2019-Hy Lạp

Tường Thuật: Tường Vy - Biên tập (thêm phần chữ đỏ): Cha Chánh  - Photo của cả nhóm: cha Chánh (UK), cha Long (Roma), AC Thắng Yến (London), AC Quang Huỳnh (Oslo). AC Thọ Hương (Oslo), Tường Vy (Hòa Lan), Anh Chính (London), Chị Hảo (London), Anh Học (Đức), Cô Phương Trâm (London)

Mục đích chuyến đi này: (1) nghỉ Phục Sinh (2) khám phá Hy Lạp xem liệu có thể tổ chức 1 chuyên HH theo chân tông đổ dân ngoại Phaolo thăm các đia danh trong Tân Ước: Thesalonika, Corinto... 
Xin mời bấm vào đây xem album chuyến đi

NGÀY 22/4/2019: HỘI TỤ VỀ PHI TRƯỜNG ATHENS - (xin mời bấm vào đây xem hình)

Athens- thủ đô của Hylap, là điểm đến của nhóm chúng tôi trong kỳ nghỉ Phục Sinh- nơi được biết đến với những triết gia nổi tiếng, nền tảng triết học, bề dày lịch sử văn hoá, cái nôi của văn minh nhân loại và hơn hết chúng tôi muốn lần mò đến những nơi mà có dấu chân Thánh Phaolo đã đi qua trong hành trình truyền giáo của Ngài.

Nhóm chúng tôi gồm những anh chị em từ các nước Âu châu dưới sự linh hướng của 2 cha, đã nhanh chóng trở thành 1 gia đình nhỏ. Với những trận cười vang trời, bữa cơm thân mật trên sống dưới khê, món cháo chim cút, canh rau đay...là những ấn tượng đặc biệt đầu tiên...khó quên mở đầu cho kỳ nghỉ này.

Sau bữa cơm tối và thánh lễ tạ ơn, cả nhóm lội bộ đến khu phố cổ Plaka, nơi có những con phố nhỏ ngoằn nghèo dễ thương nhưng rất nhộn nhịp và tấp nập, nơi bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hylap, nơi bạn có thể trải nghiệm Athens by night rất thú vị và còn sót lại 1 số những di tích thời cổ đại bạn cũng có thể thấy.


Hành trình ngày thứ hai của chúng tôi là khu di tích lịch sử cổ đại của Athens được hình thành từ những năm 425-495 TCN.

Quần thể đền đài Acropolis nằm ở độ cao khoảng hơn 150m so với mực nước biển bao gồm: cổng Propylea, đền Partheon, đền Erechtheion, đền Athena Nike...với những hàng cột được chạm khắc rất đẹp, kiên cố, và những bức tượng còn sót lại, những sân nhà hát cổ....tất cả đã chứng minh 1 thời thật vàng son của Hylap cổ đại gần 2500 năm trước. Đứng trên ngọn đồi này bạn có thể ngắm toàn cảnh Athens ở phía dưới tuyệt đẹp.


Rời Acropolis chúng tôi băng qua khu đồi Aeropagus, nơi đã từng ghi dấu ấn của Thánh Phaolo. Ngài đã từng giảng dạy hàng ngày cho những người Hylap và cả Do thái khi Ngài thấy họ tôn thờ những thần vô danh mà họ không biết và Ngài đã chỉ ra rằng Đấng ấy chính là Đức Jesu Kito. Sự tích này được ghi lại trong Sách Tông đồ công vụ chương 17, 18-23.

Rời Acropolis, cả nhóm ghé ngang 1 khu nghỉ dưỡng để thưởng thức các món ăn đặc trưng của Hylap, nơi này phong cảnh rất dễ thương.

Tiếp tục hành trình đến Sounion, thăm đền thờ thần Poseidon (thần biển cả), trên đường đi bạn có thể nhìn thấy những bãi biển đẹp. Trong truyền thuyết của Hylap cổ đại đã có sự tranh giành lẫn nhau vai trò trở thành thần bảo hộ của Athens giữa nữ thần Athena và thần Poseidon, cuối cùng thần Athena đã thắng.


Quay trở về Athens, cả nhóm ghé ngang quảng trường Syntagma, 1 sân rộng với rất nhiều các chú bồ câu xinh xắn và 1 hồ phun nước chính giữa rất đẹp.

Đối diện quảng trường là toà nhà quốc hội của Athens. Ngay trước nhà Quốc hội là đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh, nhằm tôn vinh những người lính dũng cảm của Hylap đã hy sinh vì tổ quốc ttong suốt chiều dài lịch sử. Đài tưởng niệm này được canh gác suốt ngày đêm bởi 1 đội lính Hylap. Chúng tôi cũng được chứng kiến việc đổi phiẻn gác, với những chú lính canh khá đẹp trai trong trang phục váy xếp ly, điều đáng nói ở đây là họ mang đôi giày thấy ngồ ngộ, nó vểnh lên như đôi hia cổ, đã thế lại còn điểm thêm 1 túm bông màu đen to tướng ở đầu mũi.

Tuy vậy khuôn mặt họ lạnh như tiền và luôn trang nghiêm, những bước đi của họ rất chậm rãi vì còn phải nhấc cao chân vuông góc với bụng, và cứ mỗi lần chân rời mặt đất thì đôi giày hài hước của họ phải quẹt qua quẹt lại như những chú gà tìm mồi, nhìn rất thú vị.  

NGÀY 24/4/2019: ĐI METEORA - Xin mời bấm vào đây xem hình cả nhóm-

Ngày thứ 3 từ sáng sớm cả nhóm khởi hành đi Meteora, cách Athens khoảng 350km.



Nơi đây là quần thể các tu viện nằm lơ lửng cheo leo trên các mỏm núi đá, ở cao độ khoảng 600m so với mực nước biển. Meteora tiếng Hylap có nghĩa là “ lơ lửng trong không trung”.

Các tu viện này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14 gồm 24 tu viện, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại 6 cái gồm: Great Meteon, Varlaam monastry, Holy trinity monastry. Stefen monastry, Nikolas monastry và Rousanou. 

Với núi cao chót vót, địa hình hiểm trở, phương tiện vận chuyển duy nhất là chiếc giỏ treo trên đầu dây thừng nối từ đỉnh núi tới mặt đất , quả thật bạn mới hiểu sự khó nhọc, hiểm nguy và công phu biết chừng nào để xây dựng được các tu viện này.

Quần thể này đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá thiên nhiên thế giới năm 1988. Đây thực sự là 1 kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới.

Đến đây bạn như bước vào cõi thần tiên, cảnh sắc tuyệt vời, và bạn sẽ phải khâm phục người xưa sao có thể xây dựng được như thế.

Nơi đây cũng là bối cảnh của các bộ phim For your eyes only, Game of Thrones.

Trong số các tu viện ở Meteora (toàn bộ đều là các tu viện Chính thống giáo), chúng tôi viếng thăm tu viện Varlaam. Đây là 1 dòng nam được đặt tên theo tên của vị tu sĩ đầu tiên. Năm 1350 1 vị tu sĩ tên Varlaam đã đến ở đây và cất lên nhà nguyện nhỏ, lúc đó không ai theo ông tu cả, nên khi ông mất các ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Gần 200 năm sau, vào khoảng 1515 có 2 anh em tu sĩ đã đến đây và xây dựng lại tu viện này. Thời đó với địa hình hiểm trở, núi cao chót vót, phương tiện vận chuyển duy nhất từ lương thực, vật liệu xây dựng đến người chỉ bằng 1 sợi dây thừng nối từ đỉnh núi tới mặt đất, bạn mới hiểu được việc xây dựng được các tu viện này quả là kỳ công.

Bước qua cánh cổng, băng ngang 1 khoảng sân, leo lên 195 bậc thang, chúng tôi bước vào bên trong tu viện. Rất nhiều tranh ảnh về tôn giáo, các đồ dùng sử dụng trong phụng vụ được trưng bày rất đẹp tại đây. Phía sau tu viện có 1 thùng gỗ có thể chứa 12 tấn nước mưa, ngoài ra bạn cũng có thể thấy hệ thống ròng rọc với giỏ treo là phương tiện vận chuyển của ngày xưa.

Đứng trên tu viện này, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Meteora, ôi đẹp tuyệt vời! 


Ngày thứ 4 cả nhóm cùng ghé thăm thành phố Corinth. Trên đường đi ghé ngang sân vận động Panathenaic, nơi được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, cũng là nơi tổ chức thế vận hội mùa hè đầu tiên 1896. Đây cũng là 1 phần của sân vận động cổ, có thể coi là sân vận động lâu đời nhất hiện nay vẫn còn hoạt động.

Corinth, 1 địa danh được nhắc nhiều đến trong công cuộc truyền giáo của thánh Phaolo, nơi Ngài lưu lại đây 1 thời gian khá dài để rao giảng Tin mừng. Có thể nói thời gian đó Corinth là 1 thành phố phát triển rất phồn thịnh về kinh tế, kéo theo sự sa đoạ, ăn chơi của đủ mọi thành phần xã hội. Đó cũng là lý do Thánh Phaolo muốn đến đây để rao giảng Tin mừng.

Nếu nói đến Corinth mà không nhắc đến kênh đào Corinth là 1 thiếu sót. Đây là 1 kênh đào hẹp nhất thế giới dài khoảng 6,4 km. Ngắm nhìn dòng nước xanh biếc chảy qua các vách đá cao, được làm nên bởi bàn tay con người, thú vị biết bao.
----------------------------------
Kênh đào Corinth nối liền Vịnh Corinth và Vịnh Saronic trên biển Aegean. Kênh đào này cắt ngang eo biển Isthmus và tách bán đảo Peloponnesian ra khỏi Hy lạp, nhờ thế mà bán đảo lại trở thành một hòn đảo. Người ta đã đào một con kênh qua eo biển ngang với mực nước biển nên không cần dùng các thủy môn để điều chỉnh độ chênh lệch của mực nước. Kênh dài 6,4 cây và chỗ rộng nhất chỉ có 21,3 mét nên nhiều chiếc tàu hiện đại không thể nào qua được. Hiện nay kênh đào này chỉ phục vụ cho ngành du lịch.
----------------------------------------

Tiếp tục hành trình chúng tôi đến thăm khu di tích cổ Corinth với đền thờ thần Apollo, được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 6 TCN với 38 cột, hiện nay chỉ còn lại 7 cột.

Điểm đặc biệt trong khu di tích cổ này là Bema, đây là nơi thánh Phaolo đã bị các người Do thái đưa đến đây để nhờ quan toà Galio phán xử, vì họ cho rằng thánh nhân giảng dạy những điều trái với lề luật của họ. Tuy nhiên ông Galio đã từ chối xử án và nói với họ, ông chỉ xử những vấn đề liên quan đến luật pháp, còn về tôn giáo ông không can thiệp (Sách Tdcv.18,12-16).

Rời Corinth, chúng tôi về lại Athens và viếng thăm nhà thờ Công giáo xin làm lễ. (Nhưng hôm nay là Thứ năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh của Công Giáo thi lại là Thứ Năm Tuần Thánh của Hội Chính Thống. GHCG là thiểu số rất nhỏ ở Hy lạp, nên được phép cử hành Tuần Thánh theo lịch Phụng Vụ của Chính Thống Giáo). Bên cạnh nhà thờ là Academie of Athens cũng rất đẹp.

Buổi tối cuối cùng cả nhóm có 1 bữa cơm thật ấm cúng, đầy ắp tiếng cười.

Những ngày ngắn ngủi trôi qua thật mau, rồi cũng đến lúc chia tay.

Tạ ơn Chúa và Đức mẹ đã cho chúng con 1 kỳ nghỉ vui vẻ, học hỏi được nhiều điều bổ ích.

Cám ơn hai cha và tất cả các anh chị em đã cùng đồng hành. 1 kỳ nghỉ thật vui và gắn kết cả nhóm như 1 gia đình: những trận cười đau cả bụng chọc phá nhau là những kỷ niệm khó quên!

Chúc cả nhà mình thượng lộ bình an, tràn đầy ơn Chúa và nhiều niềm vui trong cuộc sống. Hy vọng cả nhóm sẽ có dịp gặp nhau vào kỳ nghỉ tới.

Nhớ nhau trong lời cầu nguyện!

NGÀY 26/4/2019 LÊN ĐƯỜNG TRỞ VỀ CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG - xem hình của nhóm



Xem thêm tài liệu về Athens -   Athens
Xem thêm tài liệu về Meteora

Không có nhận xét nào: