Chứng Nhân Hy Vọng

 Thư Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
 
Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận quý mến,

Hiền Ðệ quý mến trong hàng Giám Mục, vào cuối cuộc tĩnh tâm mà tôi vui mừng tham dự cùng với các cộng tác viên thân cận của tôi trong Giáo Triều Rôma, trong tuần đầu tiên của mùa chay này, tôi gửi đến Hiền Ðệ những lời cám ơn chân thành nhất của tôi vì chứng từ đức tin nhiệt thành trong Chúa mà Hiền Ðệ đã mạnh mẽ diễn tả qua các bài suy niệm về đề tài rất thời sự đối với đời sống Giáo Hội, "Chứng Nhân Hy Vọng".

Tôi đã ước mong rằng trong năm Ðại Toàn Xá này, có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người "đã chịu đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại" (Tông Sắc "Mầu Nhiệm Nhập Thể", số 13). Hiền Ðệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Ðấng vượt lên trên mọi lý luận của loài người, thật là vô biên, nhất là trong những lúc thê thảm nhất. Quả thực, Hiền Ðệ đã liên kết chúng tôi với tất cả những người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô.

Hiền Ðệ đã dựa vào Kinh Thánh và giáo huấn của các Giáo Phụ, cũng như trên kinh nghiệm bản thân mà Hiền Ðệ thủ đắc đặc biệt khi bị cầm tù vì Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, Hiền Ðệ đã làm nổi bật sức mạnh của Lời Chúa, Lời mà, đối với các môn đệ của Chúa Kitô, vốn là "sức mạnh của niềm tin, là lương thực cho tâm hồn, và là nguồn mạch tinh khiết và trường cửu cho đời sống thiêng liêng của họ" (Dei Verbum, số 21).

Qua những lời huynh đệ và đầy khích lệ, Hiền Ðệ đã dẫn đưa chúng tôi trên những nẻo đường Hy Vọng mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, khi tái lập nhân loại để biến họ thành một tạo vật mới và kêu gọi chúng ta luôn canh tân trên bình diện bản thân và Giáo Hội. Ước gì Ngôi Lời Nhập Thể ban cho tất cả những người đang còn chịu đau khổ để Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến, sức mạnh và lòng can đảm rao giảng chân lý của tình thương Kitô trong mọi hoàn cảnh!

Hiền Ðệ quí mến trong hàng Giám Mục, tôi phó thác cho sự chuyển cầu từ mẫu của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng, bản thân Hiền Ðệ cũng như sứ vụ của Hiền Ðệ, qua đó, Hiền Ðệ đang đóng góp một cách đặc biệt, nhân danh Giáo Hội, cho sự thiếp lập Công Lý và Hòa Bình nơi nhân loại. Xin Mẹ cầu bầu cho Hiền Ðệ được dồi dào ơn thánh của Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể! Tôi thành tâm ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho Hiền Ðệ, Phép Lành mà tôi vui lòng nới rộng cho tất cả những người thân yêu của Hiền Ðệ nữa.
 
Vatican ngày 18 tháng 3 năm 2000
Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng 

 
THIÊN CHÚA VIẾT THẲNG TRÊN NHỮNG ĐƯỜNG CONG
 
"Năm đầu tiên của Ngàn Năm Thứ Ba, một người Việt Nam sẽ giảng Tuần Tĩnh Tâm cho Giáo Triều Rôma", Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với tôi như thế ngày 15 tháng 12 năm 1999.

Ngài chăm chú nhìn tôi rồi nói tiếp: "Ðức Cha đã chọn đề tài nào chưa?"

"Kính thưa Ðức Thánh Cha, con từ trên mây rơi xuống, con rất ngạc nhiên. Có lẽ con có thể nói về Hy Vọng, được không?"

"Hãy kể lại những chứng tá của Ðức Cha!"

Bối rối và cảm động, tôi trở về nhà. Tôi vào nhà nguyện và cầu xin: "Lạy Chúa Giêsu, con phải làm sao đây? Con không quen nói nhiều về khoa học và thần học. Chúa biết con chỉ là một cựu tù nhân".

"Hãy nói như con cảm thấy. Hãy làm như Ðức Giáo Hoàng đã bảo con. Với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ!"

Lúc ấy, tôi nghĩ đến việc chuẩn bị một bữa ăn Việt Nam. Xoong chảo vẫn như vậy, chất liệu cũng thế: Tin Mừng Hy Vọng. Nhưng tôi thay đổi thực đơn: tôi sẽ dùng gia vị và hương vị Á Châu và thực khách sẽ ăn bằng đũa.

Tôi sẽ cố gắng hết sức. Nhưng người làm bếp chẳng làm được gì nếu không có lửa: Chúa Thánh Thần.

Người Á châu không lý luận rườm rà, nhưng kể một câu chuyện, một dụ ngôn; và kết luận trở nên rõ ràng.

Khổng Tử, Ðức Phật, Gandhi đã nói như thế. Và cả Chúa Giêsu cũng nói:

"Một người từ Jerusalem xuống Giêricô... Theo ông, ai trong ba người đã thật sự là anh em của nạn nhân... Hãy đi và hãy làm như vậy" (cf Lc 10,30-37).

Thực đơn "Hy Vọng" do một cựu tù nhân chuẩn bị, người đã ở trong một tình trạng tuyệt vọng, nói đúng hơn, còn hơn cả tuyệt vọng nữa: người ta tưởng tôi đã chết rồi. Dân chúng đã cử hành nhiều lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Thiên Chúa đã biết viết thẳng trên những đường cong. Và những Thánh Lễ đó đã ban ơn cho tôi được sống thêm nhiều năm.

Ngày hôm nay, vào lúc bế mạc Tuần Tĩnh Tâm, tôi rất xúc động. Cách đây đúng 24 năm, ngày 18 tháng 3 năm 1976, áp lễ Thánh Giuse, tôi bị đưa từ nơi quản thúc ở Cây Vông, đến chỗ biệt giam nghiêm ngặt trong nhà tù Nha Trang, trại Phú Khánh.

Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày kia, chính vào ngày này, tôi kết thúc việc giảng thuyết Tuần Tĩnh Tâm tại Vatican.

Cách đây 24 năm, khi tôi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Ðức Thánh Cha tặng cho tôi một chén lễ mạ vàng.

Cách đây 24 năm tôi không hề nghĩ rằng chính hôm nay, lễ Thánh Cả Giuse năm 2000, Ðức Giám Mục kế vị tôi lại thánh hiến chính nơi tôi bị quản thúc một nhà thờ đẹp nhất dâng kính Thánh Giuse tại Việt Nam.

Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng ngày hôm nay, khi vừa kết thúc Tuần Tĩnh Tâm, một vị Hồng Y giao cho tôi một món quà lớn để giúp cho những người nghèo tại giáo xứ ấy.

Thiên Chúa thật cao cả và Tình Thương của Ngài cũng cao cả!

Tôi hết lòng cám ơn Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse.

Cám ơn Ðức Thánh Cha,
tất cả anh chị em rất thân mến,
và rất nhiều người trên thế giới đã cầu nguyện cho tôi, trong những ngày này, giống như trong cùng một nhà Tiệc Ly vĩ đại.

Và tôi thờ lạy sự hiển linh của lòng thương xót Chúa.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyến khích tôi xuất bản những bài suy niệm này. Tôi thiết nghĩ lá thư thủ bút của Ðức Thánh Cha là lời dẫn nhập cao đẹp nhất.

I. Nhờ sức mạnh của Ơn Chúa
 
Tôi, Phanxicô, đầy tớ Ðức Giêsu Kitô, kẻ bé mọn nhất trong những người kế nhiệm các Tông Ðồ, trước mặt anh em tôi không nghĩ mình hiểu biết gì nhiều ngoại trừ Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đanh. Vâng lời Ðức Thánh Cha, và với phép lành của Ngài, tôi xin chào anh em rất thân mến với nụ hôn thánh thiện và mời anh em: nhân danh Chúa, chúng ta cùng nhau bắt đầu Tuần Tĩnh Tâm Năm 2000 với bài suy niệm dẫn nhập.
 
Gia phả Ðức Kitô

Thánh sử Tin Mừng Marco mở đầu chứng từ về Ðức Giêsu Con Thiên Chúa với những lời sau đây: "Gia phả Ðức Giêsu Kitô, Con Vua Ðavít, Con của Abraham..." (Mt 1,1).

Chọn gia phả này làm đề tài cho bài suy niệm dẫn nhập chắc gây nhiều ngạc nhiên.

Khi đọc đoạn Tin Mừng này trong phụng vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Có người trong chúng ta coi việc đọc một đoạn văn như vậy thật vô nghĩa, cứ lập đi lập lại cách nhàm chán. Có kẻ đọc vội vã, khiến cho các tín hữu chẳng hiểu gì; lại có người cắt ngắn, bỏ đi một số đoạn.

Ðối với chúng tôi, những người Á châu, đặc biệt là đối với tôi là một người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có một giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt Nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn gia phả của gia tộc trên bàn thờ trong gia đình. Chính tôi cũng biết đọc tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ năm 1698, khi gia tộc tôi được lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Qua gia phả, chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình.

Vì thế, tôi cảm tạ Mẹ Giáo Hội thánh thiện, ít là hai lần trong năm, vào mùa Vọng và trong lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ, cho đọc lại trong các cộng đoàn rải rác khắp nơi trong thế giới Công giáo, danh xưng của bao nhiêu nhân vật ý nghĩa, theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ và trong thực tại của dân Israel.

Tôi xác tín rằng những lời trong "Sách gia phả Chúa Giêsu Kitô" chứa đựng lời loan báo chủ yếu về Cựu Ước và Tân Ước, cốt yếu của mầu nhiệm cứu độ liên kết tất cả chúng ta với nhau, các tín hữu Công giáo, Chính thống và Tin lành.

Trong bối cảnh Năm Thánh Nhập Thể, qua đó Hội Thánh hát lên niềm vui mừng Hy Vọng nơi Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của chúng ta, đoạn Kinh Thánh này mở ra cho chúng ta thấy mầu nhiệm lịch sử là mầu nhiệm về lòng thương xót. Ðoạn Kinh Thánh này nhắc nhở cho chúng ta điều Ðức Trinh Nữ Maria hát lên trong kinh Magnificat, bài ca mà Giáo Hội hằng ngày vẫn tiếp nhận là của mình trong Kinh Chiều: ý định nhân lành và trung tín của Thiên Chúa được hoàn thành theo lời hứa "với Abraham và dòng dõi ông đến muôn đời" (Lc 1,55). Thực vậy, lòng nhân từ của Chúa đang và sẽ trải dài từ đời này sang đời khác, "vì lòng thương xót của Ngài tồn tại muôn đời" (cf Tv 100,5; 136).
 
Mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi

Sách gia phả Ðức Giêsu Kitô có ba phần. Phần I kể tên các tổ phụ, phần II nói đến các vua trước cuộc lưu đày Babilon, và phần III kể tên các vua sau cuộc lưu đày.

Ðiều gây chú ý đầu tiên khi đọc văn bản này là mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi. Sự chọn lựa của Thiên Chúa có tính cách nhưng không và đầy tình thương, không thể hiểu được theo những lý luận của lý trí, và nhiều khi còn là điều gây gương mù nữa.

Chẳng hạn, trong sách gia phả Ðức Giêsu Kitô, chúng ta thấy Abraham thay vì chọn trưởng tử Ismael, con của bà Aggar, thì lại chọn Isaac, con của lời hứa, con của bà Sara, vợ của ông.

Rồi đến lượt Isaac muốn chúc lành cho trưởng nam Esau, nhưng rốt cuộc đành chúc lành cho Giacóp, theo một ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Giacóp cũng không trực tiếp thông truyền sự nối giòng dẫn tới  Ðấng Messia. Ông đã không chọn Ruben, con trưởng hoặc chọn Giuse, người được ông yêu thương nhất, người giỏi giang hơn tất cả các anh em, người đã tha thứ cho anh em mình và cứu họ thoát khỏi nạn đói lớn khắp vùng. Nhưng chọn Giuđa, người con thứ tư, người đã cùng với các anh em khác chịu trách nhiệm về việc bán Giuse cho các lái buôn đưa sang Ai Cập.

Mầu nhiệm cao cả về việc Thiên Chúa chọn lựa tiền nhân của Ðấng Messia bắt đầu làm cho chúng ta chú ý.

Trang Tin Mừng này soi sáng mầu nhiệm ơn gọi của chúng ta.

"Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con" (Ga 15,16). Chúng ta không được chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng nhân từ của Chúa. Chúa nói: "Ta đã yêu thương con bằng tình yêu đời đời" (Gr 31,3). Ðó là điều làm cho chúng ta an tâm. "Từ lòng mẹ, Chúa đã gọi tôi" (Is 49,1). Như thế, điều làm cho chúng ta hãnh diện, đó là ý thức mình được gọi và được chọn vì tình thương.

Những ngày tĩnh tâm này là thời gian thuận tiện để hát lên lòng biết ơn vô biên của chúng ta đối với Chúa, vì "lòng thương xót của Ngài tồn tại muôn đời". Và chúng ta phải làm điều đó từ tận đáy tâm hồn mình, với lòng khiêm tốn sâu xa và biết ơn. "Chúa đã nâng kẻ mọn hèn từ nơi cát bụi, từ đống phân tro Ngài nâng kẻ nghèo túng, để đặt họ ngồi giữa hàng quyền quí, hàng quyền quí dân Ngài" (Tv 113,7-8).

 
Mầu nhiệm của tội lỗi và ân sủng

Nếu chúng ta xét tên của các Vua ở trong sách gia phả Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận thấy rằng chỉ có hai vị là trung thành với Thiên Chúa, đó là Ê-dê-ki-en và Giê-rô-bô-am. Những vua khác đều là những kẻ thờ thần tượng, vô luân hay sát nhân...

Cả trong thời kỳ sau cuộc lưu đày, trong số các vua được kể tên, chúng ta chỉ thấy có hai người còn trung thành với Chúa đó là Sa-la-ti-en và Zô-rô-ba-ben. Những vua khác đều là những kẻ tội lỗi hoặc không được biết đến.

Nơi Ða-vít, người nổi danh nhất trong các vua đã sinh ra Ðấng Messia, sự thánh thiện và tội lỗi xen lẫn nhau: với nước mắt cay đắng, Ngài xưng thú trong Thánh Vịnh các tội ngoại tình và sát nhân, nhất là trong Thánh Vịnh 50, một ca vịnh trở thành kinh nguyện thống hối thường được dùng trong phụng vụ của Giáo Hội.

Cả những phụ nữ mà Mát-thêu nêu tên trong đầu sách Tin Mừng của Ngài như những người mẹ thông truyền sự sống, từ cung lòng phúc lành của Thiên Chúa, cũng gợi lên nơi chúng ta một sự xúc động. Tất cả họ đều là những phụ nữ ở trong những hoàn cảnh bất hợp lệ: Ta-ma là một phụ nữ tội lỗi, Ra-káp là môt gái mãi dâm, Rút là một người ngoại bang; và về người phụ nữ thứ tư, người ta không dám nêu danh, và chỉ nói "đó là vợ của ông U-ri-a". Người đàn bà đó chính là bà Bét-sa-bê-a mà vua Ða-vít đã ngoại tình.

Tuy nhiên, dòng lịch sử tràn đầy lỗi lầm và tội ác như thế đã trở thành một nguồn nước trong khi càng đến gần thời gian sung mãn: đến Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và đến Chúa Giêsu, Ðấng Messia. Nơi các Ngài tất cả các thế hệ được cứu chuộc.

Danh sách những người tội lỗi mà Mát-thêu nêu rõ trong gia phả của Chúa Giêsu không được gây gương mù cho chúng ta. Trái lại, gia phả ấy tuyên dương mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa. Cả trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chọn Phê-rô, người đã chối Ngài, và chọn Phao-lô, người đã bách hại Giáo Hội. Vậy mà các vị lại trở nên những cột trụ của Hội Thánh. Trong thế gian này, khi một dân tộc viết lịch sử chính thức của mình, họ thường nói về những chiến thắng đã đạt được, những vị anh hùng, hoặc sự cao cả của mình... Quả là một trường hợp duy nhất, thật đáng ngưỡng mộ và tuyệt vời, khi thấy một dân tộc không hề giấu diếm những tội lỗi của tiền nhân trong lịch sử chính thức của mình.

Mầu nhiệm của Hy Vọng

Toàn thể Cựu Ước hướng về Hy Vọng:
Chúa đến để thiết lập Nước của Ngài,
Chúa đến để tái lập Giao Ước,
Chúa đến để lập một dân mới,
để xây dựng một Giêrusalem mới,
để kiến thiết một đền thờ mới,
Chúa đến để tái tạo thế giới.

Với biến cố Nhập Thể, Nước ấy đã tới, thời gian viên mãn đã tới. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước ấy đang tăng trưởng từ từ, âm thầm, như một hạt cải... Giữa sự viên mãn của thời gian và tận thế, Hội Thánh đang hành trình như một Dân Tộc Hy Vọng.

Văn hào Charles Péguy đã nói: "Ðức tin làm cho tôi hài lòng hơn cả là niềm Hy Vọng" (Le porche du mystière de la deuxième vertu, Abbeville 1954. 81è édition, p.15). Ðúng vậy, vì trong Hy Vọng, đức tin vốn hoạt động nhờ đức ái, mở ra những con đường mới trong tâm hồn con người nhằm hướng đến việc thực hiện một thế giới mới, một nền văn minh tình thương. Ðức tin đó mang đến cho thế giới sự sống thần linh của Chúa Ba Ngôi, lối sống và hoạt động của Thiên Chúa, như được biểu lộ trong Ðức Kitô và được truyền lại trong Tin Mừng.

Thưa anh em, đó chính là ơn gọi cao cả của chúng ta. Không do công trạng của chúng ta, nhưng "vì lòng thương xót của Chúa tồn tại đến muôn đời". Ngày nay, cũng như trong thời Cựu Ước và Tân Ước, lòng nhân từ Chúa vẫn linh hoạt nơi những người có tinh thần thanh bần, nơi những người khiêm hạ, những người tội lỗi thành tâm trở về cùng Chúa.
 
Cùng nhau bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng

Tôi đã chọn đề tài Tuần Tĩnh Tâm Năm Thánh này, tựa đề tổng quát là "Chứng Nhân Hy Vọng". Hy Vọng có lẽ là thách đố lớn nhất ngày nay, trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Mới. Một tiểu sử mới đây của Ðức Thánh Cha mang tựa đề "Witness to Hope" - Chứng Nhân Hy Vọng. Giờ đây, tôi không thể không cám ơn Ðức Thánh Cha, vì đã hướng dẫn Hội Thánh bằng chứng tá rạng ngời của Ngài để bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng. Cùng với những anh em thuộc các Giáo Hội và Cộng đồng tôn giáo khác bước qua Cửa Thánh, ngưỡng cửa tương lai, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rằng toàn thể nhân loại tiếp tục cuộc hành trình gặp gỡ Chúa Giêsu là Hy Vọng độc nhất.

Hôm nay, tôi trình diện như một cựu tù nhân đáng thương, đã trãi qua hơn 13 năm trong tù, trong đó có 9 năm biệt giam.

Tôi cũng cảm thấy run sợ trước nhiệm vụ mà Ðức Thánh Cha đã ủy thác cho tôi. Nhưng một sách chuyện của Mỹ làm cho tôi an tâm. Sách ấy kể lại chuyện một nhà giảng thuyết danh tiếng thu hút đông đảo dân chúng. Trước tòa giảng, có một cụ già luôn chăm chỉ theo dõi tất cả các bài giảng của ông. Nhà giảng thuyết rất vui sướng vì thành công của mình. Một hôm, thiên thần hiện ra và nói: "Tôi chúc mừng ông vì những bài giảng của ông... ông thật là tài giỏi! Nhưng ông có nhớ cụ già luôn đến nghe ông không?" "Có chứ", - nhà giảng thuyết đáp. Thiên thần tiếp: "Vậy thì ông hãy biết rằng cụ già ấy đến không phải để nghe ông đâu, nhưng là để cầu nguyện cho ông. Chính nhờ lời cầu nguyện của cụ mà những bài giảng của ông mang lại nhiều ích lợi cho các tín hữu".

Như vậy, tôi xin nói với anh em: tôi hết lòng trông cậy nơi lời cầu nguyện của anh em.

Và với tâm tình này, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ Ðấng Cứu Thế, đang ngự trên ngai trong nhà nguyện này, giữa các Thánh của Ðông và Tây phương. Chúng ta cảm thấy gần Mẹ như trong dịp Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như chính con tim của Giáo Hội, như Mẹ của các Mục Tử và các tín hữu, như Mẹ của Hội Thánh.

Xin Mẹ chúc lành cho chúng con.
 
II. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa
 
Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Ðộc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.

Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.

Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..."

Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Ðức Cha, Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.

Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.

Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon: "Simon, con bảo Thầy là ai?" (cf Mt 16,15).

Các bạn đồng tù với tôi, những người không Công giáo, muốn hỏi "lý do tại sao tôi Hy Vọng". Với tình bằng hữu và thiện ý, họ hỏi tôi: "Tại sao ông đã bỏ mọi sự: gia đình, quyền thế, giàu sang, để theo Chúa Giêsu? Chắc là phải có một cái gì rất đặc biệt!" Những người cai tù cũng ngạc nhiên hỏi tôi: "Có Thiên Chúa thực hay không? Có Chúa Giêsu không? Hay đó chỉ là những điều mê tín mà thôi? Những điều do giai cấp thống trị bịa ra?"

Vì thế cần phải đưa ra những giải thích dễ hiểu, không phải bằng những từ ngữ kinh viện, nhưng với những lời lẽ đơn sơ của Tin Mừng.

Những khuyết điểm của Chúa Giêsu

Một hôm, tôi quyết định đưa ra những giải thích đặc biệt. Và điều tôi nói đây đúng ra là phản ảnh mục vụ nhà tù. Tôi xin anh em đại xá cho nếu tôi có phạm tội rối đạo nào trước mặt Giáo Triều: "Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Ngài".
 
Khuyết điểm thứ nhất: Chúa Giêsu không có trí nhớ tốt (cf Lc 23,42-43)

Trên Thập Giá, trong lúc hấp hối, Chúa Giêsu nghe tên trộm bên phải nói: "Thưa ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào nước của ông" (Lc 23,42). Giả sử đó là tôi, thì có lẽ tôi đã trả lời: "Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền bù các tội ác của mình ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục". Trái lại, Chúa Giêsu trả lời anh ta: "Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Thiên đàng" (Lc 23,43). Ngài đã quên tất cả tội lỗi của người ấy.

Ðiều tương tự cũng xảy ra với người đàn bà tội lỗi đã xức thuốc thơm cho chân Chúa. Chúa Giêsu chẳng hỏi gì về quá khứ xấu xa của bà nhưng chỉ nói: "... tội của con tuy nhiều, nhưng đều được tha hết vì con đã yêu mến nhiều" (lc 7,47).

Dụ ngôn người con trai hoang đàng kể lại cho chúng ta: trên đường trở về nhà cha, anh ta đã chuẩn bị sẵn trong lòng điều sẽ nói: "Thưa cha, con đã phạm tội đối với Trời và với cha; con không còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin hãy đối xử với con như những đầy tớ của cha" (Lc 15,8-9). Nhưng khi người cha thấy người con ấy từ đàng xa, liền quên hết mọi sự và chạy ra đón con, ôm hôn con và không để anh ta rụt rè nói lên bài diễn văn đã dọn sẵn. Người cha gọi những đầy tớ đang kinh ngạc và nói: "Hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho anh, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giầy cho anh. Hãy mang bê béo để làm thịt, và chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay được sống lại..." (Lc 15,22-24).

Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ của tôi. Không những Ngài tha thứ và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ.

Khuyết điểm thứ hai: Chúa Giêsu không biết toán học

Giả sử Chúa Giêsu đi thi toán, chắc Ngài sẽ bị đánh rớt. Dụ ngôn người Mục Tử Nhân Lành chứng tỏ điều đó. Một người mục tử có 100 con chiên. Một con chiên bị lạc, và không chần chờ gì, ông ta đi tìm con chiên ấy, bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác chiên lên vai (cf Lc 15,4-7).

Ðối với Chúa Giêsu, 1 có giá trị bằng 99... và có lẽ còn hơn thế nữa! Có ai chấp nhận được điều đó không? Nhưng lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này sang đời khác...

Khi phải cứu một con chiên lạc, Chúa Giêsu không nản chí vì bất kỳ rủi ro, mệt nhọc hoặc hiểm nguy nào... Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ nhân từ thương xót của Chúa khi Ngài ngồi bên bờ giếng Gia-cóp để tìm người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a, hoặc khi Ngài muốn dừng lại tại nhà ông Gia-kêu! Thật là đơn sơ... thật là thương yêu dường nào đối với kẻ tội lỗi!
 
Khuyết điểm thứ ba: Chúa Giêsu không biết luận lý học

Một người đàn bà có 10 đồng bạc. Bà bị mất một đồng, liền đốt đèn lên để tìm kiếm. Khi tìm thấy, bà gọi những bà láng giềng đến và nói với họ: "Các bà hãy vui mừng với tôi, vì tôi tìm được đồng bạc bị mất" (cf Lc 15,8-10).

Thật không hợp lý tí nào khi làm phiền các bà bạn chỉ vì một đồng bạc như vậy! Cũng chẳng hợp lý chút nào cả khi mở tiệc giữa đêm khuya để ăn mừng vì tìm lại được đồng bạc đánh mất. Và cuối cùng lại càng không hợp lý khi mời bạn bè đến ăn tiệc, tốn phí còn nhiều hơn đồng bạc tìm thấy. Cho dù có tiêu cả 10 đồng cũng không đủ cho phí tổn...

Ở đây, chúng ta có thể nói như Pascal: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được" (B. Pascal, Pensées n.477, in: Oeuvres complètes [ed. J. Chevalier], Paris 1954).

Khi kết luận dụ ngôn, Chúa Giêsu đã tỏ lộ lý luận lạ lùng của tâm hồn Ngài: "Thực, Thầy bảo các con, các thiên thần của Chúa vui mừng chỉ vì một tội nhân hoán cải" (Lc 15,10).

Khuyết điểm thứ tư: Chúa Giêsu là một người phiêu lưu

Ai quảng cáo cho một công ty hoặc ra ứng cử thường chuẩn bị một chương trình rất chính xác, với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng đối với Chúa Giêsu lại không như vậy. Lối tuyên truyền của Ngài, dưới mắt người đời, thế nào cũng bị thất bại. Thực vậy, Ngài hứa cho những kẻ theo Ngài nhiều lần bị xét xử và bị bách hại.

Với các Tông Ðồ đi theo, Ngài không bảo đảm cho họ nơi ăn chốn ở, nhưng chỉ cho họ chia sẻ cùng một cách sống của Ngài.

Một người ký lục muốn gia nhập đoàn môn đệ, Chúa Giêsu trả lời: "Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Mt 8,20).

Ðoạn Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, một "bức chân dung tự họa" của Chúa Giêsu như một người phiêu lưu vì tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Từ đầu chí cuối của các Mối Phúc Thật này đều nghịch lý, cho dù chúng ta đã nghe quen: "Phúc cho người có tinh thần thanh bần.... phúc cho người sầu khổ..., phúc cho người bị bách hại vì sự công chính..., phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại, và nói mọi điều xấu chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời" (Mt 5,3-12).

Nhưng các môn đệ đã tín thác nơi người phiêu lưu ấy. Từ 2.000 năm nay, và cho đến tận thế, chúng ta vẫn thấy không thiếu hàng ngũ những người phiêu lưu đã và sẽ tiếp tục theo Chúa Giêsu. Chỉ cần xem các Thánh qua mọi thời đại. Rất nhiều người trong số họ thuộc hiệp hội những người phiêu lưu ấy. Không có địa chỉ, chẳng có điện thoại hay điện thư...!
 
Khuyết điểm thứ năm: Chúa Giêsu không biết tài chánh và kinh tế

Chúng ta hãy nhớ lời dụ ngôn những người thợ làm vườn nho: "Nước Trời giống như một chủ nhà từ sáng sớm ra ngoài mướn người làm vườn nho cho ông. Rồi vào lúc 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ chiều, và cả lúc 5 giờ ông tiếp tục mướn người về làm...". Chiều đến, ông bắt đầu trả lương cho những người đến làm trễ nhất, rồi lần lượt tới những người làm từ sáng sớm, tất cả mỗi người đều được ông trả một đồng (cf Mt 20,1-16).

Giả sử Chúa Giêsu được đặt làm quản lý cộng đoàn hoặc giám đốc một xí nghiệp, tổ chức ấy chắc sớm bị phá sản. Làm sao lại trả cùng một đồng lương cho những người làm từ sáng sớm cũng như những người chỉ bắt đầu làm từ ban chiều! Phải chăng Chúa Giêsu đã sai lầm? Ðã tính sai kết toán? Thật ra, không phải thế! Ngài cố tình làm như vậy, như Ngài giải thích: "Tôi không có quyền xử dụng của cải của tôi theo ý tôi sao? Hay là bạn ghen tương vì tôi tốt lành".

Chúng tôi đã tin vào tình yêu Thiên Chúa

Nhưng chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu có những khuyết điểm như thế?

Vì Ngài là Tình Yêu (Cf 1Ga 4,16). Tình yêu đích thực không lý luận, không đo lường, không dựng lên những hàng rào, không tính toán, không nhớ đến những xúc phạm và không đặt điều kiện. Nói theo kiểu thời nay: tình yêu không cân, đo, đong, đếm.

Chúa Giêsu luôn hành động vì yêu thương. Từ tổ ấm của Chúa Ba Ngôi, Ngài mang cho chúng ta một tình yêu lớn lao, vô biên và thần linh. Và như các Thánh Giáo Phụ diễn đạt, đó là một tình yêu điên rồ, làm đảo lộn những mẫu mực tính toán của con người.

Khi suy tư về dụ ngôn này, tâm hồn tôi đầy tràn hạnh phúc và an bình. Tôi Hy Vọng rằng vào cuối đời, Chúa cũng sẽ đón nhận tôi như người bé nhất trong số những người làm việc trong vườn nho của Ngài. Và tôi sẽ ca tụng lòng nhân từ của Chúa đến muôn đời, sẽ kinh ngạc vì những điều lạ lùng Chúa dành cho những người Ngài tuyển chọn. Tôi sẽ vui mừng được thấy Chúa Giêsu với những "khuyết điểm" của Ngài, những khuyết điểm - tạ ơn Chúa - không thể sửa chữa nổi, những khuyết điểm bất trị.

Các Thánh là những người chuyên môn về tình yêu vô biên ấy. Trong đời, tôi thường cầu xin Nữ Tu Faustina Kowalska giúp tôi hiểu lòng nhân từ của Chúa. Và khi viếng thăm Paray-le-Monial, tôi cảm động vì những lời Chúa Giêsu nói với Thánh nữ Margarita Maria Alacoque: "Nếu con tin, con sẽ thấy quyền năng của Trái Tim Cha".

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu ấy.

 
Ngài đã sáng tạo vạn vật cách kỳ diệu

Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài. Ngài tạo nên họ chỉ kém thiên thần một chút (Tv 8,6; Dt 2,27). Ngài đã ban ơn bất tử, chân lý, công lý... Công Ðồng Vatican II dạy: "Lý lẽ cao cả nhất của con người hệ tại điều này là con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ thuở mới sinh, con người được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa. Thật vậy, con người chỉ hiện hữu vì được sáng tạo do tình yêu của Thiên Chúa, và luôn được Ngài bảo tồn vì tình yêu thương. Con người sẽ không sống trọn vẹn theo sự thật nếu không tự nhìn nhận điều đó và không biết tín thác nơi Ðấng Tạo Thành của mình" (GS 19).

Nhưng trong tự do, con người có thể từ chối "sự cao cả" do Thiên Chúa ban cho. Con người có thể toan tính hành động theo ý định riêng của mình khác với tương lai Chúa hứa. Thật vậy, con người cố tìm cách bảo đảm cho mình một tương lai riêng như Kinh Thánh đã nói về các dân ngoại: họ tìm kiếm giàu sang, trông cậy nơi loài người, liên minh với những quyền lực ngoại bang, thủ đắc những của thánh (Hs 2,10; Ed 16,15ss). Và thế là họ rơi vào tình trạng lầm than. Họ không còn Hy Vọng nơi Thiên Chúa nữa, nhưng theo đuổi những Hy Vọng giả trá.
 
Lại còn chỉnh đốn mọi sự cách nhiệm lạ hơn

Qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa không ngừng mời gọi con người tới niềm Hy Vọng đích thực là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được ánh sáng chân lý tha thứ tội lỗi, được tự do tái tạo trước quyền lực sự dữ. Trong Ngài, chúng ta còn được một khả năng mới để yêu thương, được tham gia vào bản tính Thiên Chúa, được chiến thắng trên sự chết nhờ sự phục sinh của thân xác, và được sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đến gặp gỡ thân phận lầm than của con người. và khi cứu thoát chúng ta, Chúa Giêsu đã biến Tin Mừng và ơn thánh của Ngài thành nguyên lý đổi mới thế giới và nhất là canh tân con người trong mọi lãnh vực của cuộc sống: công và tư, văn hóa và xã hội, chính trị và kinh tế. Thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô.

Ngây ngất trước Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là tất cả mọi sự của tôi (Deus meus et omnia), tôi cùng với Chúa Giêsu trở thành nguồn Hy Vọng trong vườn thế giới, như thi hào Charles Péguy người Pháp đã nói:

"Ta tự hỏi: nhưng làm sao nguồn suối Hy Vọng ấy có thể mãi trẻ trung, tươi mát, sinh động... Thiên Chúa phán: hỡi dân tốt lành, điều ấy không khó lắm đâu... Nếu Nguồn Hy Vọng ấy muốn dùng nước trong để làm nên những nguồn mạch tinh khiết, thì sẽ chẳng bao giờ tìm cho đủ nước trong toàn thể các tạo vật của ta. Nhưng từ những dòng nước đục ngầu mà Nguồn Hy Vọng ấy dùng để biến thành những nguồn nước trong. Và chính vì thế mà chẳng bao giờ thiếu nước, nhưng cũng vì vậy mà nguồn ấy là Hy Vọng... và đó chính là bí quyết đẹp nhất trong vườn thế giới". (Cf Le porche du mystère de la deuxième vertu, cit., pp.186-189).

Kính chào Mẹ từ nhân
Mẹ Thiên Chúa và Mẹ tha thứ,
Mẹ Hy Vọng và Mẹ ơn phúc
Mẹ đầy hoan lạc thánh thiện.
Lạy Mẹ Maria!
 
 
Theo một truyền thống cổ tại Á châu, tại triều đình, năm này qua năm kia, người ta viết lịch sử vương quốc. Nhiệm vụ này được ủy thác cho hai vị quan cấp cao của hoàng đế. Một vị phải ghi những điều tốt lành xảy ra trong vương quốc và vị kia lại lập danh sách những gì tiêu cực xảy ra. Nhưng không vị nào biết người kia viết gì.

Trong một buổi triều yết đặc biệt và công khai vào đầu năm mới, trước hoàng đế và toàn thể bá quan văn võ, hai vị quan phải đọc bản tổng kết. Tất cả mọi người đều chờ đợi, mong được biết sự thật do sự đối chiếu giữa hai bản phúc trình.

Sau khi nghe cả hai, hoàng đế hướng về toàn thể bá quan và hỏi: "Ai trong các khanh có điều gì muốn nói, thì cứ tự nhiên". Ðây là một ngày mà hoàng đế mời tất cả mọi người tự do phát biểu ý kiến. Nhưng không ai dám nói. Im lặng tuyệt đối bao trùm triều đình. Bất thình lình người ta nghe thấy có tiếng rên khóc. Hoàng đế hỏi: "Ai khóc vậy? Hãy tiến ra trước mặt Trẫm mà giải thích". Một vị quan bước ra, bái ba lạy trước mặt hoàng đế và với tất cả lòng kính cẩn, ông nói: "Tâu Bệ Hạ, không có ai trong triều đình này dám nói sự thật. Thần sợ rằng đất nước chúng ta lâm nguy và có nguy cơ sụp đổ. Vì thế mà thần khóc".

Chúng ta được mời gọi trở thành những người tìm kiếm và trở nên chứng nhân cho sự thật trong Hy Vọng, trước mặt Chúa và trước mặt thế giới để mưu ích cho Hội Thánh. Ðức Thánh Cha, hôm Chúa nhật I mùa chay của Năm Toàn Xá, đã nêu một chứng tá đặc biệt và một tấm gương sáng cho toàn thế giới, khi xin Thiên Chúa tha thứ vì những lỗi lầm và thiếu sót của con cái Hội Thánh qua dòng lịch sử, và đồng thời cũng tha thứ cho tha nhân. Ngài khích lệ chúng ta đón nhận lời mời gọi này.
 
Thiên Chúa mời gọi hoán cải

Sở dĩ tôi dám đưa ra một lời mời gọi hoán cải là vì chính Chúa đã yêu cầu chúng ta điều đó. Giống như Ngài đã nói với những người quản lý tài sản của Ngài, Ngài có thể lập lại cho chúng ta lời Tin Mừng: "Ngươi hãy tường trình về việc quản lý của ngươi" (Lc 16,2).

Ðó là sự hoán cải từ một tình trạng tiêu cực hoặc tầm thường tới việc thực thi Tin Mừng một cách chân chính. Ðó là quyết tâm từ bỏ những Hy Vọng giả trá để đặt trọn niềm Hy Vọng của chúng ta nơi Chúa Kitô, như những người đóng góp vào sứ vụ của Thánh Phêrô.

Cuộc hoán cải ấy mới được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho Giáo Triều và rất phù hợp với tinh thần Năm Thánh. Ðây là một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, hướng về ánh sáng soi chiếu và chiến thắng tội lỗi.

Chúng ta không nên kinh hoàng vì sự yếu đuối của mình. Cả Thánh Phêrô cũng là người yếu đuối. Chính việc ý thức tính chất dòn mỏng ấy giúp gìn giữ chúng ta thành những môn đệ chân chính của Chúa Kitô, và để chúng ta có thể canh tân liên lỉ giữa lòng Giáo Hội.
 
Lời chân lý

Giờ đây chúng ta hãy nghĩ tới những công ty kinh doanh trong thế giới ngày nay. Bắt đầu thế kỷ mới, dưới ánh sáng các trào lưu lớn, các công ty này duyệt lại các dự án, đường hướng và chương trình hoạt động của họ.

Khi từ giã một thế kỷ có nhiều chinh phục lớn, nhưng cũng có những thảm trạng kinh hoàng, và trước thềm ngàn năm mới, cả chúng ta cũng nên làm một bản tổng kết và đề ra những dự phóng cho tương lai, dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Chúng ta là những vị mục tử trong các Cơ quan Tòa Thánh, với bao nhiêu nhân sự và cộng tác được ủy thác cho chúng ta. Chúng ta thuộc về Ðoàn Tông Ðồ. Trong niềm hiệp thông với Ðức Thánh Cha và dưới quyền của Ngài, chúng ta được tham dự vào mối quan tâm thường nhật của Ngài đối với toàn thể các Giáo Hội (cf 2Cr 11,28). Làm sao lại không xin Chúa giúp chúng ta trong tinh thần hoán cải?

Ví dụ, chúng ta có trung thành trong việc thực thi đứng đắn ý Chúa được biểu lộ trong biến cố trung tâm của thời đại chúng ta ngày nay là Công đồng chung Vatican II hay không?

Ðể đặt mình trong sự thật trước mặt Chúa, không có gì hữu hiệu hơn là để cho chính Ngài soi sáng và thanh tẩy chúng ta trong tình thương vô biên của Ngài. Chính Ngài với Lời Sự Thật, là Chúa Phục Sinh, là người Ðầu Tiên và Cuối Cùng và là Ðấng Hằng Sống. Chính Ngài nói với Giáo Hội trong mọi thời đại qua Thánh Linh.
 
Sứ điệp Chúa Thánh Linh gởi các Giáo Ðoàn

Trong sách Khải Huyền, Chúa Kitô Phục Sinh phác họa bản tổng kết đời sống của 7 giáo đoàn ở Tiểu Á và nói với các vị mục tử của các giáo đoàn ấy. Qua những sứ điệp này, Ngài muốn thanh tẩy đời sống của các cộng đoàn. Chúng ta hãy tìm cách nhận thức sự quan tâm nồng nhiệt của Chúa Kitô, Hôn Phu của Hội Thánh, đối với sự thánh thiện của các vị mục tử và các tín hữu, và hãy để cho mình được canh tân bằng những lời của Ngài hầu có được sự hoán cải chân thành trong Năm Toàn Xá này!

Giáo đoàn Êphêxô: một giáo đoàn đã mất tình yêu ban đầu
(Cf Kh 2,1-7). Chúa khiển trách giáo đoàn này vì không còn tình yêu nồng nàn như thuở ban đầu nữa, một tình yêu luôn tươi mát và quảng đại, nảy sinh từ Thánh Linh và làm cho Hội Thánh được trẻ trung (cf LG 4). "Vậy ngươi hãy nhớ xem ngươi sa ngã ở đâu, hãy hoán cải và thi hành các công việc ban đầu". Chúa nói với giáo đoàn ấy như thế và mạnh mẽ cảnh giác rằng: "Nếu ngươi không hồi tâm trở lại, Ta sẽ đến và cất chân đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó".

Giáo đoàn Pecgamô: một giáo đoàn dung thứ sự thờ thần tượng
(cf Kh 2,12-17). Chúa hiểu rằng giáo đoàn này sống trong môi trường đặc biệt khó khăn ("nơi có Tòa Satan"). Ngài đánh giá cao sự trung thành của giáo đoàn. Nhưng Lời Chúa là "gươm sắc hai lưỡi" nên không thể dung thứ cho một số người trong cộng đoàn rơi vào tội thờ thần tượng: "Vì thế, ngươi hãy tỉnh thức. Nếu không Ta sẽ sớm đến nơi ngươi và chiến đấu chống lại chúng với gươm của miệng Ta".

Giáo đoàn Thyatira: một giáo đoàn đã chiều theo thái độ thỏa hiệp
(cf Kh 2,18-29). Giáo đoàn này rất năng nổ hoạt động. Nhưng "Ðấng có đôi mắt lửa hồng" nhìn thấu sự khiết tịnh của tâm hồn. Ngài thấy rõ những thỏa hiệp trong phong hóa: "Các ngươi dung thứ Giêdaben, người đàn bà tự cho mình là nói nhân danh Thiên Chúa. Với lời rao giảng của mình, bà làm cho các tín hữu của Ta đi lệch đàng, lôi kéo họ phản bội Ta... Ta cho họ thời gian để thay đổi cuộc sống, nhưng họ không muốn từ bỏ sự bất trung... Chúa chỉ ban quyền bính trên các dân nước cho những người có đời sống thanh liêm vẹn toàn cho đến chết".

Giáo đoàn Xácđê: một giáo đoàn đang mê ngủ
(Kh 3,14-22). "Mọi người tưởng các ngươi là một giáo đoàn sinh động, nhưng trong thực tế các ngươi đã chết. Các ngươi hãy tỉnh thức! Hãy củng cố đức tin của một số người còn sống, trước khi suy tàn hết!" Chúa Giêsu nhắn nhủ giáo đoàn này đừng dựa vào những vinh quang quá khứ: "Các ngươi hãy nhớ lại xem mình đã đón nhận lời Chúa như thế nào; hãy mang lời ấy ra thực hành; hãy thay đổi cuộc sống! Nếu các ngươi tiếp tục ngủ, Ta sẽ tới như kẻ trộm..."

Giáo đoàn Laođikia: một giáo đoàn nguội lạnh
(cf Kh 3,14-22). Ở đây, chúng ta nghe thấy lời khiển trách càng mạnh mẽ hơn: "Ta biết tất cả về các ngươi. Ta biết rằng các ngươi không nóng không lạnh... các ngươi làm ta kinh tởm đến độ buồn nôn". Chúa từ chối sự tầm thường. Các Thánh nói rằng đây là trạng thái nguy hiểm nhất trong đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta ra khỏi tình trạng ấy nên Ngài mời gọi hãy nghe Ngài, là Ðấng đang gõ cửa đời sống chúng ta. "Các ngươi nói: 'Chúng ta giàu có. Chúng ta đã tạo được gia sản. Chúng ta chẳng cần gì nữa' và các ngươi không nhận thấy rằng mình thất bại, bất hạnh, nghèo nàn, mù quáng và trần trụi... Vì thế, hãy thay đổi cuộc sống, và dấn thân với trọn sức lực của các ngươi".

Trong số 7 giáo đoàn, Chúa Kitô Phục Sinh khiển trách 5 giáo đoàn vì thiếu tình yêu nồng nhiệt, vì thỏa hiệp, vì thờ thần tượng, vì ngái ngủ và nguội lạnh. Chỉ có hai giáo đoàn không bị khiển trách là Ximiếcna và Philađenphia.

Giáo đoàn Ximiếcna: một giáo đoàn bị bách hại và nghèo túng
(cf Kh 2,8-11). Chúa Phục Sinh khuyến khích giáo đoàn này trong lúc sầu khổ và thử thách: "Ta biết các ngươi bị bách hại và sống trong lầm than, nhưng trong thực tế các ngươi giàu có... Các ngươi đừng sợ những đau khổ đang chờ đợi các ngươi. Ma quỉ chẳng bao lâu sẽ ném một số trong các ngươi vào tù để thử thách các ngươi... hãy trung thành dù phải chịu chết". Như thế các ngươi được nhận lãnh triều thiên vinh quang.

Giáo đoàn Philađenphia: một giáo đoàn bé nhỏ nhưng trung thành
(cf Kh 3,7-13). Nguyên tên của giáo đoàn này cũng là điều đầy ý nghĩa: Philađenphia, "tình huynh đệ" (Cf 1Pr 1,22; 2,17). Ðó là thành ngữ mà Tân Ước dùng để nói về tình yêu của các môn đệ đối với nhau. Chúa đã có một lời khích lệ dành cho Giáo Hội này: "Ta đã mở ra trước ngươi một cánh cửa mà không ai có thể đóng nổi". Ðây là một giáo đoàn bé nhỏ, nhưng được Thiên Chúa yêu thương: "Ta biết rằng ngươi không có nhiều sức mạnh, nhưng ngươi đã thi hành lời Ta và đã không phản bội Ta... vì thế, Ta sẽ bảo vệ ngươi".

Chúng ta hãy xét một vài yếu tố thường được nói đến trong các sứ điệp ấy:

- "Ta biết công việc của ngươi...", "Ta biết ngươi ở đâu...", "Ta biết nỗi sầu khổ của ngươi...". Chúa biết rõ về chúng ta. Khi thấu nhập vào đời sống chúng ta bằng cái nhìn như ngọn lửa cháy, Ngài mời gọi chúng ta hãy xét lại tương quan của chúng ta với Ngài là "Ðấng Ðầu Tiên và Cuối Cùng".

- Trong mỗi giáo đoàn, người công chính đều tìm được lý do để ca ngợi. Nhưng hầu như Chúa nói với tất cả các giáo đoàn: "Nhưng Ta phải khiển trách ngươi...". Ðó là những lời quyết liệt. Chúa Kitô yêu thương một cách hết sức nghiêm chỉnh nên không thể để cho các giáo đoàn nằm lì trong những yếu đuối của họ. Tiếng gọi hoán cải thật là liên lỉ, tha thiết, được nâng đỡ bằng tình yêu, tuy âm thầm, nhưng luôn sinh động.

- Mỗi sứ điệp đều kết thúc bằng những lời này: "Ai có tai thì hãy nghe điều Thánh Linh nói với các giáo đoàn". Con đường hoán cải của chúng ta đạt được tột đỉnh và được hoàn tất trong sự lắng nghe Thánh Linh. Chúng ta, là Giáo Hội của Ngài, phải hoàn toàn phó thác nơi Ngài. Chính Ngài sẽ ban ơn để chúng ta biết đáp trả hoàn toàn ơn gọi của mình và ban cho khả năng biết đọc ra được những dấu chỉ thời đại. Ðó chính là mục đích của Năm Thánh.

Tôi thiết nghĩ sứ điệp cuối cùng như lời tóm lược điều Chúa muốn nói với Hội Thánh của Ngài: hãy là một Giáo Hội trung thành với tình yêu, trung thành với lời Tin Mừng, với luật yêu thương huynh đệ! Như thế ngươi sẽ làm chứng tá về sự hiện diện của Chúa, ngươi sẽ tăng trưởng, sẽ sống, và sẽ chiến thắng.

Lạy Chúa, này đây chúng con đầy lòng khiêm cung trước mặt Chúa

Có một kinh nghiệm mà chúng ta thường đọc, đặc biệt trong những lúc hội họp đó là kinh Adsumus Domine, Cúi Xin Chúa Sáng Soi. Kinh này được coi là của Thánh Isiđôrô thành Siviglia (La Preghiera dell'Adsumus. Note storio-critiche, in D. Balboni, "Anecdote liturgica", I, Città del Vaticano, 1984, pp. 17-24).

Mỗi khi đọc kinh này, tôi cảm thấy bị thôi thúc phải sống chân thật trước mặt Chúa, Ðấng mà chúng ta thưa với Ngài: "Adsumus - này chúng con đây".

Tôi dùng kinh này như một kinh cầu để thanh tẩy và đặt mình trong sự khiêm tốn: chúng con ở trước mặt Chúa với gánh nặng của tội lỗi ("Peccati quidem immanitate detenti...").

Chúng ta cảm thấy được khích lệ, và giống như trong trò chơi xích đu, chúng ta có thể từ vực thẳm lầm than vọt lên đỉnh sự sống của Chúa: "Xin Chúa đến và ở giữa chúng con" (Veni ad nos et esto nobiscum).

Ðể tìm ra hướng đi, tìm được con đường ngay thẳng theo ý Chúa, chúng ta phó thác để cho Ngài dìu dắt: "Xin dạy chúng con biết việc phải làm, cách làm, và phải thi hành điều gì".

Ðâu là những tội lỗi và khiếm khuyết mà chúng ta cầu xin được giải thoát nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần?

Có lẽ đó là sự thiếu công chính trong việc làm của chúng ta, nếu chúng ta là những người làm "xáo trộn công chính" (pertubatores iustitiae).

Có lẽ đó là sự thiếu khách quan trong phán đoán và quyết định, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, thiếu quan tâm tới sự thật, thiếu phân biệt chính xác: "Ước gì sự u mê dốt nát không đưa chúng con vào chỗ sa ngã".

Có thể là sự mỏng dòn của con người làm cho chúng ta trở nên yếu nhược, khi ngã theo những ân huệ nhận được, hoặc sợ hãi khúm núm trước cường quyền. Phán đoán của chúng ta bị điều kiện hóa vì thái độ thiên vị đến độ có nguy cơ bị mua chuộc. Tất cả những điều đó, chúng ta nói lên trong tâm tình khiêm tốn, dù những lời này làm cho chúng ta khó chịu: "Ðể ân huệ không làm cho phải quị lụy, việc nhận quà cáp hoặc nhân sự không làm ra hư hỏng..."

Chúng ta được mời gọi tự vấn xem chúng ta có luôn luôn say mê sự thật và chân thành tìm kiếm sự thật bằng mọi cách để không đi lệch đường ngay nẻo chính không ("ut in nullo deviemus a vero").

Với một ước muốn duy nhất: đó là trở thành những người giải thích và thi hành một cách hết sức trung thành thánh ý Chúa trong lời nói và hành động: "để các quyết định của chúng con không đi ngược lại với Chúa".

Càng là bạn hữu và là tôi tớ Chúa, chúng ta càng ý thức mình được chọn và được vinh dự phục vụ Chúa một cách đặc biệt trong Hội Thánh và cho thế giới, và đồng thời càng phải hăng say duy trì sự hiệp nhất: "Ðể chúng con được hiệp nhất trong Chúa ("ut simus in te unum"). Như thế chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe, bởi vì cùng hiệp nhau nhân danh Chúa như lời Ngài đã hứa: "Trong danh Chúa, họ kết hiệp nhau một cách đặc biệt" (Cf Mt 18,20). Và chúng ta sống trước nhan Chúa, hướng về Ngài như những người con rất quí yêu, như Chúa Giêsu, và bằng một kinh nguyện đơn sơ, chúng ta xin Ngài soi sáng để biết được những gì phải nói và phải làm: ("Esto solus suggestor et effector iudiciorum nostrum...").

Với lòng tín thác vô biên luôn được ơn thánh Ngài gìn giữ trong tình hiệp thông thực sự với Chúa, chúng ta khiêm tốn nài xin ơn Ngài liên kết và linh hoạt trong chúng ta ("Iunge nos tibi efficaciter solius tuae gratiae dono").

Ðược kêu gọi xét mình để làm bản tổng kết vào cuối thế kỷ và đầu ngàn năm mới, kinh "Adsumus, Domine", nhắc nhở chúng ta về sự đổi mới liên lỷ trong khi làm việc cho Ðức Thánh Cha và cho sứ vụ Phêrô của Ngài.

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô cũng khuyên chúng ta: "Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho những người hỏi anh em lý do tại sao anh em Hy Vọng, và hãy trả lời một cách tử tế và trân trọng cùng với lương tâm trong sạch" (1Pr 3,15-16). Nếu trong mọi lúc, chúng ta luôn hoàn toàn hướng về ơn gọi của mình, chúng ta có thể bước qua Cửa Thánh là Chúa Kitô hằng sống trong chúng ta và ở giữa chúng ta, với ước muốn sống như chính Chúa Giêsu đã sống vì Chúa Cha, và luôn được Thánh Linh thúc đẩy, để luôn luôn và trong mọi sự thi hành thánh ý Chúa Cha: "Ðể chúng con có thể làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự".

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này với một lời và một kinh nguyện Hy Vọng.

Tôi đã đến Melbourne, ở Úc, để giảng một cuộc tĩnh tâm.

Tôi rất được an ủi khi đọc thấy trên tường lời Hy Vọng này: "Không có vị Thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai..."

Trước mặt Chúa, Ðấng tập họp chúng ta đây trong danh Ngài, quá khứ của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc lòng thương xót của Ngài, và tương lai của chúng ta ở trong niềm trung thành bất biến của Ngài.

Lời kinh Hy Vọng là điều Thánh Ambrôsiô gợi lên cho chúng ta. Thánh nhân là vị mục tử đã cầu nguyện với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành với những lời này: "Vậy lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, hãy tìm kiếm tôi tớ Chúa, tìm kiếm chiên lạc của Chúa."
 
Hỡi Mục Tử, xin tìm kiếm, như Giuse đã tìm những con chiên.

Chiên của Chúa còn lạc đường, bao lâu Chúa còn trì hoãn, con dừng chân lại trên núi non. Xin Chúa hãy để lại 99 con chiên và lên đường tìm một con đang lạc lối.

Xin hãy đến và đừng mang theo chó. Hãy đến và đừng đem theo những người làm thuê thô lỗ. Hãy đến và đừng dẫn theo người chăn thuê không biết đi qua cửa chính. Hãy đến, xin đừng mang theo người trợ giúp hay người trung gian, vì từ lâu con vẫn đang chờ đợi một mình Chúa.

Con biết rằng Chúa sắp đến, nếu thực là con đã không quên giới lệnh của Chúa. Hãy đến, mà đừng mang gậy gộc, trái lại với tình yêu thương và thái độ từ nhân khoan thứ" (Dal Commento al Salmo 118, 22, 28: PL 15, 1599).

Lạy Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành, xin hãy đến để hoán cải và đổi mới chúng con!

Giáo Hội không bao giờ chỉ được canh tân một lần cho tất cả, nhưng cần được đổi mới hằng ngày.
 
 
"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Người sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời.
Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến trong thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian được cứu rỗi nhờ Người" (Ga 3,16-17).

Hai câu này của Tin Mừng Thánh Gioan vang dội tất cả sự cao cả và lầm than của con người như Pascal đã nói.

Trong Thông Ðiệp Redemptor Hominis, Chúa Cứu Thế, Ðức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng "con người (...) là lộ trình đầu tiên và cơ bản của Giáo Hội" (số 14). Và trong Thông Ðiệp Dives in Misericordia, Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương, Ngài viết: "Trong Chúa Giêsu Kitô, mọi nẻo đường gặp gỡ con người mãi mãi được ủy thác cho Hội Thánh qua dòng thời gian biến đổi, và đồng thời cũng là cuộc hành trình gặp gỡ Chúa Cha và tình thương của Ngài" (số 1).

Công Ðồng Chung Vatican II, trong Hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" đã mô tả tình trạng con người trong thế giới ngày nay như sau: "một thế giới được Thiên Chúa yêu thương", và vì thế giới ấy, Chúa Giêsu đã trả một giá thật đắt: "Theo tình hình đang diễn ra, thế giới ngày nay vừa mạnh mẽ nhưng đồng thời lại vừa yếu đuối, có khả năng làm những điều tốt lành và xấu xa... Thế giới đang mở con đường hoặc tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc suy thoái, tình huynh đệ hoặc oán ghét" (GS 9).

Hội Thánh phải nghe tiếng kêu cứu của thế giới và đồng thời quan sát dưới ánh sáng Chân Lý đã đón nhận từ nơi Thiên Chúa để nhận diện những Hy Vọng và đe dọa, những lo lắng và những lý do gây lo âu. Nói tóm lại, Hội Thánh phải thấy rõ mặt phải cũng như mặt trái của thế giới ngày nay.

Tôi thiết nghĩ không ai có thể tổng hợp sâu sắc hơn cái nhìn này cho bằng Ðức Phaolô VI trong Chúc thư của Ngài:

"Nhắm mắt trên trái đất đau thương, bi thảm và tuyệt vời này, một lần nữa, tôi cầu xin lượng từ nhân Chúa đổ xuống trên trái đất này" (Chúc Thư của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, 30-6-1965, số 6 trong báo Osservatore Romano ngày 12.8.1978 trang 2).
 
Một trái đất tuyệt vời

Những lời đầu tiên của Hiến Chế mục Vụ vừa trưng dẫn gồm có 4 chữ: "Vui mừng và Hy Vọng, buồn thảm và lo âu" (Gaudium et Spes, luctus et angor).

Tôi xin bắt đầu từ những điểm sáng, điểm tích cực.

Sau hai cuộc thế chiến trong tiền bán thế kỷ XX vừa qua, với những đau khổ khôn tả, với hàng triệu nạn nhân nguyên trong Thế Chiến Thứ II, và những tàn phá chưa từng có, thế giới chúng ta trong nhiều năm trời hạ bán thế kỷ XX, đã chịu đựng cơn ác mộng chiến tranh lạnh giữa hai khối ý thức hệ đối nghịch nhau, với sự đe dọa liên tục của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tại Âu Châu, với sự sụp đổ của các chế độ độc tài áp bức, chế độ mà, theo tài liệu của "Cuốn sách đen của chế độ cộng sản", đã làm cho 100 triệu người chết (1), thế giới đã thấy một viễn tượng mới về hòa bình.

Chúng ta có thể vui mừng ghi nhận những tiến bộ rất đáng kể:

- Tỷ lệ trẻ em chết sớm giảm bớt một nửa từ năm 1965;

- Hy vọng sống lâu gia tăng thêm 10 năm kể từ năm 1970;

- Tỷ lệ trẻ em cắp sách đến trường ở bậc tiểu và trung học tăng quá gấp đôi;

- Tỷ lệ người lớn biết chữ gia tăng từ gần 50% lên 70%;

- Lợi tức bình quân mỗi đầu người tăng gấp ba trong vòng 50 năm gần đây.

Bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng và bước vào Ngàn Năm thứ ba, nhân loại vui mừng nhận thấy có sự gia tăng ý thức về các quyền căn bản của con người và quyền tự quyết của các dân tộc, đề cao các giá trị bản sắc văn hóa, tôn trọng các nhóm dân thiểu số, cũng như ý thức về giá trị của dân chủ và thị trường tự do.

Các tôn giáo ý thức và quyết tâm thi hành vai trò của mình trong việc đối thoại, hòa giải, như một yếu tố căn bản của hòa bình và hiệp nhất cho thế giới.

Sự thăng tiến phụ nữ được hưởng ứng trong xã hội dân sự và trong Giáo Hội.

Trách nhiệm đối với thiên nhiên là một đề tài mới và chiếu dọi ánh sáng mới giúp ý thức hơn về hồng ân của Thiên Chúa.

Những tiến bộ lớn trong ngành thông tin, y khoa và khoa học là những lý do làm Hy Vọng về một cuộc sống sung túc hơn và đồng thời cũng là lý do khiến họ biết ơn Ðấng Tạo Hóa.

Người ta nhận thấy trong những bối cảnh đầy ý nghĩa, có một sự bừng tỉnh mạnh mẽ về chiều kích thiêng liêng, về đời sống nội tâm và sự chân thành. Càng ngày càng có nhiều người ao ước được Ðấng Tuyệt Ðối, và sự khao khát cầu nguyện cũng gia tăng.

Việc toàn cầu hóa, một cách nào đó cũng góp phần vào việc kiến tạo một tương lai thế giới hiệp nhất và liên đới hơn. Tất cả đều mong muốn có tình huynh đệ giữa con người với nhau.

Các phong trào mới trong Giáo Hội triển nở như một mùa xuân của Hội Thánh, với chứng tá vui tươi của họ trong niềm tin, cậy, mến.
 
Một trái đất đau thương

Nhân loại tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba với tiềm năng lớn lao về hòa bình và tiến bộ làm cho chúng ta vui mừng và cảm thấy khích lệ. Nhưng công việc hằng ngày cũng giúp tôi nhận thấy rằng nhiều dân tộc ngày nay vẫn còn chịu đau khổ vì bị gạt ra ngoài lề và bị kỳ thị, nhân phẩm của họ không được tôn trọng. Vẫn còn có nhiều người, như ông "Ladarô" quanh bàn tiệc của người giàu, đang chịu đau khổ vì nghèo đói, bất an về sức khỏe và văn hóa.

Theo Ngân Hàng Thế Giới:

- 1 tỷ 300 triệu người đang sống dưới mức nghèo đói cùng cực.

- 840 triệu người bị đói, trong đó có 200 triệu trẻ em. Trong số này mỗi năm có 13 triệu người phải chết: tức là gần 36 ngàn người mỗi ngày, 1,500 người mỗi giờ, 25 người mỗi phút, và cứ 3 giây đồng hồ thì có một người chết đói.

- Vẫn còn nhiều "Ladarô" chờ đợi quanh bàn tiệc và họ phải sống trên đường phố, ăn những thức còn thừa trong đĩa của thực khách ở các tiệm ăn. Thật là những điều không thể tưởng tượng nổi.

- Khoảng 1 tỷ rưỡi người dân trên thế giới chỉ hy vọng sống dưới 60 tuổi và hơn 880 triệu người thiếu các dịch vụ y tế, 2 tỷ 600 triệu người không được hưởng những cơ cấu y tế căn bản.

- Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1997, số người bị vi trùng HIV/AIDS tăng từ gần 15 triệu lên hơn 33 triệu.

Ðức Giáo Hoàng, khi nói về những lo âu của thời đại chúng ta, quả quyết rằng "tất cả những gì diễn ra trong bối cảnh một sự hối hận vĩ đại do sự kiện bên cạnh những người và xã hội dư giả, sống trong thừa mứa, chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ, không thiếu trong cùng gia đình nhân loại những cá nhân và nhóm xã hội đang phải chịu đói khổ. Cũng không thiếu những trẻ em chết đói dưới mắt bất lực của các bà mẹ..." (2).

Nạn nghèo sinh ra những tai họa khác: như nạn mãi dâm - nguyên tại Tây Âu có nửa triệu phụ nữ làm nghề này - hoặc nạn buôn bán ma túy nơi các trẻ em; nạn bạo lực và phạm pháp. Tình trạng thiếu việc làm là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ tuyệt vọng tự tử.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh Năm Ðại Toàn Xá, ÐTC đã kêu gọi xóa nợ hoặc ít là giảm cái vòng lẩn quẩn tàn hại của nợ nần mà các nước đang trên đường phát triển gặp phải. Trường hợp Phi Châu thật là tỏ tường. Mặc dù trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1996, Phi châu ở miền nam sa mạc Sahara đã trả gấp đôi số tiền họ mắc nợ nước ngoài, nhưng ngày nay, họ đang mắc nợ gấp 3 lần so với tình trạng cách đây 16 năm.

Một khuôn mặt đặc biệt của nghèo đói là tình trạng bất an về văn hóa. Năm 1997, hơn 850 triệu người lớn không biết chữ, và hơn 260 triệu trẻ em không được cắp sách đến trường ở trình độ tiểu học và trung học.

Thêm vào đó việc buôn bán bất hợp pháp ma túy và võ khí, cũng như sự lưu thông tiền bạc bẩn thỉu là những nguyên nhân gây nên chiến tranh. Trong khoảng thời gian từ 1989 đến 1998, đã có 81 cuộc chiến tranh: 3 cuộc chiến giữa các nước, và 78 cuộc nội chiến. Hàng ngàn thiếu niên, từ tuổi 14, đã bị động viên và xung vào chiến tranh. Nhiều trẻ em bị thiệt mạng, nhiều em khác bị tàn phế, và những em khác trở nên quen thuộc với oán thù, bạo lực và tàn sát...

Tôi nghĩ đến núi Cây Dầu, trước thành Giêrusalem. Tại nơi "Chúa khóc", trước thành ấy. Nếu ngày nay, Chúa Giêsu đi qua thế giới "đau khổ và bi thảm này" có lẽ Ngài cũng sẽ khóc và thốt lên rằng: "Thầy cảm thấy thương đám dân này". Tại nhiều nơi, Ngài vẫn còn bị đóng đinh và kêu lên "Ta khát".
 
Một trái đất bi thảm

Mặc dù có những tiến bộ đầy khích lệ được ghi nhận, trong thời đại hoàn vũ hóa này, hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn.

Thật là một sự kiện khó tin: tài sản của ba người giàu nhất thế giới bằng tổng sản lượng của 48 nước nghèo nhất. 1 tỷ 300 trệu người sống với chưa đầy một mỹ kim mỗi ngày.

Cũng thật là ngỡ ngàng khi nghe biết rằng tại các nước công nghệ, có 88% tổng số những người dùng Internet, trong khi 2 tỷ người khác không có điện.

Một vùng đen tối khác bao trùm toàn thể lãnh vực các giá trị luân lý của con người, nơi nội tâm và trong sự chủ quan của họ. Chúng ta có thể nhắc đến thái độ rất nguy hiểm là tương đối hóa luân lý, một thứ "bệnh ung thư chủ quan" (3), một sự sa đọa của nhân loại. Thái độ này càng làm tăng thêm trào lưu loại trừ Kitô giáo, chủ thuyết vô thần thực hành, sự thu hẹp đức tin vào lãnh vực riêng tư. Trong các thế kỷ trước đây, Hội Thánh đã chịu đau khổ nhiều về cuộc khủng hoảng đức tin mạnh mẽ, còn trong thời đại chúng ta, cuộc khủng hoảng xoay quanh vấn đề luân lý: chân lý về con người bị lu mờ. Và gia đình bị băng hoại, trật tự thiên nhiên bị đảo lộn, người ta lạm dụng tự do và không tôn trọng sự sống...

Sự thành thị hóa cũng tạo nên những vấn đề mới về mục vụ. Năm 2015 tới đây, cứ 5 người Pháp, thì có một người sống ở vùng Paris. Tệ hơn nữa là nạn di dân từ vùng này qua vùng khác vì thiếu công ăn việc làm. Hiện tượng ngày càng nhiều người già làm vỡ các hệ thống hưu bổng tại nhiều quốc gia.

Trong 15 năm tới đây, tại nhiều nước Âu Châu, giai cấp thợ thuyền cũng như nông dân sẽ bị giảm sút rất nhiều. Ví dụ, tại Pháp, năm 1984 có 8 triệu 200 ngàn công nhân, ngày nay chỉ còn lại 6 triệu rưỡi, và vào năm 2015 tới đây, chỉ còn 4 triệu người mà thôi. Các giai cấp xã hội cũng dần dần chấm dứt. Xã hội ngày mai sẽ gồm hơn 75% nhân viên các cán bộ trung cấp.

Các hệ thống viễn liên điện toán thay đổi xã hội chúng ta một cách sâu rộng. Cùng với cuộc cách mạng đó, mọi điều thiện và điều ác đi thẳng vào nội tâm của mỗi gia đình. Vì thế, cả những nước độc tài cũng không thể dựng nên những bức tường, những hàng rào hoặc cấm đoán. Tất cả những thay đổi đó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Dân Chúa. Chúng ta nghĩ tới một xác tín mạnh mẽ của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII: nếu Giáo Hội không đi gặp nhân loại, thì nhân loại sẽ không gặp Giáo Hội.
 
Chúng tôi loan báo một Tin Mừng: Ðấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta

Ðứng trước những bóng đen tối tăm đó, vang dội lên trong tâm trí chúng ta những lời Chúa Giêsu đọc trong sách tiên tri Isaia, tại Hội đường Nadarét: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế, Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho các tù nhân và người mù được thấy; người áp bức được tự do, và rao giảng năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19).

Năm Ðại Toàn Xá mang lại cho chúng ta một Hy Vọng về sự canh tân mạnh mẽ "trái đất đau thương, bi thảm, tuyệt vời này" nhờ ơn của một lễ Hiện Xuống Mới. Nếu không có sự hoán cải nội tâm, phần lớn nhân loại có nguy cơ tiến từ kinh nghiệm bị bóc lột tới loại trừ, và từ loại trừ tới hủy diệt.

Viễn tượng của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI: "Một trái đất đau thương, bi thảm và tuyệt diệu" vẫn không rời tôi. Tôi mơ ước một niềm Hy Vọng lớn:

Tôi mơ ước một Hội Thánh là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ.

Tôi mơ ước một Hội Thánh là Lời Chúa, phổ biến Sách Tin Mừng ra mọi phương trời, trong cử chỉ loan báo và tuân phục Lời Chúa, như một lời hứa của Giao Ước vĩnh cửu.

Tôi mơ ước một Hội Thánh là Bánh, Thánh Thể, muốn trở thành hồng ân và để cho mình được mọi người ăn, hầu cho thế giới được sự sống dồi dào.

Tôi mơ ước một Hội Thánh say mê sự hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn (cf Ga 17), như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người mở Cửa Thánh và cầu nguyện trên ngưỡng cửa rồi cùng tiến lên với một Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo và Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo của giáo phận Cantebury, và nhiều vị đại diện khác.

Tôi mơ ước một Hội Thánh trên đường lữ hành, Dân Thiên Chúa theo sau Ðức Giáo Hoàng mang Thánh Giá, tiến vào Ðền Thờ Chúa, cầu nguyện và ca hát, hướng về Chúa Kitô Phục Sinh, là niềm Hy Vọng duy nhất và hướng về Mẹ Maria và tất cả các Thánh.

Và tôi ngưỡng mộ các anh em tôi thuộc các cơ quan khác nhau của Trung Ương Tòa Thánh, trong những giờ rảnh không phải làm việc tại văn phòng, đến giúp các cộng đoàn giáo xứ trong công việc mục vụ.

Tôi mơ ước một Hội Thánh mang trong tâm hồn lửa của Thánh Linh, và ở đâu có Thánh Linh, ở đó có tự do, và có đối thoại chân thành với thế giới, nhất là với giới trẻ, với những người nghèo, người sống ngoài lề, có sự nhận diện các dấu chỉ thời đại. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, dụng cụ rao giảng Tin Mừng (4), hướng dẫn chúng ta trong việc nhận định những thay đổi trong xã hội ngày nay.

Tôi mơ ước một Hội Thánh là Chứng Nhân của Hy Vọng và Tình Thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Ðức Giáo Hoàng tiếp nhận tất cả mọi người: Chính thống, Anh giáo, Calvin, Luther... trong ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha và sự hiệp thông của Thánh Thần được sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm tốn.

Vui mừng và Hy Vọng dường nào!

Lạy Mẹ Maria chí thánh, là sự sống, sự dịu ngọt và là Hy Vọng của chúng con, xin cầu cho chúng con!

- - - - - - - - - - - - -

(1) Le livre noir du comminisme, Stéphane Courtoirs, Nicolas Werth, Jean Louis Panné, Andrzej Paerzkowski, Karel Bartosek, Jean Louis Margolon - Ed. Robert Laffont, Paris, 1997, p.14.
(2) Dives in misericordia, n.11.
93) C.M. Martini, Qualche anno dopo, Piemme, Casale Monferrato, 1987, p.37.
(4) Cf Giovanni Paolo II, Centesimus annus, n.54.
----------
 
Trong Năm Thánh này, khi khởi sự cuộc hành hương tại các nơi ghi dấu lịch sử cứu độ chúng ta, Ðức Gioan Phaolô II vì không thể tới miền Ur xứ Canđê, đã cử hành lễ tưởng niệm Tổ Phụ Abraham tại Rôma.

Ðáp lại lời mời gọi, Abraham chọn Thiên Chúa, vâng lời không chút do dự và đã rời quê hương mà không biết mình đi đâu, hướng về vùng đất Thiên Chúa đã hứa cho ông.

Với sự chọn lựa quyết liệt ấy, Tổ Phụ Abraham đã khởi sự một kinh nghiệm ngoại thường.

Ngài đã "sống như một người ngoại quốc trên quê hương mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông".

Ngài tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa ban cho Ngài một người con khi đã 100 tuổi.

Tổ phụ Abraham đã "tín thác dâng hiến người con duy nhất của mình" làm hy tế, vì "nghĩ rằng Thiên Chúa cũng có thể cho người chết sống lại..." (cf He 11,9-19).

Và chính vì thế, Ngài đã trở thành cha của đông đảo dân chúng, đông như sao trên trời và như cát dọc theo bờ biển.

Dựa vào một mình Thiên Chúa, chọn lựa Thiên Chúa: đó chính là kinh nghiệm lớn lao của các Tổ Phụ, các Ngôn Sứ, các tín hữu Kitô tiên khởi, được gợi lại trong chương 11 của Thư gửi Tín Hữu Do Thái trong đó có 18 lần dùng thành ngữ "nhờ đức tin" (per fede) và một lần thành ngữ "với đức tin" (con fede).

Tuy nhiên thái độ không hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, tìm nương tựa và an ninh nơi khác vẫn luôn là cám dỗ dân Chúa thường gặp. Ðó cũng là kinh nghiệm từng trải của những nhân vật, cả những người nổi tiếng như Môisen, Ðavít, Salômôn.

Mẹ Maria là người tín hữu tuyệt hảo. Và cùng với các Ngài có vô số các chứng nhân, đông đảo những thí dụ lớn không thiếu trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ, và trong những thăng trầm của đời sống bản thân chúng ta.

Nền tảng đời sống Kitô hữu

Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.

Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: "Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!

Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.

Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Ðó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Ðó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Giáo Hội và nhân loại ngày nay.

Luôn thưa lại tiếng "Xin Vâng"

Mỗi ngày tôi càng hiểu rõ hơn những lời Kinh Thánh: "Như trời xa cách đất thế nào,... tư tưởng của Ta cũng xa cách những tư tưởng của các ngươi như vậy" (Is 55,9).

Tôi hiểu được rằng cuộc sống của tôi là một chuỗi dài các chọn lựa giữa Thiên Chúa và các việc của Chúa. Một sự chọn lựa luôn mới mẻ, và trở thành một sự hoán cải.

Mẹ Maria đã chọn Chúa mà quên đi những dự tính riêng tư của mình mặc dầu không hiểu rõ mầu nhiệm đang xảy ra trong thân xác và vận mệnh của mình. Từ lúc ấy, cuộc đời của Mẹ là một lời "Xin Vâng" luôn được đổi mới từ hang đá Bêlem, tới cuộc lưu đày ở Ai Cập, cho đến xưởng mộc làng Nadarét và cuối cùng tới đồi Canvê. Cùng một chọn lựa luôn được tái thực hiện: "Thiên Chúa chứ không phải những công việc của Thiên Chúa". Và chính nhờ đó mà Mẹ Maria thấy tất cả những lời hứa được thể hiện. Mẹ thấy Chúa Con phục sinh, người Con mà Mẹ đã ẵm lấy thân xác nhợt nhạt; Mẹ thấy nhóm môn đệ tụ tập lại và mang Tin Mừng của Chúa Con cho mọi dân nước. Mẹ được mọi thế hệ tuyên xưng là người có phúc và là "Mẹ Thiên Chúa". Mẹ đã đứng dưới chân Thánh Giá và đã thấy Con Thiên Chúa trở thành một người như chúng ta, một con người bình thường.
 
Thờ phượng cách chân thật

"Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết tâm hồn và hết sức ngươi" (Ds 6,5; cf Mt 22,37).

Trong các sách Lêvi và Ðệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã thiết định tỉ mỉ các lễ nghi, phẩm phục tư tế, và tất cả những gì cần cho việc tư tế chính chức, theo thời điểm và lễ trọng khác nhau.

Sách các Vua kể lại cho chúng ta những cố gắng của vua Salômôn để kiến thiết Ðền Thờ, theo kế hoạch Thiên Chúa đã định, với sự đóng góp của các dân tộc lân bang. Và thế là nảy sinh trung tâm tôn giáo và quốc gia của Israel.

Vậy mà, qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa cho biết các hy tế và lễ toàn thiêu chẳng có giá trị gì, nếu không có hy tế nội tâm là tâm hồn thống hối khiêm cung. Ðó là một sự chọn lựa Thiên Chúa một cách chân thực và rõ ràng. Trời và đất đều thuộc về Chúa, đất là "bệ" chân Ngài. Thiên Chúa không cần Ðền Thờ (cf Is 66,1-2).

Can đảm sống trung thực

Sự chọn lựa Thiên Chúa như thế trong cuộc sống có hệ luận là phải quyết tâm từ bỏ việc thờ thần tượng. Vì thế, cụ già Êlêadarô thà chết chứ không để kẻ khác nghi ngờ sự liên kết mật thiết của mình với Thiên Chúa (cf 2 Mcb 6,18-31).

Ngày nay, cũng như thời Cựu Ước và Tân Ước, ai chọn Thiên Chúa thì phải chấp nhận thiệt thòi trong lãnh vực kinh tế, quyền hành hoặc những lợi lộc khác... Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó: "Vì Thầy".

Cũng vì sự chọn lựa đó, có những người không thể vào đại học, không được công ăn việc làm, không có nhà ở... Bao thế hệ Kitô hữu tại nhiều quốc gia đã can đảm chấp nhận những hy sinh như thế.

Thư gửi Tín Hữu Do Thái nhắn nhủ chúng ta: "Anh em hãy nghĩ lại những gì anh em đã cảm nghiệm trong những ngày đầu tiên, ngay sau khi nhận lãnh ánh sáng của Thiên Chúa. Bấy giờ anh em đã phải chịu nhiều đau khổ, phải chiến đấu cam go. Nhiều khi anh em bị lăng mạ và ngược đãi trước mặt mọi người; nhiều lần khác, anh em phải bảo vệ những người bị xúc phạm như thế. Anh em đã từng chịu nổi sầu khổ của các tù nhân, và khi bị người ta tước đoạt của cải, anh em đã vui lòng chấp nhận những mất mát đó, vì biết mình sẽ sở hữu những của cải tốt đẹp hơn, và không ai có thể tước đoạt được" (Dt 10,32-34).

Cách chọn Chúa trong đời sống mục tử

Khi còn ở trong tù, xét theo một nghĩa nào đó, việc chọn lựa một mình Thiên Chúa đối với tôi dễ dàng hơn mặc dầu không thiếu những cám dỗ chiều theo sự thỏa hiệp. Thật vậy, khi không còn những an ninh trước đó nữa, tôi cảm thấy cần phải tập trung tất cả cuộc sống mình vào một điều "cần thiết duy nhất" (cf Lc 10,42) trong số những gì được xem là hoàn toàn quan trọng.

Giờ đây được tự do với lắm công việc và những công tác nhiều khi nặng nề, tôi thật dễ dàng trở nên Matta hơn là Maria.

Thực vậy, không có Mục Tử nào nghĩ rằng mình không chọn Chúa. Tất cả chúng ta đều xả thân tận tụy với các công việc của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy mình luôn cần phải xét lại mình cách thành thật trước mặt Chúa. Trong cuộc sống mục vụ của tôi, bao nhiêu phần dành cho Chúa và bao nhiêu phần dành cho các công việc của Ngài (mà nhiều khi đó chỉ là công việc của tôi)? Khi từ khước một nhiệm vụ hoặc mong ước một nhiệm vụ khác, tôi có thực sự là vô vị lợi hay không?

Tác giả Thư gửi Tín Hữu Do Thái khuyên rằng: "Anh chị em cần sự cương quyết" (Dt 10,36). Cương quyết để thực sự tự do. Ai tự do thì không sợ gì cả. Ðó là trường hợp của Môisen: "Môisen khi lớn lên, không muốn được coi là con trai của công chúa vua Ai Cập. Ông muốn được đối xử giống như dân Chúa, hơn là sống thoải mái trong một thời gian ngắn, nhưng trong tội lỗi" (Dt 11,24-25).
 
Mãnh lực thu hút của chứng tá

Trong một cuộc thuyết trình tại đại học Salford ở Anh quốc, mới đây một chủng sinh đã hỏi tôi: "Thưa cha, con nói nhân danh các chủng sinh. Xin cha để lại cho chúng con một lời khuyên". Tôi đáp: "Các thầy đặt cho tôi câu hỏi này thật bất ngờ, nhưng tôi không muốn để các thầy phải thất vọng. Trong cuộc sống khá dài và sóng gió của tôi, tôi đã trải qua kinh nghiệm này. Nếu tôi trung thành bước theo Chúa Kitô, từng bước một, thì chính Chúa Giêsu sẽ dẫn tôi đến mục đích. Các thầy sẽ bước đi trên những con đường không lường trước được, nhiều khi quanh co, tăm tối, thê thảm, nhưng các thầy hãy tin tưởng. Các thầy ở cùng Chúa Giêsu! Hãy phó thác cho Ngài mọi ưu tư lo lắng của các thầy. Ðừng quan tâm lo lắng thu hút dân chúng. Hãy chắc chắn rằng: nếu các thầy theo Chúa Giêsu, thì dân chúng cũng sẽ theo các thầy!"

Trong Công Vụ Tử Ðạo chúng ta đọc thấy trình thuật này:

Khi thánh Ciprianô bị bắt, quan tổng trấn tra hỏi Ngài trước đám đông:

- Người có phải là Thascius Cyprianus không?

- Thưa chính tôi đây.

- Các Thánh hoàng đế đã truyền cho ngươi phải tế thần.

- Tôi không làm.

- Ngươi hãy nghĩ lại đi!

- Ðối với một điều rõ rệt như thế thì không cần phải suy nghĩ gì nữa.

- Thascius Cyprianus phải bị hành quyết bằng gươm.

- Tạ ơn Chúa.

Sự chọn lựa này của Thánh Ciprianô giống như một sức thu hút mãnh liệt khiến cho các tín hữu đồng loạt theo Ngài đến nơi tử đạo (Cf Acta Prosunsularia S. Cypriani 3-4: PL 3, 1561-1563).

Và tôi nghĩ tới việc hành hương Năm Thánh.

Chúng ta tiến bước mỗi ngày, mặc dù gặp những thử thách, rủi ro, bởi chúng ta chỉ có một mục đích duy nhất, một niềm Hy Vọng duy nhất.

Chỉ có một sự cần thiết duy nhất: chọn Thiên Chúa.
 
III. Cuộc phiêu lưu của Hy Vọng
 
Endokimov, thần học gia Chính thống nổi tiếng có viết: "Do một sự tha hóa lạ lùng con người của thế giới này sống trong quá khứ, trong các kỷ niệm của nó hay trong sự đợi chờ tương lai. Còn giây phút hiện tại, thì con người lại tìm cách tránh né và xử dụng óc sáng tạo để "giết thời giờ" một cách hữu hiệu hơn. Thằng người này không sống ở đây trong lúc này, mà trong các tưởng tượng mà nó không ý thức được (...) Quá khứ và tương lai không hiện hữu trong cái rời rạc trừu tượng của chúng nên không đạt tới sự vĩnh cửu. Sự vĩnh cửu chỉ quy hướng về giây phút hiện tại và chỉ được trao ban cho những ai hoàn toàn hiện diện trong lúc đó. Chỉ trong các khoảnh khắc này ta mới đạt tới và sống trong hình ảnh của hiện tại vĩnh cửu" (P. Endokimov, Các tuổi của đời sống thiêng liêng, Bologna 1968, tr.257-258).

Trong bài suy niệm này tôi muốn dừng lại ở giây phút hiện tại. Chính trong hiện tại cuộc mạo hiểm mới khởi sự của niềm Hy Vọng. Hiện tại là thời gian duy nhất mà chúng ta có trong tay. Quá khứ đã qua rồi, còn tương lai chúng ta không biết nó sẽ ra sao. Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại.

Sống hiện tại là luật của thời nay. Trong tiết nhịp cuồng loạn của thời đại chúng ta, cần phải dừng lại trong phút giây hiện tại như là cơ may duy nhất để "sống" thực sự và ngay từ bây giờ hầu dẫn đưa cuộc sống trần thế này của chúng ta vào trong cuộc sống vĩnh cửu.

Con đường nên thánh

Sau khi bị bắt hồi tháng 8 năm 1975, tôi bị đưa từ Sài Gòn tới Nha Trang, trong một cuộc hành trình dài 450 cây số trong đêm khuya giữa hai người công an. Kinh nghiệm sống tù ngục bắt đầu: tôi không còn có giờ giấc nữa. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại": một ngày trong tù dài bằng một ngàn năm sống tự do bên ngoài. Tôi đã sống kinh nghiệm đó. Trong tù mọi người đều chờ đợi được trả tự do, từng ngày, từng phút.

Trong những ngày tháng đó biết bao nhiêu tâm tình hỗn độn quay cuồng trong đầu óc tôi: buồn sầu, sợ hãi, căng thẳng. Tim tôi bị xé nát vì phải xa giáo dân. Trong đêm tối dày đặc giữa đại dương của âu lo, dần dần tôi tỉnh thức: "Tôi phải đương đầu với thực tại. Tôi đang bị tù. Nếu tôi chờ đợi lúc thuận tiện để làm một cái gì đó thật sự vĩ đại, thì sẽ có được mấy dịp như thế? Chỉ có một điều chắc chắn sẽ xảy đến: đó là cái chết. Cần phải nắm lấy cơ hội xảy ra mỗi ngày để chu toàn những công việc tầm thường như một cách phi thường" (Ðường Hy Vọng số 818).

Trong những đêm dài trong tù ngục tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện. Niềm xác tín đó gây cảm hứng cho lời cầu nugyện sau đây:

"Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.
Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường Hy Vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời Hy Vọng do mỗi phút hy vọng (Ðường Hy Vọng số 977).

Như Chúa, lạy Chúa Giêsu, Ðấng đã luôn làm những gì đẹp lòng Thiên Chúa Cha.

Mỗi giây phút con muốn thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, cuộc sống của con sẽ luôn luôn là "một giao ước mới và giao ước vĩnh cửu" với Chúa.

Mỗi giây phút con muốn hát lên cùng với toàn thể Hội Thánh: "Vinh danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần..."
 
Một dấn thân, một hồng ân

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta luôn làm sống lại giây phút hiện tại. Ngài dạy chúng ta xin Thiên Chúa Cha cơm bánh cho "ngày hôm nay" và nhắc nhở cho chúng ta biết rằng ngày nào đủ lao nhọc cho ngày đó (x. Mt 6,34).

Ngài kêu mời chúng ta dấn thân trong từng giây phút. Và đồng thời Ngài cũng ban cho chúng ta những ơn cần thiết. Trên Thập Giá, khi người ăn trộm nói với Chúa: "Lạy Ðức Giêsu, xin nhớ đến tôi khi nào Ngài vào Nước của Ngài". Chúa trả lời: "Hôm nay anh sẽ ở cùng ta trên Thiên đàng" (x. Lc 23,42-43). Trong tiếng "hôm nay" đó gói ghém tất cả sự tha thứ và tình yêu của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong mọi lúc, tới mức độ tạo ra một thứ từ vựng mới có sức diễn tả tính chất này như: "cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá" (Gl 2,19) "cùng được mai táng" (Rm 6,4; Cl 2,12), "chúng ta đã cùng chết" "cùng sống" (2Tm 2,11; x. 2Cr 7,3), "cùng sống lại" (Cl 3,1). Thánh Tông Ðồ đề cập tới sự kết hiệp của Ðức Giêsu với chúng ta như một thực tại không tàn phai, một sức sống liên lỉ thúc đẩy chúng ta dấn thân hoàn toàn và chờ đợi sự đáp trả của chúng ta: Ðức Kitô đã chết và đã sống lại để trở thành Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Vì thế "dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa" (x. Rm 14,8-9). "Vậy dù khi ăn, dù khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31).

Trong Phúc Âm thứ Tư, chiều kích Kitô học này rộng mở đến chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa: "Ðể chúng nên một như chúng ta. Như Con ở trong chúng và Cha ở trong Con" (Ga 17,22-23).
 
Phút hiện tại "trong lòng Thiên Chúa"

Tất cả các Thánh và các vị chứng nhân lớn đều đồng ý với nhau về tầm quan trọng của giây phút hiện tại. Các vị sống hiệp nhất với Ðức Giêsu trong mọi lúc của cuộc đời, một lý tưởng riêng biệt đã nhập thể trong con người của họ. Ðối với thánh Inhaxiô thành Loyola, đó là "để vinh danh Chúa hơn", đối với thánh nữ Elidabét Chúa Ba Ngôi thì "để chúc tụng vinh danh Chúa", đối với thánh Gioan Bosco thì "xin hãy cho con các linh hồn", đối với Mẹ Têrêxa Calcutta thì đó là "lòng thương xót". Ðối với ông Raul Folereau đó là "Ðức Giêsu nơi người phong cùi". Còn đối với ông Jean Vanier thì đó là "Ðức Giêsu nơi người khuyết tật tâm thần"...

Khi biến lý tưởng trở thành con người, trong mỗi khoảnh khắc hiện tại, các Thánh sống một cuộc đời trong đó cốt tủy của lý tưởng ấy được thực hiện.

Thánh Phaolô Thánh Giá viết: "May mắn thay linh hồn nào an nghỉ trong lòng Thiên Chúa mà không nghĩ tới tương lai, nhưng chỉ sống từng giây phút hiện tại trong Thiên Chúa, không lo lắng gì khác ngoài việc thực hiện tốt ý muốn của Người trong mọi biến cố" (Thánh Phaolô Thánh Giá, Thư, I, Rôma 1924, tr.645-646).

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux khẳng định:

"Cuộc đời tôi là một ánh chớp, một giờ trôi qua là một lúc khoảnh khắc đang trốn thoát tôi. Chúa biết đó, lạy Chúa, để yêu Chúa trên trái đất này con không có gì khác ngoài hôm nay" (Têrêxa thành Lisieux, Thơ "Tiếng hát của tôi hôm nay" trong: Toàn tác phẩm, Paris 1996, tr.645-646).

Một gương mặt thiêng liêng lớn của thời đại chúng ta có nói: "Ai biết con đường nên thánh, thì trở lại và say mê trở lại với sự khắc kỷ mà nó yêu cầu: đó là được sống trong Thiên Chúa trong khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời. Như thế, họ hoàn toàn xa lạ với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa vì dìm mình trong Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa hiện diện. Khi đó cuộc sống của chúng ta không còn là chỉ "có mặt" nữa cho bằng là "sự sống" tràn đầy, bởi vì Thiên Chúa, Ðấng là "hằng hữu" đã đi vào trong cuộc sống". (Chiara Lubich, Bút tích thiêng liêng/2, Rôma 1984, tr.129).
 
Phân biệt tiếng của Thiên Chúa

Giữa bao tiếng nói thân tình khác nhau, phân biệt tiếng nói của Thiên Chúa (x. GS 16), để thực hiện ý muốn của Ngài trong giây phút hiện tại là một tập luyện liên tục mà các Thánh ngoan ngoãn vâng phục. Qua việc tập luyện liên lỷ ấy, việc phân biệt này ngày càng dễ dàng hơn, bởi vì tiếng nói của Thiên Chúa vang dội trong chúng ta và trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhiều khi không dễ. Nhưng nếu chúng ta tin vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta có thể bình tĩnh chu toàn điều chúng ta tin là ý Chúa, với lòng tin cậy rằng nếu không đúng, Chúa cũng đặt chúng ta lại vào đúng đường rầy.

"Tất cả đều sinh lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định" (Rm 8,28).

Bà Raissa Maritain viết: "Mọi bổn phận của mỗi giây phút đều dấu ẩn chân lý về ý muốn của Thiên Chúa dưới các dạng tăm tối của chúng. Chúng giống như các Bí Tích của phút giây hiện tại" (Hồi ký của Raissa Maritain, do J. Maritain xuất bản, Brescia 1968, tr.146).

Origene thì để lại cho chúng ta lời khuyên đẹp này: "Cần tìm đền thánh không phải tại một nơi, nhưng trong các cử chỉ, trong cuộc sống và trong các thói quen. Nếu những cử chỉ này hợp ý Thiên Chúa, nếu chúng phù hợp với các giới răn của Thiên Chúa, thì cho dù bạn có ở nhà hay ở ngoài quảng trường cũng không quan trọng: tôi nói gì "Ở ngoài quảng trường" hả? Cả khi bạn đang ở trong rạp hát đi nữa cũng không quan trọng: nếu bạn đang phục vụ Lời của Thiên Chúa, là bạn đang ở trong đền thờ rồi, đừng có nghi ngờ gì cả" (Bài giảng về sách Lêvi 12,4 Nguồn gốc Kitô 287, tr.182).
 
Làm thế nào để cho mỗi khoảnh khắc đầy yêu thương

Trong những tháng kế tiếp, khi tôi bị quản thúc tại làng Cây
Vông, Nha Trang, ngày cũng như đêm, ở dưới sự canh chừng thường xuyên của công an. Một tư tưởng đã ám ảnh tôi: "giáo dân mà tôi rất mến thương đã như một đàn chiên không có chủ chăn! Làm sao tôi có thể tiếp xúc với giáo dân của tôi, chính ngay lúc này đây, khi họ rất cần đến một mục tử?" Các nhà sách Công gáo đã bị tịch thu, các trường học bị đóng cửa, các nam nữ tu sĩ giảng viên bị phân tán, một số đi nông trường lao động, một số khác đi "vùng kinh tế mới". Sự xa lìa giáo dân là một cú "sốc" làm tan nát tim tôi.

Tôi tự nhủ: "Tôi sẽ không chờ đợi". Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đầy tình yêu. Nhưng như thế nào đây?" Một đêm kia tôi chợt hiểu ra rằng: "Phanxicô, rất đơn giản. Hãy làm như thánh Phaolô khi Ngài bị giam trong tù: "Hãy viết thư cho các giáo đoàn".

Sáng hôm sau tôi ra hiệu cho một chú bé 7 tuổi tên là Quang, khi chú đi lễ về lúc 5 giờ sáng khi trời còn tối, và tôi xin: "Con hãy nói với má con mua cho cha các cuốn lịch cũ". Khi chiều tối đến cậu bé đem các cuốn lịch cũ tới cho tôi. Và tối nào cũng thế từ tháng 10 cho tới tháng 11 năm 1975, tôi đã viết sứ điệp cho tín hữu. Mỗi sáng chú bé đến lấy các tờ lịch ấy về nhà để cho các anh chị em chép lại. Thế là sách "Ðường Hy Vọng" được hoàn thành vào ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1976. Hiện cuốn sách này đã được dịch ra mười một thứ tiếng khác nhau.

Năm 1989 sau khi tôi ra khỏi tù, tôi đã nhận được một bức thư của Mẹ Têrêxa Calcutta với các lời này: "Không phải con số các hoạt động của chúng ta quan trọng, mà là cường độ tình yêu thương mà chúng ta đặt để vào mỗi hành động của chúng ta".

Giây phút ấy sẽ là cuối cùng

Sống từng khoảnh khắc một với cao độ yêu thương là bí quyết cũng giúp chúng ta biết sống tốt khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI viết "Tư tưởng về cái chết" như sau:

"Không nhìn lại đàng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm bổn phận trong lúc này đây như là ý Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn, và mạnh mẽ. làm nhanh, làm tất cả, làm tốt. Làm một cách tươi vui: điều mà Chúa muốn nơi con trong lúc này đây, cả khi nó vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sống của con đi nữa. Sau cùng, chính giờ phút này đây" (Phaolô VI, Tư tưởng về cái chết, trong báo "Quan Sát Viên Rôma" 5-8-1079, tr.5).

Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:
khoảnh khắc đầu tiên
khoảnh khắc cuối cùng
khoảnh khắc duy nhất.

Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này với lời cầu của Thánh Nữ Faustima Kowalska:

"Nếu con nhìn tương lai, thì lo sợ sẽ xâm chiếm lòng con,
Nhưng tại sao lại dấn bước vào tương lai?
Chỉ có hiện tại là thiết thân với con,
Bởi vì tương lai có lẽ sẽ không ở lại trong linh hồn con.
Thời gian quá khứ không nằm trong quyền lực của con
Ðể thay đổi, sửa chữa hay thêm điều gì vào
Vì điều này các nhà thông thái, các ngôn sứ cũng không thể làm được.
Chúng ta hãy tín thác cho Thiên Chúa những gì thuộc về quá khứ.
Ôi phút hiện tại, người hoàn toàn tùy thuộc nơi ta,
Ta ước muốn xử dụng ngươi trong quyền hạn của ta...
Vì thế, con tín thác nơi Lòng Nhân Từ Chúa,
Con tiến bước trong đời như một trẻ em,
Và mỗi ngày con dâng cho Chúa trái tim con
Nồng cháy tình yêu để danh Chúa được cao cả hơn"
(Trước mặt Người. Các trang nhật ký, Milano 1999, tr.31-32).
 
 
Khi tôi còn là chủng sinh tại tiểu chủng viện An Ninh của Giáo Phận Huế, linh mục giáo sư Giuse M. Nguyễn Văn Thích đã giúp tôi hiểu tầm quan trọng của việc luôn luôn đem theo Phúc Âm trong mình. Cha Thích theo đạo Công giáo. Thân phụ của Ngài là một vị Thượng Thư, một nhà trí thức Nho Giáo. Ngài luôn luôn đeo trước ngực cuốn Kinh Thánh Tân Ước nhỏ, giống như khi đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Khi Ngài rời chủng viện để lãnh nhận một nhiệm vụ khác, Ngài đã để lại cho tôi kho tàng quý báu đó.

Gương sáng của vị linh mục thánh thiện này luôn sống động trong tâm hồn tôi và đã giúp tôi rất nhiều trong khi ở tù, nhất là trong suốt thời gian bị biệt giam. Trong những năm đó tôi đã tiến bước được vì "Lời Chúa là ngọn đèn cho bước chân tôi", "là ánh sáng trên đường đời tôi" (x. Tv 119,105).

Chúng ta cũng biết rằng Thánh Giêrôlamô cũng như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu cũng đã luôn luôn mang theo sách Phúc Âm trong mình, gần con tim. Nhưng chính nền văn hóa của tôi nêu bật giá trị duy nhất của Kinh Thánh. Tại Á Châu người dân rất kính trọng các lời nói của Ðức Khổng Tử và đồ đệ của người là thầy Mạnh Tử. Lời của các vị không phải người ta để bất cứ ở đâu, nhưng đội trên đầu như dấu chỉ lòng tôn kính.

Lời Chúa và các lời khác

Trong lúc biến hình trên núi Tabo, Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang của Ngài cho các Tông Ðồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Từ đám mây người ta nghe có tiếng phán: "Ðây là con Ta, Người đã được tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35).

Các lời nói của Chúa Giêsu không như những lời nói của con người. Những kẻ nghe Ngài nhận ra ngay điều đó: "Ngài dạy dỗ họ như kẻ có quyền bính chứ không như các ký lục của họ" (Mt 7,29).

Không phải vô tình mà Phúc Âm hấp dẫn cả những người ngoài Kitô giáo. Chẳng hạn ông Gandhi đã viết như sau: "Khi tôi đọc các Phúc Âm và tới Bài Giảng Trên Núi, tôi bắt đầu hiểu sâu đậm giáo huấn Kitô. Giáo huấn của Bài Giảng Trên Núi vang dội một cái gì mà tôi đã học được khi còn bé, một cái gì xem ra thuộc về bản thể của tôi và cho tôi thấy nó hiện thực trong cuộc sống thường ngày của tôi... hãy đến giải khát nơi Bài Giảng Trên Núi" (Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Tascabili economici, Newton, 1993, tr.52).

Sự kiện các lời của Chúa Giêsu có sức năng động và sự thâm trầm mà những lời khác không có được, dù đó là lời của các triết gia, chính trị gia hay thi sĩ. Các lời của Chúa Giêsu là "Lời ban Sự Sống", như thường được định nghĩa trong Phúc Âm. Chúng chứa đựng, diễn tả, và thông truyền một sự sống, đúng hơn "sự sống vĩnh cửu", sự sống tràn đầy.

Tôi rất thích chương 6 của Phúc Âm Thánh Gioan. Với việc mặc khải về Bánh Hằng Sống, con đường trở nên khó khăn hơn và từ lúc đó nhiều môn đệ bỏ Chúa Giêsu. Khi đó Ngài mới hỏi Mười Hai Tông Ðồ "Có lẽ các con cũng muốn ra đi chăng?" Thánh Phêrô trả lời: "Lạy Chúa, chúng con đi theo ai bây giờ? Chỉ có Thầy có lời ban sự sống đời đời" (x. Ga 6,67-68).

Tất cả sức mạnh và sự mỏng dòn của niềm Hy Vọng nơi chúng ta tùy thuộc các lời đó.
 
Lời Chúa và Thánh Thể, một bàn tiệc độc nhất

Ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã minh chứng cho thấy Lời của Thiên Chúa có hiệu quả tức thời. "Thiên Chúa phán... - chúng ta đọc trong sách Sáng Thế - và ánh sáng liền có". "Thiên Chúa phán... và xảy ra như vậy" (St 1,3.7.9.11.15.24.30). Sau khi nguyên tổ sa ngã, với lời hứa cứu độ, Lời của Thiên Chúa trao ban lại Hy Vọng được cứu rỗi cho các vị (St 3,15). Với ơn gọi của Tổ Phụ Abraham, Thiên Chúa tạo cho mình một dân tộc. Và Ngài uốn nắn lịch sử với các lời của Ngài: Thiên Chúa nói với các tổ phụ và thông truyền cho các vị các lời hứa của Ngài. Ngài kêu gọi ông Môisen giải thoát dân Ngài khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, chuyển đạt lời chân lý tới họ qua các ngôn sứ, trong khi chờ đợi Ðấng Cứu Thế, Vị Cứu Tinh duy nhất.

Nhưng Chúa Giêsu mới chính là Ngôi Lời tuyệt diệu. Hiến chế "Lời Chúa" khẳng định: "Chính Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, được sai tới như "là người giữa con người" (Thư gửi Diogneto, e.VII, 4; Funk, Các Giáo Phụ Tông Ðồ, I, tr.403), nói các lời của Thiên Chúa (x. Ga 3,34) và hoàn thành công trình cứu độ Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người (x. Ga 5,36; 17,4)" (s. 4).

Ðể có thể hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa đối với Giáo Hội, chỉ cần nhắc tới thái độ sống của Giáo Hội trong 2.000 năm qua. Giáo Hội đã "luôn luôn tôn sùng Kinh Thánh như đã tôn sùng chính Mình Chúa Kitô, không bao giờ thiếu sót, đặc biệt trong phụng vụ thánh, trong việc dưỡng nuôi mình bằng Bánh sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ Mình Chúa Kitô và đem phân phát hiến cho tín hữu" (DV 21).

Trong tất cả truyền thống Kitô giáo có mối dây liên kết liên lỉ giữa Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, cả hai là lương thực của Kitô hữu. Origene viết: "Chúng ta không chỉ uống Máu Thánh Chúa Kitô khi nhận lấy Máu Người theo lễ nghi của các mầu nhiệm, mà cả khi tiếp nhận các lời chứa đựng sự sống của Ngài nữa". Thánh Giêrôlamô viết: "Sự hiểu biết Kinh Thánh là của ăn đích thật và là của uống đích thực bắt nguồn từ Lời Chúa". Còn Thánh Ambrôgiô quả quyết: "Uống Máu Ðức Kitô đã cứu chuộc chúng ta, cũng như uống các lời của Kinh Thánh: chúng chảy vào mạch máu chúng ta và khi được hấp thụ chúng thấm vào cuộc sống chúng ta".

Thánh Giêrôlamô cũng khẳng định rõ ràng như sau: "Tôi cho rằng Tin Mừng là Mình của Chúa Giêsu và Kinh Thánh là giáo huấn của Ngài. Các lời của Chúa Giêsu: "Ai ăn Thịt và uống Máu Ta (Ga 6,54) có thể được hiểu như vừa liên quan tới mầu nhiệm (Thánh Thể) vừa liên quan tới Mình và Máu của Ðức Kitô là lời của Kinh Thánh (...) Lời của Thiên Chúa là thịt và máu đó của Ðức Kitô đi vào trong chúng ta qua việc lắng nghe".

Hiến chế "Lời Chúa" nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Bánh Lời Chúa là lương thực trao ban sức mạnh, soi sáng trí tuệ, bổ dưỡng ý chí, thắp lên lòng hăng say được đổi mới, và canh tân cuộc sống (s. 23).

Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi về điểm này.

Khi tôi đã mất tất cả và bị giam cầm, tôi đã nghĩ tới chuyện soạn một cuốn cẩm nang giúp tôi sống trong hoàn cảnh này.

Tôi không có giấy mực, nhưng công an cung cấp giấy để tôi viết các câu trả lời trong các cuộc hỏi cung. Thế là từ từ tôi bắt đầu bớt một vài tờ giấy và làm thành một cuốn sổ tay nhỏ, trên đó viết khoảng 300 câu Kinh Thánh mà tôi nhớ thuộc lòng. Lời Chúa, được dựng lại như thế đã là cẩm nang thường ngày của tôi, là kho tàng quý báu tăng cường sức mạnh cho tôi.
 
Ðón nhận và sống Lời Chúa

Nhưng để Lời Chúa có thể làm phát sinh sự sống và đem lại mọi hoa trái, cần phải tiếp nhận và sống Lời Chúa.

Ðứng trước Lời Chúa luôn tiếp xúc và đối thoại, thái độ căn bản đòi hỏi chúng ta là lắng nghe và tiếp nhận. "Hãy lắng nghe Người" là lệnh Thiên Chúa Cha truyền cho các môn đệ đối với Con của Ngài. Ðó là một sự lắng nghe bằng con tim hơn là bằng đôi tai. Thật thế, Lời Chúa chỉ sinh hoa trái nếu tìm được một thửa đất mầu mỡ, hay khi rơi vào trong "một con tim tốt lành và toàn thiện" (x. Lc 8,15).

Nhưng suy niệm Lời Chúa, để cho Lời Chúa thấm nhập tâm trí, hay cầu nguyện với Lời Chúa, để rút tỉa ra từ đó vào suy tư hay quyết định không thôi, chưa đủ. Thái độ lắng nghe Lời Chúa đích thật được thể hiện ra ngoài bằng việc vâng phục, thi hành điều Lời Chúa đòi hỏi. Cần phải để cho Lời Chúa đánh động cho tới Lời Chúa uốn nắn toàn cuộc sống Kitô hữu của mình. Cần phải áp dụng Lời Chúa vào mọi hoàn cảnh đời sống, biến đổi Lời Chúa thành chính cuộc sống, như Thánh Giacôbê đã nói: "Anh chị em hãy thuộc về số những người thực thi Lời Chúa chứ không phải chỉ nghe không mà thôi" (Gc 1,22).
 
Mặc lấy tinh thần Ðức Kitô

Trong thời gian ở trong tù tôi đã viết: "Con hãy tuân giữ một quy luật thôi: Phúc Âm. Hiến Pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Ðó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông Ðồ (x. Mt 4,23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật khác. Trái lại, nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa Phúc Âm là một vị thánh giả" (Ðường Hy Vọng số 986).

Thật vậy, việc thấm nhập Lời Chúa không chấp nhận cách suy tư và xử thế kiểu con người và dẫn đưa chúng ta bước vào trong một lối sống mới do chính Ðức Kitô khai mở. Ai sống Phúc Âm có thể cùng với Thánh Phaolô tiến tới chỗ "mặc lấy tư tưởng của Ðức Kitô" (1Cr 2,16) và có khả năng đọc ra các dấu chỉ thời đại với chính cái nhìn của Ðức Kitô. Và như thế người đó để lại một ảnh hưởng sáng tạo trên lịch sử, được kinh nghiệm sự tự do đích thật, niềm vui, lòng can đảm sống thực với Tin Mừng và tìm được niềm tin cậy mới nơi Thiên Chúa Cha và mối tương quan đích thực và tình con thảo chân thành, đồng thời hướng đến việc phục vụ con người một cách cụ thể.

Nói cho cùng, Phúc Âm vén mở cho chúng thấy ý nghĩa sâu thẳm của cuộc sống. Như thế rốt cuộc chúng ta biết được lý do tại sao chúng ta sống và tại sao giáo huấn của Ðức Kitô làm cho chúng ta Hy Vọng trở lại.

Kết quả là không phải chúng ta sống nữa, mà là chính Chúa Kitô đến sống trong chúng ta. Qua các lời Kinh Thánh, chính Ngôi Lời ở trong chúng ta và biến đổi chúng ta trong Người: chúng ta trở nên Lời Chúa sống động.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tự hỏi: "Làm thế nào để cho Chúa Giêsu hiện diện trong các linh hồn?" Và Ngài trả lời: "Nhờ phương tiện vận chuyển, nhờ việc thông truyền lời nói mà tư tưởng của Chúa, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người đến được với các linh hồn. Có thể khẳng định rằng Chúa nhập thể trong chúng ta khi chúng ta chấp nhận cho Lời của Ngài đến sống trong chúng ta" (Giáo huấn của Ðức Phaolô VI, V 1968, 936).
 
Thông truyền Lời Chúa

Tuy nhiên, tiếp nhận và sống Lời Chúa thôi chưa đủ. Lời Chúa phải được chia sẻ nữa. Chúng ta chia sẻ Lời Chúa trong giáo lý, trong các bài giảng, trong việc giảng tĩnh tâm. Ðiều mà có lẽ chúng ta không luôn thi hành, là trao ban hoa trái của Lời Chúa.

Lời Chúa là hạt giống được gieo vào lòng cuộc đời chúng ta. Thửa đất tốt không trả lại hạt giống, mà trả lại hoa trái. Như thế chúng ta không chỉ thông truyền suy tư của chúng ta về Lời Chúa, nhưng trên hết phải thông truyền kết quả mà Lời Chúa đã thu gặt được trong đời sống của chúng ta. Các chứng nhân đáng tin hơn các bậc thầy, và các bậc thầy lại làm chứng nhân càng đáng tin cậy hơn, chẳng phải vậy sao?

Ðiều này hé mở cho chúng ta thấy đâu là cung cách đứng đắn để loan báo Chúa Kitô. Ðây là việc thông truyền một cuộc sống (Sự Sống), và như thế là làm chứng cho một kinh nghiệm, như cộng đoàn của Thánh Gioan đã hiểu rõ: "Ðiều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến... chúng tôi loan báo cho cả anh chị em nữa, để anh chị em cũng được hiệp thông với chúng tôi" (1Ga 1,1-3).

Chỉ như thế Nước Thiên Chúa mới tiến tới và sự hiệp thông mới lan rộng cho tới khi quy tụ toàn nhân loại trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trong nhà tù Phú Khánh, các tín hữu Công giáo đã chia nhau mỗi người vài tờ của cuốn Phúc Âm nhỏ mà họ đã đem lén vào trong tù. Họ phân phát và học thuộc lòng. Vì nền nhà tù bằng đất hay bằng cát nên khi nghe bước chân của lính canh tù, họ dấu Lời Chúa dưới cát.

Chiều đến, trong bóng đêm, mỗi người theo lượt đọc phần mình đã học. Thật là cảm động khi nghe Lời Chúa trong đêm tối thinh lặng và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, "Tin Mừng sống động" được đọc lên với tất cả sức mạnh của tâm hồn, hay khi nghe lời cầu nguyện của linh mục, nghe cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Anh em khác tôn giáo cũng lắng nghe với lòng tôn trọng và khâm phục điều mà họ gọi là "Lời Thánh". Nhiều người nói rằng họ kinh nghiệm được Lời Chúa là "Thần khí và sự sống".
 
Chỉ mang Phúc Âm theo mình

Tôi đã luôn cầu khấn Thánh Giuse giúp đỡ tôi thực thi Tin Mừng. Tuy Ngài là cha nuôi Chúa Giêsu, và suốt đời không lãnh nhận Bí Tích nào - vì khi đó chưa lập Bí Tích - nhưng Ngài đã sống Lời Chúa: lắng nghe, tiếp nhận, thực hành, thông truyền chia sẻ. Vì thế nên xưởng mộc nhỏ đã biến thành một trường học của Tin Mừng. Tôi coi Thánh Giuse như là Bổn mạng của tất cả những ai sống Lời Chúa.

Tôi muốn kết luận bài suy niệm hôm nay bằng cách hướng cái nhìn tới chúng ta là những người cộng tác với Ðức Thánh Cha trong việc hoàn thành thừa tác vụ của Thánh Phêrô. Tôi thường tự hỏi: làm sao trong Năm Thánh này tôi có thể hoàn thành một cuộc thay đổi tâm thức, một cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong cuộc sống, một cuộc hoán cải đích thực?

Sự kiện Ðức Thánh Cha đã bước qua Cửa Thánh với sách Phúc Âm, đã là một bài học lớn cho tôi: đó là đường, đó là hình ảnh của Giáo Triều Rôma cho Ngàn Năm Thứ Ba: một Giáo hội tiếp nhận, sống chia sẻ và loan báo Tin Mừng của Hy Vọng.
 
 
Trong khi soạn bài suy niệm này, tôi đã nghe vang vọng lên trong tôi lời của Thánh Phaolô: "Nếu tôi không có đức mến, tôi không là gì cả" (x. 1Cr 13,2). Những lời này trước hết kêu mời tôi hoán cải và nhắc nhở cho tôi biết "cái trước hết mọi sự" (x. 1Pr 4,8), trước cả khi giảng dạy, cầu nguyện, trước mọi công tác phục vụ Tông Ðồ, tôi phải có đức mến, nhưng còn hơn thế nữa tôi phải chính là sự yêu mến.

Không có tình yêu, tôi không có Chúa và không thể đem Chúa đến cho người khác, tôi cũng không biết cả Chúa nữa (x. 1Ga 4,8). Cả khi tôi viết các bài suy niệm, cả khi tôi giảng tĩnh tâm cho những nhân vật quan trọng, cả khi "tôi có hiến thân cho lửa thiêu" (1 Cr 13,3), hay bị ở tù lâu năm..., nếu tôi không có tình yêu là Thiên Chúa tất cả chỉ là phung phí năng lực, như Thánh Augustinô đã nói (x. Defensor Grammaticus, Liber Scintillarum, SC77, tr.58).
 
Thế giới thuộc về ai yêu thương nó

Nhiều khi chúng ta than phiền rằng trong xã hội ngày nay, Kitô giáo ngày càng hiện diện ở bên lề, việc thông truyền đức tin cho người trẻ trở thành khó khăn và ơn gọi giảm sút. Chúng ta có thể tiếp tục kể ra các lý do âu lo khác...

Thật thế, trong thế giới ngày nay chúng ta thường cảm thấy mình thua thiệt. Nhưng cuộc mạo hiểm của niềm Hy Vọng dẫn chúng ta đi xa hơn. Một hôm tôi đã đọc được trên một tờ lịch câu sau đây: "Thế giới thuộc về người yêu nó và biết minh chứng rõ hơn rằng mình yêu nó". Các lời này thật đúng biết bao! Trong con tim của từng người đều có khát vọng yêu thương vô biên và với tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào trong tim (x. Rm 5,5) chúng ta có thể thỏa mãn khát vọng đó.

Nhưng để được như thế, tình yêu của chúng ta phải là một nghệ thuật, một nghệ thuật cao vượt khả năng yêu thương thuần tuý nhân loại. Rất nhiều, nếu không nói là tất cả đều tùy thuộc điều này.

Chẳng hạn tôi đã trông thấy nghệ thuật này nơi Mẹ Têrêxa Calcutta. Ai trông thấy Mẹ cũng yêu Mẹ; hay nơi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sắp được phong Chân Phước. Bao nhiêu năm sau khi Ngài qua đời, kỷ niệm về Ngài vẫn rất sống động nơi dân chúng.

Khi bước vào một tu viện hay một trung tâm giáo phận hoặc các văn phòng làm việc của chúng ta, chúng ta không luôn luôn tìm thấy nghệ thuật này, một nghệ thuật từng khiến cho Kitô giáo trở thành xinh đẹp và lôi cuốn. Trái lại, người ta thường gặp thấy các gương mặt buồn sầu và ủ rũ vì công việc nhàm chán thường ngày. Tình trạng thiếu ơn gọi lại không tùy thuộc nơi sự kiện này hay sao? Nó chẳng bắt nguồn từ chứng tá ít bén nhọn của chúng ta hay sao? Không có một tình yêu mạnh mẽ, chúng ta không thể trở thành Chứng Nhân của niềm Hy Vọng!

Cho dù có là người chuyên môn về tôn giáo, cũng luôn luôn có nguy cơ chỉ biết lý thuyết về tình yêu, mà không chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương. Cũng giống như một bác sĩ, hiểu biết y khoa, nhưng không có nghệ thuật giao tiếp dễ thương và nồng nhiệt với người bệnh. Người ta tới khám bệnh, bởi vì cần tới ông, nhưng khi khỏi bệnh, họ không trở lại nữa.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu là thầy của nghệ thuật yêu thương. Giống như người di cư trên miền đất lạ, để thích ứng với tình trạng mới, Ngài luôn đem theo mình, ít nhất là trong con tim, các luật lệ và thói quen của dân tộc mình. Như thế khi đến trần gian này như là người lữ hành của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài mang theo cung cách sống của quê hương trên trời, bằng cách "diễn tả ra một cách nhân loại các thái độ sống của Thiên Chúa Ba Ngôi" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 470).
 
Ðặc điểm của tình yêu Kitô giáo

Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm các yếu tố đặc thù của nghệ thuật yêu thương mà Ðức Giêsu dạy chúng ta, và đó là suối nguồn của ánh quang và hấp lực cho cuộc sống Kitô hữu.

1. Yêu thương trước

Tình yêu thương của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu qua ơn Thần Khí, đã gieo vào trong tâm hồn chúng ta, là một tình yêu thương hoàn toàn nhưng không. Yêu thương vô vị lợi, không mảy may đợi chờ đáp trả. Ngài không yêu chỉ vì được yêu, hay vì lý do khác, dù có là các lý do tốt lành, như là tình bạn của con người. Ngài không nhìn xem kẻ khác là bạn hay là thù, nhưng yêu thương trước, bằng cách đưa ra sáng kiến.

Khi chúng ta còn là kẻ có tội, vô ơn và thờ ơ, thì Ðức Kitô đã chết cho chúng ta (x. Rm 5,8). "Người đã yêu chúng ta trước", như Thánh Gioan nói (1 Ga 4,19) và như thế chúng ta cũng phải yêu thương. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: "Bạn đừng chờ đợi được người khác yêu, nhưng hãy tiến lên và bắt đầu trước (Chú giải Thư gửi giáo đoàn Rôma, 22,2, trong: Thần học các Giáo Phụ III, Rôma 1975, tr.261).

2. Yêu thương tất cả mọi người

Ðể cho tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa được rạng ngời, chúng ta phải yêu tất cả mọi người, không loại trừ ai: "Các con hãy là con của Thiên Chúa Cha trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành và kẻ dữ..." (Mt 5,45). Chúng ta được mời gọi sống bé nhỏ bên cạnh Mặt Trời Tình Yêu là Thiên Chúa. Và khi đó tất cả mọi người đều là đối tượng yêu thương của chúng ta. Tất cả mọi người! Không phải là một cái "tất cả" lý tưởng, nghĩa là mọi người trên thế giới này mà có lẽ chúng sẽ không bao giờ gặp, nhưng một cái "tất cả" cụ thể.

Mẹ Têrêxa Calcutta nói: "Ðể yêu mến một người cần phải tiến tới gần người đó... Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc những con người cụ thể thôi" (Mẹ Têrêxa Calcutta, Chúa mang cho con tình yêu, Rôma 1979, tr.48).

Chị Chiara Lubich thì khẳng định: "Như chỉ một Bánh Thánh là đủ để chúng ta nhận lãnh Thiên Chúa làm của ăn trong hàng tỷ Bánh Thánh trên trái đất này, thì cũng chỉ cần một người anh chị em mà Chúa muốn đặt để bên cạnh chúng ta cũng đủ để làm cho chúng ta thông hiệp với toàn thể nhân loại là Ðức Giêsu bí nhiệm" (C. Lubich, Các bút tích thiêng liêng/1 Rôma 1978, tr.38).

Mỗi người bên cạnh cho tôi có dịp yêu mến Chúa Kitô, là Ðấng "qua việc nhập thể, trong một cách thế nào đó, đã kết hiệp với từng người" (GS 22).

3. Yêu thương kẻ thù

Một sắc thái hoàn toàn đặc biệt khác nữa của tình yêu Kitô giáo: đó là yêu thương cả các địch thù của mình. Ðây là điều thường khó hiểu đối với người không tin.

Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi:

- Ông có yêu chúng tôi không?
- Có chứ, tôi yêu các anh.
- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu chúng tôi à? Ðây là điều không thể được! Có lẽ không thật đâu!
- Tôi đã ở với ông nhiều năm, như ông thấy đó, đúng không.
- Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến đốt nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đấy chứ?
- Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh.
- Mà tại sao?
- Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.
- Thật ra là đẹp, nhưng khó hiểu quá.

Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rất nhiều đến đặc điểm này của tình yêu Kitô và chỉ với thái độ của con tim chúng ta mới có thể kiến tạo hòa bình trên trái đất: "Nếu các con yêu những người yêu các con... nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi... ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?... Nhưng Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con" (Mt 5,46-47.44).

4. Yêu thương bằng cách hiến chính mạng sống mình

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và tình yêu của Ngài chỉ có thể là vô tận như Thiên Chúa. Ðó không phải là một tình yêu cho đi cái gì, mà là tình yêu tận hiến chính mình: "Sau khi yêu thương những kẻ thuộc về mình... Ngài vẫn yêu thương họ cho tới cùng" (Ga 13,11). "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu này: hiến chính mạng sống cho các bạn hữu mình" (Ga 15,13).

Ðức Giêsu đã cho đi tất cả, mà không giữ lại gì: Ngài đã cho đi chính sự sống của Người trên Thập Giá và đã trao ban Mình và Máu Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Ðó là mực thước mà chúng ta được mời gọi yêu thương: sẵn sàng cho những người cùng làm việc với chúng ta sự sống của chúng ta; sẵn sàng trao ban sự sống cho nhau.

5. Yêu thương bằng cách phục vụ

Ðối với đại đa số các trường hợp, chuyện "cho đi sự sống" mà Chúa Giêsu đòi hỏi không cần thiết phải đổ máu, nhưng xảy ra mỗi ngày trong biết bao nhiêu cử chỉ nhỏ nhặt, trong việc phục vụ tha nhân, kể cả những người, vì một lý do nào đó xem ra có thể "thua kém" chúng ta.

Khác với các Phúc Âm Nhất Lãm, trong trình thuật những giờ phút trang trọng của Bữa Tiệc Ly, thánh sử Gioan không đề cập tới việc lập Phép Thánh Thể, nhưng kể lại biến cố Ðức Giêsu rửa chân cho các môn đệ "để các con cũng làm như Thầy đã làm" (Ga 13,15).

Phục vụ có nghĩa là trở thành "Thánh Thể" cho người khác, tự đồng hóa với họ, chia sẻ niềm vui và khổ đau của họ (x. Rm 12,15), tập suy tư với đầu óc của họ, cảm nhận với con tim của họ, sống trong họ: "đi trong giầy của họ" như một câu châm ngôn Ấn Ðộ đã nói.
 
Yêu thương, cách loan báo Tin Mừng tốt nhất

Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.

Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau, luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: "Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị "tiêm nhiễm bởi ông Giám Mục nguy hiểm này".

Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định: "Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông Giám Mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta".

Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời "có" hay là "không".

Thật là buồn. Tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.

Ðêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: "Phanxicô, con còn giầu lắm, con có tình yêu của Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con".

Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân... sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.

Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh... Và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi!

Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:

- Tôi có thể xin anh một điều không?
- Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.
- Tôi muốn đẽo một hình Thánh Giá bằng gỗ.
- Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?
- Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín.
- Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.
- Anh nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm ngay bây giờ và hết sức cẩn thận.
Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh Giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài, Thánh Giá đó đã trở thành Thánh Giá giám mục của tôi.

Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:
- Tôi đã học ở Ðại Học An Ninh rằng, nếu một người xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử.

Tôi giải thích cho anh ta:
- Các linh mục Công giáo không được tự tử.
- Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?
- Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Giá.
- Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được!
- Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
- Nguy hiểm lắm!
- Nhưng mà mình là bạn với nhau mà!

Ba ngày sau anh ta nói với tôi: "Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phải làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ".

Chiều hôm sau từ 7 giờ cho tới 11 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.

Sợi dây và cây Thánh Giá này tôi luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi: chỉ có tình yêu Kitô mới có thể thay đổi con tim, chớ không phải khí giới, các lời đe dọa và các phương tiện truyền thông.

Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng.

Ominia vincit amor, tình yêu thắng được mọi sự!

Khi có tình yêu chân thật, lời đáp trả tình yêu sẽ được khơi dậy. Khi đó người ta yêu và được yêu. Khi đó người ta hiện thực được trên trái đất Ðiều Răn mới của Ðức Giêsu: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12). Yêu thương nhau là chu toàn nghệ thuật yêu thương.

Mẹ của Tình yêu tốt đẹp

Chúng ta không thể kết thúc bài suy niệm này mà không hướng tâm trí chúng ta về Ðức Mẹ. Ðức Maria giống như vầng trăng phản chiếu tất cả vẻ mỹ miều của mặt trời là Chúa Giêsu, phản chiếu tất cả mọi tâm tình và đặc biệt tình yêu thương của Chúa. Ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ra, không có tình yêu nào sánh bằng tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với toàn thể nhân loại. Chính vì thế Mẹ được những người tin Chúa cũng như rất nhiều người không biết Chúa yêu mến. Chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách tốt đẹp hơn khi kết hiệp với tình yêu thương tuyệt mỹ và dịu hiền của Ðức Trinh Nữ Maria, là Ðấng chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương tuyệt vời nhất.

Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu).

Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Maria.

Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, người đã từng nói: "Trong lòng Giáo Hội, con muốn là tình yêu" (Thủ bản B 3 v, trong: Toàn tác phẩm Paris 1996, tr.226).
 
 
Ngày mùng 1 tháng 12 năm 1976 lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích chung người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe "cam nhông". Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra miền Bắc - một hành trình dài 1.700 cây số.

Cùng với các tù nhân khác tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời Thánh Phaolô nói: "Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (Cv 20,22-23). Tôi đã sống trong âu lo suốt đêm hôm ấy.
 
Tận gốc rễ của Phúc Âm

Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang, Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. (Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ).

Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận họ đến với tôi để kể lể các nổi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ðêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài ra đi chết "bên ngoài tường thành" bên ngoài tường thánh.
 
Ðức Giêsu chịu đóng đinh đã hiện diện giữa những người bị chúc dữ

Trong bài suy niệm này tôi muốn suy nghĩ về một lời của Thánh Phaolô: "Ðáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ" (Gl 3,12). Khẳng định kinh khủng này phát xuất từ sách Ðệ Nhị Luật và trong thời Chúa Giêsu được coi như là Lời Thiên Chúa chúc dữ những người Do Thái chịu khổ hình Thập Giá La Mã nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Lề Luật Môisen.

Saolô đã xác tín về sự thật của lời ấy đối với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Ông Giêsu thành Nadarét này chỉ có thể bị Thiên Chúa chúc dữ và từ bỏ, vì đã khiến cho dân chúng lầm lạc, khi ăn uống với những kẻ tội lỗi, lỗi luật tẩy uế và nhất là dám tự cho mình là Ðấng Cứu Thế. Cái chết của ông trên Thập Giá là dấu chỉ rõ ràng ông đã không hành động theo ý muốn của Giavê.

Với tư cách là một kinh sư (rabbi) trẻ tuổi, Saolô không thể nhân nhượng trước sự kiện sau khi vị ngôn sứ giả này chết đi mà vẫn còn có những đồ đệ gây rối loạn trong các hội đường và tuyên xưng rằng ông ấy là Ðấng Cứu Thế đang sống bên Thiên Chúa. Và Saolô đã hăng say bắt bớ các môn đệ của Ðức Giêsu, cho tới ngày Chúa Phục Sinh đảo lộn và biến đổi hoàn toàn cuộc sống của ông. Kẻ mà Saolô tưởng rằng sống ngược lại ý muốn của Thiên Chúa và bị Thiên Chúa từ bỏ, bất thình lình tự tỏ lộ cho ông như là Con Thiên Chúa, như là Ðấng cho thấy gương mặt của Thiên Chúa là Cha một cách trong sáng nhất.

Và thế là lời nguyền rủa của sách Ðệ Nhị Luật, trước đó được áp dụng cho người Kitô hữu, lại tỏ lộ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với con người. Nếu người bị đóng đinh ấy đã thật sự là Con Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa thực sự hiện diện nơi người bị treo trên cây gỗ đó của Lề Luật, thì thay vì là lời chúc dữ, cái chết vì bị đóng đinh này lại diễn tả tột đỉnh Thiên Chúa gần gũi những người sống xa Ngài biết chừng nào! Bị treo trên Thập Giá, Chúa Giêsu hiện diện tại những nơi có những người bị nguyền rủa sinh sống, tại nơi thế giới tội lỗi xa rời Thiên Chúa đang sống. Và chính vì thế mà Ngài cống hiến sự hòa giải và ơn cứu độ cho tất cả mọi người.
 
Mở rộng ra ngoài thành

Truyền thống của Giáo Hội tiên khởi còn nhận ra thực tại đảo lộn này trong một sự kiện khác: đó là sự kiện Chúa Giêsu đã chết bên ngoài tường Thành Thánh, chết "ngoài trại" như đọc thấy trong thư gửi giáo đoàn Do Thái chương 13,12tt, chết bên ngoài vườn nho, nghĩa là ngoài cộng đoàn dân Israel (Lc 20,15). Như thế Ðức Giêsu đã chết bên ngoài thánh địa, nơi có sự hiện diện của Giavê, nơi chỉ có người đạo đức mới được ở. Ðiều này vén mở cho thấy tình yêu thương của Thiên chúa vượt xa khung cảnh của sự thánh thiêng cho tới các hậu quả tột cùng: Thiên Chúa khiến cho con người gặp gỡ Ngài chính tại nơi mà con mắt loài người cho là Ngài không thể có mặt.

Quy chiếu bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Khổ Ðau của Giavê (bị liệt vào hàng tội phạm Is 53,12), Hội Thánh sơ khai xác tín rằng Ðấng bị đóng đinh ôm trong vòng tay Ngài tất cả mọi người, kể cả kẻ gian ác và tuyệt vọng. Qua bức màn đền thờ bị xé của thân xác Ngài, các lằn ranh giữa khu vực thánh thiêng và thế giới không có Thiên Chúa đã bị xóa bỏ. Qua Ngài, từ nay tất cả mọi người đều có thể đến với Thiên Chúa Cha.

Thánh Phaolô và cùng với Ngài các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đã luôn luôn duy trì sự thật đảo lộn này trước mắt Thập Giá của Chúa Giêsu được cắm lên trong môi trường của thế giới tội lỗi. Như thế, Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ cho mỗi một tín hữu thấy đâu là sứ mệnh truyền giáo của họ. Nếu chúng ta muốn khám phá ra gương mặt của Chúa, chúng ta phải tìm giữa những người ở xa nhất. Chúa đợi chờ chúng ta từ nơi mỗi một người, bất luận họ sống trong hoàn cảnh nào, có quá khứ ra sao, và bậc sống của họ như thế nào.

Trên núi Cây Dầu trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho 500 môn đệ từ khắp nơi tụ tập về đây rằng: "Các con sẽ là các chứng nhân của Thầy trong toàn vùng Giuđêa và Samaria và cho tới tận bờ cõi trái đất" (Cv 1,8). Các Tông Ðồ và Thánh Phaolô đã đi ra ngoài tường thành: đến với mọi dân tộc.
 
Nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi

Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không Công giáo, từng là dân biểu và nổi tiếng là Phật tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và từ đó chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.

Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: bộ trưởng, dân biểu, các sĩ quan và giới chức chính quyền dân sự cao cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Cao Ðài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Brahman, Hồi Giáo, và các anh em thuộc các Giáo Hội Kitô khác như Tin Lành Baptist, Tin Lành Methodist... Trong trại cải tạo tôi đã được bầu làm quản lý để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như là một người đáng tín cẩn.

Khi rời Sài Gòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh bên ngoài tường thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong một hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám Mục của một giáo phận, nhưng ở "ngoài thành", nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống, với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây hoàn cảnh giúp tôi thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người.

Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm Hy Vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay con tầu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù đày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân Công giáo khác biết và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân Hy Vọng cho tất cả mọi người.

Ðến đây, tôi không thể im lặng bỏ qua mà không nói đến các cuộc mạo hiểm truyền giáo lớn lao đã diễn ta tại Việt Nam. Nhân danh dân tộc tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt sâu xa đối với Giáo Hội hoàn vũ, đối với Bộ Truyền Giáo, đối với các vị thừa sai can trường đã đem Tin Mừng tới cho chúng tôi và đã đổ máu trên quê hương chúng tôi để làm chứng cho đức tin.

Tính chất triệt để của Phúc Âm

Khi nói tới cuộc mạo hiểm của niềm Hy Vọng và đặc biệt của việc truyền giáo, chúng ta đề cập tới tính chất triệt để của Tin Mừng. Trong Kinh Thánh, điều đánh động tôi là cả Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và Thánh Gioan thường dùng các lời diễn tả chiều kích của sự tuyệt đối:

Tất cả ước chi là một (x. Ga 17,21), tất cả mọi dân tộc (x. Mt 28,19). Một cách hoàn toàn ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa: với tất cả tấm lòng, tất cả sức lực (x. Mt 22,23). Cho tới cùng Ðức Giêsu đã yêu thương họ (x. Ga 13,1). Tại khắp nơi họ sẽ là chứng nhân của Người (x. Cv 1,8). Lòng từ bi Chúa tồn tại muôn đời (x. Tv 100,5; v.v.).

Còn nhiều từ khác nữa diễn tả chiều kích vô biên của công trình loan báo Tin Mừng.

Dưới đất cũng như trên Trời: cùng tình yêu thương (x. Ga 15,12), cùng sứ mệnh (x. Ga 20,21).

Tình yêu của Ðức Kitô phải được tỏ hiện nơi chúng ta trong tất cả bốn chiều kích: rộng, dài, cao, sâu (x. Ep 3,18-19).

Tôi hiểu tại sao Thánh Maximilianô Konbê thường lập đi lập lại: "Một cách tuyệt đối, một cách hoàn toàn, vô điều kiện". Chúa Giêsu đã tóm gọn tất cả điều đó trên Thập Giá: "đã hoàn tất" (Ga 19,30).

Trở nên mọi sự cho mọi người

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Thế: "Chỉ với tính chất triệt để của hy sinh chúng ta mới có thể là các Chứng Nhân của niềm Hy Vọng, được linh ứng bởi chính lòng mến của Ðức Kitô, làm thành bởi sự chú ý, tình hiền dịu, lòng xót thương, sự tiếp đón, sẵn sàng, lưu tâm tới các vấn đề của con người" (s. 89).

Gương mặt của Thánh Phaolô đồng hành với chúng ta trong sứ mệnh này: "Tuy là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái... Ðối với những ai sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật... dù sống trong luật Chúa Kitô... Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người" (1Cr 9,22). "Tôi làm tất cả những điều đó vì Tin Mừng" (1Cr 9,23).

Chúa Giêsu chịu đóng đinh, trong tình liên đới đối với người thấp kém, với người ở xa nhất và cả với người không tin Thiên Chúa, đã mở ra con đường cho Tông Ðồ Phaolô "trở nên mọi sự cho mọi người". Và đến lượt mình, Thánh Phaolô thông chuyền cho các Kitô hữu chúng ta công tác Tông Ðồ đích thực. Ðó là làm cho từng người biết rằng Thiên Chúa gần gũi họ và yêu thương họ vô biên, không phân biệt kỳ thị.

Khi trở thành "một" với tất cả, khi can đảm xem mỗi người như là người "thân cận", như là người anh em, kể cả khi bề ngoài họ đáng khinh bỉ nhất hay chính họ là kẻ thù, chúng ta sống thực nội dung nòng cốt của Tin Mừng: trong Thập Giá của Chúa Giêsu, Thiên Chúa tới gần từng người ở xa Ngài và cống hiến cho họ ơn tha thứ và cứu độ. Do đó rao truyền Tin Mừng không phải là một nhiệm vụ chỉ được trao phó cho các thừa sai, nhưng cốt yếu là cho mọi người Kitô hữu. Tin Mừng của một Thiên Chúa gần gũi chỉ có thể được nhận ra, nếu chúng ta sống gần gũi với tất cả mọi người.

Một chân trời vô biên: tất cả vì Phúc Âm

Ðể kết thúc bài suy niệm này, chúng ta hãy để cho các chân trời bao la trong sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh trải dài trước đôi mắt tâm trí chúng ta, như đã được khơi dậy trong Công Ðồng Chung Vatican II và như đã được các vị Giáo Hoàng gần đây minh chứng:

- Toàn con người và tất cả mọi người đều được lãnh nhận Tin Mừng.

- Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ngày nay thúc đẩy chúng ta ngồi vào bàn đối thoại để tìm kiếm những điểm chung, bắt đầu từ trong lòng Giáo Hội, đến anh chị em của các Giáo Hội và các cộng đoàn tôn giáo khác. Cuộc đối thoại này cũng hướng tới các tôn giáo lớn khác, và thiết lập các mối dây bằng hữu và cộng tác cả với những người không tuyên xưng một niềm tin tôn giáo nào, cũng như không loại bỏ những người chống đối Giáo Hội và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách khác nhau. "Chúng ta tất cả đều được mời gọi trở thành anh chị em với nhau", như khẳng định trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng" (s. 92).

- Gần 100 chuyến công du mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II khắp năm châu và cuộc gặp gỡ của Ngài với các thổ dân Papua Tân Guinea, cũng như chuyến viếng thăm của Ngài trên Hòn Ðảo của các nô lệ Tây Phi Châu, các buổi hội kiến với Chủ tịch Fidel Castro của Cuba và cuộc đối thoại mới đây với vị Thủ lãnh Al-Azhar bên Cairo, và công tác hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo bên Thánh Ðịa, đều diễn đạt cách hùng hồn tia sáng vô biên mà chúng ta được mời gọi bước theo để phục vụ Tin Mừng ngày nay.

- Trong các thập niên qua, Tòa Thánh đã thành lập nhiều Hội Ðồng và cơ quan mới để ngày càng đáp ứng tốt đẹp hơn sứ mệnh này và tiếp nhận những gì Ðức Kitô chịu đóng đinh đã gieo vãi khắp nơi trong tình yêu vô biên của Ngài. Qua những tổ chức này, Hội Thánh không chỉ cho đi, mà cũng nhận lãnh nữa.

Thật là một đặc ân đối với tôi vì được tham dự vào công trình vĩ đại này. Qua cuộc sống và công việc từ nhiều năm nay trong Giáo Triều Rôma, tôi sung sướng chứng kiến nhiều việc kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần thực hiện hằng ngày để đem Tin Mừng tới mọi dân tộc, mọi văn hóa, mọi lối sống. Tôi biết ơn vì nơi đây tôi có thể sống trong niềm hiệp thông với tất cả mọi người theo tinh thần của Thánh Phaolô: "Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi giá cứu rỗi một ai đó. Và tất cả những điều này làm vì Tin Mừng".

IV. Hy Vọng trong tuyệt vọng
 
"Lần đầu tiên tôi phải tự bào chữa trước tòa, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi (...) Nhưng có Chúa ở với tôi và ban sức mạnh cho tôi: để rồi, cả trong hoàn cảnh đó, tôi có thể rao giảng sứ điệp của Chúa" (2Tm 4,16-17).

Những lời này của Thánh Phaolô phản ảnh kinh nghiệm của chính tôi trong những năm cam go của cảnh tù đày. Không phải vì các giáo hữu và linh mục của tôi đã bỏ rơi tôi. Nhưng không ai có thể làm gì được cho tôi. Tôi hoàn toàn bị cô lập và cảm nghiệm tình trạng bị bỏ rơi. Nhưng "Chúa ở cùng tôi"; vì thế, cả khi Ngài ẩn mặt, Chúa Cha vẫn không bỏ rơi chúng ta.

Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu Công giáo nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm.

Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe tiếng chuông nhà thờ chính tòa ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy.

Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ cửa văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống trong tình trạng thật vô lý!

Tối ngày 1 tháng 12 năm 1976, như tôi đã kể, người ta đưa tôi từ nhà tù Thủ Ðức xuống tàu Hải Phòng. Tối hôm ấy, trong khi chờ đợi, họ bắt chúng tôi ngồi xuống đất. Xa xa, cách đó 3 cây số, tôi thấy ánh điện của thành phố Sàigòn, trung tâm của giáo phận mà tôi đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó ngày 24 tháng 4 năm 1975. Tôi biết rằng mình sắp bị đưa đi xa khỏi nơi này. Ðau khổ ấy làm tôi rùng mình. Tôi nghĩ đến Thánh Phaolô Tông Ðồ lúc giã từ các kỳ mục thành Êphêsô tại Milêtô, khi biết rằng sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Còn tôi thì không được giã từ những người thân của tôi. Tôi cũng không thể an ủi hoặc để lại cho họ lời khuyên nào. Trong thâm tâm, tôi giã từ họ, nhất là Ðức Tổng Giám Mục cao niên Phaolô Nguyễn Văn Bình tốt lành của tôi. Tâm hồn tôi đau đớn, khi nghĩ mình sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp lại họ.

Tôi cảm thấy niềm đau khổ mục tử sâu xa trong tất cả những điều đó, nhưng tôi có thể làm chứng rằng Chúa Cha không hề bỏ rơi tôi và Ngài đã ban sức mạnh cho tôi.

Những lúc ta bị bỏ rơi

Có lẽ tất cả chúng ta, nhiều lần cũng đã sống những giờ phút bị bỏ rơi như thế.

Chúng ta cảm thấy không được thông cảm, nhiều lần bị thất vọng, bị phản bội. Chúng ta cảm thấy không đủ sức và đơn độc trước những nhiệm vụ lớn hơn sức chúng ta. Chúng ta tiếp xúc với những đau khổ khốc liệt của Hội Thánh, của cả một dân tộc. Có những lúc, cả ánh sáng đức tin và tình thương dường như cũng bị tắt ngúm làm chúng ta rơi vào buồn thảm và lo âu.

Có những đêm tối của tâm hồn, vắn hay dài đã làm tối sầm niềm tin về sự hiện diện của một vị Thiên Chúa trong ta. Thật ra, Ngài vẫn ở gần kề và mang lại cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa.

"Ðôi khi lại có những đêm tối mặc chiều kích thời đại và tập thể, như thời đại ngày nay, trong đó, - như Ðức Gioan Phaolô II đã nhận xét thật chí lý - con người, mặc dù đã chinh phục được nhiều sự, nhưng vẫn có nguy cơ rơi xuống vực thẳm của tình trạng bị bỏ rơi, bị cám dỗ vì chủ thuyết hư vô, cảm thấy sự vô lý của bao nhiêu đau khổ thể lý, tâm lý và tinh thần" (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V/3 (1982), pp.1141-1412).

Thánh Phaolô đã nói về những lúc bị bỏ rơi trầm trọng nhất: "...nguy hiểm do người đồng hương, nguy hiểm do dân ngoại, nguy hiểm trong thành phố, nguy hiểm trong sa mạc, nguy hiểm trên biển". Sau cùng Thánh nhân cho thấy chính điều buồn thảm nhất đối với Ngài, điều làm cho Ngài càng gần Chúa Giêsu hơn: "Những nguy hiểm do những kẻ giả danh anh em" (2Cr 11,26).
 
Mầu nhiệm Thập Giá

Ðây là luật của Tin Mừng: "Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái" (Ga 12,24).

Và chính Chúa Giêsu là người đầu tiên sống luật đó: Ngài đã chết thật, nhưng sự sống dồi dào phát xuất từ cái chết ấy lại càng thật hơn.

Sự sống ấy đắt giá dường nào!

Chúa đã xuống trần vì yêu thương chúng ta, để thi hành chương trình cứu độ trần thế trong niềm hiệp nhất trọn vẹn với ý Chúa Cha.

Maximô Hiển Tu đã viết: "Vì tình yêu vô biên đối với loài người, Chúa đã thực sự và do bản tính trở thành chính người mà Ngài yêu thương" (Massimo il Confessore, Ambiguorum liber: PG 91, 1084).

Ðó là sự hạ cố khôn tả của Thiên Chúa mà Thánh Phaolô cho chúng ta được chiêm ngưỡng qua bài ca nổi danh của Thư gửi giáo đoàn Philipphê, khi Thánh nhân trình bày cho chúng ta Chúa Kitô trong tác động từ bỏ thiên tính của Ngài, để mặc lấy thân phận nô lệ, và trở nên gống người phàm như chúng ta (cf Phil 2,6-8).

Ðó là hình ảnh một Thiên Chúa hiến thân trọn vẹn, ban chính mạng sống mình đến tận cùng cho đến độ chịu treo trên Thập Giá, nơi đó Ngài gánh tất cả tội lỗi của trần gian. Và đến nỗi, mặc dầu "vô tội" (Mt 27,4), là "người công chính" (1Pr 3,18), Ngài đã chấp nhận trở nên giống như người tội lỗi.

"Chúa Kitô đã chuộc chúng ta khỏi vị nguyền rủa vì lề luật - có nghĩa là khỏi tội lỗi - và vì chúng ta, Ngài trở nên kẻ bị nguyền rủa", như thánh Phaolô đã quả quyết (Gl 3,13).

Ðó là sự trao đổi kỳ diệu giữa Thiên Chúa và loài người: "Sự trao đổi yêu thương" (commercium caritas) như thánh Augustinô đã nói; và là "sự trao đổi cứu độ" (commercium salutare) như lời Thánh Lêô Cả (Sermo 54,4: PL 54,321).

Chúa Giêsu bị bỏ rơi

"Thiên Chúa đã đối xử với Người như kẻ có tội", đó là lời chúng ta đọc thấy trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (cf 2Cr 5,21).

Và chính trên Thánh Giá, Chúa Giêsu khi sắp lìa đời, đã hướng về Chúa Cha và kêu lên: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?" (Mc 15,34; Mt 27,46).

Tiếng kêu huyền nhiệm của một vị Thiên Chúa cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi. Trong những giờ phút tột đỉnh của cuộc đời, Chúa Giêsu bị loài người phản bội, các môn đệ không còn ở với Ngài nữa. Và giờ đây, Thiên Chúa, vì Thiên Chúa mà Ngài vẫn gọi là Cha, Abba, cũng thinh lặng. Chúa Con cảm thấy sự trống rỗng do sự vắng bóng của Cha, mất cảm giác về sự hiện diện của Cha. Xác tín chắc chắn mình không bao giờ bị cô độc (cf Ga 16,32), luôn luôn được Cha lắng nghe (cf Ga 11,42), và là dụng cụ tùy ý muốn Chúa Cha, nay nhường chỗ cho lời khẩn xin đầy lo âu.

Bấy giờ, điều sâu thẳm nhất của Ngài dường như trở nên lu mờ: đó là sự kết hiệp thân tình của Ngài với Cha, đến độ Ngài không còn cảm thấy là Con nữa. Ngài kêu lên: "Lạy Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con", chứ không gòn gọi Thiên Chúa là "Cha" nữa.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi sâu vào mầu nhiệm cao siêu ấy và viết lại như sau: "Ta có thể nói rằng những lời kêu cầu về tình trạng bị bỏ rơi này đã phát sinh do mối dây liên kết mật thiết giữa Chúa Con và Chúa Cha, và vì Chúa Cha đã "để cho sự gian ác của tất cả chúng ta" (Is 53,6) đổ xuống trên Chúa Con. Và theo như Thánh Phaolô sẽ nói về sau này: "Ðấng không hề biết tội, Thiên Chúa đã coi như Ngài là kẻ tội lỗi để mưu ích cho chúng ta" (2Cr 5,21). Cùng với gánh nặng kinh khủng đó, bao trùm "toàn thể" sự ác quay lưng lại với Thiên Chúa, chứa đựng trong tội lỗi, Chúa Kitô, do sự kết hiệp sâu xa trong tình con thảo với Cha, nhận thức được, một cách không thể diễn tả được theo kiểu loài người, sự đau khổ vì bị xa cách Chúa Cha, bị Cha từ bỏ, bị đoạn giao với Thiên Chúa" (Salvifici doloris, n.18: EV 9,650).

Thánh Gioan Thánh Giá cũng quả quyết rằng: "Ðó là tình trạng bị bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài (...). Theo thể thức ấy, Chúa Kitô bị hủy diệt và hầu như trở nên hư không".

Tuy nhiên, Thánh nhân cũng nói thêm rằng: "Chính trong lúc cùng cực như thế, Chúa Kitô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất, hơn cả những công trình Ngài đã thực hiện trên trời dưới đất trong cuộc sống trần thế đầy những phép lạ và kỳ công. Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ân thánh" (Gioan Thánh Giá, Salita del Monte Carmelo, 12, c.7, par.11, in: Opere, Rôma, 1979-4, pp.92-93).

Vì thế, tột đỉnh đau khổ mà Con Thiên Chúa phải chịu, mở rộng trước mắt chúng ta tột đỉnh tình yêu Ngài dành cho chúng ta.

Trong một kinh nghiệm nồng nhiệt, Chiara Lubich đã nói:

"Ðể chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Ðể chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Ðể chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Ðể chúng con Hy Vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Ðể Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Ðể chúng con chiếm hữu Thiên Ðàng, Chúa đã cảm nghiệm Hỏa ngục.

Ðể chúng con được vui sống trên mặt đất này giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bến bờ của "chúng con" (C. Lubich, Perché fosse mostro il cielo, in: Città Nuova, 1975,3, p.35).

Hiệp nhất với Chúa Cha

Nhưng chúng ta được phép nghĩ rằng, trong giờ phút cùng cực Chúa Con cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, cả Chúa Cha cũng sống cùng một "cuộc khổ nạn tình yêu" như Chúa Con (cf Origene, Homilia 6 in Ezechielem, 6: PG 13, 714).

Thực vậy, khi trao ban Con mình, nghĩa là để cho Người đi tới tận cùng sự xa cách Thiên Chúa do tội lỗi gây nên, cả Chúa Cha cũng hiệp thông một cách nào đó với tất cả sự đau khổ của nhân loại, tình yêu cao vời của Ngài đối với nhân loại cũng đưa Ngài tới chỗ đó.

Chúa Con, khi cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, đã tái phó thác cho Cha bằng một tác động tình yêu vô biên: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Qua đó, Ngài chứng tỏ mình là một với Chúa Cha trong tình yêu thương; là một với Cha trong Thánh Thần tình yêu liên kết Cha Con với nhau.

Vì thế, một cách huyền nhiệm nhưng rất thực tế, kinh nghiệm bị xa cách Chúa cũng bao gồm kinh nghiệm về sự hiệp nhất với Chúa Cha cách rất trọn vẹn.

Như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết một cách rất sâu xa: "Tình trạng Chúa Con bị Chúa Cha bỏ rơi trong Thánh Linh có chứa đựng trọn vẹn tình yêu mang lại ơn cứu độ: sự hiệp nhất hoàn toàn của Chúa Con với Chúa Cha trong Thánh Linh" (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VII/1 (1985), p.918).

Trạng thái năng động (dinamica) kỳ diệu ấy của tình yêu Thiên Chúa, mọi đau khổ của chúng ta được đón nhận và biến đổi, mọi trống rỗng được lấp đầy và mọi tội lỗi được cứu chuộc. Tình trạng chúng ta bị bỏ rơi, bị xa cách Chúa, nay được vượt thắng.
 
Tôi hoàn tất trên thân xác tôi...

Có một mầu nhiệm sâu thẳm trong tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, tiếng kêu ấy gồm tóm mọi tiếng kêu của nhân loại. Ðó là tiếng kêu sinh ra "tạo vật mới", khi tái sinh chúng ta làm con Thiên Chúa.

Nhưng sự sinh ra ấy không thể hoàn thành mà không có chúng ta. Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài, theo mức độ được ban cho chúng ta. Và chúng ta có thể làm được điều ấy.

Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn nhận trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong thâm tâm, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà Người đặt trước chúng ta. Bấy giờ chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng rất nhiều khi đau khổ tan biến như thể nhờ phép mầu và chỉ còn lại trong tâm hồn tình yêu mà thôi.

Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta bước vào chính trong sức năng động của đau khổ - yêu thương, tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa.

Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đày. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là Tình Thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là không thay đổi. Tôi ở trong tay Mẹ Maria. Tôi phải trung thành theo gương các Tiền Nhân Tử Ðạo của tôi, trung thành với giáo huấn tôi đã học từ mẹ hiền khi còn nhỏ.
 
... Vì nhiệm thể là Hội Thánh

Nhưng kết hiệp mọi đau khổ với khổ đau của Chúa Kitô trên Thánh Giá cũng có nghĩa là cùng với Ngài và trong Ngài trở nên dụng cụ cứu độ.

Ở đây tôi nghĩ đến chúng ta là các linh mục. Tại sao các tín hữu hành hương đến làng Ars, một lòng một ý, sát cánh nhau quanh bàn thờ trên đó Thánh Gioan Maria Vianey cử hành Thánh Lễ? Và tại sao các tín hữu hành hương tham dự Thánh Lễ của Cha Piô ở San Gioavanni Rotondo bị thu hút vì mầu nhiệm diễn ra trước mắt họ, đến độ họ không còn cảm thấy thời gian trôi qua nữa?

Vì họ thấy trước mắt một linh mục đồng hóa với Chúa Giêsu trên Thánh Giá đến độ có thể nói được như Thánh Phaolô: "Tôi bổ túc trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để mưu ích cho thân mình Ngài là Giáo Hội" (Cl 1,24)!

Trong mỗi Thánh Lễ, như cha sở họ Ars, như Cha Piô, chúng ta được bao quanh bởi toàn thế giới với tất cả những nơi đó "Thiên Chúa đang khóc", với tất cả những tội lỗi và mọi đau khổ của nhân loại. Chúng ta nghe thấy điều đó bằng đôi tai của chúng ta, cảm thấy đau đớn bằng trái tim của chúng ta và hãy để cho Thánh Linh cầu nguyện trong chúng ta với "những tiếng rên xiết khôn tả" (cf Rm 8,26). Tất cả chúng ta có thể kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang ngự trên bàn thờ. Và chúng ta có thể đồng hóa với Ngài. Như thế, trong đức tin, chúng ta có thể "đầy vui mừng cả khi Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài cho mọi người" (1Pr 4,13).

Chúa Kitô chịu đóng đinh là Hy Vọng của chúng ta.

"Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài" (2Br 1,5).

 
Tôi vẫn còn như trông thấy trước mắt buổi cử hành đại kết mở Cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành với sự tham dự của nhiều nhân vật lãnh đạo thuộc các Giáo Hội khác nhau.

Tôi trông thấy Ðức Thánh Cha quỳ trên ngưỡng Cửa Thánh cùng với Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Athanasios và Ðức Tổng Giám Mục Canterbury George Carey. Tôi thấy các vị nâng cao sách Tin Mừng hướng về bốn phương của trái đất. Tôi thấy các vị chúc bình an cho nhau.

Và tôi nhớ đến tiếng hô to của đám đông gồm các tín hữu Công giáo, Chính thống và Tin lành ở Bucarest hồi tháng 5 năm ngoái (1999), khi Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Thượng Phụ Teocist tặng chén thánh cho nhau: "Hiệp nhất, hiệp nhất".

Con đường lôi cuốn tới sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Kitô giáo là một ưu tiên của Năm Thánh. Chúng ta biết điều đó vừa khó khăn vừa cấp thiết chừng nào! Chúng ta biết rằng chỉ có sự hoán cải của con tim, chỉ có sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, mới có thể làm được phép lạ đó. Vì thế nên tôi muốn dành bài suy niệm hôm nay cho cuộc đối thoại đại kết.

Tiếng kêu thét của Ðức Giêsu

Khi nhìn thấy sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, tôi nghĩ tới Thân Thể của Chúa Kitô. "Một thân thể có thể bị chia rẽ sao? Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô có thể bị chia rẽ sao?" Ðó đã là câu hỏi rung động phát xuất từ con tim của Ðức Thánh Cha tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, giống như một tiếng kêu, một tiếng kêu cầu khẩn. Tôi cảm nhận trong câu hỏi đó sự kinh hãi của Thánh Phaolô trước các chia rẽ của cộng đoàn Côrintô: "Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm sẽ bẩy rồi ư?" (1Cr 1,13). Và tôi nghe thấy trong câu hỏi đó tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

"Lạy Cha, ước gì chúng nên một, để thế giới tin" (x. Ga 17,21) đã là lời cầu tha thiết của Ngài. Xuống trần gian Ngài đã khơi dậy Giáo Hội như "dân được quy tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (x. LG 4). Với ơn Bí Tích Thánh Thể Ngài đã biến Giáo Hội trở thành Thân Thể của Ngài. Với việc gửi Chúa Thánh Thần, Ngài đã rèn luyện nên dụng cụ để kết hiệp tất cả mọi người trong một gia đình duy nhất: "Trong Chúa Kitô Giáo Hội như là một Bí Tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn nhân loại" (LG 1).

Nhưng vì các biến cố buồn thương của lịch sử và sự yếu đuối của con người, của những người đã "được rửa tội trong cùng một Thần Khí để làm thành một thân thể duy nhất" (1 Cr 12,13) lại chia rẽ nhau.

Dụng cụ của sự hiệp nhất lại không hiệp nhất: đó là vết thương của Hội Thánh, đó là vết thương của Ðức Kitô! Như thế làm sao sứ điệp của Tin Mừng có thể gây ảnh hưởng được? Và với các giả thiết này làm sao có thể khâu vá vết rách của chủ thuyết tục hóa và chủ thuyết vô thần khiến cho hàng triệu người trong các vùng đất của truyền thống Kitô giáo cổ kính, sống như thể không có Thiên Chúa?

Theo viễn tượng của Công Ðồng Chung Vatican II, chúng ta được mời gọi làm tiên tri và men hiệp nhất giữa lòng nhân loại. Nhưng làm sao chúng ta có thể chu toàn được sứ mệnh này một cách hữu hiệu nếu chúng ta có chia rẽ? Và làm sao chương trình của Thiên Chúa đối với lịch sử có thể tiến triển được, có thể thắng vượt được các chênh lệch kinh tế khủng khiếp nhận chìm hằng tỷ người trong cảnh bần cùng tuyệt đối nhất, có thể hủy bỏ cái luận lý của quyền lực và lợi lộc luôn làm nảy sinh ra các cuộc chiến mới tàn khốc? Cũng vậy, làm sao có thể hiệp nhất các khác biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo nếu Kitô hữu chúng ta, nếu Giáo Hội của Ðức Kitô rõ ràng không là mẫu gương của sự hiệp nhất?

Tôi nghe thấy trong tất cả các câu hỏi này tiếng kêu thét của Ðức Giêsu: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?" hay "Ta khát". Ta khao khát trông thấy Thần Khí của Ta, Thần Khí của tình yêu tự do di chuyển trong khắp mọi phần của Thân Mình; Ta khao khát trông thấy những người đã được rửa tội quy tụ thành dụng cụ của sự hiệp nhất; Ta khao khát trông thấy hoa trái sự hiến dâng của Ta: đó là Giáo Hội hiệp nhất!

"Hiệp nhất, hiệp nhất" người dân đã kêu lên tại Bucarest. Và Ðức Gioan Phaolô II đã kêu lên tại Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành: "Cám ơn tiếng nói đó, cám ơn tiếng nói ủi an của các anh chị em chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng có thể kêu lên như họ khi ra khỏi đền thờ này: "Hiệp nhất".
 
Hy Vọng trong tuyệt vọng

Một vị Giám mục có kinh nghiệm trong lãnh vực này đã nói: "Người ta bước vào trong cuộc đối thoại đại kết với nhiều Hy Vọng, và Hy Vọng trong tuyệt vọng".

Trong Tông Thư "Ngàn Năm Thứ Ba" công bố hồi năm 1994, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên ước vọng rằng các Kitô hữu: "vào dịp năm Thánh nếu không hiệp nhất hoàn toàn với nhau, thì ít ra cũng gần thắng vượt được các chia rẽ của Ngàn Năm Thứ Hai" (s. 34). Mặc dầu các viễn tượng của cuộc đối thoại đại kết, nói một cách nhân loại, chưa phải là tốt đẹp nhất và cũng có thể, một cách bi quan hơn, chính trong các năm đó lại có thêm những chướng ngại mới cản trở sự hiệp thông hữu tình trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Nhưng sự hiệp nhất là công trình của Chúa Thánh Thần".

Thần học gia Max Thurian là người đã làm việc lâu năm trong Hội Ðồng Ðại Kết Các Giáo Hội kể lại rằng, trong một lúc khó khăn, có người xin ông đừng nản chí, thì ông trả lời: "Nản chí, không bao giờ! Phải tiến tới, mỗi người trong phận vụ của mình, với sự nghiêm chỉnh và lòng trung thành. Và khi một người không ngờ tới nhất mở ra một kẽ hở nào đó, lịch sử sẽ nhảy được một bước thật xa".

Chính trên ngưỡng cửa của Năm Thánh đã có một vài biến cố khiến cho chúng ta Hy Vọng vào một bước nhảy vọt này.

Ngày 31 tháng 10 năm ngoái (1999), giữa tiếng reo vui của dân chúng và sự cảm động của giới hữu trách, Tuyên ngôn chung liên quan tới giáo lý về Công Chính Hóa đã được hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành Luther ký kết tại thành phố Augsburg. Nhiều người hiện diện đã bày tỏ cảm tưởng như sau: "Ðối với tôi hình như Chúa Thánh Thần bay là là trên Hội nghị này và sức nặng của sự chia rẽ được giảm bớt; chưa bao giờ tôi lại cảm nghiệm được một niềm hạnh phúc như thế!"

Cả với các Giáo Hội Ðông Phương cũng đã có các bước tiến ý nghĩa. Sau chuyến viếng thăm không quên được tại Rumani, hồi tháng mười một năm ngoái (1999), Ðức Gioan Phaolô II đã có thể viếng thăm Giáo hội Chính thống tại Georgia. Và vào những ngày đầu tháng mười hai, các Giáo Hội hiện diện tại Thánh Ðịa đã cùng nhau mở Năm Thánh tại Bêlem, với một sự tham dự đông đảo chưa từng thấy.

Ít ngày sau đó việc nghiên cứu gương mặt của Gioan Hus, được các Giáo hội Tchèques khởi sự, đã đạt cao điểm với một Hội nghị tổ chức tại Ðại Học Giáo Hoàng Latêranô: đây là giai đoạn quan trọng thanh tẩy ký ức, trao ban Hy Vọng cho sự kết hiệp trọn vẹn giữa các Kitô hữu của quốc gia này.

Thế rồi tới cuộc gặp gỡ lịch sử tại Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành quy tụ đại diện các Giáo Hội khác nhau trên thế giới, đông đảo nhất từ Công Ðồng Chung Vatican II cho tới nay. Ðức Tổng Giám Mục Athanasios sau đó đã bình luận: "Tất cả chúng ta đều phải lập lại cử chỉ đó: hoán cải con tim" (Phỏng vấn trên đài truyền hình SAT 2000 ngày 19-1-2000). Còn Ðức Tổng Giám Mục George Carey thì tuyên bố: "Tôi được khích lệ rất nhiều và tiến tới" (Ibd).

Ít ngày trước Tuần Tĩnh Tâm này chúng ta đã say mê theo dõi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha bên Ai Cập. Cảm động và thân thiết biết bao đối với toàn thể Kitô giáo và thế giới khi Ðức Giáo Chủ Shenouda III nói với Ðức Thánh Cha: "Thưa Ðức Thánh Cha, chúng tôi yêu mến Ngài" và câu trả lời của Ðức Gioan Phaolô II đáp lại: "Chúng tôi cũng yêu mến anh em" (Quan Sát Viên Rôma 27-2-2000, tr.4-5).

Sau cùng, việc can đảm xưng thú các lỗi lầm gây tổn thương đến sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô do Ðức Thánh Cha chủ sự vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm nay (2000) gây tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới.
 
Hy sinh vì hiệp nhất

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên lỷ nhắc nhớ cho chúng ta rằng trong nỗ lực của cuộc đối thoại đại kết "không được để mất thời giờ". "Vào đầu một thế kỷ mới và một ngàn năm mới đang đề ra những thách đố cho gia đình nhân loại... chứng tá chung này là điều thật quan trọng" (Ibid).

Tuy nhiên, theo thước đo của loài người, con đường tiến tới sự hiệp thông hữu hình toàn vẹn của tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội giờ đây xem ra còn dài.

Tôi nhớ tới một giai thoại mà Thầy Roger Schutz đã kể cho tôi nghe tại Taizé. Hồi đó Thầy viếng thăm Constantinople. Thầy nói: "Khi chúng tôi từ giã Ðức Thượng Phụ Atenagora, thì bất ngờ Ðức Thượng Phụ lại tiến về phía tôi một lần nữa. Rồi Ngài giơ hai tay lên như nâng một chén thánh với đôi mắt sáng rực như lửa và một giọng nói cảm động. Ðức Thượng Phụ nói với tôi: đây là sự hiệp nhất!"

Và tôi nhớ tới sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục Carey mới đây tại Rôma. Ngài đã tâm sự với tôi: "Mỗi khi tôi viếng thăm các hang tọa đạo, tôi cảm thấy gần gũi các Tông Ðồ, tôi sống lại bầu khí của Giáo Hội thời khai sinh". Và Ðức Tổng Giám Mục Carey đã bầy tỏ lòng kính phục rất lớn đối với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như niềm hoài mong về sự hiệp thông trọn vẹn.

Nhưng phải dựa vào đâu để đạt tới đích điểm lớn lao và xem ra khó khăn như thế?

Thách đố lớn về sự hiệp nhất các Giáo hội đòi hỏi chúng ta đào sâu thêm ý nghĩa cao vời của Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Chúa Giêsu, trong lúc bị bỏ rơi xem ra đã mất đi sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha và với loài người, là hình ảnh của sự chia rẽ hiện nay giữa các Giáo hội. Khi khám phá ra gương mặt của Chúa trong vết thương chia rẽ đó và yêu thương Chúa say mê trong hoàn cảnh buồn thương này, chúng ta có thể tìm ra sức mạnh để không trốn chạy khổ đau và khó khăn ghi dấu con đường dẫn đến sự hiệp thông toàn vẹn. Hiệp nhất với Ngài trên Thập Giá, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để đương đầu với chúng.

Cùng với Ngài bước qua Cửa Thánh của Thập Giá, chúng ta cũng có thể tìm ra con đường giúp chữa lành các vết thương của Thân Thể Chúa. Chính trong lúc sống kinh nghiệm sự chia rẽ thẳm sâu nhất Chúa đã sinh ra Giáo Hội. Chính khi cùng Ngài dừng lại nơi vết thương chia rẽ với tình yêu thương vô bờ, chúng ta cũng có thể là dụng cụ của sự hiệp nhất. Trong yêu thương ngút ngàn, Ngài dạy chúng ta con đường dẫn tới sự tràn đầy: trong sự hạ mình triệt để và trong sự lột bỏ mọi của cải giầu sang, Ngài chỉ cho chúng ta thấy cung cách và mức độ yêu thương dẫn tới sự hiệp nhất.

Hiệp thông với Ngài là con đường giúp chúng ta:

- Thắng vượt mọi tự mãn và tiếp nhận nhau,
- Mở ra các cánh cửa dường như đóng kín luôn mãi,
- Nhận biết các lỗi lầm và tha thứ cho nhau,
- Yêu thương nhau với tình mến "che lấp tất cả, tin tưởng tất cả, Hy Vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13,7).

Ngày 18 tháng Giêng năm 2000 trích lại Thông điệp "Ut unum sint" (s.102), Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành: "Ngưỡng vọng hiệp nhất đi song song với khả năng 'hy sinh' sâu thẳm". Và Ngài giải thích: "Chấp nhận hy sinh của sự hiệp nhất có nghĩa là thay đổi cái nhìn của chúng ta, rộng mở chân trời của chúng ta, biết nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần tác động nơi các người anh em, khám phá ra các gương mặt mới mẻ của sự thánh thiện, và vươn tới những hình thức dấn thân còn chưa được biết tới". (Quan Sát Viên Rôma 19-1-2000, tr.7).
 
Hoán cải tâm linh

Cùng với toàn thể Hội Thánh tôi muốn cảm tạ Thiên Chúa về ơn hiệp nhất mà Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã ban cho chúng ta. Và cùng với tất cả mọi người tôi muốn bước theo chân Ngài, sẵn sàng hoán cải con tim là nền tảng của "cuộc đối thoại đại kết đích thực".

Các lời sau đây của Ðức Thượng Phụ Atenagora đã đánh động tôi rất nhiều. Người nói:

"Cần phải thành công trong việc giải giáp chính chúng ta.
Cuộc chiến này tôi đã tham dự trong biết bao nhiêu năm trời.
Thật là khủng khiếp. Nhưng giờ đây, tôi tự hạ khí giới.
Tôi không còn sợ hãi bất cứ điều gì nữa, bởi vì "tình yêu đánh đuổi sợ hãi".
Tôi vứt bỏ khí giới muốn chiến thắng, khí giới biện minh cho tôi mà làm thiệt thòi người khác.
Tôi không còn ở trong tình trạng báo động, khư khư bám lấy các thứ của cải giầu sang của mình nữa.
Tôi tiếp nhận và chia sẻ.

Tôi không đặc biệt chú ý tới các tư tưởng và các dự tính của tôi nữa. Nếu có các đề nghị tốt hơn được đưa ra, tôi sẵn sàng chấp nhận ngay. Mà dù không tốt hơn, thì tốt thôi cũng được rồi. Các bạn biết không, tôi đã khước từ sự so sánh...

Ðiều gì tốt lành, chân thật và thực tế, dù bất cứ ở đâu, cũng là điều tuyệt hảo đối với tôi. Vì thế tôi không sợ hãi nữa.

Khi không chiếm hữu gì nữa, người ta không còn sợ hãi nữa. "Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?" (...)

"Nhưng nếu chúng ta hạ hết khí giới xuống, nếu chúng ta từ bỏ chính mình, nếu chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa làm người, Ðấng đổi mới mọi sự, khi đó chính Ngài sẽ xóa bỏ quá khứ gian ác và tái lập cho chúng ta một thời kỳ mới, trong đó mọi sự đều có thể" (Atenagora, Giáo Hội Chính Thống và tương lai đại kết. Ðối thoại với Olivier Clément, Morcelliana Brescia 1995, tr.209-211).

Một thời kỳ mới: thời của hiệp nhất. Một thời kỳ trong đó Chúa Kitô chịu đóng đinh sẽ trông thấy hoa trái tràn đầy của việc Ngài hiến tế. Một thời kỳ trong đó chúng ta có thể nói với những người nghĩ rằng họ còn đang bị vùi lấp dưới hố sâu chia rẽ của các Kitô hữu: "Người không ở đây. Người đã sống lại rồi!" (x. Mt 28,6).

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: "chúng ta không tìm biết ai có lý ai sai, nhưng chỉ tìm những gì kết hiệp chúng ta".
 
 
Trong Năm Thánh này Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta biết mở mắt để nhận ra "các Vị Tử Ðạo mới" của ngày hôm nay. Một thế kỷ như thế kỷ vừa qua, trong đó có biết bao nhiêu giàu sang, trong đó con người bám víu vào sự sống nhưng cũng lo sợ mất mạng. Ðó cũng là thế kỷ có nhiều Kitô hữu phải chết vì đạo. Các Vị Tử Ðạo đã sống giữa chúng ta. Còn hơn thế nữa, các vị là sức mạnh của Giáo Hội trong thế kỷ XX và thế kỷ mới vừa bắt đầu. Cần phải nới rộng cái nhìn của chúng ta trên thực tại này của lịch sử Hội Thánh để chiêm ngắm sự tử đạo.
 
Gia sản của các Vị Tử Ðạo

Trong tù, chính tôi đã sống nỗi khổ đau của Giáo Hội tử đạo. Tôi nghe thời gian qua đi, ngày này sang ngày khác mà không biết chung cuộc sẽ đi về đâu. Tôi tự hỏi như ngôn sứ Isaia: "Tuần canh ơi, đêm còn dài bao lâu nữa? Tuần canh ơi, đêm đến đâu rồi?" (Is 21,11). Trong những lúc đó tôi bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự tử đạo. Không phải sự tử đạo đổ máu, là điều tôi biết có thể xảy ra trước mắt tôi, nhưng sự tử đạo như là một cuộc sống không đặt để ranh giới kể cả ranh giới việc bảo tồn sự sống của chính mình, vì tình yêu đối với Thiên Chúa, vì trung thành với sự hiệp nhất và niềm hiệp thông của Giáo Hội, và vì phục vụ Tin Mừng.

Người Kitô hữu không khinh rẽ mạng sống. Trong tù tôi còn nhớ những ngày hạnh phúc trong công tác mục vụ trong chức vụ linh mục và giám mục. Tôi nghĩ tới các tín hữu Công giáo thuộc giáo phận nơi tôi đã sống, tới các anh em linh mục và giám mục, tới bạn bè, và thân nhân. Nếu được gặp lại họ thì vui sướng biết bao!

Nhưng đức tin của tôi thì không thể bị trả giá được. Không với bất cứ giá nào. Không thể nhượng bộ đức tin để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc. Xem ra tôi hiểu hơn một chút về sự tử đạo. Không đặt ranh giới cho tình yêu đối với Thiên Chúa, kể cả ranh giới tự nhiên như ơn cứu rỗi của mình, mạng sống và niềm hạnh phúc của riêng mình. Và trong những lúc ấy, tôi nghĩ tới biết bao nhiêu Kitô hữu bị giam giữ, đau khổ và đầy ải. Tôi nghĩ tới những người gánh chịu những khổ đau lớn lao. Tôi nhớ lại những lời viết trong chương 2 thư gửi giáo đoàn Do thái: "Anh chị em chưa chiến đấu tới đổ máu trong cuộc chiến chống lại tội lỗi" (Dt 12,4).

Trong những lúc đó, chúng ta khám phá ra rằng mình hiệp thông với biết bao nhiêu chứng nhân khác: "Như thế cả chúng ta nữa, được một số đông đảo các chứng nhân bao quanh, cởi bỏ tất cả những gì là nặng nề và tội lỗi bủa vây, chúng ta hãy kiên trì trong cuộc chạy đua, mắt hướng nhìn về Chúa Giêsu, là Ðấng khai mở và kiện toàn đức tin" (Dt 12,1-2).

Tôi đã nghĩ tới các cuộc bách hại, cái chết và các Vị Tử Ðạo xảy ra trong 350 năm tại Việt Nam, đã cống hiến cho Giáo Hội biết bao nhiêu vị Tử Ðạo không được biết tới: khoảng 150.000 vị.

Chính tôi cũng tin rằng ơn gọi linh mục của tôi gắn liền một cách nhiệm mầu nhưng đích thực với máu của các Vị Tử Ðạo này, đã gục ngã trong thế kỷ vừa qua trong khi các Ngài loan báo Tin Mừng và trung thành với sự hiệp nhất của Giáo Hội, mặc cho cái chết hoặc bạo lực đe dọa.

Tôi nhớ tới chứng tá của ông cố nội tôi. Ông đã thường kể cho tôi nghe biết các người trong gia đình bị phân sáp và giao cho các gia đình bên lương canh chừng để họ dần dần mất đức tin thế nào, trong khi cha của ông bị bỏ tù. Như thế ông cố nội tôi khi mới lên 15 tuổi mỗi ngày đã phải đi bộ 30 cây số để tiếp tế cho cha một ít cơm và ít muối mà ông đã dành dụm được nơi gia đình ông sinh sống và làm việc. Ông phải ra đi lúc 3 giờ sáng để còn kịp trở về làm việc.

Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885, giáo dân toàn giáo xứ bị thiêu sống trong nhà thờ, trừ ông ngoại tôi vì lúc đó còn là sinh viên du học ở Malaysia.

Tôi tin rằng lòng trung thành của Giáo Hội Việt Nam được giải thích bằng máu của các Vị Tử Ðạo đó. Các ơn gọi linh mục tu sĩ làm phong phú Giáo Hội Việt Nam được phát sinh từ ơn thử thách này. Các Vị Tử Ðạo đã dạy cho chúng tôi biết nói lên hai tiếng xin vâng: xin vâng vô điều kiện và vô biên giới đối với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng các Vị Tử Ðạo cũng dạy cho chúng tôi nói lên tiếng không đối với các lời dụ dỗ ngon ngọt, những dàn xếp lắt léo, hoặc bất công nhằm mục đích cứu mạng sống mình, hay hưởng lấy một chút an nhàn thư thái...

Ðó là một gia sản, cần phải luôn luôn chấp nhận. Nó không phải là chuyện tự động hay đương nhiên. Vì chúng ta có thể từ chối nó. Gia sản của các Vị Tử Ðạo không phải là chí anh hùng mà là lòng trung tín. Gia tài này đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các Vị Tử Ðạo.
 
Chúa Giêsu là mẫu gương và căn nguyên của mọi cuộc tử đạo

Trong tù tôi đã viết: "Hãy nhìn ngắm Thập Giá và con sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đề tấn công con" (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Cinisello Balsamo, tr.74). Các Vị Tử Ðạo đã nhìn ngắm Ðức Giêsu...

Chúng ta tất cả đều có thể trông thấy Ngài trong các giờ phút tử đạo của Ngài, khi bị cô đơn, bỏ rơi, hay bị đóng đinh. Dân chúng bình luận về cái chết của vị sư phụ vùng Galilêa: "Ông ấy đã cứu được người khác, nếu ông là Ðức Kitô Thiên Chúa chọn, thì hãy tự cứu lấy mình đi" (Lc 23,35). Chúa Giêsu đã làm biết bao nhiêu phép lạ, chữa lành biết bao nhiêu tật bệnh và làm cho nhiều người sống lại, cũng như dạy dỗ dân chúng biết bao lời hay ý đẹp... Tại sao Ngài lại không tự cứu lấy mình? Lính tráng cũng chế diễu Ngài: "Nếu ngươi là vua dân Do Thái, thì hãy cứu lấy mình đi" (Lc 23,38).

Phúc Âm Thánh Matthêu thì ghi lại lời bình phẩm của các luật sĩ và tư tế: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Isreal, cứ xuống khỏi Thập Giá đi, chúng ta sẽ tin liền. Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn" (Mt 27,42-43).

Nhưng Ðức Giêsu đã không cứu lấy mình: "Ðể có thể tự cứu, Ðức Giêsu đã có thể đi khỏi Giêrusalem và ẩn trốn nơi khác. Như thế Ngài có thể tránh âm mưu sát hại sắp bắt đầu và có thể sống sót. Ngài có thể ra đi, theo con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô, nơi Ngài đã bố trí cuộc gặp gỡ của người Samaritanô nhân hậu... Nếu trốn khỏi Giêrusalem, Ðức Giêsu có thể tự cứu lấy mình. Nhưng Ngài không làm. Ngài đã không làm... Ngài ở lại và hiến dâng mạng sống của Ngài. Không tìm cứu lấy chính mình" (A. Riccardi, Le parole della croce, Brescia 999, tr.13).

Các Vị Tử Ðạo chắc chắn đã nhìn lên Ngài. Các vị đã không lắng nghe những lời châm biếm hay các lời khuyên nhủ của những người chung quanh: "Hãy tự cứu lấy mình đi". Ðức Giêsu là mẫu gương của biết bao nhiêu Vị Tử Ðạo: "Chính Ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình Thập Giá, chẳng nề cho ô nhục và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Dt 12,2). Chúng ta không biết đã có bao nhiêu Vị Tử Ðạo hướng nhìn lên Chúa trong nỗi cô đơn của tù ngục, trong các giờ phút sau khi lãnh án tử hình, trong những đêm dài chờ đợi bàn tay sát nhân gần kề, trong sự mệt nhọc của những cuộc đi bộ vô nghĩa. Chúng ta không biết có bao nhiêu người đã hướng mắt nhìn lên Chúa và đã làm cho đời họ phù hợp với cuộc đời và cuộc tử đạo của Chúa Giêsu. Nhiều lắm, nhiều hơn chúng ta tưởng nghĩ. Và đã xảy ra như viết trong thư gửi giáo đoàn Do Thái: "Anh chị em hãy tưởng nhớ Ðấng đã cam chịu cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh chị em khỏi sờn lòng nản chí" (Dt 12,3).

Nhiều vị Tử Ðạo đã chăm chú nghĩ tới Chúa Giêsu và đã không sờn lòng. Các Vị đã tìm thấy một sức mạnh khiến cho các lý hình là những kẻ coi các Vị như những người thất bại, như một vật dòn mỏng nằm trong tay họ, cũng phải ngạc nhiên. Thư gửi giáo đoàn Do Thái cũng còn viết: "Các Ngài đã tìm ra sức mạnh trong sự yếu đuối của mình" (Dt 11,34). Chúng ta hãy tưởng tượng ra sự kinh ngạc của lý hình trước sức mạnh của những thân xác tàn tạ và những cuộc đời bị giam cầm ấy!
 
Một đoàn lũ đông đảo không thể đếm được trong Hội Thánh hôm nay

Ðây không phải là những chuyện quá khứ cổ xưa. Chúng cũng không chỉ là chuyện của thánh Inhaxiô thành Antiôkia khi Ngài từng tuyên bố: "Ðẹp thay khi phải chết đi cho thế giới, như mặt trời lặn, vì Chúa Giêsu và sống lại với Ngài, như mặt trời mọc lên".

Cần phải biết nhận ra linh kiến của sách Khải Huyền trong thế kỷ XX này: "... xuất hiện một đoàn lũ thật đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai và chính Chiên Con đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,9-11). Họ là ai? Vị Kỳ Mục trả lời: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con" (Kh 7,14). Họ là những người đã không khước từ yêu thương, dù để cứu lấy mạng sống mình. Và họ là những người đã tin rằng ơn cứu độ thuộc về Thiên Chúa chúng ta.

Cần phải mở mắt và đọc linh kiến này trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng sẽ trông thấy một đoàn lũ các Vị Tử Ðạo. Các Vị Tử Ðạo mới của thế kỷ XX. Ðây không phải chỉ là một vài vị. Ðây không phải là các trường hợp ngoại trừ và họa hiếm, nhưng là một đoàn lũ đông đảo không dễ mà đếm được. Hàng trăm ngàn người nam nữ. Nhiều chứng tá liên quan tới các vị đã không được chúng ta biết tới. Có những chứng tá khác được giữ gìn cẩn mật trong các văn khố của các lý hình. Nhiều vị khác nữa thì tên tuổi bị bôi nhọ cộng thêm nỗi hổ nhục vào hình khổ tử đạo. Họ là một đoàn lũ đông đảo không ai có thể đếm nổi.

Họ thuộc các quốc gia khác nhau, nói các tiếng khác nhau và có các hình dạng khác nhau. Biết bao nhiêu dân tộc, biết bao nhiêu Giáo Hội, biết bao nhiêu cộng đoàn đã phải khổ đau. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư "Ngàn Năm Thứ Ba": "Vào cuối ngàn năm thứ hai, Giáo Hội lại trở thành Giáo Hội của các Vị Tử Ðạo. Các cuộc bách hại chống lại các tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã gieo vãi hạt giống tử đạo tại nhiều nơi trên thế giới. Chứng tá của họ đối với Chúa Kitô cho tới đổ máu, đã trở thành gia sản chung của mọi tín hữu Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo và Tin Lành..." (37).

Khi suy niệm về việc tử đạo trong thế kỷ này, những lời của Kinh Thánh sau đây đã thật sự nâng đỡ tôi, như những hàng cột chống đỡ đài vinh quang:

"Không có Thầy các con không thể làm được gì (Ga 15,5).
"Tôi làm được mọi sự trong Ðấng củng cố tôi" (Pl 4,13).
"Không phải là chính tôi mà là ơn Chúa ở với tôi" (1Cr 15,10).
 
Tử đạo vì đức ái

Tôi muốn tưởng niệm "vương quốc của những kẻ bất hạnh", đó là danh từ mà một nữ tù nhân đã dùng để định nghĩa trại tập trung trên quần đảo Solovki bên Nga.

Một nam tù nhân nhớ lại một hình ảnh yêu thương giữa hỏa ngục đó như sau: "Một giám mục Công giáo còn trẻ và một giám mục Chính thống cao niên, già nua gầy yếu, với bộ râu trắng, nhưng tinh thần mạnh mẽ, chung sức đẩy chiếc xe nặng... Ai trong chúng tôi một ngày kia có trở lại trần gian này, sẽ phải làm chứng cho những gì chúng tôi đang trông thấy ở đây trong lúc này. Và điều chúng tôi trông thấy là sự tái sinh của đức tin tinh tuyền đích thực của các Kitô hữu tiên khởi, sự hiệp nhất của Giáo Hội trong con người của hai vị giám mục Công Giáo và Chính Thống cùng nhau chung sức làm việc, trong sự hiệp nhất, trong tình yêu thương và lòng khiêm hạ" (Junrij Brodskij, Solovki. Các hòn đảo của sự tử đạo. Từ tu viện tới trại tập trung Liên Xô thứ nhất, Milano 1998, tr.152).

Ðó là điều đã xảy ra trong trại tù Solovki, kiểu mẫu của mọi trại tập trung Liên Xô. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Có lẽ cuộc đối thoại đại kết giữa các Thánh và giữa các Vị Tử Ðạo là cuộc đối thoại có sức thuyết phục nhất. Sự hiệp thông của các Thánh là tiếng nói cao hơn mọi yếu tố phân rẻ" (Ngàn Năm Thứ Ba, 37).

Trong số các Vị Tử Ðạo của chủ thuyết cộng sản Liên Xô, chúng ta có thể nhận ra một vài gương mặt. Còn rất nhiều vị chỉ có Thiên Chúa mới biết tên. Ðức Tổng Giám Mục Beniamino của Giáo Hội Chính Thống tại thành phố Pietroburgo, tử đạo năm 1922 sau một vụ xử án với các lời cáo gian, trước khi bị hành quyết đã viết như sau:

"Thời gian đã thay đổi. Và vì tình yêu mến Chúa Kitô, con người giờ đây có thể chịu những khổ đau gây ra bởi những người anh em của mình cũng như bởi người xa lạ. Ðau khổ là điều khó khăn và nặng nề, nhưng niềm ủi an của Chúa cũng tràn trề tương xứng. Thật khó mà bước qua khỏi... ranh giới này để hoàn toàn tín thác nơi Thánh ý Thiên Chúa. Nhưng khi đã vượt qua được, con người được tràn đầy niềm an ủi và không còn cảm thấy các khổ đau kinh khủng nữa..." (Ol'ga Vasil'eva, Nước Nga tử đạo. Giáo Hội Chính Thống từ năm 1917 tới 1941, Milano 1999, tr.9).

Các khổ đau kinh hoàng này cũng đã không đánh gục được biết bao nhiêu chứng nhân trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã. Họ đã sống tình yêu thương trong đó, như Thánh Maximilianô Konbê, Bổn mạng của thế kỷ đầy khó khăn này của chúng ta, đã chứng minh cho thấy. Ngài đã không coi sự sống còn của mình như giá trị tuyệt đối của cuộc đời: "Tình yêu mạnh như cái chết" (Dc 8,6). Cái bất nhân của hệ thống trại tập trung, một thế giới kinh hoàng bị nhận chìm, một trường học của hận thù và hủy hoại con người, đã không bóp nghẹt được tình yêu mạnh mẽ sẵn sàng chấp nhận tử đạo, như sách Diễm ca đã viết: "Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp" (Dc 8,6).

Một đoàn lũ đông đảo các Vị Tử Ðạo nói một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của những người nằm chết bên cạnh: các thừa sai đã không bỏ cộng đoàn trong cơn nguy biến và đã ngã gục, trong khi các người ngoại quốc khác ra đi. Các thừa sai tử đạo: sự sợ hãi đã không dập tắt được tình yêu. Họ là các Vị Tử Ðạo của tình yêu. Năm 1995 sáu nữ tu dòng Khó Nghèo tỉnh Bergamo đã chết vì bị lây bệnh dịch Ehola bên Congo. Các chị làm việc tại đây đã muốn ở lại để săn sóc người bệnh. Các chị khác đã đến tiếp tay với các chị và tất cả đều đã chết. Một trong các chị là nữ tu Dinarosa Belleri. Khi được hỏi: "Chị luôn sống giữa những người bệnh vậy mà chị không sợ sao?" Chị đã trả lời: "Sứ mệnh của tôi là phục vụ người nghèo. Vị sáng lập dòng chúng tôi đã làm gì? Tôi ở lại đây để theo vết chân Người... Thiên Chúa Cha Vĩnh Cửu sẽ trợ giúp tôi". Các chị là các Vị Tử Ðạo của tình thương: đối với Kitô hữu, bảo vệ sự sống của chính mình không phải là một giá trị tuyệt đối. Họ thà chết còn hơn là phải xa lìa những người anh em đang cần mình giúp đỡ. Tình yêu đối với người nghèo quan trọng hơn là cứu lấy mạng sống của chính mình.

Tử đạo vì đức tin

Như Ðức Cha Maloyan, Giám Mục Công Giáo Armeni. Là con người yêu chuộng hòa bình nhưng Ngài đã bị tố cáo một cách bất công, bị bắt và dẫn độ đi thật xa cùng với một đoàn giáo dân. Người ta đã đề nghị Ngài chối bỏ đức tin để được sống. Ðức Cha đã trả lời: "Chúng tôi sẽ chết, nhưng sẽ chết vì Chúa Giêsu". Và Ngài đã chết cùng với các tín hữu hồi năm 1915.
 
Tử đạo vì hận thù chủng tộc

Trong tiểu chủng viện tại Buta bên Burundi, là đất nước bị chiến tranh chủng tộc tàn phá, 40 tiểu chủng sinh Huti và Tutsi đã bị sát hại ngày 30 tháng 4 năm 1996 bởi một toán du kích quân Hutu. Họ ra lệnh cho các chủng sinh phải đứng riêng ra theo chủng tộc của mình: ai là người Hutu sẽ được sống, ai là người Tutsi sẽ phải chết, nhưng tất cả các chủng sinh từ chối tách rời nhau. Và tất cả đã cùng bị giết chết với nhau.

Chúng ta không thể tả hết được các việc kỳ diệu của ơn thánh nơi biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta, và chỉ có Chúa mới thấu biết khổ đau của họ. Các anh chị em ơi, chúng tôi không quên các anh chị em đâu!
 
Các chứng nhân của cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô

Phải, có biết bao nhiêu là Vị Tử Ðạo! Một đoàn lũ các Vị Tử Ðạo: tử đạo vì đức khiết tịnh, tử đạo công lý, tử đạo trẻ em, phụ nữ tử đạo, nam nhi tử đạo, những dân tộc tử đạo. Ðó là cả một bức tranh trải dài trước mắt chúng ta: bức tranh của một nhân loại Kitô hữu, hiền lành, khiêm nhường, không bạo lực, chống trả lại sự dữ, yếu đuối nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ trong đức tin, đã yêu và tin cho tới bên kia cái chết. Nhân loại tử đạo đó là niềm Hy Vọng của thế kỷ mà chúng ta vừa mới bắt đầu.

Ðó là gia sản cho chúng ta, Kitô hữu của thế kỷ XXI: để ôm ấp và lựa chọn. Ðúng vậy, chúng ta phải ôm lấy gia sản quý báu này trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, thù hận, và bạo lực. Gia sản của các Vị Tử Ðạo phải được tiếp nhận mỗi ngày qua một cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín. Tu sĩ Isaac Sirô đã viết: "Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai" (O. Clément, Các nhà thần bí Kitô thời ban đầu, Paris 1982, tr.249).

Hình như tôi nghe có một câu hỏi được đặt ra cho tất cả chúng ta trong Mùa Chay và lễ Phục Sinh của Năm Ðại Toàn Xá này: chúng ta có muốn ôm lấy gia sản của các Vị Tử Ðạo này dưới dấu chỉ của Thập Giá và sự Phục Sinh hay không?

Tôi đã thấy cha tôi đi lên Thiên Ðàng

Ðó là tựa đề một tập sách nhỏ được giải thưởng của tổ chức UNESCO. Tác giả, một người Nga hiện sống tại Paris, nhắc lại cuộc sống của thân phụ với các lời cảm động. Thân phụ ông là một linh mục Chính Thống đạo đức và là một mục tử say mê, đương đầu với biết bao nhiêu hy sinh giữa cuộc bách hại.

Một ngày nọ, trong thời chiến, cha tôi bị bắt giữ chỉ vì mang đôi giày lính, mà một người vào quân đội đã cho. Cha tôi bị kết án tử hình bởi vì luật cấm người dân dùng giầy lính. Thật ra, đó chỉ là một cớ, lý do thật dấu ẩn đàng sau đó là sinh hoạt tôn giáo của cha tôi.

Sau khi tụ họp dân làng lại chung quanh vị mục tử, một viên đại úy tuyên bố án lệnh. Ðể trả lời, vị linh mục quỳ xuống cầu nguyện. Và tất cả mọi người đều quỳ gối cầu nguyện với cha tôi và cầu nguyện to tiếng. "Bắn", viên chỉ huy ra lệnh, nhưng toán lính hành quyết đứng im như tờ. "Bắn", viên sĩ quan lại hét lên một lần nữa, nhưng chẳng ai thi hành. Bị thua đau, viên đại úy để cho vị linh mục đi ngựa về nhà cùng với giáo dân.

Vài tháng sau đó, trong khi đi viếng thăm mục vụ, vị linh mục Chính thống này "biến mất" và không ai biết tin tức gì về Ngài. Nhưng mọi người đều hiểu đâu là số phận của cha tôi. Và dân chúng nói rằng cha tôi đã lên trời cùng với con ngựa của Ngài.

Con kính chào Thập Giá là niềm Hy Vọng duy nhất của con,
là ơn cứu rỗi và là vinh quang của thế giới!
 
 
Sau khi tôi được trả tự do có nhiều người nói với tôi rằng: "Thưa cha, trong tù chắc cha đã có nhiều giờ để cầu nguyện". Nhưng thật không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Chúa đã cho phép tôi cảm nghiệm tất cả sự yếu đuối và mỏng dòn của thể xác cũng như tinh thần của tôi. Trong tù thời gian chậm chạp, đặc biệt trong thời gian biệt giam. Các bạn hãy cứ tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng trong thinh lặng... Thời gian dài kinh khủng. Nhưng khi trở thành năm, chúng trở thành vĩnh cửu. Có những ngày tôi bị kiệt lực vì mệt mỏi, bệnh tật, một kinh tôi cũng không đọc nổi!

Nhưng cũng đúng thật là người ta có thể học hỏi nhiều về cầu nguyện, về tinh thần cầu nguyện tinh tuyền, ngay khi phải khổ đau vì không thể cầu nguyện, vì yếu nhược thể xác, vì không thể cầm trí, vì sự khô khan nguội lạnh, cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi và sống xa Ngài tới độ không thể nào nói lên được Lời nào với Ngài.

Và có lẽ chính trong những lúc này người ta mới khám phá ra cái cốt yếu của lời cầu nguyện và mới biết có thể sống giới răn của Ðức Giêsu như thế nào: "Cần phải cầu nguyện luôn" (x. Lc 18,1).

Từ các Giáo Phụ sống trong sa mạc cho tới Nhóm Người Hành Hương Nga, từ các vị đan tu Tây Phương cho tới đan tu Ðông Phương, tất cả chỉ có một ưu tư, một tìm kiếm say mê: đó là có thể thực hành một lời cầu nguyện kiên trì. Giáo phụ Caisianô nói: "Tột đỉnh của sự trọn lành là biến tất cả cuộc sống với mọi nhịp đập của con tim của chúng ta trở thành một lời cầu duy nhất không ngưng nghỉ" (Giovanni Cassiano, Thuyết giảng 10,7: SC 54, tr.81).
 
Một kinh nguyện đơn sơ

Tôi thích cầu nguyện với các lời kinh phụng vụ, các Thánh Vịnh, và Thánh Thi. Tôi rất thích bình ca, nên tôi nhớ thuộc lòng phần lớn. Nhờ việc huấn luyện trong chủng viện, các bài thánh ca phụng vụ đó đã thấm nhập sâu đậm trong tim tôi! Thế rồi, các lời kinh trong tiếng mẹ đẻ rất cảm động, mà toàn gia đình đọc mỗi chiều trong nhà nguyện gia đình, làm tôi nhớ lại tuổi thơ. Ðặc biệt ba kinh Kính Mừng Maria và Kinh Hãy Nhớ mà mẹ tôi đã dậy cho tôi đọc mỗi sáng chiều.

Tôi yêu lời kinh của Thánh Phanxicô thành Assisi, người đã suốt đêm ở giữa tuyết lặp đi lặp lại: "Lạy Chúa con, là tất cả của con!", và lời kinh của linh mục Marmion, đan viện phụ Maredsous: "Lạy Chúa con, lòng thương xót của con". Thật thế, trong số các phương tiện giúp duy trì sống động tinh thần cầu nguyện, có các lời kinh rất ngắn gọn như những mũi tên bắn lên trời, mà không gì trên thế giới này có thể cấm đoán hay ngăn chặn được, chính vì chúng là hơi thở của linh hồn và là nhịp đập của con tim.

Tôi nhìn lên Chúa Giêsu như là mẫu gương cầu nguyện.

Lời cầu của Ngài chân thành và đơn sơ hướng về Chúa Cha. Cũng có khi lời cầu nguyện của Chúa thật dài, không theo các công thức dọn sẵn, như lời cầu linh mục sau Bữa Tiệc Ly: nồng cháy và tự phát.

Nhưng thông thường, những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ðức Trinh Nữ, và các Tông Ðồ thật ngắn gọn, nhưng cao đẹp, được liên kết với cuộc sống thường ngày. Tôi là người yếu đuối và nguội lạnh, tôi yêu thích các lời kinh ngắn gọn này trước nhà tạm, nơi bàn làm việc, đọc trên đường đi, hay khi ở một mình. Các lời cầu nguyện này càng được lập đi lập lại, càng thấm nhập vào trong tôi:

"Này tôi là nữ tỳ của Chúa" (Lc 1,38)
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa... " (Lc 1,46-45)
"Họ không còn rượu nữa" (Ga 2,3)
"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34)
"Này là con Bà, đây là Mẹ con" (x. Ga 19,26-27)
"Xin hãy nhớ đến tôi khi nào Ngài vào nước của Ngài" (Lc 23,42)
"Trong tay Chúa con xin phó thác hồn con" (Lc 23,46)
"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì" (Cv 22,10)
"Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự. Chúa biết con yêu Chúa" (Ga 21,17)
"Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13)

Tất cả những lời cầu ngắn gọn này, nối liền nhau, làm thành một cuộc sống cầu nguyện. Cũng vậy, giống như một dây xích được làm nên bằng những cử chỉ kín đáo, những cái nhìn, và lời nói thân tình, tạo thành một cuộc sống yêu thương. Tất cả giúp giữ chúng ta luôn ở trong một bầu khí cầu nguyện, mà không buộc chúng ta phải xa rời nhiệm vụ hiện tại, nhưng trái lại giúp chúng ta thánh hóa mọi sự.
 
Sống trong trạng thái cầu nguyện

Những điều gì có thể giúp chúng ta ở luôn trong trạng thái cầu nguyện, nghĩa là kết hiệp với Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày, giữa cái nhàm chán của công việc, và giao tế?

Khi đọc các Giáo Phụ sống trong sa mạc, là những người coi thinh lặng như là điều kiện không thể thiếu cho việc cầu nguyện liên lỉ, có một giai thoại đã đánh động tôi.

Người ta kể rằng một ngày nọ, thầy Antôniô có được một mặc khải lạ thường: "Trong thành phố có một người giống ngươi: ông ta cũng là y sĩ. Ông cho người nghèo khó tất cả của cải thừa thải và suốt ngày hát lời kinh chúc tụng Thánh Thánh Thánh với các Thiên Thần" (Cuộc sống của các Giáo Phụ sa mạc, Rôma 1975, tr.90). Làm sao vị y sĩ vô danh này của thành Tebaide lại có thể thi hành một hình thức cầu nguyện cao vời như thế được? Có lẽ thánh Augustinô cho chúng ta có được chìa khóa giải thích điều này, khi Thánh Nhân khẳng định rằng: "Khát vọng của bạn là lời cầu nguyện của bạn; nếu khát vọng liên lỉ thì lời cầu cũng liên lỉ" (Lời kể lể trong Thánh vịnh 37,14 PG 36,404).

Ðối với Thánh Augustinô, khát vọng đó được đồng hóa với lòng mến và lòng mến dẫn đưa tới chỗ làm việc thiện. Do đó có một cách khác khiến cho lời cầu nguyện được liên tục đó là làm điều thiện, đó là hành động tốt.

"Ai có thể lập lại suốt ngày lời chúc tụng Chúa? (...) Ai có thể kiên trì trong việc chúc tụng Chúa suốt ngày? Tôi đề nghị với bạn một phương thế chúc tụng Chúa suốt ngày, nếu như bạn muốn. Ðó là tất cả những điều bạn phải làm, hãy làm thật tốt, như thế là bạn đã chúc tụng Chúa rồi" (Ibd, 34, II, 16: PL 36, 341).

Sống là cầu nguyện

Theo các tác giả thiêng liêng, chặng cuối cùng của lời cầu nguyện là khi không những chỉ cầu nguyện luôn mà còn trở thành sống như thế với các lời sau đây:

"Dù họ có ăn, có uống, có ngủ hay làm bất cứ điều gì khác, và cho tới cả trong giấc ngủ sâu nhất, hương thơm lời cầu nguyện tự con tim họ vẫn tỏa bay lên không chút mệt mỏi. (...) Các chuyển động của trái tim và tâm trí được thanh tẩy là những tiếng hát đầy dịu ngọt mà những con người như thế không ngừng âm thầm ca hát dâng Chúa" (Diễn văn khổ chế, 85 trích dẫn bởi O. Clement, Về nguồn Giáo Phụ, Rôma 1987, tr. 205).

Một tác giả tu đức hiện đại đã cô đọng lại trong ít lời tất cả truyền thống và sự nhậy cảm của con người ngày nay đối với lời cầu nguyện như sau: "Con đường đích thực của lời cầu nguyện là cuộc sống. (...) Một lời cầu liên tục là một cuộc sống hoàn toàn tận hiến phục vụ Chúa. Ðó là phương cách duy nhất giúp cầu nguyện luôn. Lời cầu nguyện trở nên liên tục khi biết yêu thương liên lỉ. Tình yêu liên lỉ khi nó duy nhất và hoàn toàn" (Lời cầu nguyện. Kinh Thánh. Thần học. Kinh nghiệm lịch sử, phát hành bởi E. Ancilli, I, Rôma 1988, tr.34).

Nếu cuộc sống chúng ta trở thành "một cử chỉ yêu thương duy nhất trải dài trong thời gian", nếu nó phản ánh từng lúc cuộc sống của Chúa Giêsu, khi đó chúng ta cũng có thể hiểu được lời xác quyết đơn sơ và chính xác này của chị Chiara Lubich: "Làm thế nào để cầu nguyện liên lỉ. Hãy trở nên Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện".

Công thức ngắn gọn sau đây của Thánh Augustinô bao gồm tất cả cốt tủy của lời cầu nguyện: "Chính Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta như là linh mục của chúng ta; cầu nguyện trong chúng ta như là đầu của chúng ta; và được chúng ta khấn cầu như là Chúa của chúng ta" (Lời kể lể trong Thánh Vịnh 85,1: PL 37, 1081).
 
Những lúc không thể cầu nguyện nữa

Trong cuộc sống của tôi, có những thời gian dài tôi đã đau khổ vì không thể cầu nguyện được. Tôi đã kinh nghiệm cái vực thẳm của sự yếu đuối thể xác và tâm thần. Nhiều lần tôi đã kêu lên như Chúa Giêsu trên Thập Giá: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?"

Nhưng Chúa đâu có bỏ tôi.

Trong tù, một vài người trong số các công an canh giữ tôi đã học tiếng La tinh để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Một ngày nọ có một người hỏi tôi:

- Ông có thể dạy tôi một bài thánh ca bằng tiếng Latinh không?
- Ðược, nhưng có nhiều bài lắm, bài nào cũng hay.
- Vậy ông hát đi, tôi nghe rồi tôi sẽ chọn.

Thế là tôi hát: Kính Chào Mẹ Là Sao Bắc Ðẩu... (Ave maris stella), Chào Mẹ... (Salve Mater), Lạy Thần Khí Sáng Tạo Xin Hãy Ðến... (Veni Creator Spiritus). Và anh ta chọn bài sau cùng.

Tôi không bao giờ ngờ rằng một người công an vô thần đã học thuộc lòng bài hát thánh thi đó và lại càng không ngờ rằng anh ta hát bài thánh thi đó mỗi sáng lào lúc 7 giờ, khi leo xuống thang gỗ để tập thể dục và đi tắm trong vườn. Anh ta hát đi hát lại bài thánh thi nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm: "Lạy Thần Khí Sáng Tạo xin hãy đến, viếng thăm tâm trí các tín hữu Chúa...". Và anh ta kết thúc các lời cuối cùng của bài thánh thi "...cho đến muôn đời. Amen" khi bước vào phòng với quần áo chỉnh tề.

Ban đầu tôi lấy làm lạ lắm, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đã dùng anh công an đó để giúp một giám mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to bài "Lạy Thần Khí Sáng Tạo". Tôi không bao giờ được hát lên như vậy bởi vì làm thế là tôi đã vi phạm quy định của nhà tù, và tôi đã cố ý công khai báo cho mọi người biết có một linh mục đang bị biệt giam ở trong ngục đây.

Khi không thể cầu nguyện được, tôi thường cầu cứu Ðức Mẹ và nói: "Mẹ ơi, Mẹ thấy con kiệt sức rồi, con không đọc được lời kinh nào nữa. Vậy con sẽ chỉ đọc kinh Kính Mừng thôi với tất cả lòng mến của con. Con đặt mọi sự trong tay Mẹ và con sẽ lập lại "Kính Mừng Maria. Con xin Mẹ phân phát lời cầu này cho tất cả những ai cần đến nó trong Hội Thánh, trong giáo phận của con..."

Ðể đặt mình trong bầu khí cầu nguyện, tôi tìm cách trở nên một Kinh Kính Mừng sống động.

Một cách thế khác giúp tôi cầu nguyện đó là Kinh Lạy Cha.

Khi quá suy yếu không còn sức để cầu nguyện nữa, tôi nghĩ tới Lời Kinh của Chúa Giêsu trong một công thức khác rất ngắn gọn và chính xác:

Cho Thiên Chúa Cha: danh Cha, nước Cha và ý Cha.

Cho nhân loại: lương thực của chúng con, các nợ nần của chúng con, chước cám dỗ của chúng con.

Thật không thể tưởng được sức mạnh của các lời cầu kinh phụng vụ. Trong tù, mỗi khi cảm thấy tinh thần mình xuống dốc, tôi thầm hát thánh thi kinh chiều các Thánh Tử Ðạo (Công Nghiệp Các Thánh) và mỗi lần như thế tôi lại như được Chúa Thánh Thần tiêm vào một liều thuốc bổ thật mạnh giúp tôi hồi sinh:

"Muôn thử thách, vì Ngài đâu sá kể,
Không hé một lời oán trách thở than!
Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn,
Trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn.
 
Di chúc Chúa Giêsu

Cách thức cầu nguyện cuối cùng của vị giám mục bị cầm tù đó đã dẫn tôi vào chìm ngập trong tận di chúc của Chúa Giêsu, trong những lời nói và hành động cuối cùng của Ngài.

Tôi tự hỏi: "Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta điều gì trước khi Ngài về trời?" Và câu trả lời là: "Ngài đã để lại cho chúng ta Lời Ngài, Thân Thể Ngài, Mẹ Ngài, Giáo Hội của Ngài, chức linh mục của Ngài và sự bình an của Ngài".

Trong tình yêu thương vô biên (Ngài yêu thương cho đến cùng). Ngài đã để lại cho chúng ta tất cả. Và khi suy nghĩ như thế tôi cảm nhận một làn sóng hạnh phúc xâm chiếm tôi.

Khi đó tôi tự hỏi: "Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta điều gì?" Và tôi nhớ tới những điều Ngài đã hứa với các môn đệ trước khi về cùng Chúa Cha: "Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (x. Mt 28,20); "Ta sẽ gửi Thánh Thần xuống cho các con" (x. Ga 14,16.26): "Chúa Cha yêu thương các con" (x. Ga 16,17); "Nếu các con cầu nguyện nhân danh Ta thì sẽ được" (x. Ga 14,13); "Ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Ta thì Ta sẽ ở giữa họ" (x. Mt 18,20).

Tôi còn hỏi thêm: "Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Hội Thánh của Ngài điều gì?"

Và tôi nhận ra Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội nghèo: Ngài đã không có nhà cửa để dùng Bữa Tiệc Ly cuối cùng và dâng hiến lễ tế tột cùng trên Thập Giá không mảnh vải che thân.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội phục vụ: Ngài đã rửa chân cho các môn đệ.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội có bóng dáng hiền mẫu của Mẹ Maria, khi từ trên Thập Giá Ngài phó thác Mẹ cho Tông Ðồ Gioan và đổ Thánh Thần xuống trên các vị.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội truyền giáo, khi Người sai các Tông Ðồ ra đi như các chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội can đảm đương đầu với các thách đố của thế giới, khi Ngài cầu nguyện: "Con không xin Cha cất chúng ra khỏi thế gian nhưng xin Cha giữ gìn chúng cho khỏi sự dữ" (Ga 17,15).

Sau cùng tôi tự hỏi: "Ðâu là điều răn lớn nhất mà Ngài để lại cho chúng ta?" Và câu trả lời là: "Yêu thương cho đến hiệp nhất".

Di chúc của Chúa Giêsu là kho tàng vô tận dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của tôi để duy trì niềm Hy Vọng trong các thử thách của tuyệt vọng, của cô đơn, của bệnh tật, giữa biển khơi, trên núi cao, giữa sự tàn ác.

 
Hãy tình thức và cầu nguyện

Anh em thân mến, xin cho phép tôi được kết thúc bài suy niệm này với lời cầu sau đây:

Lạy Chúa, chính qua lời cầu nguyện mà con sống trong Chúa.

Linh hồn con ở trong Chúa, như bé thơ nép mình trong lòng mẹ, hơi thở hiệp nhất với hơi thở của mẹ, con tim đập nhịp với con tim của mẹ...

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương của con.

Tin Mừng chỉ cho con thấy Chúa cầu nguyện suốt đêm trên núi.

Chúa cầu nguyện trước khi làm một phép lạ,
trước khi chọn các Tông Ðồ,
trong Bữa Tiệc Ly...

Chúa cầu nguyện khi mồ hôi máu chảy dài trên trán
trong vườn Giêtsêmani,
khi Chúa hấp hối trên Thập Giá.
Chúa cầu nguyện với lời của Thiên Chúa...
Cuộc sống của Chúa đã là một lời cầu liên lỉ.
Hướng mắt về Thiên Chúa Cha, với một con tim yêu mến,
hoàn toàn phục vụ danh Ngài:
"Xin cho danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến".
Chúa đợi chờ với lòng sốt mến
giờ của Cha đến,
để thực hiện hy lễ tình yêu.
Chúa đã nói:
"Thầy và Cha Thầy là một"
"Hãy cầu nguyện không biết mỏi mệt"
"Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Cha Ta"
Chúa làm cho con hiểu rằng
lời cầu liên lỉ là sự hiệp thông với Chúa Cha
và trong thực hành
nó hệ tại ở chỗ
luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha
dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Con chỉ muốn sống theo di chúc Chúa Giêsu.
 
V. Dân tộc của Hy Vọng
 
Chúng ta đọc thấy trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba rằng, Năm 2000 "sẽ là một năm có chiều kích Thánh Thể mãnh liệt. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Cứu Thế, nhập thể cách đây 20 thế kỷ trong cung lòng Mẹ Maria, tiếp tục hiến thân cho nhân loại như nguồn mạch sự sống thần linh" (TMA, n.55). Và chúng ta chuẩn bị biến Rôma thành nơi cử hành Ðại Hội Thánh Thể quốc tế (Statio Orbis).
 
Của ăn nuôi các chứng nhân

Năm 1975, khi bắt đầu ở tù, tôi lo âu tự hỏi: "Tôi có thể dâng lễ được nữa hay không?" Ðó cũng là câu hỏi mà về sau các tín hữu đã hỏi tôi. Vừa khi thấy tôi, họ hỏi: "Trong tù Ðức Cha có làm lễ không?"

Trong lúc thiếu thốn mọi sự, Thánh Thể là điều chúng ta nghĩ đến trước nhất: đó là Bánh hằng sống. "Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

Biết bao nhiêu lần tôi đã nhớ đến câu nói của các Vị Tử Ðạo ở Abitene (thế kỷ thứ IV): Sine Dominico non possumus! - Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Thánh Lễ" (Cf Giovanni paolo II, Dies Domini, số 46).

Trong mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ bách hại, các Kitô hữu sống bí quyết Thánh Thể: là lương thực của các chứng nhân, là Bánh Hy Vọng.

Eusebio thành Cêdarêa nhắc nhở rằng các Kitô hữu đã không bỏ qua việc cử hành Thánh Lễ ngay cả giữa những cuộc bách hại: "Mỗi nơi chịu khổ hình đều trở thành nơi cử hành Thánh Lễ cho chúng tôi... dù đó là một cánh đồng, một sa mạc, một con tàu, một quán trọ hay một nhà tù..." (Historia ecclesiastica VII, 22,4: PG 20,687-688). Tử Ðạo Thư của thế kỷ 20 cũng đầy những trình thuật về các buổi cử hành Thánh Lễ bí mật trong cái trại tập trung. Bởi vì không có Thánh Thể, chúng ta không thể có sức sống của Thiên Chúa!

 
"Ðể nhớ đến Thầy"

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã sống giờ phút tột đỉnh trong cuộc đời trần thế của Ngài: món quà tuyệt vời biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha và với chúng ta được tỏ bày qua hy tế trao ban chính Mình và Máu Ngài.

Chúa để lại cho chúng ta giờ phút tột đỉnh ấy để tưởng niệm Ngài, chứ không phải giờ phút khác, cho dù giờ phút đó có chói sáng rạng ngời thế nào đi nữa, như lúc Chúa hiển linh hoặc một trong những phép lạ của Ngài. Nghĩa là Ngài để lại trong Hội Thánh sự hiện diện - tưởng niệm của giờ phút tột đỉnh của tình yêu thương và đau khổ trên Thập Giá mà Chúa Cha đã biến nó thành vĩnh cửu và để sống nhờ Ngài, để sống và chết như Ngài.

Chúa Giêsu muốn Hội Thánh tưởng niệm Ngài và sống những tâm tình cũng như những đòi hỏi của việc tưởng niệm ấy qua sự hiện diện sinh động của Ngài. "Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy" (cf 1Cr 11,24).

Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng... Tôi viết: "Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột". Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi: "Thuốc chữa bệnh đường ruột", còn bánh lễ thì họ dấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi:
- Ông bị bệnh đường ruột?
- Phải.
- Ðây, có ít thuốc cho ông đây.

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi! Ðó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: "thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu", như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã nói (Ad Eph, 20,2: Patres Apostolici, I, Ed. P.X. Funk, pp.230-231).

Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào Thập Giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài hòa với máu của tôi. Ðó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi!
 
Ai ăn Ta, sẽ sống vì Ta

Và thế là trong nhiều năm trời tôi được nuôi dưỡng bằng Bánh Sự Sống và Chén Cứu Ðộ.

Chúng ta biết rằng khía cạnh hy tế của thức ăn nuôi dưỡng và thức uống bổ sức gợi lên sự sống Chúa Kitô ban cho chúng ta và sự biến đổi do Ngài thực hiện: "Hiệu quả riêng của phép Thánh Thể là biến đổi con người thành Chúa Kitô" (cf Alberto Cả, In IV Sent. d.12, p.2, a.1: Opera omnia, X, Parigi, 1939, p.307), như các Giáo Phụ đã quả quyết. Thánh Lêô Cả nói: "Sự thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô không gì khác hơn là biến chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh" (Cf Serm. 63,7: PL 54, 357, được LG 26 trưng dẫn). Thánh Augustinô diễn tả câu nói của Chúa Giêsu bằng những lời này: "Không phải con thay đổi Ta thành như lương thực cho thể xác con, nhưng con được biến đổi thành Ta" (Conf. I, VI, 10, 16: PL 32, 742). Như Thánh Cirilo thành Giêrusalem nói: "Nhờ Thánh Thể, chúng ta trở thành đồng thân thể và máu huyết với Chúa Kitô" (Cat. Myst. 4,3: PG 33, 1100). Chúa Giêsu sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài, như một loại "thẩm thấu": Ngài sống trong tôi, ở lại trong tôi và hành động nhờ tôi.
 
Dâng Thánh Lễ trong trại cảo tạo

Thế là, trong nhà tù, tôi cảm thấy chính trái tim của Chúa Kitô đập trong tim tôi. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống của tôi là cuộc sống của Ngài, và cuộc sống của Ngài là của tôi.

Thánh Lễ trở thành một sự hiện diện âm thầm và đầy khích lệ cho tôi và các Kitô hữu khác giữa đủ mọi khó khăn. Chúa Giêsu Thánh Thể được các bạn tù Công giáo thờ phượng một cách kín đáo, như bao nhiêu lần đã xảy ra trong các trại tù của thế kỷ XX.

Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy, tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình Thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thuốc lá, để giữ Mình Thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ-mi.

Mỗi tuần đều có một buổi học tập chính trị và cả trại đều phải tham dự. Các bạn tù Công giáo lợi dụng những lúc giải lao để chuyển những túi giấy nhỏ đựng Mình Thánh Chúa cho bốn nhóm tù nhân khác: tất cả đều biết rằng Chúa Giêsu ở giữa họ. Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu: nhiều người Công giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về sự yêu thương và phục vụ có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên những tù nhân khác. Ngay cả những anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại.

Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng phục sinh, và hạt giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Các tín hữu Công giáo rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ.

Tổng cộng có khoảng 300 linh mục tù nhân. Sự hiện diện của các vị trong các trại khác nhau thật là một điều do Chúa Quan Phòng xếp đặt, không những chỉ cho các tín hữu Công giáo mà thôi, nhưng còn là dịp cho một cuộc đối thoại liên tôn kéo dài, tạo nên sự cảm thông và tình thân hữu với mọi người.

Chúa Giêsu đã trở thành "người bạn đường đích thực của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể" như Thánh Nữ Têrêxa Avila đã nói (Libro de la Vida, cap. 22, n.6).
 
Cùng một bánh, cùng một thân xác

Và Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta thành Hội Thánh của Ngài.

"Vì chỉ có một bánh duy nhất, nên chúng ta tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể duy nhất: thực vậy, tất cả chúng ta đến tham phần vào bánh duy nhất" (1Cr 10,17). Thánh Thể làm nên Hội Thánh: Mình Thánh làm cho chúng ta thành Thân Thể Chúa Kitô. Hay nói theo hình ảnh của Thánh Gioan: tất cả chúng ta đều là một thân cây nho duy nhất, có cùng nhựa sống của Thánh Linh lưu thông mỗi người và mọi người (cf Ga 15).

Quả thực Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Chúa Kitô. Thánh Cirilô thành Alexandria nhắc nhở: "Ðể làm cho chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, và để liên kết chúng ta với tha nhân. Con Duy Nhất... đã nghĩ ra một phương thế diệu kỳ: nhờ một thân mình duy nhất, thân mình của Ngài, Ngài thánh hóa các tín hữu trong sự hiệp thông huyền nhiệm, làm cho họ nên một thân thể với Ngài và với nhau" (In Ioan. Ev. 11: PG 74, 560).

Chúng ta là một, sự hiệp nhất này được thể hiện trong việc tham dự Thánh Thể. Ðấng Phục Sinh làm cho chúng ta nên một với Ngài và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Phép Thánh Thể tạo nên hiệp nhất, tình huynh đệ giúp ta sống hiệp nhất. Trong sự hiệp nhất ấy, Chúa Kitô có thể nắm giữ vận mệnh loài người và đưa họ đến cứu cánh chân thật: Thiên Chúa là Cha duy nhất và mọi người là anh em.
 
Cha chúng con, lương thực của chúng con

Nếu chúng ta nhận ra được ý nghĩa hiệp nhất trong Thánh Thể, chúng ta sẽ liên kết ngay hai lời nói trong Kinh Lạy Cha: "Cha chúng con" và lương thực của chúng con". Hội Thánh sơ khai đã làm chứng về điều đó. Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại: "Họ chuyên cần... trong việc bẻ bánh" (2,42). Và sách ấy cho thấy ảnh hưởng trực tiếp: "Ðông đảo các tín hữu có cùng một lòng với nhau và không ai nói của mình là của riêng, nhưng mọi sự đều được để làm của chung" (Cv 4,32).

Nếu Thánh Thể và sự hiệp thông là hai mặt không thể tách rời nhau của cùng một thực tại, thì tình hiệp thông ấy không chỉ có tính chất thiêng liêng mà thôi. Chúng ta còn được mời gọi để chứng tỏ cho thế giới cảnh tượng cộng đoàn trong đó không những có cùng một đức tin, nhưng còn thực sự chia sẻ vui mừng, khổ đau, của cải và những nhu cầu thiêng liêng cũng như vật chất.

Sứ vụ của tôi tại Giáo triều Rôma nhằm phục vụ cho công lý và hòa bình giúp tôi đặc biệt nhạy cảm đối với vấn đề đó. Cần làm chứng rằng thân mình Chúa Kitô thực là "của ăn để cho thế gian được sống".

Tất cả chúng ta đều biết trong hai thế kỷ vừa qua, nhiều người cảm thấy nhu cầu cần có một nền công bằng xã hội đích thực. Họ không tìm thấy trong môi trường Kitô giáo một chứng tá rõ rệt và mạnh mẽ, nên chạy đi tìm những niềm Hy Vọng giả dối. Và tất cả chúng ta đều chứng kiến những thảm kịch thực sự. Người thì nghe kể lại, kẻ khác lại cảm nghiệm trong chính bản thân mình.

Ngày nay, những vấn đề xã hội không hề giảm bớt. Rất tiếc là phần lớn nhân loại trên hoàn cầu vẫn tiếp tục sống trong cảnh lầm than không xứng với phẩm giá con người. Hiện nay, người ta đang tìm cách toàn cầu hóa mọi lãnh vực, nhưng điều này có nguy cơ làm cho các vấn đề thêm trầm trọng thay vì giải quyết tốt đẹp. Thế giới đang thiếu một nguyên tắc hiệp nhất chân thực nhằm liên kết con người lại với nhau để làm tăng thêm giá trị, chứ không biến họ thành đám đông. Thế giới cũng thiếu một nguyên tắc hiệp thông và huynh đệ đại đồng: chính Chúa Kitô, bánh Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Ngài và dạy chúng ta sống theo kiểu mẫu hiệp thông trong phép Thánh Thể.

Trong việc này, chúng ta được mời gọi đóng góp phần chủ yếu. Nhiều Kitô hữu trong những thế kỷ đầu tiên đã hiểu rất rõ điều đó. Chúng ta đọc thấy trong sách Ðiđakê: "Nếu chúng ta chia sẻ những của cải thiêng liêng, tại sao chúng ta lại không chia sẻ cả những của cải vật chất nữa?" (IV, 8, Patres Apostolici, I, Ed. P.X. Funk, pp.12-13). Thánh Gioan Kim Khẩu nhắn nhủ chúng ta hãy chú ý đến sự hiện diện của Chúa Kitô nơi người anh em khi cử hành Thánh Lễ: "Ðấng đã nói: 'Này là mình Thầy'... và đã bảo đảm với anh chị em về sự thật bằng lời của Ngài, cũng là Ðấng đã nói: điều mà các con từ chối làm cho kẻ bé mọn nhất, tức là các con từ chối làm cho chính Thầy" (In Math. Hom. 50, 3,4: PG 57, 507-510). Nhớ lại điều đó, Thánh Augustinô đã thành lập tại Hippone một "Nhà Bác Ái" gần nhà thờ chính tòa của Ngài. Và thánh Badiliô đã thành lập Thành Bác Ái ở Cêsarêa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo quả quyết: "Thánh Thể đòi phải dấn thân đối với người nghèo. Ðể thực sự rước Mình Máu Thánh Chúa đã hiến mình vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Chúa Kitô nơi những người nghèo nhất, những anh em của Ngài (Mt 25,40)" (s.1397).

Nhưng đặc tính xã hội của Thánh Lễ còn đi xa hơn nữa. Giáo Hội cử hành Thánh Lễ cần phải có khả năng biến những cơ cấu bất công của thế giới này thành những hình thức mới nhắm đến công ích, thành những hệ thống kinh tế trong đó trổi vượt ý thức về hiệp thông chứ không phải chỉ quan tâm tới lợi lộc.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề ra chương trình tuyệt diệu này: "biến Thánh Lễ thành một trường tu đức sâu xa và thành thao trường tuy thầm lặng nhưng đòi hỏi nhiều dấn thân về xã hội học Kitô giáo" (Insegnamenti di Paolo VI, VII (1969), Libreria Ed. Vaticana, 1970, p.1130).

Chúa Giêsu, Bánh Sự Sống, thúc đẩy chúng ta phải làm việc để khỏi thiếu lương thực mà nhiều người vẫn còn cần đến: bánh công lý và hòa bình, ở những nơi chiến tranh đang đè nặng và không tôn trọng các quyền của con người, của gia đình, của các dân tộc; bánh tự do đích thực, tại những nơi không có tự do tôn giáo chân thực để tuyên xưng công khai tín ngưỡng của mình; bánh huynh đệ tại những nơi không nhìn nhận và thực thi ý thức hiệp thông đại đồng trong hòa bình và hòa hợp; bánh hiệp nhất giữa các Kitô hữu, vẫn còn chia rẽ nhau, trên đường cùng chia sẻ một bánh và một chén rượu.

 
Một Bánh Thánh lớn

Và tôi kết luận với một ước mơ.

Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một Bánh Thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo Hội như một nhà Tiệc Ly rộng lớn, cùng với Ðức Maria, Mẹ của Thân Mình Chúa Kitô, và cùng với Phêrô người thi hành sứ vụ hiệp nhất phục vụ tất cả. Và tất cả chúng ta cùng với họ, như những hạt lúa, chấp nhận chịu nghiền nát bởi những đòi hỏi của tình hiệp thông, để họp thành một thân mình duy nhất, hoàn toàn liên đới và hoàn toàn trao tặng, như bánh sự sống cho thế giới, và như một dấu chỉ Hy Vọng cho nhân loại.

Một bánh duy nhất, một thân mình duy nhất. Ôi lạ lùng thay! Chẳng có miệng lưỡi nào ca ngợi cho đủ được! (O res mirabilis! Nec laudare sufficit!).

 
"Dilexit Ecclesiam - Người đã yêu Giáo Hội". Ðó là những chữ lớn được viết trên mộ của Ðấng sáng lập một trong những phong trào của Giáo Hội thời nay (Cha Joseph Kentenich {+1968}, sáng lập Tu Hội Schoenstatt). Cả trong những lúc khó khăn, khi bị các vị hữu trách của Giáo Hội thử thách, người ấy vẫn nhận thấy nơi Hội Thánh là Hiền Thê và là Thân Mình của Chúa Kitô. Vì thế, Ngài yêu mến Hội Thánh.

Trái lại, chúng ta biết nhiều người thời nay thường nói: "Tôi tin Chúa Kitô, nhưng không chấp nhận Giáo Hội". Họ không thấy mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Họ không ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội Thánh. Nhưng Giáo Hội là gì, Giáo Hội sẽ là gì nếu không phải là người biểu lộ tôn nhan của Chúa giữa lòng thế giới? Chúng ta nghĩ tới Cha Sở họ Ars, vị mục tử khiêm hạ và rất đơn sơ. Khi được triệu tới để làm chứng về Ngài, một nông dân nói: "Tôi đã thấy Thiên Chúa nơi một người".

Và chúng ta nghĩ tới Mẹ Têrexa Calcutta, tới đoàn lũ đông đảo dân chúng trong ngày lễ an táng Mẹ, họ đã đi theo sau thi hài của Mẹ. Các Kitô hữu và tín đồ Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, tất cả đều nhận thấy nơi Mẹ sức thu hút của Chúa Giêsu.

Các đại chứng nhân ấy về sự hiện diện của Chúa Kitô thật là quí giá dường nào! Và chúng ta phải cảm tạ Chúa về điều đó. Nhưng trong thời đại phức tạp và đang cần ơn cứu độ như ngày nay, điều cấp thiết là mọi người có thể nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội Thánh. Nói cách khác, toàn thể Hội Thánh phải chiếu tỏa sự hiện diện của Chúa.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong các Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho các đại lục gần đây, đã muốn nhấn mạnh sự cấp thiết đó. Trong tất cả các Thượng Hỗi Ðồng Giám Mục ấy đều có cùng một ý tưởng như một khẩu hiệu nòng cốt hướng dẫn: đó là Chúa Kitô luôn sống trong Hội Thánh của Ngài.

Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội cách nào?

Tiếp tục truyền thống ngàn đời của Giáo Hội, Công Ðồng chung Vatican II đã làm nổi bật những cách thức hiện diện khác nhau của Chúa Kitô:

- Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội một cách đặc biệt trong các buổi cử hành phụng vụ, trong con người của thừa tác viên và nhất là trong Mình Thánh, Máu Thánh.

- Chúa Giêsu hiện diện trong các Bí Tích.

- Chúa Giêsu hiện diện trong Lời của Ngài.
- Chúa Giêsu hiện diện khi Giáo Hội thi hành các công tác bác ái; Ngài hiện diện nơi người nghèo, người bệnh và các tù nhân (cf Mt 25,31-46).

- Chúa Giêsu hiện diện "trong cuộc sống của những người, mặc dù tham gia cùng bản tính nhân loại như chúng ta, nhưng được biến đổi hoàn toàn hơn trong hình ảnh Chúa Kitô (cf 2Cr 3,18). Nơi họ, chính Ngài nói với chúng ta và chỉ cho chúng ta dấu chỉ Nước Ngài" (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1373; và 1374).

- Chúa Giêsu hiện diện trong một cộng đoàn Kitô sống yêu thương (cf Cv 2,42-48; 4,32-35).

- Chúa Giêsu thật sự hiện diện. Nhưng nhiều khi không phải như vậy. Ðối với nhiều người ngày nay, và cả nhiều Kitô hữu nữa, cũng mang tâm trạng như hai môn đệ trên đường làng Emmaus: "Ngài cùng đi với họ, nhưng mắt họ không thể nhìn ra Ngài" (Lc 24,15-16). Thánh Augustinô đã viết: "Chúa đi trên đường như một người bạn đồng hành, đúng ra, chính Ngài hướng dẫn họ. Vì thế, họ thấy Ngài, nhưng không có thể nhận ra Ngài. Chúng ta hiểu là mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Ngài. Không phải họ bị ngăn cản nhìn thấy Ngài nhưng bị cản trở không nhận ra Ngài" (Saint' Agostino, Discorso 235: PL 38,1118).

"Ta ở giữa họ"

Thánh Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu đã hứa: "Nơi nào có hai ba người họp nhau nhân danh Ta, Ta ở giữa họ" (Mt 18,20).

Ở đây, chúng ta đừng nghĩ tới các buổi lễ phụng vụ mà thôi, nhưng tới mỗi hoàn cảnh trong đó có hai hoặc nhiều Kitô hữu họp nhau trong Chúa Thánh Thần, trong tình bác ái của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng đừng nghĩ rằng Ngài chỉ hiện diện khắp nơi trong hoàn vũ mà thôi.

Một nhà chú giải Kinh Thánh thời nay viết rằng: "Thánh Matthêu nghĩ tới một sự hiện diện, chúng ta có thể nói đó là "hiện thân" thật sự của Chúa Giêsu. Ngài hiện diện như một Ðấng chịu đóng đinh và sống lại, có nghĩa là trong sự hiến thân trọn vẹn trên Thập Giá, nơi mà Ngài cùng với tất cả nhân tính, đón nhận hoạt động thần hóa của Chúa Cha, và hiến mình hoàn toàn cho chúng ta để thông ban cho chúng ta thần trí của Ngài là Thánh Thần. Vì thế, sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh không phải là một sự hiện diện tĩnh, hay chỉ có mặt ở đó thôi, nhưng là một sự hiện diện tương giao, một sự hiện diện gõ cửa tâm hồn (...) Ðó là một sự hiện diện tập hợp và liên kết, và vì thế, sự hiện diện ấy chờ đợi sự đáp trả của chúng ta, nghĩa là đức tin. Tóm lại, sự gần gũi Chúa Kitô tập hợp "các con cái Chúa tản mát" để biến họ thành Giáo Hội" (Gérard Rossé, "Gesù in mezzo" in Prospettiva ecclesiale, in: Gen's 30 (2000), pp.3-4).

Từ Giao Ước được ký kết tại núi Sinai với Israel, Giavê tỏ ra là Ðấng can thiệp thực sự trong lịch sử. Ngài đã giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, đã làm cho họ thành Dân của Ngài. "Ta ở giữa các người", đó là câu nói làm nổi bật Giao Ước thứ nhất: một sự hiện diện bảo vệ, hướng dẫn, an ủi và trừng phạt...

Với Tân Ước, sự hiện diện ấy có chiều kích hoàn toàn đặc biệt và mới mẻ. Thật vậy, qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, lời hứa về sự hiện diện vĩnh viễn của Thiên Chúa, lời hứa Giao Ước chung kết được hoàn thành.

Trong cộng đồng Kitô hữu, Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là "Ðấng cứu thoát Thân Thể của Ngài" là Hội Thánh (cf Ep 5,23). Hiện diện giữa các tín hữu, Ngài triệu tập và nhóm họp không những Israel, nhưng toàn thể nhân loại (cf Mt 28,19-20). Sống với Chúa Giêsu "ở giữa", theo lời hứa của Mt 18,20, có nghĩa là thực hiện ngay từ bây giờ ý định của Thiên Chúa đối với toàn thể lịch sử và nhân loại.

Một câu trả lời: khi chúng ta sống tình huynh đệ

Nhưng làm thế nào để sự hiện diện trường tồn của Ðấng Phục Sinh được hữu hình?

Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, và trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kỳ I, người ta tự hỏi về công cuộc truyền giáo mới tại đại lục này. Một tu sĩ Hungari nhấn mạnh rằng, đối với những người được gọi là "ở nơi xa Giáo Hội", cuốn Kinh Thánh duy nhất họ đọc được đó chính là cuộc sống của các tín hữu Kitô. Và chúng ta có thể nói thêm rằng: chính chúng ta, cuộc sống của chúng ta, là Thánh Thể duy nhất nhờ đó thế giới ngoài Kitô Giáo được nuôi dưỡng.

Do ơn của Bí Tích Rửa Tội và nhất là nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô. Nhưng chính trong tình huynh đệ sống thực mà sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội Thánh được biểu lộ và sinh động trong cuộc sống thường nhật.

Trong âm thầm, khi yêu thương nhau hai hoặc ba tín hữu có thể làm chứng cho chính bản sắc sâu xa nhất của họ: đó là Hội Thánh, trong việc săn sóc những người yếu thế nhất, chữa lỗi cho nhau với tình huynh đệ, kinh nguyện trong hiệp nhất, và tha thứ cho nhau không giới hạn. Thánh Phaolô nói: "Anh em hãy tiến bước trong tình bác ái, làm sao để cả Chúa Kitô cũng yêu mến anh em và đã hiến mình vì anh em, tự hiến cho Thiên Chúa trong hy lễ hương thơm ngọt ngào" (Ep 5,2).

Chúng ta tìm lại được hướng đi đó trong điều gọi là "mệnh lệnh truyền giáo của Phúc Âm Thứ Tư": "Do dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con yêu thương nhau" (Ga 13,35). Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó người ta thấy có Chúa Kitô. Và mức độ tình yêu thương nhau là: "Không ai có một tình yêu lớn hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15,12-13). Vì thế, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kỳ II có lý mà quả quyết rằng: "Nếu Thánh Thể là sự hiện diện lớn lao nhất của Chúa Phục Sinh, thì tình yêu thương nhau được sống một cách quyết liệt theo tinh thần Phúc Âm, chính là sự hiện diện tỏ tường nhất, đặt chất vấn nhiều nhất và thúc dục người ta tin tưởng" (s.45). "Ðâu có tình yêu thương, ở đấy có Ðức Chúa Trời", như bài ca cổ kính chúng ta vẫn hát.

Ðâu đâu cũng toàn tế bào sống động

Tại nước tôi, trước cuộc đổi mới, trong mỗi giáo phận Lạng Sơn và Bắc Ninh ở Bắc Việt, chỉ còn lại hai linh mục. Ðức Hồng Y Trịnh Như Khuê kể lại rằng: "Có những nhóm nhỏ, hai người hoặc đông hơn, sống Tin Mừng trong cuộc sống thường nhật và họ giúp đỡ nhau bằng mọi cách. Và khi sự trợ giúp lẫn nhau như thế, họ cảm thấy sự hiện diện của Ðấng đã nói: "Các con đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).

Và nhờ những nhóm nhỏ mà qua đó họ cảm nghiệm và làm chứng trong cuộc sống thường nhật về sự hiện diện của Chúa Kitô mà Giáo Hội tại đất nước tôi sống còn. Thực vậy, ở mọi nơi, người ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Cả khi hai người tin Chúa gặp nhau ở chợ hoặc làm việc cạnh nhau trong một trại cải tạo. Dù không cần nói với nhau, không cần một bối cảnh đặc biệt nhưng chỉ cần hiệp nhất với nhau "nhân danh Chúa", có nghĩa là trong tình thương của Chúa, người ta cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh soi sáng và an ủi.

Nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng tôi nên chúng tôi tìm được Hy Vọng: đó là một thứ Hy Vọng "không lừa gạt" (cf Rm 5,5). Và cũng nhờ đó, Tin Mừng được chiếu tỏa quanh chúng tôi. Chính khi thiếu thốn tất cả, Chúa Giêsu lại bước đi trên những nẻo đường đất nước chúng tôi. Ngài ra khỏi các nhà tạm và hiện diện trong các trường học và công xưởng, trong các văn phòng và nhà tù.
 
Ðiều gì khiến chúng ta khác những người khác

Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội của Ngài. Và chúng ta tự hỏi: Phải chăng đó không phải là một luồng ánh sáng lớn cho chúng ta là những người sống và làm việc trong Giáo Triều Rôma sao? Phải chăng ở đây, hơn mọi nơi khác, người ta tìm thấy điều giúp cho tâm hồn mình sẵn sàng lắng nghe và yêu mến nhau sao? Không có chứng tá yêu thương lẫn nhau, không có sự hiện diện sống động của Chúa Kitô giữa chúng ta - không phải chỉ trong các nhà thờ và nhà nguyện, nhưng cả trong các văn phòng của chúng ta - thì công việc của chúng ta cũng giống như trong một xí nghiệp.

Có khoảng 3.500 cộng tác viên ở Vatican. Ðiều gì làm cho chúng ta khác với bất kỳ tổ chức chính quyền nào? Phải chăng là các buổi lễ tôn giáo? Hay là bởi sự kiện chúng ta đang làm những công việc của Giáo Hội? Ðiều gì có thể có ảnh hưởng đối với hoạt động của chúng ta trong thế giới? "Do dấu này mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: nếu các con yêu thương nhau!"

Hẳn thật, sự hiện diện sinh động ấy của Chúa Kitô trong tình yêu thương nhau đòi phải có một sự thanh khiết và cao thượng trong các ý hướng.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã cảnh giác: "Vậy thì sao? Có lẽ chẳng có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Chúa hay sao? Có, nhưng mà họa hiếm. Thực vậy, (Chúa Giêsu) không phải chỉ nói về những cuộc hội họp hữu hình (...). Ðiều Ngài nói có ý nghĩa này: nếu ai coi Ta là nguyên nhân chính làm cho họ yêu mến tha nhân, thì Ta sẽ ở với người ấy (...). Trái lại, ngày nay, chúng ta thấy rằng phần lớn con người không có những động lực khác cho tình bạn của họ: người thì yêu vì được yêu; người khác yêu vì được tôn kính; kẻ khác yêu vì người ấy hữu ích cho mình (...). Nhưng thật là khó tìm được người yêu vì Chúa Kitô, như phải yêu tha nhân (...). Ai yêu như thế (...) cho dù bị ghét, lăng mạ, dọa giết, thì họ vẫn tiếp tục yêu (...). Bởi vì Chúa Kitô cũng đã yêu các kẻ thù của Ngài như thế bằng một tình yêu lớn lao hơn" (in Mt. Hom. 61, 2-3: PG 58, 587).

Và cũng Thánh Gioan Kim Khẩu đặt trước chúng ta tấm gương của Thánh Phêrô và Gioan theo trình thuật Tông Ðồng Công Vụ 3,1: "Hãy tìm cách học xem tình yêu của họ, sự hòa hợp và sự đồng tâm của họ lớn lao dường nào: như thể họ thông ban cho nhau mọi sự và làm cho tất cả đều được nối kết bằng mối dây thân hữu theo Thiên Chúa khi họ cùng xuất hiện tại bàn ăn, trong việc cầu nguyện, trong việc đồng hành hoặc trong mọi hành động khác". Và Thánh Nhân kết luận: "Phêrô và Gioan hiệp nhất với nhau như thế và Chúa Giêsu ở giữa họ. Hãy hiểu xem hiệp nhất với nhau quan trọng dường nào" (In Act. Apost. 2, 4: PG 51,83).

Ðiều gì giá trị nhất

Ơn gọi Kitô hữu là sống sự hiệp nhất.

Cộng đồng Kitô hữu hiệp nhất trong tình yêu thương nhau chính là nơi mà Chúa Giêsu trở nên hữu hình cách cụ thể.

Sự mới mẻ của Kitô giáo được biểu lộ nơi có hai hay ba người hiệp nhất được hưởng sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh.

Anh em rất thân mến, chúng ta hãy cầu xin ơn để Năm Thánh này mang lại cho chúng ta một tình yêu mới, một sự hòa hợp và thân hữu mới, một lòng can đảm lớn hơn, để sự hiện diện của Chúa Kitô chiếu tỏa rạng ngời trong chúng ta!

"Nếu chúng ta hiệp nhất, thì Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, Ðiều này đáng kể. Ðiều này có giá trị hơn mọi kho tàng tâm hồn chúng ta có thể có được: hơn cả cha mẹ, anh em, con cái. Giá trị hơn nhà cửa, công việc, tài sản, hơn mọi tác phẩm nghệ thuật của một thành phố lớn như Rôma này. Chúa Giêsu ở giữa thì có giá trị hơn là những đền đài hùng vĩ, những lăng tẩm nguy nga, hơn mọi sự tráng lệ của Vatican: hơn cả chính tâm hồn chúng ta!"

Cách đây nhiều năm, Ðức Thánh Cha Phaolô VI, trong một cuộc nói chuyện với chị Chiara Lubich đã thấy trong điều đó sự phong phú đích thực của Hội Thánh. (Cf Chiara Lubich, Scritti Spirituali/3, Rôma 1979, p.176).

 
Có lẽ không có nơi nào như ở Rôma này, chúng ta có thể ý thức hơn về đặc tính Công giáo của Giáo Hội, về mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh.

Trong lúc này đây, tôi thấy khoảng không gian của nhà nguyện này trải rộng ra và tôi cảm thấy nhịp đập của Giáo Hội tại những nơi khác nhau nhất trên mặt đất. Tôi cảm thấy Giáo Hội sống quanh các Nhà Tạm tại những làng hẻo lánh nhất ở miền Amadon và Phi Châu xích đạo, nơi mà quây quần quanh Chúa Giêsu Thánh Thể, Nhiệm Thể của Ngài đang sống mạnh mẽ. Tôi cảm thấy nhịp đập của Giáo Hội giữa lòng những thành phố lớn ở Hoa Kỳ và Âu Châu: chỉ cần một số ít tín hữu, hiệp nhất trong đức tin và tình yêu thương nhau để làm cho Giáo Hội hiện diện và sống động.

Tôi cảm thấy một tình yêu nồng nhiệt mỗi khi chiêm ngắm Hội Thánh. Tôi muốn chia sẻ với anh em tình yêu này.

Phải chăng chúng ta đang ở đây, giữa lòng Hội Thánh, nơi Thánh Phêrô đã đặt tòa của Ngài, không phải là để yêu mến và phục vụ Hội Thánh nhiều hơn sao?

"Chúng ta là con cái Hội Thánh"

Chúng ta yêu mến Giáo Hội này, chúng ta cảm thấy mình là những phần tử sinh động của Giáo Hội. Tự thâm tâm chúng ta muốn lập lại, như Thánh Têrêxa Avila: "Chúng ta là con cái của Hội Thánh" (Ðúng ra, Thánh nữ nói: "Tôi là ái nữ của Hội Thánh". Ðây là những lời cuối cùng của Thánh nữ trên giường chết).

Chúng ta yêu mến Hội Thánh vì "Hội Thánh là Mẹ rất tinh tuyền đã tháp nhập chúng ta vào gia đình của Mẹ, mở rộng cho chúng ta những cánh cửa Thiên Ðàng đích thực qua các tư tế và các Bí Tích.

Hội Thánh rèn luyện chúng ta thành những chiến sĩ của Chúa Kitô.
Hội Thánh tha thứ cho chúng ta và xóa bỏ bảy mươi bảy lần bảy các tội lỗi của chúng ta.
Hội Thánh nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Chúa Giêsu và đã liên kết tình yêu thương của cha mẹ chúng ta bằng ơn thánh Chúa.
Hội Thánh đã nâng những người nghèo nàn như chúng ta lên phẩm giá rất cao trọng, và đã cho chúng ta được mang chức linh mục.
Sau cùng, Hội Thánh giã biệt chúng ta: phó thác chúng ta cho Thiên Chúa. Hội Thánh ban Thiên Chúa cho chúng ta.

Nếu con tim chúng ta không ca ngợi Hội Thánh, chúng ta chỉ là một chiếc đàn phong cầm im tiếng.

Nếu tâm trí chúng ta không nhìn thấy Hội Thánh và không ngưỡng mộ Hội Thánh, chúng ta trở nên thật mù quáng và u mê. Nếu miệng chúng ta không nói về Hội Thánh, thì tốt hơn là nên im tiếng đi" (C. Lubich, L'attrattiva del tempo moderno, Scritti Spirituali / 1, Rôma 1991/3. p.217).
 
Vẻ đẹp của Giáo Hội sơ khai

Khi bị biệt giam, tôi thường nghĩ tới sách Tông Ðồ Công Vụ, cuốn "Tin Mừng này của Chúa Thánh Thần" đã thúc đẩy tôi hiệp thông sâu xa với toàn thể Hội Thánh.

Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại: Các tín hữu "chăm chỉ lắng nghe lời dạy của các Tông Ðồ, sống huynh đệ với nhau, tham dự Bàn Tiệc của Chúa và cùng nhau cầu nguyện... họ để làm của chung tất cả những gì họ sở hữu..." (Cv 2,42-47).

Dưới ánh sáng của chứng từ ấy, trong Giáo Hội sơ khai, chúng ta có thể phân biệt ba khía cạnh của tình hiệp thông Giáo Hội:

1. Sự trung thành gắn bó với các Tông Ðồ và với giáo huấn của các Ngài;

2. Tham dự vào sự hiệp thông (koinonia) của Ba Ngôi Thiên Chúa;

3. Tình hiệp thông huynh đệ từ đó mà ra.

Chúng ta lần lượt bàn sơ về mỗi khía cạnh vừa nói.
 
1. Giáo Hội là hiệp thông vì gắn bó với các Tông Ðồ và giáo huấn của các Ngài.

Với tư cách là những nhân chứng về việc Nhập Thể, về cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu, các Tông Ðồ là những người trung gian không thể thiếu được giữa Chúa Kitô và các tín hữu. Chắc chắn mỗi người cũng có thể quan hệ trực tiếp với Chúa Kitô, nhưng điều đó lại đòi buộc phải biết Chúa Giêsu trước. Thực tế, sự hiểu biết này đã được giao qua trung gian chứng từ của các Tông Ðồ và của những người tiếp tục công trình của các vị.

Vì vậy, nếu không hoàn toàn gắn bó với các Tông Ðồ, thì không thể hiệp thông với Chúa Kitô, ít là theo nghĩa trọn vẹn. Do đó, Tông Ðồ Công Vụ nói về sự chăm chỉ nghe giáo huấn của các Tông Ðồ. Các Ngài nhấn mạnh nhiều về việc rao giảng Lời Chúa. Việc rao giảng này, từ thời Giáo Hội sơ khai, tiến hành theo 3 loại giáo huấn hoặc giảng thuyết vẫn còn đến ngày nay: Kerygma hay là rao giảng Tin Mừng, catechesi hay là huấn giáo theo đúng nghĩa, và sau cùng là bài giảng (omelia), gắn liền với việc cử hành phụng vụ và nhất là Thánh Lễ.

Nói tắt một lời: nếu không có "sự vâng phục trong đức tin", không có Chúa Thánh Thần, Ðấng "đánh động tâm hồn và qui hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho mọi người sự dịu ngọt chấp nhận và tin vào chân lý" (DV 5), thì không có tình hiệp thông Giáo Hội theo nghĩa Giáo Hội là "duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền" như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Chúng tôi đã cảm nghiệm điều đó nhiều lần tại đất nước tôi. Sự hiệp nhất với giáo huấn của Giáo Hội làm cho chúng tôi được cứu thoát.
 
2. Giáo Hội là hiệp thông vì tham dự vào Cuộc Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sở dĩ các tín hữu Kitô hiệp nhất với nhau, không chỉ vì họ có cùng một tư tưởng, tư tưởng của Chúa Giêsu và của các Tông Ðồ, và cũng không phải chỉ vì họ "tâm đầu ý hiệp" (cf Cv 4,32), nhưng nhất là vì họ tham dự vào sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (cf Ga 17,21-24), vì hiệp nhất với Chúa Kitô (cf 1Cr 10,16, ám chỉ rõ về Thánh Thể), vì thông phần vào những đau khổ của Chúa Kitô (cf 1, Pr 4,13) và vì họ được liên kết trong Thánh Thần (cf 2,Cr 13,13).

Công Ðồng chung Vatican II giúp chúng ta ý thức hơn về Giáo Hội như một mầu nhiệm hiệp thông. Như bản Tường Trình chung kết của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt năm 1985 đã nhấn mạnh rằng thực tại hiệp thông quả thực là ý tưởng nòng cốt và cơ bản của Giáo Hội học theo Công Ðồng chung Vatican II. Ðể nói về Giáo Hội hiệp thông, giáo huấn của Công Ðồng đi thẳng tới nguồn mạch: Giáo Hội là hiệp thông và là hiệp nhất vì - như thánh Ciprianô đã nói - "dân được tập hợp nhờ sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (cf LG 4). Giáo Hội là Giáo Hội Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate), là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: là hình ảnh và là sự tham dự. Và tất cả nơi Giáo Hội đều phản ảnh Chúa Ba Ngôi cũng như tìm được mẫu mực của mình nơi sự hiệp thông của Ba Ngôi.

Ðây chính là chìa khóa để giải thích và sống đích thực tất cả những quan hệ Giáo Hội. Chúng ta biết rằng Ba Ngôi Thiên Chúa sống trong sự hiến thân cho nhau một cách ttrọn vẹn nhất: Ngôi này với Ngôi kia, Ngôi này vì Ngôi kia, và Ngôi này trong Ngôi kia. Khi sống điều răn mới của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống theo kiểu mẫu tột đỉnh của mình.

Nhưng bản chất của Giáo Hội hiệp thông đưa chúng ta đến chỗ sống trong quan hệ "Ba Ngôi" cả trên bình diện xã hội nữa: không phải chỉ yêu thương nhau giữa những cá nhân mà thôi, nhưng còn giữa các giám mục, linh mục, tu sĩ, giữa các dòng tu, các nhóm và các phong trào nữa... Yêu thương cho đến độ yêu giáo phận của người khác như giáo phận của mình, yêu Thánh Bộ của mình như Thánh Bộ của người khác, yêu đoàn sủng của người khác như đoàn sủng của mình... Yêu thương đến độ quy tụ toàn thể nhân loại vào tình yêu thương nhau, đến độ yêu Tổ quốc của người khác như của chính mình, trọng văn hóa của tha nhân như của chính mình...; đến độ thực hiện được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Lạy Cha... ước gì tất cả chúng nên một như Con và Cha là một".

Rất tiếc là nhiều khi không có sự hiệp thông trọn vẹn như thế. Và điều ấy, theo một ý nghĩa nào đó, còn tệ hại hơn cả cuộc bách hại của Ðức quốc xã hoặc của Cộng sản, xét vì sự thiếu hiệp thông như thế là một cuộc tấn công Giáo Hội, không phải từ bên ngoài, nhưng từ bên trong. Nơi nào thiếu tình hiệp thông, thì các tế bào ung thư lan rộng giữa lòng Giáo Hội. Chỉ cần nghĩ đến một giáo phận trong đó không có sự hiệp thông giữa các linh mục, đức giám mục phải mất nhiều thời giờ hơn để giải quyết những vấn đề nội bộ thay vì dành thời giờ ấy cho những dự án truyền giáo hoặc để đối phó với những khó khăn đến từ bên ngoài.
 
3. Giáo Hội là hiệp thông huynh đệ các của cải thiêng liêng và vật chất.

Theo chứng từ của sách Tông Ðồ Công Vụ, sự hiệp thông của các Kitô hữu - như tôi đã nói trong bài suy niệm về phép Thánh Thể - phải đi tới việc sẵn sàng chia sẻ cả những của cải vật chất ở mức độ nào đó. Và điều ấy không phải chỉ trong nội bộ của một cộng đoàn mà thôi, nhưng còn giữa các Giáo Hội với nhau nữa. Sách Tông Ðồ Công Vụ nói tới nhiều cộng đoàn: cộng đoàn Giêrusalem, ở Giuđêa; các cộng đoàn ở Galilêa, Samaria (Cv 9,31), Ðamas (9,2-8.19-25), Antiôkia (11,19-21)... Ngay từ đầu, tình hiệp thông giữa các Giáo Hội có hình thức những cuộc "lạc quyên" để giúp đỡ các cộng đoàn nghèo nhất, như cộng đoàn Giêrusalem (11,29-30; 2Cr 8,1-9,15). Và tình hiệp thông ấy cũng được biểu lộ dưới hình thức hiếu khách, đón tiếp (Cv 10,6 và 48). Trong những biểu lộ cụ thể ấy, Thánh Luca nhìn thấy ý muốn chia sẻ được soi dẫn bởi những liên hệ tinh thần sâu xa nhằm nối kết các phần tử của cộng đoàn sơ khai.

Tôi muốn gợi lại đây một kinh nghiệm tôi đã trải qua cách đây nhiều năm. Năm 1954, Ðức Ông Hans Daneels ở thành phố Cologne được Hội Ðồng Giám Mục Ðức gởi qua giúp những người di cư Việt Nam. Năm 1957, khi đến gặp ngài tại Cologne, tôi thấy vẫn còn những đổ nát vì chiến tranh tại thành phố đó. Tôi hỏi ngài: "Tại sao anh em giúp chúng tôi, trong khi đất nước của anh em vẫn còn ở trong giai đoạn tái thiết như thế?" Ðức ông ấy đáp: "Ðó là sự giúp đỡ của người nghèo dành cho người nghèo hơn". Tôi hiểu được thế nào là tình hiệp thông đích thực.
 
Hiệp thông và truyền giáo

Giáo Hội của Chúa Ba Ngôi, xét về nội bộ, chính là một mầu nhiệm hiệp thông được cụ thể hóa trong không gian và thời gian. Nhưng chính nhờ đó, Giáo Hội ấy trở thành dự án của Thiên Chúa đối với toàn thể mọi loài thụ tạo (cf Lg 1). "Hiệp thông phát sinh ra hiệp thông và mang hình thức cốt yếu là truyền giáo", như Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân đã nói. Và Tông Huấn giải thích rằng: "Hiệp thông và truyền giáo có liên hệ sâu xa với nhau, thấm nhập vào nhau đến độ hiệp thông là nguồn mạch và đồng thời cũng là hoa quả của truyền giáo, hiệp thông là truyền giáo và truyền giáo là vì hiệp thông" (số 32).

Từ đó phát sinh những hệ luận cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với hàng giáo sĩ Rôma: "Chúng ta phải liên kết mật thiết với Thiên Chúa để thi hành sứ mạng hiệp thông của Ngài, sứ mạng của Thiên Chúa, của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải hiệp thông với nhau ngày càng sâu đậm, đoàn kết với nhau vì đây chính là hậu quả việc Chúa tạo dựng ta nên giống hình ảnh Ngài và cũng là hậu quả ơn gọi Kitô của chúng ta. Ðó cũng là một điều thúc bách chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng, truyền giáo và mục vụ" (Insegnamenti di Giovanni Paolô II, XIII, 1, Libreria Editrice Vaticana 1992, p.566).
 
Phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào mình, nhìn vào Giáo Hội vừa là hiệp thông và truyền giáo.

Là con cái Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những người phục vụ Hội Thánh. Chúng ta sống bởi Giáo Hội và sống vì Giáo Hội, sẵn sàng hiến mạng sống vì Giáo Hội, như Thánh Phaolô thành Tarsô, Inhaxiô thành Antiôkia, Augustinô thành Hippôna, và tất cả các Giáo Phụ. Là con cái Hội Thánh, chúng ta được mời gọi, giống như các Giáo Phụ, trở thành tông đồ, tử đạo, hiển tu và tiến sĩ theo thể thức nào? Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu nói: "Trong tâm hồn của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu" (Thủ Bản tự thuật B, 1v), bởi vì - Thánh nữ nói - Chúa Giêsu "chẳng cần gì những công việc của chúng ta, nhưng chỉ cần tình yêu của chúng ta" (ibid, 3v).

Trong Giáo Hội hiệp thông ấy, cách thức đặc biệt trở thành tình yêu đó được diễn tả trong sứ vụ của Giáo Triều Rôma. Ðây là một công tác phục vụ thực sự, theo gương chính Chúa Kitô, là Ðấng "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc nhiều người" (Mc 10,45). Vì thế, Tông Hiến Pastor Bonus giải thích, "cần hiểu và thi hành quyền bính trong Giáo Hội theo tinh thần phục vụ", để "tình hiệp thông ngày càng thể hiện được sức mạnh và tiếp tục sản xuất những hoa trái tốt đẹp" (số 1).

Một môi trường rất cụ thể trong đó chúng ta có thể thực hiện thừa tác vụ hiệp thông đặc biệt chắc chắn là sự tiếp đón các giám mục về Rôma viếng mộ các Thánh Tông Ðồ. Như Tông Hiến Pastor Bonus đã quả quyết các cuộc viếng mộ các Thánh Tông Ðồ phải là "một thời điểm đặc biệt diễn tả tình hiệp thông thuộc về bản chất của Giáo Hội" (số 5).

Ở đây chúng ta cũng nên dừng lại và ghi nhận rằng việc phục vụ của chúng ta trước hết đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông với nhau. Cả chúng ta nữa, với tư cách là cá nhân, cũng như trong tư cách là các cha sở, các bộ, chúng ta phải noi gương hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Toàn thể Giáo Hội, và nhất là chúng ta phải sống với nhau, cho nhau và trong nhau. Như thế, các giám mục từ các đại lục khác, khi về đây, sẽ thấy được một "cộng đoàn", "một Nhà Tiệc Ly vĩnh cửu".

Con ngươi trong mắt

Trong cuốn "Hồng ân và Mầu nhiệm", Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kể lại, khi còn là một linh mục trẻ, Ngài được khuyên nên đến kinh thành Rôma không những để học hành, "nhưng còn để học về chính thành Rôma" nữa (Dono e mistero. Nel 50. del mio sacerdozio, Libreria Editrice Vaticana 1996, p.60). Ở tâm điểm của thành Rôma này có Giáo Triều Rôma.

Trong những năm gần đây, tôi đã tiếp tại Hội Ðồng của tôi không những các nhà ngoại giao, nhưng cả các nhóm linh mục, chủng sinh, giáo dân, người lớn và người trẻ, từ xa tới và muốn biết về công việc của Giáo Triều. Nhưng tôi lại không có dịp gặp các sinh viên giáo sĩ đang được thụ huấn tại giáo đô. Họ là "con ngươi trong mắt" của Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị các Tông Ðồ. Thông thường họ chỉ biết Giáo Triều qua báo chí. Vậy làm sao họ có thể yêu mến và cộng tác với Giáo Triều Rôma trong tương lai, nếu ngay bây giờ họ không hay biết gì về Giáo Triều ấy?

Về việc đào tạo các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân tại trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ, tôi thiết nghĩ có một điều rất quan trọng và thiết yếu là cần tìm ra cách thức để mọi người có cơ hội tiếp xúc sâu xa với Giáo Triều Rôma ít là một lần trong thời gian họ ở Rôma. Họ cũng có thể đậu bằng cấp ở nơi khác, nhưng không có "kinh nghiệm Rôma".

Làm thế nào một con cá nhỏ có thể mang lại hy vọng?

Tôi muốn kết luận bài suy niệm sáng nay với câu chuyện về một kinh nghiệm rất đơn sơ cũng trong thời gian tôi bị cầm tù.

Thật khó tưởng tượng nổi sự kiện: trong những năm bị thử thách cam go (từ sau năm 1958 trở đi), các tín hữu chúng tôi lo âu dường nào, vẫn tìm mọi cách nghe lén Ðài Vatican để cảm nghe nhịp đập trái tim của Giáo Hội hoàn vũ và liên kết với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Họ làm như thế, bất chấp nguy cơ có thể bị phạt hoặc bị tù, vì như thế là nghe "sự tuyên truyền của ngoại quốc, phản động".

Về sau, chính tôi cũng cảm thấy cùng một kinh nghiệm như vậy. Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia, một nữ công an mang lại cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn. Vừa khi tôi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra bên ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng là vì tờ giấy báo bọc con cá: đó là hai trang báo "Quan Sát Viên Rôma". Trong những năm ấy, báo này mỗi khi được gửi tới bưu điện Hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi cân bán ở quầy mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh, không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một thánh tích.

Ðối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Rôma, với Thánh Phêrô, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Rôma. Giả sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống sót nổi.

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới đang tìm cách loại bỏ những giá trị của văn minh sự sống, tình thương, và sự thật. Hy Vọng của chúng ta chính là Giáo Hội vốn là Hình Ảnh Chúa Ba Ngôi.

 
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với một nhóm giám mục đông đảo hồi năm 1995, trong đó tôi cũng có mặt: "Chúa Giêsu không kêu gọi các môn đệ theo Ngài một cách riêng rẽ, nhưng theo thể thức vừa cá nhân vừa cộng đồng. Nếu điều đó đúng với tất cả các tín hữu, thì càng đặc biệt đúng (...) với các Tông Ðồ và những người kế nhiệm các vị" (Insegnamenti di Gioavanni Paolo II, XVIII/1 (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).

Tôi xác tín rằng Ngàn Năm mới này đang đòi hỏi một cuộc sống cộng đồng, cuộc sống thực sự có tính chất Hội Thánh, và điều này có liên hệ đặc biệt tới những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.
 
Ðời tu vào thời sơ khai

Tôi muốn mời gọi anh em trở lại Ngàn Năm Thứ 1 trong giây lát.

"Hãy trốn tránh con người và con sẽ được cứu thoát", đó là lời của ẩn sĩ Apadêniô hồi thế kỷ thứ V trong sa mạc Ai Cập. Ngài nói tiếp: "Tôi không thể đồng thời ở với Chúa và với loài người" (PG 31, 931.934). Ðứng trước một thế giới phù vân và xa hoa, sự rút lui vào nơi cô tịch để sống với Chúa có lẽ là con đường duy nhất để theo Chúa Giêsu trọn vẹn. Ðó là xác tín đã ghi đậm nét trong lịch sử dài của đời sống Kitô hữu. Sách Gương Chúa Giêsu quả quyết: "Các vị đại Thánh hết sức tránh sống chung với con người, và họ ưa thích phụng sự Chúa trong cô tịch. Một hiền triết đã nói: "Mỗi lần bạn ra đi gặp gỡ con người, khi trở về, con người bạn bị giảm sút (...). Ai thực sự xa tránh bạn hữu và những người quen biết, thì Thiên Chúa cùng với các Thiên Thần của Ngài sẽ đến gần người ấy" (Lib. I,c.20,1-6).

Quả thực, không gì có thể sánh bằng những lúc tâm hồn bỏ qua mọi sự, nói chuyện thân tình diện đối diện với Chúa.

Nhưng chính các đan sĩ xưa kia cũng đã nhận thấy rằng Kitô giáo không thể sống trọn vẹn nếu không đồng hành với nhau. Ví dụ Thánh Basiliô Cả đã viết: "Ðấng Sáng Tạo chúng ta đã muốn chúng ta gần nhau để sống hiệp nhất với nhau (...). Thực vậy, nếu bạn sống một mình, thì bạn có thể rửa chân cho ai? Bạn có thể săn sóc cho ai? Làm sao bạn có thể ngồi ở chỗ cuối cùng được? (...). Vì vậy, đời sống chung là một thao trường để chúng ta tập luyện như những vận động viên, là một nơi tập dợt làm cho chúng ta tiến bộ, là một cuộc thực tập liên tục về sự trọn lành trong các giới răn của Chúa" (Regola fusius fractatae, Interrogazione 7,3,1-2: PG 31,928-929).

Từ xác tín trên đây, các viện tu đã được lập nên để cùng nhau sống Tin Mừng và liên tục hưởng kiến sự hiện diện của Chúa Kitô.

Một Lễ Hiện Xuống mới

Ngày nay, theo thiển ý của tôi, chúng ta sống một sự tiến hóa tương tự và tuyệt diệu. Chúng ta biết trong những thế kỷ qua, do ảnh hưởng của sự quan tâm đối với cá nhân, theo trào lưu thời đại, người ta nhấn mạnh nhiều tới chiều kích cá nhân của đời sống Kitô hữu. Nhưng từ vài thập niên gần đây, trong cộng đồng Dân Chúa nổi bật chiều kích cộng đồng mạnh mẽ. Ðó chính là Giáo Hội "bừng tỉnh trong các tâm hồn", như Rômano Guardini đã nói. Do hơi thở của Chúa Thánh Thần, một con đường mới đang mở ra trước mắt chúng ta mà cốt yếu ở tại koinonia: sự hiệp thông!

Cách đây nhiều năm, thần học gia Karl Rahner viết: "Người già chúng ta là những người cá nhân chủ nghĩa một cách thiêng liêng xét về nguồn gốc và cách thức được giáo dục của chúng ta". Và nhà thần học nhấn mạnh rằng trong tương lai, nền linh đạo sống chung sẽ nắm giữ một vai trò quyết định. Kinh nghiệm về lễ Hiện Xuống đầu tiên chứng tỏ điều đó: "Ta có thể giả thiết rằng đó là một biến cố không tùy thuộc vào cuộc hội họp tình cờ của một số nhà thần bí theo Cá nhân chủ nghĩa, nhưng ở chỗ chính kinh nghiệm thật sự của cộng đoàn về Chúa Thánh Thần" (K. Rahner, Elementi di spiritualità nella chiesa del futuro, in T. Goffo - B. Secondin (a cura di), Problemi e prostettive di spiritualità, Brescia 1983, pp.440-441).

Thật cần thiết phải vui mừng trở lại với lối sống Kitô hữu có nhiều đặc sủng nhất: Lễ Hiện Xuống. Một cách dịu dàng nhưng đầy quyết liệt, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta sống tinh thần hiệp thông không những như một hồng ân, nhưng còn như một lời đáp trả và gắn bó của chúng ta; không những như một sự tham gia thiêng liêng vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng ngay chính trong đời sống cụ thể với nhau nhờ đó thực hiện được một Lễ Hiện Xuống mới của Giáo Hội, như các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn đề cao.

Hiệp nhất - một dấu hiệu của thời đại

Chúng ta hãy nhìn chung quanh, để thấu hiểu hơn chiều kích này của đời sống hiệp thông thực sự.

Thế giới muốn tiến về hiệp nhất. Ðiều này được nhận ra qua nhiều dấu chỉ. Các tổ chức quốc tế phát sinh sau Thế Chiến thứ II như một toan tính tập hợp thế giới. Khoa học và kỹ thuật, các trao đổi văn hóa và mậu dịch, sự du hành dễ dàng, những biến cố thể thao, các phương tiện truyền thông xã hội, cho đến sự lan tràn mau lẹ của Internet... tất cả yếu tố này giúp các dân tộc xích lại gần nhau và gia tăng các cuộc gặp gỡ giữa cá nhân và các nền văn hóa. Thực vậy, thế giới ngày nay, trong các cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội của nó, dường như lệ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết và có hệ thống.

Ðáng tiếc là bao nhiêu lần, sự hướng về hiệp nhất như thế - ngày nay nó được mặc dưới lớp áo toàn cầu - lại do những tính toán lợi lộc khổng lồ hướng dẫn. Và trong khi một đàng người ta đề ra những dự án chung rất đẹp đẽ, thì đàng khác, hàng triệu hàng tỷ người lại bị gạt ra ngoài lề.

Vì thế, chính con người và ngay cả các Giáo Hội ngày nay đều yêu cầu một cách mạnh mẽ như một tiếng kêu gào đòi hỏi một cách thế toàn cầu hóa khác, không do lợi lộc hướng dẫn, nhưng do luật yêu thương. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã đặt trong tâm hồn của con người ngày nay khát vọng hiệp nhất như thế, và cũng chính Ngài thúc đẩy Giáo Hội sống tình hiệp thông, để có thể đáp ứng khát vọng đó của nhân loại.

Như tôi đã trưng dẫn trên đây, Ðức Giáo Hoàng nói với các giám mục: "Thời đại chúng ta đang đòi hỏi một công cuộc truyền giáo mới". Và Ngài giải thích rằng: Chỉ có thể rao giảng Tin Mừng một cách mới mẻ, chặt chẽ và hữu hiệu, nếu có kèm theo một linh đạo vững chắc về hiệp thông..." (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVIII/i, (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).

Làm sao sống hiệp thông trong thời đại ngày nay?

Chúng ta hãy tìm hiểu xem sự mới mẻ của "một linh đạo hiệp thông vững chắc" hệ tại ở điều gì?

Tôi nghĩ nó hệ tại ở việc ý thức rằng hiệp thông huynh đệ, khi dựa trên Tin Mừng, chính là nơi đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Ðó là một trong những đề tài căn bản của các bút ký Thánh Gioan: "Chưa hề có ai thấy Thiên Chúa; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài hoàn hảo trong chúng ta" (1Ga 4,12).

Tôi xác tín rằng trong thời đại chúng ta, Chúa Thánh Thần đã gieo vãi những đoàn sủng thiêng liêng mới có tính chất cộng đoàn, thích hợp để thực hiện một cuộc canh tân đời sống Kitô hữu theo chiều hướng đó.

Cách đây vài năm, tôi đọc được một đoạn văn đã gây ấn tượng thật mạnh trong tôi. Ðoạn văn ấy diễn tả cái nhìn mới được gợi hứng theo sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi:

"Thiên Chúa ở trong tôi, Ngài dựng nên tâm hồn tôi. (Cùng với các Thánh và các Thiên Thần) Chúa Ba Ngôi an nghỉ trong tôi. Chúa cũng ở trong tâm hồn những người anh em khác. Do đó, không có lý do gì để tôi chỉ yêu mến Chúa trong tôi mà không mến Chúa nơi người khác.

"Vì thế, căn phòng của tôi (như các linh hồn sống thân mật với Chúa) là chúng tôi: Thiên Ðàng của tôi ở trong tôi vậy (...)

Cần phải luôn luôn hồi niệm, cả khi ở trước mặt người anh em, nhưng không trốn chạy thụ tạo - trái lại, đón nhận thụ tạo trong Thiên Ðàng của mình hoặc hồi niệm bản thân trong Thiên Ðàng của người anh em" (J.M Povilus, "Chúa Giêsu ở giữa" trong tư tưởng của Chiara Lubich, Rôma 1981, p.73).

Ðó chính là sự mới mẻ: người anh em không còn là chướng ngại cản trở sự nên thánh, nhưng là con đường nên thánh. Thay vì trốn chạy để sống thân mật với Chúa, cần làm sao để cùng với người anh em kiến tạo một "khoảng không gian thần linh trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Phục Sinh" (GIoavanni Paolo II, Tông Huấn Vita consecrata, n.42).

Những chiều kích cụ thể

Qua ba ví dụ sau đây, chúng ta tìm cách trình bày việc ý thức như thế bao hàm những gì đối với cuộc sống của chúng ta.

1. Khổ chế hằng ngày

Thân phụ tôi là người xây cất nên tôi đã học được điều này là để xây một căn nhà bằng bê tông cốt sắt, cần phải chùi sạch tất cả các yếu tố: sắt, cát, sỏi, xi măng. Sự vững chắc của căn nhà tùy thuộc công trình chùi sạch, loại bỏ mọi yếu tố ô nhiễm.

Sự hiệp thông giữa chúng ta cũng theo cách thức đó. Biết chống lại cái tôi của mình và khổ chế là điều không thể thiếu được. Có nhiều cách thực hành để đạt tới mục đích đó, ví dụ ăn chay và nhiều cách khác. Nhưng cách hợp với tinh thần Tin Mừng hơn cả và đồng thời vừa tầm tay hơn hết, có thể thi hành trong mọi lúc, đó là tương quan với tha nhân: đón nhận người khác, luôn sẵn sàng, biết lắng nghe, kiên nhẫn, trở nên mọi sự cho mọi người, đặt quyền lợi của tha nhân lên trên tư lợi của mình, đó là một sự liên tục từ bỏ cái tôi và đặt chúng ta trong Chúa.

Tôi đã viết khi còn ở tù:
"Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút.
Tình thương đưa đến sự thông hiệp với nhau.
Trong hiệp thông con người cùng nhịp bước với anh em.
Vì hiệp thông không phải hạnh phúc thụ động.
Hiệp thông mở cửa tình huynh đệ cho mọi người.
Tự bản chất nó, tình thương tỏa lan ra.
Tình thương hay lan sang người khác, đưa mọi người đến hiệp thông.
Con phải tạc dạ rằng: Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút.
Sơ hở trong chốc lát có thể làm tan vỡ hiệp thông:
Vì một tư tưởng thiếu bác ái, bảo thủ ý kiến,
Vì con bám víu vào một tình cảm, một khuynh hướng bất chính, tham vọng, một vụ lợi.
Vì con hành động vì con, không phải vì Chúa.
Xin Chúa cho con năng xét mình:
"Ai là trung tâm của đời tôi?"
"Tôi hay Chúa?"
Nếu Chúa là trung tâm,
Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.
Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,
Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm".
(Preghiere di speranza. Tredici anni in carcera, Cinisello Balsamô 1997, pp.44-45).
 
2. Một kinh nguyện cốt yếu

Tất cả các bậc thầy tu đức đều dạy cách cầu nguyện: cần phải chuẩn bị, cần phải hồi niệm, cần biết đi vào chiều sâu. Dầu vậy, nhiều khi kinh nguyện của chúng ta khô khan. Và các buổi cử hành của chúng ta có nguy cơ trở thành một tập quán thánh thiện không hơn không kém. Có một câu nói của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường tuyệt hảo: "Nếu người dâng của lễ trên bàn thờ và tại đó người chợt nhớ người anh em có điều gì bất hòa với ngươi... hãy đi làm hòa với anh em ngươi trước đã" (Mt 5,23-24).

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm rằng, sau một cuộc gặp gỡ sâu xa với tha nhân, sau khi đã tái lập sự cảm thông hoàn toàn và thân thiện với những người chúng ta sống hoặc làm việc với họ, thì kinh nguyện xuất phát tự nhiên từ tâm hồn và việc cử hành Thánh Lễ có một cường độ đặc biệt.

Nếu không có sự hiệp thông giữa chúng ta, thì kinh nguyện cũng không làm đẹp lòng Chúa. Thực vậy, làm sao Ngài, vốn là hiệp nhất, lại có thể ở trong linh hồn chúng ta, nếu chúng ta chia rẽ?

3. Không phải chỉ im lặng, nhưng cả lời nói và chia sẻ nữa

Nhưng còn có một biểu hiện khác rất quan trọng của đời sống thiêng liêng trong sự hiệp thông, đó là lời nói. Khi được huấn luyện, chúng ta đã học về giá trị của thinh lặng để nghe rõ Tiếng Chúa trong tâm hồn. Giờ đây, chúng ta phải học cách quí chuộng lời nói như một phương tiện hiệp thông: trao ban cho người khác một cách đơn sơ kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Thật lạ lùng khi thấy nhiều lần trong chính môi trường Giáo Hội, chúng ta cũng nói rất ít về kinh nghiệm bản thân của chúng ta về Thiên Chúa.

Theo Thánh Inhaxiô Lôyôla, thiếu hiệp thông như thế là một khí giới của ma quỉ. Ma quỉ "khi thấy đầy tớ Chúa tốt lành và khiêm nhường đến độ người ấy, tuy tuân hành thánh Ý Chúa, nhưng vẫn nghĩ mình thật là vô dụng [...], nên hắn xúi người ấy nghĩ rằng, nếu mình nói về ơn thánh được Chúa ban cho mình, nói về những công việc, dự tính và mong ước, thì sẽ phạm tội háo danh, vì đó là nói về vinh dự của mình. Vì vậy ma quỉ làm sao để người ấy không nói về những ơn lành đã được Chúa ban, và thế là ngăn cản không cho những ơn lành ấy sinh ích nơi người khác và nơi bản thân người ấy, bởi lẽ việc nhớ lại những ơn lành đã lãnh nhận luôn giúp thực hiện những việc cao cả hơn nữa". (Lettera del 18.6.1537, in: Gli scritti di Ignazio di Loyola. Epistolario, Torino 1977, pp.725-726).

Thánh Lôrensô Giustiniani viết rằng: "Không gì trên thế giới có thể chúc tụng Thiên Chúa và cho thấy Ngài đáng ngợi khen cho bằng sự khiêm tốn trao đổi trong tình huynh đệ những hồng ân thiêng liêng: vì chính các hồng ân ấy củng cố đức bác ái, vì nhân đức này không thể tươi nở trong cô quạnh. (...) Và (...) Chúa truyền phải luôn luôn thi hành nhân đức ấy, bằng lời nói và việc làm, đối với các anh em chúng ta. Vì thế, nếu không muốn vi phạm luật Chúa và bị xét xử như những linh hồn coi rẻ, không quan tâm đến phần rỗi của người anh em, thì những ai đã nhận được ơn thiêng từ trời, phải hết sức cố gắng truyền thông cho người khác những hồng ân Chúa đã ban cho mình, nhất là những ơn có thể giúp đỡ họ trong đời sống trọn lành" (Disciplina e perfezione della vita monastica, Rôma 1967, p.4).
 
Xây dựng Hội Thánh

Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh.
Chúa Giêsu đã chẳng tạo nên dân mới của Thiên Chúa, thông ban cho các môn đệ tất cả những Lời của Cha Ngài sao?
Và Mẹ Maria đã chẳng kể lại kinh nghiệm thầm kín nhất của Mẹ khi hát bài ca Magnificat đó sao?

Và Thánh Phaolô đã chẳng xây dựng các cộng đoàn bằng cách kể lại cho họ điều Ngài đã sống đó sao? Ngài nói mọi sự về mình: sự hoán cải, con đường tông đồ, thậm chí cả những kinh nghiệm sâu xa nhất, như được đưa lên tầng trời thứ ba, quan hệ thần bí với Chúa Kitô, nhưng cả những lo âu vây bủa Ngài khi nghĩ đến dân tộc của mình không đón nhận mạc khải của Chúa Kitô, hoặc những yếu đuối của Ngài, những thử thách và cái "dằm" trong thân xác Ngài. Chúng ta có thể nói rằng Thánh nhân đã thông ban cho tha nhân tâm hồn, cuộc sống của Ngài, và qua đó, Ngài xây dựng Hội Thánh.

Tại đất nước tôi, vì các hội đoàn Công giáo bị giới hạn, dân Chúa hoàn toàn tập trung vào việc sống Lời Chúa. Vì không có sách thiêng liêng được ấn hành, họ thông truyền cho nhau những thành quả của việc sống Lời Chúa. Họ chỉ có sách Tin Mừng và sự truyền thông cho nhau những gì họ sống. Và với sự thu hẹp vào những điều nòng cốt như thế, đời sống Kitô được triển nở.

Trái lại, khi một Hội Ðồng Giám Mục bị chia rẽ, ở đâu cũng có chia rẽ, uy tín đối với người dân sẽ không còn. Một số giám mục Ðông Âu đã nói với tôi về điều đó trong thập niên 1970. Các giám mục chỉ sống cạnh nhau, nhưng không có sự hiệp thông vốn liên kết Chúa Giêsu với Chúa Cha.
 
"Lâu đài bên ngoài"

Thánh nữ Têrêxa Avila, tiến sĩ Hội Thánh, nói về "lâu đài nội tâm" rạng ngời: đó là thực tại của tâm hồn được Chúa Ba Ngôi chí thánh ngự trị. Ðó là một thực tại cần được khám phá trong chúng ta, giúp soi sáng hoàn toàn cuộc sống và đưa tới sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa và phục vụ tha nhân.

Trong thời đại toàn cầu hóa này, trong thời điểm của Giáo Hội Hiệp thông, phải chăng đã đến lúc cần khám phá, soi sáng và xây dựng, không những "lâu đài nội tâm", nhưng cả "lâu đài bên ngoài" nữa sao? Nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa không những trong chúng ta, nhưng còn ở giữa chúng ta nữa. Ðó là lâu dài của hai hoặc nhiều người hiệp nhất với nhau nhân danh Chúa, một lâu đài không bao giờ có thể phá hủy được, nhưng cần phải liên tục xây dựng và bảo vệ trong mọi tương quan, cho đến khi được hiệp nhất hoàn toàn.

Thánh Augustinô đã viết: "Chúng ta cũng họp nhau thành nhà của Chúa, nhưng chỉ chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu mà thôi" (Discorso 336, 1,1: PL 37, 1736); "Chúng ta là đền thờ của Chúa, một cách tập thể cũng như cá nhân. Ngài muốn ở trong sự kết hiệp của tất cả và từng người". (La Città di Dio, 10,3,2: PL 41,280).

Tôi mơ ước Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba như Căn Nhà bảo tồn sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, như một Thành Thánh từ trên cao xuống; không như một toàn thể các viên đá rải rác, nhưng như một tòa nhà được cấu trúc hài hòa, vững chãi, nhờ tình hiệp thông đích thực. Tôi mơ ước Thành Thánh ấy bảo tồn nơi trung tâm của mình Chiên Con như nguồn ánh sáng cho toàn thể nhân loại.
 
VI. Canh tân niềm Hy Vọng trong chúng ta

Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu mới đây (từ ngày 1 đến ngày 23/10/1999), các giám mục đã nhiều lần nhấn mạnh sự kiện Giáo Hội tại những nước có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, ngày nay đang ở trong vị thế thiểu số. Các vị nói tới sự giảm sút ơn gọi linh mục và tu sĩ, việc sống đạo giảm bớt, tôn giáo bị đóng khung trong lãnh vực riêng tư, khó ảnh hưởng trên phong hóa và các cơ chế, vấn đề thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. Một giám mục tâm sự với tôi rằng trước kia Ngài từng có 145 chủng sinh, nhưng năm ngoái chỉ có một thanh niên vào chủng viện. Một vị khác nói với tôi: "Tôi làm giám mục từ 7 năm nay. Tôi đã truyền chức 7 linh mục và an táng 147 linh mục".

Tại những nơi khác, tạ ơn Chúa, tuy có ơn gọi, nhưng việc nhận vào chủng viện lại bị chính phủ giới hạn và cứ hai năm một lần mỗi địa phận chỉ được nhận 5 chủng sinh. Tại một số nơi, các giám mục phải ở lại chức vụ cho đến 80 tuổi và có khi tới 90 tuổi, vì chính phủ không chấp nhận việc bổ nhiệm người kế vị. Tại các nước khác, vì nhiều khó khăn, nhiều Kitô hữu phải di cư sang Tây Phương, và thế là các lãnh thổ Kitô giáo từ thời các Tông Ðồ nay đang trở thành một "viện bảo tàng thời Kitô". Tại những nơi khác nữa, một linh mục, bị kiệt lực về thể xác và tinh thần, vì phải dong duổi dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới để săn sóc cho 30 cộng đoàn.

Quả thực, ở vị thế thiểu số, đó là một đặc tính của đời sống Giáo Hội trong thế giới hiện nay.

Vatican ở đâu?

Tôi đi đây đó với thông hành ngoại giao của Tòa Thánh. Nhiều khi tôi gặp khó khăn từ phía nhân viên cảnh sát ở các phi trường. Các cảnh sát Ý nói chung thường không gây khó khăn nào đặc biệt, nhưng cũng có những lần họ bắt tôi đợi vì muốn các bạn đồng nghiệp xem cho biết thông hành của Tòa Thánh. Ở Ðức thì khó hơn. Họ hỏi: "Santa Sede, Tòa Thánh là cái gì vậy?" Ở Malaysia càng khó hơn nữa. Họ hỏi tôi: "Tòa Thánh ở đâu, ở Vatican hả?" Tôi trả lời: "Ở Italia, Rôma". Họ dẫn tôi tới trước một bản đồ thế giới thật lớn và nói: "Ông hãy chỉ cho tôi xem Italia ở đâu? "Rôma ở đâu? Và Vatican ở đâu?" Nhưng trên bản đồ, không có Vatican. Và thế là tôi phải đợi nửa tiếng đồng hồ với những người di dân bất hợp pháp. Sau cùng, viên cảnh sát trưởng nói với các thuộc cấp: "I know. The Vatican is a former French colony!" - "Tôi biết rồi, Vatican là một cựu thuộc địa của Pháp".

Mầu nhiệm của thiểu số

Chúng ta hãy để ý tới lịch sử Dân Chúa, tới Kinh Thánh, để nhận ra trong đó những trình thuật và sự kiện có thể soi sáng tình trạng "thiểu số" của chúng ta.

Kinh Thánh nói đến nhiều tường thuật về việc Thiên Chúa dùng những người yếu đuối để đánh bại kẻ mạnh. Từ thân phận yếu thế, Môi sen đã chiến thắng Pharaon và giải thoát dân Ngài, bà Giuđit đã đánh bại tướng Ôlôphênê, và bà Este đánh bại vị cận thần Aman.

Trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu những ví dụ như trường hợp Thánh Nữ Catarina thành Siena, không có uy quyền nào, nhưng đã thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng từ Avignon về Rôma, hoặc Thánh Don Bosco được Ðức Giáo Hoàng và cả nhà vua hỏi ý kiến.

Mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chúng ta thấy Ðức Giáo Hoàng vác Thánh Giá tại Hí Trường Côlôsêô, chúng ta thấy trước mắt "mầu nhiệm thiểu số": chính Thánh Giá đã chiến thắng tên khổng lồ Ðế Quốc La Mã.
 
"Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn?" (J. Stanlin)

Khi nói về con số bé nhỏ, tôi muốn suy tư về câu chuyện lạ lùng của ông Ghêđêôn, thủ lãnh uy tín của dân Israel, vào thế kỷ 12 trước Chúa Kitô.

Sách Thủ Lãnh đoạn 7 kể lại cách thức ông Ghêđêôn chuẩn bị giao tranh chống lại người Mađian. Chúa nói với ông: "Ðám dân ở với người quá đông, Ta không giao nạp quân Mađian vào tay ngươi được". Và Chúa giải thích: "Vì Israel có thể tự phụ trước mặt Ta nói rằng: chính tay tôi đã cứu tôi" (Tl 7,2).

Theo chỉ chị của Chúa, Ghêđêôn giảm quân đội, trước hết từ 32 ngàn người xuống còn 10 ngàn, rồi từ 10 ngàn xuống còn 300. Và 300 người này chỉ võ trang bằng ống tù và để thổi và vò rỗng có đèn bên trong rồi tràn vào doanh trại quân địch, gây náo loạn. "Trong lúc 300 người thổi tù và, thì Chúa khiến cho mỗi người trong trại địch quay gươm chém giết đồng đội của mình" (Tl 7,22).

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét sau đây:

- Cũng như Dân Cựu Ước thời Ghêđêôn, ngày nay, dân Israel mới cũng phải đương đầu với bao nhiêu thế lực đang mạnh mẽ chặn đường. Cần phải phản ứng. Nhưng như Israel, một Giáo Hội quá hùng cường sẽ có nguy cơ tự phụ, rơi vào tình trạng háo thắng, và coi thành công là của chính mình.

- Câu chuyện ông Ghêđêôn cũng làm chúng ta suy nghĩ: những "võ khí", bề ngoài rất nực cười, nhưng đột nhiên, có thể tạo nên công hiệu không thể lường được. Theo cùng một thể thức như ông Ghêđêôn, một Giáo Hội hoàn toàn tín thác nơi mệnh lệnh của Chúa, có thể đạt được những thành quả quan trọng dù không có những phương tiện vĩ đại. Có thể chỉ cần một từ và để loan truyền Lời Chúa, và một ngọn đèn, ánh sáng của Chúa, với điều kiện chúng ta là những chiếc vò rỗng.

- Cũng như đã xảy ra xưa kia cho người Mađian, ngày nay cũng có thể xảy ra là chính kẻ thù tự tiêu diệt mình và Giáo Hội không cần phải nỗ lực nhiều để ra khỏi khó khăn. Những cách thức gian ác và bất công rốt cuộc sẽ tự hủy diệt. Vì thế, không thể nói rằng Giáo Hội thiểu số chắc sẽ không còn khả năng ảnh hưởng nữa.
 
"Con không địch nổi tên khổng lồ Philitin đâu"

"Thiểu số về phẩm" làm cho chúng ta nghĩ tới cách thức Chúa hành động trong thời gian rất gần đây. Ở Lộ Ðức cũng như ở Fatima, và La Salette, Ðức Mẹ không hiện ra với những người được chuẩn bị và thông thái, nhưng với một hoặc nhiều trẻ em, mục đồng, hầu như dốt nát. Và Mẹ luôn chỉ dẫn cùng một phương pháp để đối phó với những khó khăn và đe dọa: đó là cầu nguyện và hoán cải.

Nhưng chúng ta hãy đọc lại Kinh Thánh và suy niệm về hình ảnh Vua Ðavít như một ví dụ về cách xử dụng những phương tiện khiêm hạ, không thích hợp, xét theo cái nhìn loài người, để thi hành sứ mạng của mình.

Tất cả chúng ta đều biết rằng biến cố đột nhiên làm cho Ðavít nổi tiếng và đưa ông tới sự chinh phục vương quyền, chính là chiến thắng của ông chống lại quân Philitin và đặc biệt là cuộc song đấu của ông chống tên khổng lồ Gôliát (1 Sm 17).

Tôi muốn nhấn mạnh một vài chi tiết có thể giúp thấy rõ tính chất thời sự của trình thuật này.

- Tên khổng lồ đã nhạo cười Ðavít và cũng nhạo cười cả chúng ta nữa. Hắn tượng trưng cho sự dữ hoặc những ý thức hệ và giá trị phản Tin Mừng. Gôliát có thái độ thù nghịch, đe dọa và thách thức: "Hãy tiến lên đây và ta sẽ lấy thịt này cho chim trời và dã thú ăn" (1 Sm 17,44).

- Giáo Hội ngày nay, đứng trước sự dữ, cũng như đang gặp phải Gôliát, một tên khổng lồ kinh khủng, dường như không thể thắng được. Trước mặt hắn, phản ứng đầu tiên của Giáo Hội, và cùng với Giáo Hội, của mỗi người chúng ta là cảm thấy như bất lực. Trong thế giới này không thiếu những người mang mặc cảm tự ti như vua Saun: "Ngươi không thể đương đầu nổi tên Philitin đó đâu" (1 Sm 17,33).

- Thoạt đầu, Ðavít đã đi theo con đường sai lầm. Ông mặc áo giáp của quyền lực nghĩa là theo cách tự vệ của thế gian (câu 38-39a). Nhưng điều đó làm tê liệt hành động của ông. Ông nói: "Tôi không thể bước đi với tất cả áo giáp thế này, vì tôi không quen" (câu 39b). Cũng hệt như Giáo Hội không dùng tới những kho vũ khí của thế gian này.

- Giáo Hội có những "khí giới riêng" để chiến đấu. Và những khí giới đó mới chính là võ khí đích thực duy nhất đáng kể. Trong số các khí giới đó nổi bật một nguyên tắc mà Ðavít nhắc đến: "Gôliát, ngươi đến đánh ta bằng gươm giáo. Còn ta đến với ngươi nhân danh Chúa các đạo binh" (câu 45). Những khí giới khác chỉ là phụ thuộc (câu 40): "cây gậy" (bất bạo động) tuy Ðavít mang theo nhưng không xử dụng trong trận chiến. Ðavít chỉ có một cái ná với 5 hòn sỏi tròn lấy từ dòng suối. Thực vậy, mỗi tên khổng lồ đều có một điểm yếu. Chỉ cần nhắm trúng điểm ấy. Một hòn sỏi bắn trúng đã đánh bại tên khổng lồ và chính gươm của hắn được dùng để cắt đầu hắn (câu 41-45).

Ðavít là hình ảnh của Giáo Hội ngày nay. Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ là một thiểu số xét về lượng, về sức mạnh, về khả năng và phương thế. Nhưng như Ðavít, chúng ta tiến bước nhân danh Chúa.
 
Chúa Giêsu thích những con số nhỏ

Chúng ta hãy hướng nhìn Chúa Giêsu.

Trong Kinh Thánh, Môisen được trình bày như người của những số lớn. Khi dân Israel khởi hành ra khỏi Ai Cập, họ "có khoảng 600 ngàn người có khả năng đi bộ, không kể trẻ em". Ngoài ra, "một số đông những người lẫn lộn cũng đi với họ cùng với đoàn vật và vô số gia súc" (Xh 12,37-38).

Trái lại, Chúa Giêsu xuất hiện như người của những số nhỏ. Sự chú ý của Ngài được dành đặc biệt cho những người "bé nhỏ", những người tội lỗi: cho ông Giakêu, người phụ nữ xứ Samanria, người phụ nữ được tha thứ, người đàn bà ngoại tình...

Trong giáo huấn của Ngài về Nước Thiên Chúa, không thấy nói tới những con số khổng lồ hoặc những hào nhoáng bề ngoài: "Nước Thiên Chúa giống cái gì và tôi so sánh nước ấy với cái gì? Nước ấy giống như hạt cải, một người đem gieo trong vườn; rồi nó tăng trưởng, trở thành một cây lớn, chim trời đến đậu trên cành cây" (Lc 13,18-19).

Và: "Nước Thiên Chúa giống cái gì? Nó giống men mà một người đàn bà lấy đem giấu trong ba thúng bột để làm cho tất cả được dậy men" (Lc 13,20-21).

"Ngài nói: Thiên Chúa giống như một người gieo hạt trong đất; dù ông ngủ hay thức, ngày hay đêm, hạt ấy nẩy mầm và lớn lên; và chính ông không biết" (Mc 4,26-27).

Chúa Giêsu không so sánh nhóm môn đệ của Ngài với đoàn binh sẵn sàng chiến đấu hoặc reo hò chiến thắng, nhưng Ngài nói:

"Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con muốn ban nước Trời cho các con" (Lc 12,32).

Và: "Các con là muối đất, nếu muối nhạt đi, thì người ta biết làm sao cho nó mặn lại được?" (Mt 5,13).

"Các con là ánh sáng thế gian..." (Mt 5,14).

"Thầy sai các con như chiên giữa sói" (Lc 10,3). Chúa nói với các môn đệ và khuyên họ ra đi đừng mang theo tiền bạc và không có quyền bính: các con đừng mang bị cũng đừng mang gậy (cf Mt 10,9-10).

Trong các dụ ngôn và câu chuyện của Ngài, người ta thấy nổi bật những con số nhỏ và những sự nhỏ bé, chứng tỏ Ngài quan tâm đến từng người, từng sự vật khiêm tốn nhưng lại cốt yếu.

Chúa nói về "hai đồng tiền nhỏ" được bà góa bỏ vào hòm tiền dâng cúng ở Ðền Thờ (Mc 12,41-42); về người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc (Lc 15,4-7); về người đàn bà có 10 đồng bạc, quét nhà để tìm một đồng bị mất (Lc 15,8).

Chúa chỉ cần năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi đám đông.

Giáo Hội như một "thiểu số" được mời gọi sống Tin Mừng theo cách thức nhỏ bé, biến những ưu tiên của Chúa Giêsu thành của mình.

Tường lũy của thành Giêricô mới

Trong lịch sử, Giáo Hội trong chiều kích địa phương, là một thiểu số đứng trước Ðế quốc La Mã và trước các cuộc xâm lăng của các dân man di. Giáo Hội bị suy yếu vì những chia rẽ nội bộ trong thời cận đại, trước cuộc Cách mạng Pháp. Giáo Hội đã chịu đau khổ trong thế kỷ 20 vừa qua, vì cường lực của Ðức Quốc Xã, của chế độ Cộng sản, và giờ đây của chủ nghĩa tiêu thụ...

Nhưng trước tên khổng lồ Gôliát của mọi thời đại, Chúa vẫn gửi đến những người yếu thế như Ðavít: một Thánh Cirilô, Atanadiô, Hilariô thành Poitier, một Ambrôsiô và Augustinô, một Phanxicô Assisi, một Ðaminh, một Thánh nữ Brigitta và một Thánh nữ Catarina, một Thánh nữ Têrêxa và Thomas More, và trong thời đại chúng ta, tất cả các vị đại Giáo Hoàng của thế kỷ 20, và các vị mục tử như Wysynski, Mindszenti, Beran, Stepinac, Tomasek, và Ðức Hồng Y Cung Phần Mai.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, vị Giáo Hoàng bị sâu xé vì cuộc khủng hoảng thời hậu Công Ðồng, đã chọn khẩu hiệu của Ngài là "in Nomine Domini" (nhân danh Chúa). Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng của Ngài, đã lấy huy hiệu Thánh Giá, Hy Vọng của chúng ta. Và Ngài đã kêu lên: "Anh chị em đừng sợ! Chế độ sộng sản chỉ là một cái ngoặc trong lịch sử". Nhiều người đã nhạo cười Ngài. Họ nghĩ rằng Ngài không thực tế. Họ nói rằng bản đồ thế giới đã "đỏ" hết rồi. Nhưng những bức tường của thành Giêricô mới (Bá Linh) đã sụp đổ, và Giáo Hội đã bước qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba.
 
Những con đường không hiểu được của Thiên Chúa

Khi tôi bị quản thúc tại làng Giang Xá, cách Hà Nội 20 cây số. Người cán bộ canh giữ tôi là một tín hữu Công Giáo. Thoạt đầu, ông ta đặt bao nhiêu câu hỏi về tôi: ông giám mục này đã làm gì để bị giam như thế? Khi sống và ăn chung với tôi, ngủ trong cùng một phòng cạnh tôi, dần dần ông ta hiểu, và ông để cho tôi được viết các sách tu đức. Ông cho phép các linh mục đến gặp tôi ban đêm, họ ở cách xa đó 300 cây số, để được nghe tôi nói về Công Ðồng chung Vatican II, vì không một giám mục nào ở Bắc Việt đã có thể tham dự Công Ðồng.

Mỗi tháng, người cán bộ ấy phải thảo một tờ báo cáo về tôi để nộp cho công an. Sau khi viết như thế trong một thời gian, ông ta nói với tôi:

- Tôi không viết nữa, tôi không biết phải viết gì.
- Ông cần phải viết! Nếu ông không viết, thì ông sẽ bị thay thế. Một người lính canh khác mà tới đây thì họ sẽ làm khó tôi.
- Nhưng tôi không biết viết gì cả!
- Vậy thì... tôi viết báo cáo, ông chỉ cần sao lại và ký tên.
- Tốt lắm.

Công an huyện khen ông ta về bản báo cáo và tặng cho một chai rượu cam. Thế là ông ta mang về nhà và tối hôm đó, chúng tôi uống chung với nhau.

Nhờ ông ta mà tôi đã truyền chức linh mục cho nhiều chủng sinh thuộc các giáo phận khác do vị bản quyền gửi tới cho tôi. Vì tôi đã ở tù rồi, nên không còn sợ bị rủi ro gì nữa. Ban đêm, ông ta dẫn chủng sinh đến gặp tôi. Họ mang theo sách nghi thức của giám mục và dầu thánh. Ðó là những cuộc truyền chức dài nhất thế giới! Vì các buổi lễ ấy bắt đầu lúc 11 giờ rưỡi đêm và chấm dứt lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau.

Cũng vào ban đêm, cán bộ ấy dẫn tôi đi ban Bí Tích cho các bệnh nhân.

Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi Chúa Giêsu gọi tôi thi hành loại mục vụ đặc biệt như thế. Quả thật, Chúa Thánh Thần xử dụng bất cứ ai để ban ơn thánh cho dân của Ngài!

"Thiên Chúa thật kỳ diệu"

Tôi kết luận với hai sự kiện khác:

Trên đảo Zanzibar, ở Ấn Ðộ Dương mênh mông, trong một làng nghèo dưới những bóng cây dừa, tôi đã gặp hai thiếu nữ người Ðức. Một cô là bác sĩ và cô kia là y tá. Họ làm gì ở đó? Họ là những người thiện nguyện muốn chứng tỏ tình thương của Chúa giữa thành trì của Hồi Giáo. Một hạt muối giữa Ðại Dương! Ôi đức tin vững mạnh thay!

Tại Bugamayo, một hải cảng ở mạn đông Tanzania nơi các thừa sai đầu tiên đến đây, tôi đã viếng thăm một nghĩa trang cũ của các thừa sai đầu tiên dòng Chúa Thánh Thần bên cạnh một cây cổ thụ bobab của Phi Châu. Tất cả đều đã chết tại đây khi còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất chỉ có 39 tuổi. Trong thinh lặng, tôi quì gối và cúi xuống hôn đất, thầm thĩ: Lạ lùng thay công việc của Chúa nơi các Thánh của Ngài! (Mirabilis Dominis in sanctis suis). Và tôi nghe ngọn gió biển thổi xào xạc trên lá cây dừa: "Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ".

Vì thế, thưa anh em: "Ðừng sợ! Chúng ta hãy tiến bước nhân danh Chúa!" Những bức tường của thành Giêricô mới sẽ sụp đổ.

 
Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần là "mạch hằng sống, là lửa cháy, là tình yêu" trong các Giáo Hoàng của thế kỷ XX.

Cách đây vài năm, trên đài truyền hình Pháp, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng giám mục Paris, đã được một ký giả phỏng vấn. Ký giả này hỏi:

- Kính thưa Ðức Hồng Y, Ngài có tin là có ma quỷ không?
- Có, tôi tin chứ!
- Nhưng mà trong thời đại này với bao nhiêu tiến bộ khoa học và kỹ thuật, làm sao Ðức Hồng Y lại vẫn còn tin là có ma quỷ?
- Phải, tôi vẫn luôn luôn tin có ma quỷ.
- Thế Ðức Hồng Y có bao giờ thấy ma quỷ không?
- Có chứ!
- Ðức Hồng Y thấy ở đâu!
- Tôi thấy nó ở Dachau, ở Auschwitz, ở Birkenau!

Nghe đến đây, người ký giả im bặt, không nói năng gì nữa.

Nếu có ai hỏi tôi lúc này là có bao giờ thấy Chúa Thánh Thần chưa? Tôi sẽ không do dự trả lời ngay: Có chứ, tôi đã thấy Ngài.

- Thấy ở đâu?

- Xin thưa trong Giáo Hội, mà cũng thấy ở ngoài Giáo Hội nữa. Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần, "Fons vivus, ignis, caritas", "Nguồn nước hằng sống, lửa đốt thiêu, lòng yêu mến" trong các vị Giáo Hoàng của thế kỷ này.

Trong thế kỷ XX, thế giới đã bị sâu xé bởi hai cuộc thế chiến, bởi những xung đột chủng tộc, các cuộc diệt chủng và tranh chấp đẫm máu. Chưa bao giờ trong lịch sử đã có những cuộc tàn sát gớm ghê như thế. Ðó là chưa kể đến tất cả những tai hại do các cuộc chiến tranh ý thức hệ gây nên... Ngay trong Hội Thánh cũng có nhiều khủng hoảng và khiếm khuyết. Chúng ta đã nghe nói tới các phong trào giảm giá trị Kitô giáo và phong trào tục hóa. Con thuyền của Thánh Phêrô bao lần bị đe dọa đắm chìm giữa cơn giông bão.

Dù thế, có lẽ chưa bao giờ Hội Thánh đã tiếp tục có những vị Giáo Hoàng vĩ đại như trong thế kỷ vừa qua: Từ Ðức Lêô XIII đến Ðức Piô X, Bênêđitô XV, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Tôi tin rằng không có quốc gia nào trên thế giới, trong cùng một thời gian đó, lại may mắn có được một loạt các nhà lãnh đạo kế tiếp nhau có tầm mức tinh thần thánh thiện, đạo đức và khả năng cao tuyệt như thế.

Chúng ta đang đứng trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, Ðấng đã thực hiện trong công trình của mình lời Chúa Giêsu hứa: "Con là Ðá và trên đá tảng này Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta và sức mạnh của hỏa ngục sẽ không thắng được". (Mt 16,18).

Chúa Thánh Thần đã và đang hướng dẫn hoạt động mục vụ và giáo huấn của các vị Giáo Hoàng.

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần, là "Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống" trong lịch sử Hội Thánh.

Chúng ta tất cả đều biết rõ công trình của Chúa Thánh Thần trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo; sự lan tràn nhanh chóng của Kitô giáo trên toàn đế quốc Rôma, hoạt động đặc thù của Chúa Thánh Thần trong các Công Ðồng Chung với trọng tâm là Giáo Lý về Thiên Chúa Ba Ngôi và khoa Kitô học, và khơi nguồn trào lưu ẩn tu, tránh cho Kitô hữu khỏi rơi vào cảnh tục hóa và gìn giữ khát vọng nên thánh tiếp tục sống động trong họ.

Trong thời Trung cổ, mỗi khi có hiểm nguy mới đe dọa Hội Thánh, Chúa Thánh Thần, không những làm phong trào ẩn tu tươi nở trở lại, mà còn khai sinh những hình thức sống tận hiến mới nhằm đáp ứng đúng mức hơn những đòi hỏi của thời đại. Chúng ta đọc thấy trong một lá thư của Trung Ương Tòa Thánh, viết theo ý của Ðức Alexandrô IV đề cập đến thánh Phanxicô và thánh nữ Chiara thành Assisi như sau: "Dường như là thế giới đang trở nên già nua và bị sức nặng tháng năm đè bẹp, làm mắt mờ không còn thấy rõ dáng hình Đức Tin, loạng choạng lần mò tiến bước trên đường đời. Và này đây Thiên Chúa yêu thương con người, từ nơi bí nhiệm của lòng nhân từ, Ngài đã quan phòng gợi lên trong Giáo Hội những dòng tu mới, nhờ đó đem lại những phương tiện mới để hỗ trợ Ðức Tin và đem lại đường lối canh tân phong hóa".

Lá thư tiếp tục viết như sau: "Tôi không ngần ngại gọi các vị lập dòng mới này, với các môn đệ chân thực của họ, là ánh sáng thế gian, là người chỉ đường, là bậc thầy hướng dẫn cách sống" (Nguồn Phanxicô, II, Assisi 1977, tr.2391-2393).

Những điều vừa nói đây, có thể được áp dụng cho tất cả các vị sáng lập dòng nổi tiếng. Và cho cả những phụ nữ được linh ứng đặc biệt, như ba Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh: Catarina thành Siena, Têrêxa Avila và Têrêxa Hài Ðồng Giêsu; cùng hai vị đồng bổn mạng châu Âu là Thánh Nữ Brigida người Thụy Ðiển và Edith Stein. Trong các vị này, chúng ta thấy có sự hiện diện những của hoạt động Chúa Thánh Thần đang chiếm hữu tâm hồn họ.

Nhưng bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại những thập niên mới đây của lịch sử Hội Thánh: từ Công Ðồng Chung Vatican II đến Năm Thánh 2000. Phải chăng chúng ta đang kinh ngạc chứng kiến một lễ Thánh Thần Hiện Xuống Mới đó sao? Có lẽ chưa bao giờ trong Hội Thánh lại có cảnh trăm hoa thánh thiện đua nở giữa các môi trường giáo dân đặc thù như thế này. Ðây thực sự là một mùa xuân mới của Hội Thánh.

Chỉ cần nghĩ đến những ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rôma, Buenos Aires, Compostella, Czestochowa, Denver, Manila, Paris. Tất cả quây quần chung quanh Ðức Thánh Cha, khao khát được lắng nghe Lời Chúa và nỗ lực sống Lời Chúa. Hay là trong đại hội của các phong trào Tông Ðồ hoặc cộng đoàn giáo dân vào buổi vọng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 30 tháng 5 năm 1998. Những đặc sủng mới ào ạt đua nở trong lòng Giáo Hội, thực sự là những món quà hồng ân của Chúa Thánh Thần đang làm cho Phúc Âm trổ hoa kết trái trong thế giới chúng ta.

Khi ngắm nhìn hàng hàng lớp lớp giáo dân hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha đã có thể nói rằng: "Ðiều đã xảy ra ở Giêrusalem cách đây khoảng hai ngàn năm, dường như đang xảy ra lần nữa tại đây, nơi quảng trường này, trung tâm của thế giới Kitô giáo. Cũng như các Tông Ðồ trong ngày trước, chúng ta đang quây quần trong một nhà Tiệc Ly lớn của ngày lễ Ngũ Tuần, khát khao được Thánh Thần tuôn đổ ơn thánh xuống".

Xa hơn, Ngài lại nói thêm: "Khi ra tay can thiệp, Chúa Thánh Thần luôn làm cho con người sửng sốt kinh ngạc. Ngài khơi dậy những biến cố mới mẻ gây ngạc nhiên và thay đổi tận gốc rễ con người và lịch sử. Ðây chính là kinh nghiệm không bao giờ quên được của Công Ðồng Chung Vatican II, trong đó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã tái khám phá trở lại chiều kích đặc sủng như là cơ cấu xây dựng chính mình: Chúa Thánh Thần không tự giới hạn trong việc thánh hóa và hướng dẫn cộng đồng Dân Chúa bằng các Bí Tích và thừa tác vụ, trang điểm cho Dân Ngài bằng các nhân đức, nhưng còn "ban phát cho các tín hữu những ân sủng đặc biệt tùy mỗi cấp bậc theo ý Ngài để canh tân và phát triển Hội Thánh hơn. (Ánh Sáng Muôn Dân, 12).
 
Tôi đã thấy nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không thể làm được điều gì tốt đẹp: "Sine tuo nomine, nihil est in homine"

Quả thật, sau những hứng khởi đầu tiên được Công Ðồng đề xướng, đã có một thời gian lạc hướng. Trước những thay đổi mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi, một số người, vì quá tin cậy vào khả năng và tư tưởng của riêng mình, đã đi vào những con đường sai lầm, tạo ra những khổ đau và ngỡ ngàng, khiến con người tưởng rằng mùa đông băng giá đã chiếm mất chỗ của mùa xuân mơ ước, "Nhưng này đây, có thể nói rằng Chúa Thánh Thần đã lại lên tiếng lần nữa - như Ðức Hồng Y Ratzinger nói trong Ðại Hội của các phong trào hoạt động Tông Ðồ - Và trong bao nhiêu người trẻ, nam cũng như nữ, hoa Ðức Tin lại tưng bừng nở rộ, một Ðức Tin không thắc mắc, không nghi ngờ, một Ðức Tin thẳng thắn không mập mờ quanh co, Ðức Tin vẹn toàn được sống như một hồng ân, một món quà quý giá trao ban sự sống (J. Ratzinger, Các phong trào trong Giáo hội và chỗ đứng thần học của chúng, trong: Nhiều tác giả khác nhau, Các phong trào trong Giáo hội. Văn kiện của Hội nghị quốc tế các phong trào giáo hội, Rôma 27-29 tháng 5 1998, nhà sách Vatican 1999, tr.24).

Về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Ðức Ignazios Hazim hiện là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hội Antiôkia đã phát biểu tại Uppsala ngay từ hồi năm 1968 như sau: "Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì đối với ta, Thiên Chúa Cha sẽ xa vời, Chúa Kitô ở trong quá khứ, Tin Mừng là bản chữ chết, Hội Thánh là một sự thống trị, công cuộc truyền giáo là tuyên truyền, nghi lễ phụng vụ là một hồi niệm và lối sống Kitô hữu là một nền luân lý đạo đức nô lệ (...) Nhưng trong Chúa Thánh Thần, ... Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện nơi đây, Tin Mừng là quyền năng sự sống, Hội Thánh có nghĩa là thông hiệp trong Thiên Chúa Ba ngôi, quyền bính là việc phục vụ giải phóng, truyền giáo là một Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ là hy lễ tưởng niệm cuộc tử nạn và báo trước sự vinh quang, và hoạt động của con người được thần thánh hóa. (I. Hazim, Sự Phục Sinh và con người ngày nay, Rôma 1970, tr.25-26).

Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, các giáo dân đã yêu cầu các giám mục đừng chỉ trông cậy vào các khả năng tổ chức điều động của mình bằng cách hành động như những nhà kinh doanh chuyên nghiệp mà thôi, nhưng hãy thực sự là cha, là chủ chăn, là chứng nhân đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tôi thường thích nhớ lại những gì Thánh Gioan Kim Khẩu viết để giới thiệu các Tông Ðồ như là mẫu gương chân chính của các vị chủ chăn đích thực: "Các Tông Ðồ không giống như ông Môisen, từ núi xuống cầm trong tay hai bia đá ghi Mười Ðiều Luật. Các Tông Ðồ ra đi từ nhà Tiệc Ly với Chúa Thánh Thần trong tim mình để mang đến mọi nơi kho tàng khôn ngoan và ân sủng như là những món quà tinh thần, tuôn đổ từ một suối nước phun lên. Các vị ra đi rao giảng khắp toàn thế giới rằng chính các vị là lề luật sống động, như thể các vị là những cuốn sách được linh hoạt bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần" (Trong Bài Giảng về Thánh Matthêu 1,1: PG 57-58,15).
 
Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh không ngừng đổi mới

"Hội Thánh canh tân và thanh tẩy chính mình không bao giờ ngừng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần" (Vui Mừng và Hy Vọng 21).

Ðể tự canh tân như thế, Hội Thánh thời đại chúng ta ngày nay cảm thấy cần phải quay trở về nguồn cội của mình: về Ur bên Canđê, về núi Sinai, về thành Giêrusalem, về Bêlem, Nadarét, về núi Các Mối Phúc Thật, về Mộ Thánh... Và dân Chúa tự vấn lương tâm, nhờ ơn Chúa Thánh Thần Hội Thánh là Mẹ và là Trinh Nữ, vẫn luôn là Hiền Thê trung thành với Chúa Kitô. Giáo Hội thánh thiện, không tội lỗi, nhưng vẫn xin ơn tha thứ cho các con cái nam nữ của mình, là những người tội lỗi.

Chúng ta đặc biệt gợi nhớ lại nơi đây biến cố phụng vụ quan trọng nhất thế kỷ XX. Ðể đổi mới toàn vẹn Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ươm trồng "một hạt giống nhỏ" (Tông hiến Ơn cứu độ con người, 25-12-1961) bằng lời công bố ngày 25 tháng Giêng năm 1959 triệu tập Công Ðồng Chung Vatican II. Chính Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII lúc ấy cũng không tưởng tượng nổi những thay đổi mà biến cố này mang lại. Nào là những thay đổi canh tân trong Giáo Hội, trong Giáo Triều Rôma, việc phát hành bộ Giáo Luật mới, bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Ðông Phương, Sách Giáo Lý của Giáo Hội hoàn vũ, bao nhiêu Thông Ðiệp quan trọng, Sách Lễ Rôma mới, và một sinh lực đẩy mạnh Giám Mục đoàn cũng như khơi động cuộc đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn. Công cuộc chuẩn bị và khai mở Năm Thánh 2000 khích lệ các thế hệ tương lai tiếp tục đào sâu gia sản phong phú này.

Và có thể tiếp kể thêm nhiều nữa. Chúng ta có thể kể ra những sự việc khác, nhiều điều mới mẻ khác nữa được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng Hội Thánh. Thực ra, không thể có được một cái nhìn toàn vẹn bao gồm trọn công trình của Chúa Thánh Thần trong thế kỷ XX, bởi vì đó cũng là mầu nhiệm trong sâu thẳm của linh hồn con người.

Chỉ cần nhắc lại đây một câu nói lên lòng ngưỡng mộ của thế giới: "Ðã cần tới 20 thế kỷ để đi một đoạn đường dài một cây số từ Vatican đến Hội Ðường Do Thái ở Rôma, và Ðức Wojtyla là người đầu tiên đã làm điều đó!"

Xin cám ơn Ðức Thánh Cha!

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động ngoài Hội Thánh nữa.

Trong lúc nâng đỡ và soi sáng các Tông Ðồ, Chúa Thánh Thần cũng đồng thời tác động để cho trái tim của mỗi người, mỗi nền văn hóa và tôn giáo khao khát nguồn nước sống động và kiếm tìm Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất có thể làm thỏa mãn tất cả.

Sách Tông Ðồ Công Vụ đã kể lại cho chúng ta rõ trong đoạn 10, thị kiến của ông Cótnêliô, một sĩ quan La Mã ngoại đạo, rồi thị kiến của Phêrô và tiếng nói phán với ông rằng: "Hỡi Phêrô, hãy đứng dậy làm thịt mà ăn... Con sẽ không bao giờ làm điều đó... con chưa bao giờ ăn những vật dơ bẩn ô uế". "Không được xem là dơ bẩn những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là sạch" (Cv 10,13-15). Trong khi Phêrô còn đang nói, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên tất cả những người đang nghe ông. Các tín hữu gốc Do Thái đi theo Phêrô đều ngạc nhiên vì thấy ơn Chúa Thánh Thần cũng được đổ xuống trên dân ngoại. Hơn nữa họ còn nghe thấy những người này nói được tiếng lạ và ngợi khen Thiên Chúa. Lúc ấy, Phêrô nói: "Làm sao có thể ngăn cản những người này chịu phép Rửa Tội khi chính họ cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như chúng ta?" (Cv 10,44-48).

Chúa Thánh Thần đi trước, đồng hành và theo sát mọi sứ mệnh của chúng ta.

Với ơn nói các tiếng lạ, Chúa Thánh Thần chuẩn bị cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa Ðấng Cứu Thế và các dân tộc của mọi lục địa, củng cố chứng tá, theo như lời của Chúa Giêsu: Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Ðấng sắp hiện xuống trên các con và các con sẽ làm chứng cho Thầy ở thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđê và Samaria cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. (Cv 1,8).

Cả ngày nay nữa, trong Lễ Hiện Xuống Mới mà chúng ta đang sống, Chúa Thánh Thần vẫn hướng dẫn Hội Thánh trong sứ vụ thực hiện một cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giêsu Kitô và tất cả mọi dân tộc. Ðối với tôi, đây là ý nghĩa sâu xa nhất của các cuộc đối thoại mà Giáo Hội Công Giáo đã khởi xướng từ sau Công Ðồng Chung Vatican II.

Tôi đến từ một lục địa mênh mông là Á Châu và mỗi một ngày qua đi, tôi đều thấy được hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa các "dân ngoại". Nhận định của Thánh Tôma, do Thánh Ambrôsiô gán cho, thật là chí lý: "Mọi điều chân thật do bất cứ ai nói ra, đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần" (Thánh Tôma, Tổng luận thần học I-II, q.109, a,1 ad 1, cùng tư tưởng đó trong Liên quan tới chân lý, q.1, a.8. Văn bản có lẽ thuộc Thánh Ambrôsiô: Chú giải 1 Cr 12,3; PL. 17,258: "Như thế, mọi điều chân thật được bất cứ ai nói đều do Thánh Thần nói"). Có lẽ từ Chúa Thánh Thần không những phát sinh mọi chân lý, mà còn phát sinh cả mọi sự tốt lành, công lý, mọi vẻ đẹp, chiều kích sâu xa của lời cầu nguyện, vẻ huy hoàng lộng lẫy của sự khôn ngoan. Trông thấy tác động của Chúa Thánh Thần trong công trình mặc khải toàn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô là điều an ủi chúng ta.

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần là "Cha kẻ khó nghèo", Ngài không bỏ ta mồ côi

Trong thời gian dài chịu cảnh tù ngục giam cầm, bị tước đoạt tất cả, tôi càng xác tín sâu xa hơn vào quyền lực của Công Vụ. Quyền lực này không thể thiếu trong Hội Thánh ngày nay, để nhờ đó Hội Thánh có thể vượt thắng mọi thử thách.

Chính vì thế, từ 1975 đến 2000, tôi luôn xin những người đến xưng tội với tôi hãy đọc kỹ càng một chương trong sách Tông Ðồ Công Vụ như việc đền tội.

Phải, Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong con tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ước mong và lời cầu của chúng ta.

Tôi còn nhớ câu chuyện này:

Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmóng muốn đến gặp Ngài. Cha hỏi họ:

- Anh chị em từ đâu đến đây?
- Chúng con đến từ Lai Châu (nơi quân đội Pháp đã thua trận Ðiện Biên Phủ). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
- Lạy Chúa tôi! Ðể làm gì vậy?
- Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.
- Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa Tội được.
- Chúng con đã học tất cả từ một đài Phát Thanh phát đi từ Phi Luật Tân.
- Mà đài phát thanh nào? Ðâu có đài phát thanh Công Giáo nào có chương trình phát bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!
- Ðó là đài phát thanh "Nguồn Sống".
- Một đài phát thanh Tin Lành, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công Giáo. Thật là điều lạ!

Vị linh mục thật cảm kích bật thốt lên:

- Ðây là một lễ Hiện Xuống Mới. Ðây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!
Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmóng:
- Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?
- Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.
Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm Sức, rồi được dự Thánh Lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
- Anh chị em sẽ không còn có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?
- Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài Phát Thanh Chân Lý phát từ Manila. Lễ Hiện Xuống Mới của thế kỷ XX.

Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để cám ơn đài Phát Thanh Chân Lý và đài Vatican đã thực hiện một công tác truyền giáo thật là quý giá qua các chương trình tiếng Việt và tiếng Hmóng. Ngày nay, người dân tộc thiểu số Hmóng thật sung sướng vì có một buổi phát thanh bằng ngôn ngữ của họ.

Trong cùng thời gian này, các tín hữu được rửa tội tiên khởi ấy đã đưa thêm 5.000 đồng bào khác của họ về với Ðức Tin. Chúa Thánh Thần không để họ mồ côi, mặc dù muốn gặp một linh mục họ phải đi bộ hàng trăm cây số.
 
"Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến"

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả một cách tuyệt vời về Chúa Thánh Thần như là bình minh của Hội Thánh: "Chúa Thánh Thần là Ðấng Linh Hoạt và là Ðấng Thánh Hóa Hội Thánh, là hơi thở thiên linh của Hội Thánh, là ngọn gió thổi các cánh buồm của con thuyền Hội Thánh, là nguyên lý hiệp nhất, là sự đỡ nâng và là Ðấng ủi an, là nguồn mạch các đặc sủng và thánh ca, là niềm an bình và niềm vui, là phần thưởng và giai đoạn mở đầu cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của Hội Thánh. Hội Thánh cần đến sự Hiện Xuống vĩnh cửu của Ngài. Hội Thánh cần có lửa trong tim, cần có lời nói trên môi, và cái nhìn ngôn sứ" (Các lời nói trong buổi tiếp kiến ngày thứ tư 29-11-1972: Giáo huấn của Ðức Phaolô VI, X (1972), Vatican 1973, tr.1210-1211).

Vì thế chúng ta cũng muốn tin tưởng khẩn cầu: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến".

Thánh nữ Edith Stein, Ðồng Bổn Mạng Châu Âu, đã cầu nguyện trong Lễ Hiện Xuống cuối cùng của đời mình như sau:

"Ngài là ai, hỡi ánh sáng dịu hiền, Ðấng làm con tràn đầy
và soi sáng từng bóng tối của đời con?
Ngài dẫn dắt con như bàn tay hiền mẫu
và nếu Ngài bỏ rơi con,
con chẳng tiến được bước nào.
Ngài là không gian
bao quanh đời con và khép kín nó trong Ngài.
Nếu bị Ngài bỏ rơi, đời con sẽ rơi vào vực thẳm hư vô,
từ vực sâu đó, Ngài đã nâng con lên ánh sáng.
Ngài gần gũi với con hơn chính con,
và thân mật với con hơn chính người thân của con,
nhưng không thể nào nắm bắt Ngài và hiểu thấu trọn vẹn được
Ngài là Ðấng vượt trên mọi danh hiệu: ôi Thánh Thần, Tình Yêu vĩnh cửu"
(Chúa Thánh Thần, Lễ Hiện Xuống 1942, trong: Gioan Thánh Giá, Ở trước Thiên Chúa thay cho mọi người, Rôma 1991, tr.327).
 
 
"Niềm vui Năm Thánh sẽ không trọn vẹn nếu không hướng mắt nhìn tới Ðấng đã sinh ra Con Thiên Chúa nhập thể cho chúng ta, trong sự hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha" (Tự sắc Ðại Năm Thánh, Mầu Nhiệm Nhập Thể, 24).
 
Tôi đã viếng Mẹ ban trưa

Trong những ngày này tôi đã được diễm phúc chiêm ngắm Ðức Mẹ trong thinh lặng, được diễn tả thật cao đẹp trong nhà nguyện "Mẹ Ðấng Cứu Thế". Và từ tâm hồn tôi trào lên lời cầu đẹp đẽ này của thi sĩ Paul Claudel (+1955):
"Trời đúng ngọ. Tôi trông thấy giáo đường rộng mở. Phải bước vào mới được.

Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô, con không vào để cầu nguyện.
Vì con không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con chỉ đến để ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ,
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc (...)
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ,
để tim con hát vang lên trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi,
bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình"
(Tác phẩm thơ, Gallimard 1967, tr.539tt.)
 
Hội Thánh là Người Nữ, là Hiền Mẫu

Có một vài lời của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger đã gợi hứng cho tôi trong bài suy niệm này: "Hội Thánh không phải là một guồng máy, không đơn thuần là một cơ cấu tổ chức, cũng không chỉ là một trong số những giá trị tập quán xã hội. Nhưng Hội Thánh là một Con Người. Một Người Nữ. Một Người Mẹ. Ðang sống thật. Sự hiểu biết về Mẹ Maria của Hội Thánh đối kháng cách mạnh mẽ quyết liệt với ý niệm cho rằng Hội Thánh chỉ như là cơ cấu tổ chức hay bàn giấy. Chúng ta không thể làm ra Hội Thánh, chúng ta phải chính là Hội Thánh. Chỉ trong chiều kích đức tin mà chúng ta nhận ra bản chất đích thực của mình: chúng ta là Hội Thánh và Hội Thánh ở trong chúng ta. Và chỉ trong Con Người Mẹ Maria mà chúng ta trở thành Hội Thánh. Ngay cả chính nguồn gốc, Hội Thánh không phải được làm ra, nhưng là sinh ra. Hội Thánh sinh ra khi Ðức Mẹ đáp "xin vâng". Ðây là ước mong sâu thẳm nhất của Công Ðồng Chung Vatican II: Hội Thánh thức tỉnh trong tâm hồn chúng ta. Ðức Maria chỉ đường cho chúng ta" (J. Ratzinger, Giáo Hội học theo Công Ðồng Chung Vatican II, trong: IKZt 15 91986) 41-45, được trích dẫn bởi B. Leahy, Nguyên lý Thánh Mẫu học trong Giáo Hội, Rôma 1999, tr.216).
Trong bài suy niệm này, chúng ta muốn hướng nhìn lên Ðức Maria như mẫu gương của Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh đang sống trên một trái đất đầy đau thương, bi thảm và tuyệt diệu, trong một thời đại có các đường nét của "một đêm đen tối tập thể" (Giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II, V/3 (1982), tr.1141-1142).

Trong các sắc thái của đêm đen này chúng ta nhận ra sự thống trị của chủ thuyết duy lý đã nhào nặn ra một nền văn hóa dùng các khoa học khác nhau để lèo lái các thực tại tự nhiên, các tình trạng, kể cả tinh thần và sự sống của con người nữa. Vì thế nhân loại có nguy cơ trở thành nạn nhân của chủ thuyết thuần túy duy thực nghiệm chỉ chú trọng "làm được gì" và "có những gì".

Câu trả lời của Giáo Hội cho đêm đen này là Yêu Thương, bởi vì - như tựa đề một cuốn sách nhỏ của thần học gia H.U. von Balthasar khẳng định - "chỉ có tình yêu mới đáng tin cậy". Không yêu thương cho tới hiệp nhất thì không đáng tin cậy!

Chính vì thế mà Ðức Maria "chỉ đường lối cho chúng ta". Ðức Maria là:
- Tình yêu được đón nhận.
- Tình yêu được đáp trả tương xứng.
- Tình yêu được chia sẻ.
 
Mẹ Maria là Tình Yêu được đón nhận

Trong toàn cuộc sống của mình Ðức Maria đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Ðó chính là sự cao cả của sứ mệnh được kéo dài một cách nhiệm mầu trong Hội Thánh: mọi sự bắt nguồn từ Chúa và đến từ trời cao. Và Ðức Trinh Nữ đón nhận.
Cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta hãy soi lại chính mình trong bốn lời của Kinh Thánh:
 
1. Kính mừng Maria, đầy ơn phước

Ðức Maria là người đầu tiên nhận được Tin Mừng và trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ là người đầu tiên được tràn đầy ơn cứu độ. Qua việc chấp nhận sứ điệp của Thiên Thần, người tì nữ trở thành sở hữu của Thiên Chúa. Chúng ta đang ở trong buổi bình minh của Hội Thánh là "mảnh đất hay cánh đồng của Thiên Chúa" như khẳng định trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (LG 6; x 1Cr 3,9).
 
2. Này bà sẽ thụ thai và sinh con trai

Do quyền năng của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Nhập Thể cao cả được thực hiện. Người Con ở trên Trời sống trong lòng Thiên Chúa Cha, tìm thấy ở dưới đất, nơi Ðức Maria, một cung lòng xứng đáng với Ngài. Là nữ tử của Thiên Chúa Cha, Ðức Maria trở thành mẹ, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. Trong chín tháng tiếp theo ngày truyền tin, Ðức Maria đã đặc biệt là Trinh Nữ của nội tâm. Là thụ tạo duy nhất trong các loài thụ tạo, Mẹ sống kinh nghiệm cưu mang Ðức Giêsu trong cung lòng mình trên bình diện thể lý. Và theo hình ảnh của Mẹ toàn thể Hội Thánh được kêu mời trở nên "cung lòng" trao tặng Chúa Giêsu cho thế giới.
 
3. Người đã đoái thương tới phận hèn

Trong suốt cuộc đời, Ðức Maria sống với lời ca tạ ơn Thiên Chúa, vì tất cả những đặc ân đã nhận lãnh từ Ngài: không phải chỉ có ơn thánh, mà cả Ðấng Ban Phát ơn Thánh nữa, và với Ngài là tất cả mọi ân huệ khác. "Thiên Chúa đã làm nơi tôi những việc trọng đại... đã nhìn xem sự hèn mọn của nữ tỳ Ngài". Vì vậy "mọi thế hệ sẽ ngợi khen tôi là người có phúc". Như Ðức Maria, Giáo Hội ý thức được sự hư không của mình và chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa.
 
4. Người gìn giữ mọi lời đó trong tâm lòng

Ðức Maria chăm chú sống cạnh Con mình "trong tình trạng" cầu nguyện, đón nhận liên lỉ và chiêm ngắm. Mẹ giữ gìn Lời Chúa, sống và truyền thông Lời đó trong hy vọng, khiêm tốn và tươi vui. Chúng ta hãy chiêm ngắm nơi Mẹ là Ðấng hoàn toàn được Lời Chúa điêu luyện, mầu nhiệm của Hội Thánh là Hiền Thê của Ngôi Lời.

Lạy Ðức Maria, Mẹ hoàn toàn xinh đẹp và tội nguyên tổ không có nơi Mẹ!

Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con đã được Mẹ sinh ra.
 
Mẹ Maria là Tình Yêu được đáp trả

Ðược tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, với tất cả đời mình Ðức Maria là câu trả lời cho Thiên Chúa. Không có gì nơi Mẹ mà không phải là một dâng hiến cho Chúa, gắn bó với chương trình của Chúa và lựa chọn Chúa.

Nơi đây chúng ta hãy soi chính mình vào các lời của Kinh Thánh đề cập tới Mẹ Maria.
 
5. Phúc cho Bà vì đã tin Lời Chúa

Trong lòng tin, Ðức Maria đã sống trọn vẹn tiếng "xin vâng", bởi vì Mẹ đã tin vào Lời Chúa, Mẹ để cho mình được bàn tay của Thiên Chúa uốn nắn và dẫn đi khắp nơi: qua Ai Cập, về Nadarét, ở làng Cana, lên núi Sọ, trong nhà Tiệc Ly trong khi đợi chờ Chúa Thánh Thần. Bà Êlidabét và cộng đoàn tiên khởi đã gọi Mẹ là "epistéusasa, nghĩa là Ðấng đã tin". Nơi Mẹ Hội Thánh nhận ra mình như là cộng đoàn của người tín hữu.
 
6. Chúa Giêsu vâng phục các Ngài

Trong 33 năm, Mẹ Maria đã sống trong hiệp thông thân tình và dịu hiền với Ðức Giêsu. Không có con người trần gian nào có thể hiểu Chúa Giêsu như Mẹ, không có ai sống gần gũi, không có ai có thể săn sóc Chúa Giêsu như Mẹ Maria: trong công việc làm, trong niềm vui, nỗi âu lo, cảnh nghèo túng và sự trong sáng. Ðối với chúng ta, đó là một lời mời gọi sống thân tình với Chúa Giêsu trong việc phục vụ cụ thể và lưu tâm tới Ngài.
 
7. Linh hồn tôi chúc tụng Chúa

Ý thức được các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nơi mình, Ðức Maria sống trong sự thờ lạy chiêm niệm trước mặt Thiên Chúa như các Thiên Thần chúc tụng Chúa: "Thánh, Thánh, Thánh". Và như thế, Ðức Maria đã đáp trả cách trọn vẹn lòng thương xót Chúa, trải dài từ đời nọ tới đời kia".
 
8. Mẹ đứng gần Thập Giá

Bằng cả cuộc sống, Mẹ Maria cũng kết hiệp với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Một lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn đứng vững, một mình, can đảm. Mẹ biết tha thứ, trung thành. Trong giây phút quan trọng nhất của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ hiến dâng với con mình. Mẹ Maria xem ra đã mất tất cả, nhưng được ở với Chúa Giêsu, Mẹ cảm thấy quá đầy đủ. Và như thế Mẹ trở thành mẫu gương của Hội Thánh, đứng dưới chân Thập Giá.

Tôi muốn kể lại đây một sự kiện trong đời tôi. Hồi năm 1957 khi học tại Rôma tôi đã đi Lộ Ðức để cầu nguyện với Ðức Mẹ. Trước hang đá, tôi đã suy niệm lời Mẹ nói với Thánh nữ Bernadette: "Mẹ không hứa cho con các niềm vui và an ủi trên trần gian này, nhưng các thử thách và khổ đau". Tôi đã có cảm tưởng rằng các lời đó cũng được nói với tôi. Và tôi đã chấp nhận sứ điệp đó với ít nhiều sợ hãi.

Trở về Việt Nam tôi đã làm giáo sư, rồi giám đốc chủng viện, tổng đại diện và sau cùng giám mục Nha Trang. Có thể nói rằng công việc mục vụ của tôi gặt hái nhiều thành công. Tôi trở lại Lộ Ðức mỗi năm và tôi thường tự hỏi: "Có lẽ các lời Ðức Mẹ đã nói với chị Bernadette không dành cho tôi đâu?" Nhưng rồi năm 1975 đã đến: tôi bị bắt vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bị tù, bị biệt giam. Và tôi nhận ra rằng Ðức Mẹ đã muốn chuẩn bị cho tôi ngay từ năm 1957!
 
Mẹ Maria là Tình Yêu được chia sẻ

Vì sống hoàn toàn cho Thiên Chúa, Ðức Maria không xa lạ với thế giới. Trái lại, đối với Mẹ thế giới là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, là nơi chờ đợi Ðấng "vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi của chúng tôi, đã từ trời xuống thế".

Cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta hãy soi ngắm chính mình nơi Ðấng là "thửa đất chứa đựng Ðấng không thể nào chứ đựng nổi": Mẹ là Ðấng đón nhận và chia sẻ ơn cứu độ đó.
 
9. Vội vã băng đồi vượt núi

Ngay lập tức Ðức Maria đem tin vui đến cho chị họ là bà Êlidabét: Mẹ chia sẻ tình yêu mà Thiên Chúa đã thông truyền cho Mẹ. Mẹ ở lại ba tháng để phục vụ người chị họ. Mẹ khiến cho Gioan Tẩy Giả nhảy mừng vì gần gũi ơn cứu độ. Và Mẹ tiếp tục sống với Chúa Giêsu ở trong lòng Mẹ, cảm thấy Thiên Chúa Làm Người lớn lên trong mình. Ðó cũng là con đường của Hội Thánh: phục vụ con người bằng cách đem thông truyền cho con người chính Chúa Giêsu đang sống trong chúng ta. Và như thế là đem ơn cứu rỗi và niềm vui tới cho con người. Nào ai biết được có bao nhiêu lần bà Êlidabét và Mẹ Maria đã cùng nhau hát lên bài ca "Linh hồn tôi tung hô Chúa"!
 
10. Họ trông thấy con trẻ, với Ðức Maria Mẹ Người

Ðức Maria là nữ sứ giả của lòng thương xót. Trong cảnh nghèo hèn tột cùng của hang đá, Mẹ đem đến cho thế giới kho tàng vĩ đại nhất. Ðó là chính Chúa Giêsu. Mẹ đưa ra và trao ban Ngài cho các mục đồng và các đạo sĩ. Và ngày nay Mẹ cũng tiếp tục làm như thế. Tại Guadalupe, tại La Vang quê hương của tôi, Mẹ Maria, Ðấng đem Chúa Giêsu cho người nghèo, cho kẻ ngoại kiều. Mẹ là ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng; và Mẹ chỉ đường cho công tác truyền giáo.
 
11. Hãy làm bất cứ gì Người nói

Với Chúa Giêsu, Mẹ Maria hiện diện trong mọi thực tại cuộc sống: hiện diện tại Ain Karim dịp trẻ Gioan chào đời, hiện diện tại Cana trong một tiệc cưới. Mẹ chia sẻ niềm vui mừng và niềm Hy Vọng. Mẹ lo lắng cho một đôi tân hôn gặp khó khăn với sự tế nhị, dễ thương và kín đáo. Mẹ dạy chúng ta biết lắng nghe Chúa Giêsu và tín thác rằng Ngài sẽ trợ giúp khi thời điểm tới. Mẹ chia sẻ với các Tông Ðồ việc đợi chờ Chúa Thánh Thần trong nhà Tiệc Ly. Sống giữa mọi người, trong cuộc sống thường ngày, Mẹ Maria là mẫu gương của một Hội Thánh biết chờ đợi và đón nhận giờ của Thiên Chúa: biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
 
12. Này là con Bà... Và người môn đệ nhận Mẹ vào nhà mình

Ðứng bên Thập Giá, Mẹ Maria đón nhận tất cả các môn đệ của Ðức Giêsu như con Mẹ, và hơn thế nữa đón nhận toàn thể nhân loại, không phải chỉ những người thánh thiện mà cả những kẻ tội lỗi nữa. Mẹ trao ban Chúa Giêsu Chí Thánh. Mẹ đón nhận Gioan, người thánh thiện yếu đuối đã trốn chạy. Và Mẹ đón nhận người trộm lành, kẻ tội phạm trở thành thánh và anh em của Chúa Giêsu khi Ngài nói: "Thật thế, hôm nay ngươi sẽ cùng Ta ở trên Thiên Ðàng" (Lc 23,43). Trong lúc đó Mẹ Maria chấp nhận vai trò làm Mẹ của lòng thương xót... Rồi Mẹ sống suốt đời với Tông Ðồ Gioan, Tông Ðồ được Chúa yêu thương, chia sẻ với Gioan nỗi ưu tư về Nước Chúa. Bên Mẹ, Gioan luôn học hỏi lại những gì đã học được từ Chúa Giêsu; Thiên Chúa là Tình Yêu và chúng ta được mời gọi trở nên tình yêu. Với tư cách là Mẹ của lòng thương xót, Ðức Maria thôi thúc Hội Thánh lo lắng cho toàn nhân loại, trong các nhu cầu căn bản của con người, không phải chỉ qua gương tốt, mà cả trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị nữa.
 
Mầu nhiệm - hiệp thông- sứ mệnh

Với Ðấng mà chúng ta kêu cầu trong kinh Lạy Nữ Vương, như là "niềm Hy Vọng của chúng ta", tương lai của Hội Thánh tràn đầy Hy Vọng.

Ðức Thánh Cha, với lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa một cách thẳm sâu đã nói: "Vào bình minh của ngàn năm mới, chúng ta vui mừng nhận thấy nổi bật lên "chiều kích thánh mẫu" của Hội Thánh, ấp ủ trong mình nội dung sâu thẳm nhất của việc canh tân do Công Ðồng đề xướng" (Gioan Phaolô II trong bài giáo lý về các dấu chỉ Hy Vọng hiện diện trong Hội Thánh, trong: Quan Sát Viên Rôma 26-11-1988, tr.6).

Từ nơi Mẹ Maria, Hội Thánh học hỏi thực hiện chính xác gương mặt của Mẹ như Công Ðồng Chung Vatican II đề ra:

- Sống đắm chìm trong Mầu nhiệm Tình Yêu được đón nhận;
- Hiệp thông trong mọi khía cạnh của cuộc sống: Tình Yêu được đáp trả tương xứng;
- Hướng tới thế giới trong sứ mệnh: Tình Yêu được chia sẻ.

Theo sau Mẹ Ðức Giêsu, Hội Thánh bước theo con đường của Mẹ Maria, như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu Thế".

Dưới ánh sáng mười hai câu của Tin Mừng, chúng ta vừa chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường này: như 12 ngôi sao lung linh trang điểm trên đầu Mẹ mà sách Khải Huyền diễn tả trong phụng vụ ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
 
Mẹ Maria đã giải thoát tôi

Trong con đường đen tối của tù ngục, tôi đã cầu nguyện với Mẹ Maria với tất cả lòng đơn sơ: "Lạy Mẹ, nếu Mẹ thấy rằng sau này con không còn ích lợi gì cho Hội Thánh nữa, thì xin hãy ban cho con ơn được chết trong tù để dâng trọn đời con. Ngược lại, nếu con còn phục vụ Hội Thánh được, thì xin cho con ra khỏi tù vào một ngày lễ của Mẹ".

Một hôm, khi đang chuẩn bị ăn trưa, thì tôi nghe điện thoại của trực tù reo vang. "Có lẽ cú điện thoại này là cho tôi đây! Hôm nay là ngày 21 tháng 11, lễ Ðức Mẹ Dâng Mình vào Ðền Thánh". Quả thật, một lúc sau đó một người công an đến hỏi tôi:

- Ông ăn cơm trưa chưa?
- Chưa! Tôi đang nấu.
- Sau cơm trưa, ông nhớ ăn mặc tử tế. Ông sẽ lên gặp lãnh đạo.
Trưa hôm đó tôi đã được đưa đi gặp ông Bộ Trưởng Nội Vụ.
- Ông có muốn trình bầy ước mong gì không?
- Thưa ông Bộ Trưởng, tôi muốn được tự do.
- Khi nào?
- Hôm nay.

Bình thường thì không thể xin "hôm nay" được, bởi vì các vị lãnh đạo cần có thời giờ để thảo luận, để giải quyết các thủ tục. Nhưng tôi rất vững tin...

Ông Bộ Trưởng nhìn tôi kinh ngạc. Tôi giải thích:

- Thưa ông Bộ Trưởng, tôi đã bị tù quá lâu. Dưới ba triều đại Giáo Hoàng rồi: triều đại Ðức Phaolô VI, Ðức Gioan Phaolô I, và Ðức Gioan Phaolô II. Ngoài ra, tôi bị tù dười thời bốn vị Tổng Thư Ký của Ðảng Cộng Sản Liên Xô: ông Breznev, ông Andropov, ông Cermenko và ông Gorbachov!
Ông Bộ Trưởng bật cười và gật gù đồng ý:
- Ðúng thật, đúng thật!
Rồi ông quay sang vị thư ký nói:
- Hãy làm những gì cần thiết để thỏa mãn nguyện vọng của ông ấy.

Lòng tôi nhảy mừng: Mẹ Maria đã giải thoát tôi. Lạy Mẹ, con cám ơn Mẹ! Con Mừng lễ Mẹ!

Kính chào Maria, Mẹ Chúa Giêsu,
Là Mẹ và là mẫu gương của Hội Thánh Ngài.
Kính chào Mẹ, suối nguồn ơn thánh và lòng từ nhân,
mẫu gương của mọi sự tinh tuyền.
Mẹ là niềm vui trong châu lệ,
là chiến thắng trong đấu tranh,
là Hy Vọng trong thử thách,
Mẹ là đường duy nhất dẫn đến Chúa Giêsu.
Xin chỉ cho chúng con Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi.
Xin hãy tỏ Mẹ ra và như vậy cũng là đủ cho chúng con.
 
Lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Kết Thúc Tuần Tĩnh Tâm
 
Vào cuối cuộc tĩnh tâm, tôi cảm tạ Chúa vì Người đã cho tôi được vui mừng chia sẻ với anh em những ngày ân phúc và cầu nguyện này. Ðó là những ngày lắng nghe một cách nồng nhiệt và lâu dài tiếng Chúa Thánh Thần nói với tâm hồn chúng ta trong thinh lặng và trong sự chăm chú suy niệm Lời Chúa. Ðó là những ngày sống kinh nghiệm cộng đồng cao độ, như các Tông Ðồ trong nhà Tiệc Ly, tất cả đều chăm chỉ và đồng lòng trong lời cầu nguyện... cùng với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và các anh em của Chúa" (Cv 1,14).

"Tôi cũng nhân danh mỗi người trong anh em, cám ơn Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận rất quí mến, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, với sự đơn sơ và đầy tinh thần thiêng liêng, Ðức Cha đã hướng dẫn chúng ta trong việc đào sâu ơn gọi của chúng ta là trở thành những chứng nhân của niềm Hy Vọng theo tinh thần Tin Mừng vào đầu Ngàn Năm Thứ Ba này. Với tư cách là chứng nhân của Thánh Giá trong những năm dài ngục tù tại Việt Nam, Ðức Cha đã kể lại cho chúng ta nhiều sự kiện và giai thoại trong thời gian bị giam cầm, và qua đó, củng cố trong chúng ta niềm xác tín đầy an ủi dù khi tất cả sụp đổ quanh chúng ta và có lẽ cả trong nội tâm chúng ta nữa, Chúa Kitô vẫn mãi mãi nâng đỡ chúng ta. Chúng ta biết Ðức Tổng Giám Mục Văn Thuận - người mà trong tù chỉ là ông Thuận - vì chứng tá của Ðức Cha, một chứng tá có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong Năm Toàn Xá này".

"Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại là niềm Hy Vọng duy nhất của chúng ta. Ðược ơn phù trợ của Chúa làm cho vững mạnh, các môn đệ của Ngài đã trở thành những con người Hy Vọng. Không phải thứ Hy Vọng chóng qua để rồi làm cho tâm hồn chúng ta mệt mỏi và thất vọng, nhưng là niềm Hy Vọng chân thực, hồng ân của Thiên Chúa, được nâng đỡ từ trời cao, nhắm đạt tới Thiện Hảo tối cao và chắc chắn sẽ đạt tới Thiện Hảo ấy. Thé giới ngày nay rất cần niềm Hy Vọng ấy. Năm Ðại Toàn Xá chúng ta đang cử hành, giúp đưa chúng ta từ từ đào sâu những lý lẽ của niềm Hy Vọng Kitô giáo, chúng đòi hỏi và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta gia tăng niềm tín thác nơi Chúa và ngày càng tỏ ra cởi mở quảng đại đối với anh chị em mình".

"Xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm Hy Vọng, mà tối hôm qua vị giảng thuyết đã mời chúng ta chiêm ngưỡng như mẫu gương của Giáo Hội, cầu bầu cho chúng ta được niềm vui của Hy Vọng, để chúng ta cũng được sự hiện diện của Chúa Kitô biến đổi buồn sầu của chúng ta thành vui mừng, trong những lúc bị thử thách, như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmaus. "Nỗi buồn của các con trở thành vui mừng" (Tristitia vestra vertetur in gaudium).

"Với tâm tình đó, tôi thành tâm chúc lành cho tất cả anh em, và xin anh em tiếp tục đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện, nhất là trong cuộc hành hương tại Thánh Ðịa, mà nếu Chúa muốn, tôi sẽ được vui mừng thực hiện trong tuần tới đây".
 
18 tháng 3 năm 2000
Gioan Phaolô II 

"Chứng Nhân Hy Vọng"
Các Bài Giảng Tĩnh Tâm của Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận
cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma
trong Nhà Nguyện Mẹ Ðấng Cứu Thế
tại Vatican từ ngày 12 đến 18 tháng 3 năm Toàn Xá 2000


Không có nhận xét nào: