh Gregorio Cả (+604) đã ấn định ngày thứ sáu Tuần Thánh được cử hành ở Đền thờ Thánh Giá Jerusalem. Chính Đức Giáo Hoàng cùng với các giáo sĩ và giáo dân đã đi rước không mang giày vớ từ Đền thờ Laterano đến Đền thờ này để thờ lạy Thánh Giá Chúa.

Ngày 19 tháng 9 năm 1780, nhân viên của chính phủ Cộng Hòa Tibêria đến gặp Linh mục coi sóc Đền thờ là cha Sisto Benigni, OC., với lệnh tịch thu Thánh tích. Vị linh mục này hiểu chính phủ Cộng hòa muốn tiêu hủy Thánh tích vì ghét đạo Công giáo, nên bất chấp sự đe dọa, ngài không trao chìa khóa nhà nguyện cho họ. Khi ông Prefetto người thực hiện lệnh tịch thu của chính phủ đến, cha Sisto dấu chìa khóa đi, nên ông buộc lòng ra lệnh phá cửa bên trong Nhà nguyện, đe dọa, nhưng sau cùng rồi ông động lòng và không thực hiện lệnh tịch thu. Nhờ đó các Thánh tích được cứu vãn. Vào năm 1803, nữ quận công Tây Ban Nha Villa-Hermorsa dành tiền để thuê các nghệ nhân làm bình đựng Thánh tích mới chứa đựng gỗ Thánh Giá Chúa. Ông Joseph Valadier đã thực hiện công trình này. Hiện nay ba mảnh Thánh giá được giữ trong bình đựng quý giá này. Chúng tôi lên tận nơi quỳ gối cầu nguyện và chiêm ngắm.

g. Tấm bảng án gắn trên đầu Thánh giá 

Đền thờ này được tu bổ nhiều lần. Trong lần tu bổ năm 1491- 1492, khi sửa mái Đền thờ, người ta tìm được một hộp bằng chì dài 2 gang tay, đóng kín trong đó có bảng gỗ dài một gang tay rưỡi, trên đó có 3 hàng chữ được khắc trên gỗ. Mỗi hàng là một loại chữ khác nhau. Hàng thứ nhất bằng tiếng La tinh, hàng thứ hai bằng tiếng Hy lạp, hàng thứ ba bằng tiếng Do thái cổ. Đó là bảng án Tổng trấn Philatô ra lệnh cho viết: Giêsu Nagiarét vua người Do thái. Ngày khám phá ra là ngày 1.2.1492. Ngày 12.3.1492, Đức Giáo Hoàng Innocente VIII đã đến xem bản án đó. Năm 1496, Đức Giáo Hoàng Alexandro VI xác nhận sự khám phá đó là thật.

Lm. G. Nguyễn Hữu An

Đấu trường La Mã Colosseo
Colosseum hay Colosseo, cao 48, dài 189 m, rộng 156 m. Tường bên ngoài có chu vi 545 m và phải dùng 100.000 m3 đá travertine, được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng sắt, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma. Có thể chứa 50.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ thi đấu và trình diễn công chúng. Đấu trường được xây dựng khoảng năm 70 và 72 sau Công Nguyên (CN) dưới thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất thời Titus được xây ở Đế chế La Mã hoàn thành năm 80 sau CN, được chỉnh sửa thời hoàng đế Domitian.

Đấu trường Colosseo được sử dụng gần 500 năm, sau khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Đấu trường nơi đấu của võ sỹ, còn được dùng làm trình diễn tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển. Đấu trường được sử dụng làm nơi giải trí thời Trung Cổ. Sau này sử dụng làm nhà ở, cửa hàng, pháp đài...Theo thời gian bị hoang phế, năm 1349 một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam. Một phần lớn lượng đá từ đó bị lấy đi để xây dựng các cung điện, nhà thờ và các công trình khác, lớp đá cẩm thạch bọc bên ngoài được sử dụng cho các lò vôi, còn lõi sắt và đồng thì bị ăn cắp. Chu vi phía bắc của Đấu trường vẫn còn nguyên với dấu vết trùng tu của thế kỷ 19. Phần còn lại của Colosseo ngày nay là bức tường gốc, nơi nầy được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc đồ sộ đẹp nhất còn sót lại. Là nơi du lịch hấp dẫn của Roma, hằng năm vào thứ sáu Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng vẫn có cuộc diễn hành cầm đuốc đến Colosseo…Way of the Cross of Good Friday.

Không có nhận xét nào: