HÀNH HƯƠNG NĂM 2025

HÀNH HƯƠNG NĂM 2024

HÀNH HƯƠNG

GIÁO ĐÔ ROMA

Thánh Địa Do Thái

LINH ĐỊA MARIA

CÁC LINH ĐỊA

KINH NGUYỆN

Sách Tu Đức

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Lạm bàn về từ Hiệp Hành

 
Để chuẩn bị cho Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023, văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã ban hành cuốn cẩm nang “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Tài liệu này đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch và phổ biến bằng tiếng Việt. Đã có một số tranh luận liên quan đến vài từ khóa được sử dụng trong bản dịch. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin bàn đến từ “hiệp hành”.


 

Trước hết, chúng ta thấy rằng “hiệp hành” là một từ hoàn toàn mới, và vì nó mới nên nghe rất lạ. Bản thân tôi cũng lần đầu tiên nghe đến từ này. Ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt ý nghĩa, vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu xem người ta muốn nói đến điều gì khi dùng từ “hiệp hành”. Từ “hiệp hành” được dịch từ từ “synodal” trong tiếng Anh, danh từ của nó “synodality” (“tính hiệp hành”). Tuy nhiên, tiếng Anh cũng chỉ là một trong nhiều ngôn ngữ, nó vẫn là công cụ để biểu đạt ý nghĩa. Một lần nữa, chúng ta sẽ phải tìm hiểu xem người ta muốn nói gì khi dùng chữ “synod”, “synodal” hay “synodality”. “Synod”, “synodal” hay “synodality” có nguồn gốc từ từ Hy Lạp “σύνοδος synodos” và từ La-tinh “synodus”. “Syn” có nghĩa là “cùng với nhau” và “hodos” là “con đường”. Như vậy, từ “hiệp hành” được dùng để diễn đạt ý nghĩa “cùng đi với nhau”. “Cùng đi với nhau” chính là đặc tính thuộc căn tính của Giáo hội. Mục đích của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới cũng chính là để cổ võ việc thể hiện căn tính này một cách rõ nét hơn trong toàn Giáo hội.


 

Điều thú vị là tuy hầu như mọi người đều đồng ý với nhau về ý nghĩa “cùng đi với nhau” nhưng lại không thống nhất về từ ngữ dùng để diễn đạt hàm ý này. Theo tôi được biết thì tính tới thời điểm hiện tại chữ “synodal” có các cách dịch là “hiệp hành”, “đồng hành”, “đồng nghị”, “đồng đoàn”. Các từ “đồng hành”, “đồng nghị”, “đồng đoàn” được các dịch giả thâm niên sử dụng. Chắc chắn họ có lý do để dịch như thế. Ở đây tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân vì sao tôi không đồng tình với họ. Trước hết, từ “đồng hành” rất gần với nghĩa “cùng đi với nhau”. Rất tiếc “đồng hành” là một động từ, không phải tính từ mà ta muốn tìm để chỉ về Giáo hội. Hơn nữa, nói “Giáo hội đồng hành” sẽ dễ gây hiểu lầm Giáo hội là một thực thể tách biệt với đối tượng mà Giáo hội “đồng hành”. Đúng ra Giáo hội được cấu thành bởi những người đồng hành trong đức tin. Hai từ “đồng nghị” (cùng nhau bàn bạc) và “đồng đoàn” (cùng nhau tụ họp) có nghĩa gần giống nhau, diễn tả sự hiệp nhất trong Giáo hội. Tuy nhiên, theo lời một dịch giả, hai từ này đúng mà chưa thỏa đáng, vì chúng chỉ nói lên yếu tố “với nhau” thôi chứ làm nổi bật được việc “cùng đi”.

 

Trở lại với từ “hiệp hành”, như tôi đã nói ngay từ ban đầu, đây là một từ được chế ra để diễn tả tính chất “cùng đi với nhau” của Giáo hội. Khi chế ra một từ thì phải đảm bảo có người hiểu nó; và để từ đó được sử dụng rộng rãi thì phải có nhiều người hiểu nó. Có một cha Dòng Tên người Tây Ban Nha khá giỏi tiếng Việt. Cách sử dụng tiếng Việt của ngài có đặc điểm là khá nhiều từ được ngài tự chế ra. Những từ này đọc lên nghe lạ tai nhưng người ta hiểu ý ngài muốn nói. Tôi xin đưa ra thêm một ví dụ khác về việc chế từ. Vợ chồng đứa cháu tôi là người Việt ở Mỹ. Họ có hai con nhỏ và cố gắng dạy chúng sử dụng tiếng Việt khi ở nhà. Có lần người mẹ dạy đứa lớn không được làm điều này điều kia, vì như vậy là hư. Thế là một hôm đứa lớn tới mách mẹ là em nó còn “hư-er” nó nữa. Người mẹ hiểu ngay đứa bé muốn nói gì, vì “hư-er” là kiểu sử dụng tiếng Việt nhưng lại áp dụng cấu trúc so sánh hơn trong tiếng Anh. Tất nhiên các “từ chế” của vị linh mục hay của đứa bé kia sẽ không tồn tại lâu nếu không được người ta sử dụng phổ biến. Từ “hiệp hành” cũng theo nguyên tắc đó.

 

Có dịch giả tranh luận rằng từ “hiệp hành” là sai quy tắc ghép từ, vì từ “hiệp” luôn phải có một danh từ đi phía sau như hiệp nhất, hiệp lực, hiệp lòng, hiệp ý, hiệp định, hiệp hội, hiệp ước… còn ở đây “hành” lại là động từ. Điều này làm tôi nhớ lại tình huống một người khá am hiểu về tiếng Việt đâm đơn kiện công ty bảo hiểm về vụ việc liên quan đến từ “bị liệt” được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Theo người ấy thì từ “liệt” luôn là động từ, không thể là tính từ được. Do đó, hợp đồng quy định việc bồi thường trong trường hợp “bị liệt” là sai về mặt ngôn ngữ, phải ghi là “bị bại liệt” mới đúng. Tôi không nhớ rõ chi tiết vụ việc và kết quả kiện cáo như thế nào, nhưng rõ ràng là rất khó thể thuyết phục người ta rằng ghi “bị liệt” là sai quy tắc ngôn ngữ. Cũng vậy, theo thiển ý của tôi thì “hiệp hành” (hay bất cứ các “từ chế” nào khác) không cần phải tuân theo những quy tắc ghép từ nào (nếu có). Điều quan trọng là chúng ta hiểu được rằng người ta dùng từ “hiệp hành” (“hiệp” – hiệp nhất, kết hiệp; “hành” – đi) để diễn tả tính chất “cùng đi với nhau” của Giáo hội.

 

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại buộc người ta phải làm quen với một từ lạ hoắc như “hiệp hành”. Lý do là bởi vì chưa có từ nào khác diễn tả thỏa đáng ý nghĩa mà chúng ta muốn truyền đạt. Dẫu sao thì “hiệp hành” là một từ đã được sử dụng trong văn bản chính thức của Giáo hội. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là giúp nhiều người hiểu được ý nghĩa của từ này. Trong khi chúng ta tìm ra một từ nào khác chính xác hơn để thay thế thì từ “hiệp hành” vẫn có chỗ đứng của nó. Ước mong các dịch giả hay các chuyên gia ngôn ngữ Công giáo khi tranh luận về từ ngữ thì vẫn luôn giữ được tinh thần “hiệp hành” (hay gì gì đó tương tự). Có thể chúng ta sẽ mãi không “thống nhất” về ngôn ngữ nhưng điều quan trọng là chúng ta sống “hiệp nhất”. Hiệp nhất trong đa dạng cũng chính là đặc nét của Giáo hội.

 

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ (dongten.net)



MỘT GIÁO HỘI "ĐỒNG HÀNH" HAY "HIỆP HÀNH"?
Lm J.B. Lê Ngọc Dũng 

Không biết có nên đăng bài này hay không? Tôi đắn đo suy nghĩ mãi. Cuối cùng, vì chính "Tiến trình Thượng Hội đồng", kêu gọi mọi tín hữu tham gia góp ý và lắng nghe, và vì sự hiểu biết cần thiết để mọi tín hữu có thể thảo luận và góp ý một cách đúng đắn, tôi quyết định viết và đăng bài này. Nếu như có trái với những ý kiến của vị nào đó, thì xin thông cảm hoặc góp ý cùng nhau. 

Một Giáo hội "đồng hành" hay "hiệp hành"? 

Không biết có nên đăng bài này hay không? Tôi đắn đo suy nghĩ mãi. Cuối cùng, vì chính "Tiến trình Thượng Hội đồng", kêu gọi mọi tín hữu tham gia góp ý và lắng nghe, và vì sự hiểu biết cần thiết để mọi tín hữu có thể thảo luận và góp ý một cách đúng đắn, tôi quyết định viết và đăng bài này. Nếu như có trái với những ý kiến của vị nào đó, thì xin thông cảm hoặc góp ý cùng nhau. 

 Vấn đề ở đây là đề nghị thay đổi những từ ngữ, đang được sử dụng rộng rãi, liên quan đến Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 2021-2023. 

a- "Processo sinodale", "synodal process" được dịch Việt ngữ là "Tiến trình hiệp hành". 
Nay xin đổi thành: "Tiến trình công nghị" hoặc "Tiến trình Thượng hội đồng (cấp giáo phận)" 
b- "Una Chiesa sinodale", "A Synodal Church" đã được dịch là "Một Giáo hội hiệp hành", cũng được thấy trên các bài viết được đăng tải, cũng như những lời giảng dạy được thấy trên các video. 
Nay xin đổi thành: "Một Giáo hội đồng hành". 

1. Từ một thực tế 
Vào ngày Giáo Hội Việt Nam cử hành Thánh lễ khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng, cấp giáo phận, tôi hỏi một nữ tu: 
- Hôm nay tham dự Thánh Lễ sơ thấy có gì đặc biệt? 
Sơ ấy trả lời: 
- Dạ, con nghe nói gì đó về Thượng Hội đồng Giám mục, và cái gì đó hành... hành..., con không nhớ! 
- Có phải là hiệp hành không? 
- À, đúng rồi. Mà đó là gì, con không hiểu! Có phải là hành động hiệp nhất với nhau không, hay là hiệp nhau hành động? 
Tôi giải thích: 
- Có thể là như vậy, nhưng chủ đề của Thượng Hội đồng còn mang ý nghĩa nhiều hơn nữa. Bây giờ chị hãy nghĩ đến chữ "đồng hành" và thay cho "hiệp hành". 
Chị nữ tu ấy, như nhận ra được điều gì, nói: 
- Cha nói như vậy thì dễ hiểu quá. Nếu như hồi sáng mà con nghe nói là "đồng hành" thì con nhớ liền, vì con hiểu, như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emause. Còn nói "hiệp hành" thì khó hiểu nên con không nhớ. Nhưng mà cha nói có đúng không? 
- Tôi bảo đảm với chị là không sai chút nào. Chị cứ tin tôi. Khi nào nhà dòng tổ chức thảo luận góp ý kiến, chị cứ lấy ý tưởng "đồng hành" thay cho "hiệp hành" để thảo luận. 
Câu chuyện thực sự đã xảy ra, làm tôi mường tượng ngay vào trường hợp các nữ tu, thảo luận và góp ý về chủ đề của Thượng Hội đồng. Họ là những người tương đối cũng đã có học hành về Giáo lý, Tin Mừng... nhiều hơn các giáo dân trong các giáo xứ, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra trong cuộc thảo luận của các nữ tu? 
Một chị hỏi: 
"Dạ thưa chị Bề trên, chị cho em biết "hiệp hành" ở đây có nghĩa là như thế nào, vì em có hiểu được thì em mới có ý kiến". 
Chị Bề trên cũng cảm thấy lúng túng, không biết trả lời ra sao. Chị tự nhủ sao mình không hỏi cha Tuyên úy trước. 
Tôi thì thầm nghĩ, không biết là cha Tuyên úy sẽ giải thích bằng cách nào để cho các nữ tu được hiểu! 
Và tôi cũng nghĩ, không biết là cha sở sẽ giải thích bằng cách nào để cho các giáo dân của mình được hiểu! 
Tôi thấy cha Anphong Nguyễn Công Vinh, góp ý rất là hay:   
Theo từng thời, người ta có thể tạo ra những từ ngữ mới. Nhưng từ ngữ là để diễn đạt ý tưởng, vì thế từ ngữ ấy phải làm sao giúp người đọc hoặc người nghe nắm bắt ngay được một phần nội dung chính yếu. Hai từ Hiệp Hành vắn gọn, súc tích nhưng khá mới lạ, đa số Dân Chúa, cũng như những người thuộc các tôn giáo bạn khó lòng hiểu nội dung của nó, nếu không được những người chuyên môn giải thích. ("Tản mạn nhân đọc hai chữ 'hiệp hành", đăng trên trang Giáo phận Phan Thiết). 

2. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc chuyển dịch 
Tôi thử phân tích tại sao lại có sự chuyển dịch từ Việt ngữ "hiệp hành", mà "khá mới lạ" và "khó lòng hiểu nội dung" như vậy. 

2.1. Từ ngữ giống nhau 
Người chuyển dịch chắc bị bối rối bởi những chữ giống nhau: 
- Trong văn bản tiếng Ý có từ ngữ Processo sinodale, rồi cũng có Chiesa sinodale 
- Và tương tự bản tiếng Anh: Synodal process, Synodal Church 
Một Processo (tiến trình) và một Chiesa (Giáo hội) cũng đều có tính chất sinodale. Vậy sinodale này có nghĩa là gì, phải dịch làm sao? 
Có người nghĩ rằng sinodale ở hai cụm từ trên đều có cùng ý nghĩa, nên dịch thành: 
- Sinodale: hiệp hành => Tiến trình hiệp hành, Giáo hội hiệp hành 
- Sinodale: công nghị => Tiến trình công nghị, Giáo hội công nghị 
Cũng vậy, dịch cụm từ Un Sinodo sulla sinodalità;  a synod on synodality thành: 
- Một Hiệp hành về tính hiệp hành; 
- Một Công nghị về tính công nghị; 
Chúng ta thấy có gì đó không được ổn! 

2.2. Được nói là từ ngữ mới 
Người chuyển dịch cũng thấy rằng, cần phải tạo lập một từ mới, "hiệp hành", là vì Ủy ban Thần học quốc tế của Tòa Thánh nói đây là một từ ngữ mới. 
Cũng nên biết về Ủy ban Thần học: Sau khi đã nghiên cứu, thảo luận từ năm 2014 và 2017 Ủy ban đã ra bài viết với chủ đề "La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa" (Tính đồng hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội). Bài nghiên cứu của Ủy ban đã được dùng làm nền tảng thần học cho "Tài liệu chuẩn bị" và cho quyển "Cẩm nang" của Thượng Hội đồng. 
Trong số 5 của bài viết, Ủy ban có nói: 
 Trong văn thần học, giáo luật và mục vụ của những thập niên gần đây, việc sử dụng một danh từ mới, được đặt ra là “sinodalità”, với tính từ liên quan “sinodale” cả hai đều phát xuất từ chữ “sinodo”. 

2.3. Kiến thức về ngoại ngữ 
Người dịch cũng có thể phân vân và nghĩ rằng: Bản văn tiếng Ý của giáo triều Roma đã không dùng chữ accompagnare (accompany) hay accompagnamento (accompaniment)  thì tôi không thể dịch là "đồng hành". 
Thật ra chữ accompagnare hay accompagnamento có nguyên gốc Latin là companio, nói lên sự gần gũi gắn bó với nhau, ăn chung một tấm bánh. 
Companio gồm com + panis = với (with) + bánh (bread). 
Rõ ràng là thấy hình ảnh của sự "đi cùng nhau trên đường" (sinodo) mang ý nghĩa và khác nhau rất nhiều so với hình ảnh "ăn cùng một bánh" (companio). 
Companio cũng không là từ ngữ mang tính Giáo hội. 
Do vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không dùng chữ accompagnare mà dùng chữ camminare insieme (đi cùng nhau) để diễn tả chữ "sinodo". 

2.4. Được sử dụng rộng rãi 
Chuyển dịch với chữ "hiệp hành" được thấy đầu tiên ở các bản tin vào tháng 9 năm 2021, sau đó xuất hiện trong quyển Cẩm nang Thượng Hội đồng, trong các bài viết của soạn giả Việt Nam. Cuối cùng từ ngữ này đi vào các bài giảng, bài giải thích.  
Thiết nghĩ, những nhân tố: sự trùng lập về từ ngữ gây khó hiểu và tài liệu của Giáo hội nói là từ mới, có thể khiến cho dịch giả thiết lập một từ mới "hiệp hành" và đã được sử dụng rộng rãi. 
Tuy nhiên, tôi lại thấy có những khiếm khuyết trong cách chuyển dịch trên. Xin mạn phép phân tích để chúng ta có những từ ngữ đúng đắn hơn, có sự dễ hiểu hơn, để mọi thành phần trong Giáo hội có thể góp ý cho Thượng hội đồng một cách đúng đắn. 

2.5. Thời gian 
Khiếm khuyết không thể tránh khỏi nếu thời gian làm việc khá gấp rút. Đây là trường hợp của những người dịch thuật và biên soạn. Chúng ta rất kính trọng và biết ơn những người đã nhanh chóng chuyển dịch những bản tin của Giáo hội để cung cấp kịp thời các thông tin cho Giáo hội Việt Nam, những người đã nhanh chóng biên soạn để có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết và thực hiện kịp thời tiến trình Thượng hội đồng cấp Giáo phận. 
Nếu tôi đã nhanh chóng dịch thuật và biên soạn chắc cũng mắc phải nhiều khiếm khuyết. 
Chắc hẳn chúng ta đồng ý với nhau rằng, cứ dịch cứ viết để đáp ứng sự cần thiết trước, rồi từ từ sẽ điều chỉnh sau. 

3. Phân tích từ ngữ 

3.1. Từ ngữ mang nhiều nghĩa 
Một từ ngữ có thể mang nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh. 
Tính từ sinodale hay synodal xuất phát từ cùng một danh từ sinodo hay synod và dùng để chỉ một thuộc tính hay tính chất phát sinh từ chính danh từ đó. Danh từ đó có ý nghĩa như thế nào thì tính từ phát sinh cũng theo nghĩa đó. 
Nếu như danh từ sinodo có nghĩa là hội nghị thì tính từ sinodale mang nghĩa hội nghị. 
Nếu như danh từ sinodo có nghĩa là đồng hành thì tính từ sinodale mang nghĩa là đồng hành. 
Từ thời Giáo hội sơ khai 
Ban đầu trong Giáo hội, chữ synodus, sinodo, synod đã được dùng từ để chỉ một cuộc tụ họp, một hội nghị. Cho nên, tính từ sinodale, synodal có nghĩa là hội nghị. Vì vậy: 
Processo sinodale, sinodal process: Tiến trình hội nghị 
Vì Synodus Episcoporum, là một hội nghị được Bộ giáo luật Việt ngữ dịch là "Thượng Hội đồng Giám mục" thì  Processo sinodale được dịch là Tiến trình Thượng Hội đồng. 
Và nếu Synodus dioecesana, được dịch là "Công nghị giáo phận", thì Processo sinodale được dịch là: Tiến trình công nghị. 
Có một sự kiện rất trùng hợp giúp ta hiểu, được thấy trong thực tế: 
Tại Tổng giáo phận Hà Nội hiện nay đang thực hiện Tiến trình công nghị giáo phận (processo sinodale). Ngày 24-11-2021, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên công bố và triệu tập Công nghị giáo phận (Synodus dioecesana), nhân kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở vào năm 2022, với chủ đề canh tân đời sống Đức tin. 
Đồng thời cũng tại Tổng giáo phận Hà Nội, thực hiện tiến trình Thượng hội đồng Giám mục (processo sinodale) cấp giáo phận với chủ đề về Giáo hội đồng hành (Chiesa sinodale). 
Như vậy, Tổng giáo phận Hà Nội đang thực hiện hai tiến trình hội nghị khác nhau, có cùng một từ ngữ processo sinodale để diễn đạt, nhưng được gọi cách khác nhau, là: 
- Tiến trình Công nghị, tương ứng với Công nghị giáo phận (Synodus dioecesana); 
- Tiến trình Thượng Hội đồng, tương ứng với Thượng hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum). 
Phát sinh từ ngữ mới 
Ngày nay lại xuất hiện từ mới sinodalità, sinodale nhưng có gốc cũ là synodus, sinodo có nghĩa là "cùng nhau đi" hay "đồng hành". Tính từ Sinodale có nghĩa là đồng hành. Do đó, Chiesa sinodale hay Synodal Church được dịch là Giáo hội đồng hành. Danh từ mới sinodalità hay synodality được dịch là tính đồng hành. 
Tóm lại, sinodale, synodal có thể có nghĩa mang tính chất hội nghị (nghĩa thực tiễn từ xưa) hoặc tính đồng hành (nghĩa biểu tượng mới phát triển). Và như vậy cần phải dịch: 
- Processo sinodale, synodal process: Tiến trình hội nghị. 
- Sinodale Chiesa, synodal Church: Giáo hội đồng hành. 
Sinodalità, synodality: Tính đồng hành, nhưng đôi khi cũng có thể là Tính hội nghị, tính đồng nghị, tính công nghị tùy theo ngữ cảnh. 
Vấn đề dịch với chữ "đồng hành" hay "hiệp hành" sẽ được bàn ở các mục tiếp theo sau. 

3.2. Sinodus theo dòng lịch sử Giáo hội 
Sinodus là từ La tinh được chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp σύνοδος. Trong Giáo hội nói tiếng Hy Lạp, dùng từ σύνοδος để chỉ sự tụ họp, hội họp theo như văn hóa dân sự Hy Lạp. Ngay từ thời các Tông đồ, Giáo hội đã dùng chữ  σύνοδος để chỉ Công đồng, như Công đồng Giêrusalem. 
Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp. Khi chuyển dịch sang tiếng La tinh thì Giáo hội chuyển dịch từ ngữ Hy lạp σύνοδος thành Concilium hay Sinodus. 
Tuy nhiên, xuất hiện chính thức trong Giáo hội Công giáo La tinh là chữ Concilium, được dùng để chỉ Công đồng, tức là sự tụ họp, là hội nghị của của các Giám mục, để quyết định những điều quan trọng trong Giáo Hội. Trong Giáo hội Công giáo La tinh có Công đồng chung và có Công đồng giáo miền, Công đồng giáo tỉnh. 
Theo nghiên cứu của Ủy ban Thần học quốc tế, chữ σύνοδος được dịch là concilium với nghĩa  thông thường dân sự, là một hội nghị được triệu tập bởi cơ quan hợp pháp. Giáo hội La tinh thường dùng concilium vì nó nhắc lại tiếng Do Thái קָהָל - (qahal), hội đồng do Chúa triệu tập. 
Có thể nói σύνοδος đã được Giáo hội La tinh dịch với chữ concilium trong một thời gian rất lâu dài, khoảng 20 thế kỷ để chỉ các Công đồng, một loại hội nghị quan trọng nhất của Giáo hội. 
Cho đến thời Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 15 tháng 9 năm 1965, với tự sắc Apostolica Sollicitudo, đã sáng lập ra một thể loại hội nghị mới, được định danh với từ synodus. Đó là Synodus Episcoporum, được dịch Việt ngữ là "Thượng Hội đồng Giám mục" (đ. 342). Bộ giáo luật 1983, cũng đưa ra một thể loại hội nghị, cũng được định danh với từ synodus, là Synodus dioecesana, được chuyển dịch Việt ngữ là "Công nghị giáo phận" (đ. 460). 
Đây là một sáng kiến quan trọng trong Giáo hội của Đức Phaolo VI. Hầu như các Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức thay cho các Công đồng riêng. Trong Giáo luật tuy còn những quy định về công đồng riêng của giáo miền, giáo tỉnh nhưng trong thực tế không thấy có tổ chức nữa. 
Vì thực ra, Thượng hội đồng Giám mục không có quyền quyết định, chỉ có tư cách tư vấn cho Đức Giáo Hoàng, nên không có nguy cơ gây phân rẽ trong Giáo hội. Công đồng riêng thì có thể gây sự phân biệt nào đó trong Giáo hội, vì có quyền quyết định để ra những luật lệ riêng cho một miền hay một giáo tỉnh. 

Cũng xin thêm nhận xét về việc chuyển dịch từ ngữ: 
a- Conferentia Episcoporum: Hội đồng Giám mục; 
b- Synodus Episcoporum: Thượng Hội đồng Giám mục; 
c- Synodus dioecesana: Công nghị giáo phận. 

Chữ Conferentia (a) và Synodus (b) thì khác nhau nhưng vẫn dịch giống nhau là "Hội đồng". Để phân biệt, đã phải thêm chữ "Thượng". Nguyên từ La tinh đâu có chữ gì có nghĩa là Thượng! 
Rồi cùng một chữ Synodus ở hai trường hợp sau, cùng là chỉ hội nghị, (b và c), nhưng lại dịch khác nhau: "Hội đồng", "Công nghị". 
Trong bản Giáo luật Việt ngữ của nhóm Đ.Ô. Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành... thì dịch Synodus Episcoporum là "Thượng hội nghị Giám mục", bản của HĐGMVN dịch là "Thượng Hội đồng Giám mục". 

Việc chuyển dịch các từ ngữ quả là khá rắc rối, không dễ dàng! 

Trở lại vấn đề đang bàn, ta thấy trong Giáo hội La tinh, chữ synodus được sử dụng tương đối mới sau này; được sử dụng từ Công đồng Vatican II, để chỉ hội nghị (coetus, assemblea). 

Con đường công nghị 

Gần đây chúng ta cũng nghe nói về "Con đường công nghị" ở Đức, được cảnh giác là có nguy hiểm và dễ gây phân ly trong Giáo Hội. Nó là gì? Tác giả Colleen Dulle giải thích: 
Tóm lại, “con đường công nghị”(synodal way)  hay “lối đi đồng nghị”(synodal path), (tiếng Đức: “Synodaler Weg”) là một nhóm gồm 230 người tập hợp lại để thảo luận về những gì họ coi là một số vấn đề cấp bách nhất mà Giáo hội Công giáo ở Đức phải đối mặt. Nhóm bao gồm mọi Giám mục người Đức, cộng với đại diện từ các dòng tu, phong trào giáo dân, giáo phận và giáo xứ, trường đại học, chuyên gia tư vấn từ các giáo hội khác và các chuyên gia trong các lĩnh vực đang được thảo luận. 
Chữ way hay path trong tiếng Anh có nghĩa là con đường, lối đi nhưng ở đây được dùng với nghĩa là cách thức, phương cách. Giáo hội Đức muốn dùng phương cách công nghị hay đồng nghị, nghĩa là dùng cách hội họp, thảo luận của nhiều thành phần để giải quyết những vấn đề cấp bách của Giáo hội tại Đức. Phương cách này mới mẻ, có vẻ tương tự như Công nghị giáo phận, được nói trong Giáo luật, ở điều 460. Tuy nhiên, trong Công nghị giáo phận, Giám mục triệu tập nhiều thành phần dân Chúa để bàn về những giải pháp mục vụ trong giáo phận. Điểm khác biệt của con đường công nghị ở Đức, là không chỉ tổ chức hội nghị trong phạm vi giáo phận mà trong cả nước, với nhiều Giám mục và nhiều thành phần khác biệt nhau. 

Tiến trình công nghị ở Đức bắt đầu ngày 1/12/2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2/2022. 
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ Thượng Hội đồng Giám mục, không chỉ lấy ý kiến của các Giám mục, mà còn mở rộng lấy ý kiến từ mọi thành phần dân Chúa, thì có một số phản ứng và cũng có những người lầm lẫn hoặc thấy giống "Con đường công nghị” của Công Giáo Đức. 

Ngay tại Giáo hội Ý, Đức Hồng Y Chủ tịch HĐGM Ý, Gualtiero Bassetti, đã thanh minh rằng hành trình công nghị của HĐGM Ý sẽ không như "Con đường công nghị" của Đức. 

Và dĩ nhiên, chúng ta thấy rằng tiến trình công nghị của Thượng Hội đồng Giám mục cũng không giống với con đường công nghị của Giáo hội Đức. 
Về phương diện lập pháp, Công nghị Đức hay Ý hoặc Hoa kỳ... không là công đồng (concilium) nên không có quyền lập pháp. Nguy cơ phân rẽ, vì vậy, không đáng ngại. Công nghị chỉ có thể có tiếng nói mạnh mẽ góp ý cho Đức Giáo hoàng, cách riêng cho Thượng hội đồng Giám mục kỳ này. Mỗi Giám mục giáo phận Đức,Ý, Hoa kỳ... chỉ có thể dùng quyền lập pháp để lập luật riêng cho giáo phận của mình, nhưng luật này không được đi ngược lại luật phổ quát của Giáo hội. 

Mới khám phá về bản chất Giáo Hội 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà thần học ngày nay khám phá ra một ý nghĩa mới của Giáo hội, dựa vào cấu tạo của từ La tinh synodus. Và từ chữ synodus này phát sinh danh từ sinodalità (tiếng Ý) và tính từ là sinodale để diễn tả ý nghĩa mới đó. 

Đức Giáo Hoàng, trong bài diễn văn ngày 17-10-2015, đã nói: "Chúng ta ngày càng cảm nghiệm được nhu cầu và vẻ đẹp của việc 'đi cùng nhau' (camminare insieme)." Ngài còn nói sinodalità như là một chiều kích cấu thành (costitutiva) của Giáo Hội, với trích lời của Thánh Gioan Kim khẩu: "Giáo Hội và Sinodo đồng nghĩa với nhau". Ngài giải thích:   

Bởi vì Giáo hội không gì khác hơn là "đi cùng nhau" (camminare insieme)  của Đoàn chiên Chúa trên những nẻo đường lịch sử để gặp gỡ Chúa Kitô - chúng ta cũng hiểu trong lòng rằng không ai có thể “nâng” mình lên trên những người khác. Ngược lại, trong Hội Thánh, cần có người “hạ mình” xuống để phục vụ anh em trên đường đi. 
Ngài đề cập đến thực tế khó khăn của việc thực hiện "đi cùng nhau": 
Điều mà Chúa kêu gọi chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đã được chứa đựng tất cả trong từ "Sinodo". Đi cùng nhau (Camminare insieme) - Giáo dân, Mục tử, Giám mục Roma - là một khái niệm dễ diễn đạt thành lời, nhưng không dễ thực hành. 
Một cách thực tiễn, trong đời sống Giáo hội Việt Nam, chúng ta đã chẳng quen thuộc những ngôn từ này hay sao? 
- Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emause. 
- Chúa Giêsu đã về Trời nhưng Ngài vẫn ở cùng chúng ta, vẫn đồng hành với chúng ta trên đường dương thế. 
- Giám mục đồng hành với các linh mục, với dân Chúa. 
- Giám mục khuyên các cha sở: "Các anh em hãy đồng hành với giáo dân của mình". 
- Thầy giáo hãy  đồng hành với học sinh. 
- Cha mẹ hãy đồng hành với con cái trong việc giáo dục. 
Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đã dùng chữ "camminare insieme" (walking together) - đi cùng nhau - để giải thích chữ "sinodo". Giáo dân, Mục tử, Giám mục "đi cùng nhau". 
Trong tiếng Việt đã sẵn có từ "đồng hành" để diễn tả sự đi hay bước đi cùng nhau. Vì vậy, rất là thích hợp và đúng đắn khi dùng chữ "tính đồng hành" để dịch chữ sinodalità, sinodality. 

3.3. Chủ đề Thượng Hội Đồng 

Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, theo nguyên bản tiếng Ý được sử dụng trong giáo triều Roma là: Per una Chiesa sinodale: comunione, partecipazione e missione 
Tiếng Anh: For a Synodal Church: Communion, Participation and Mission 

Trọng tâm của chủ đề là Giáo hội, nhưng không là một Giáo Hội nói chung mà là muốn nói đến một đặc tính rất cốt yếu, là "đồng hành". Đây là một chủ đề được đem ta để bàn luận góp ý để thi hành, không phải là để đào sâu về lý thuyết. Về mặt lý thuyết, đã có các nhà thần học, cả một Ủy ban Thần học nghiên cứu đã ba bốn năm. Ủy ban cũng như Đức Giáo Hoàng đã xác định "đồng hành" thuộc bản chất Giáo Hội và đã nêu ra ý nghĩa và những nền tảng Kinh Thánh, Thánh Truyền để chứng minh. 

Thiết nghĩ, người tín hữu Công giáo hiểu được nội dung chính yếu của "Một Giáo hội đồng hành" là đủ. Phần quan trọng là suy nghĩ, góp ý để sống "tính đồng hành" của Giáo hội một cách mạnh mẽ hơn. 

Vì đã là bản chất, thì nó đã hiện hữu ngay trong Giáo hội từ lúc khai sinh, đã có từ xưa, chứ không phải bây giờ mới có. Danh từ "tính đồng hành" (sinodalità, synodality) được dùng để chỉ một thuộc tính của Giáo hội được coi là mới vì thuộc tính này được Đức Giáo hoàng và các nhà thần học mới khám phá, mới tìm ra nó. 

Quyển Cẩm nang ở số 5.3 nêu câu hỏi nền tảng để xin góp ý là: "Việc 'đi cùng nhau' hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của các bạn? Để Giáo hội được lớn lên...?" Câu hỏi đã hàm ý rằng tính đồng hành đã hiện hữu trong Giáo hội, thuộc bản chất Giáo hội. 

Đây là một câu hỏi mời gọi nhìn lại những "kinh nghiệm" đã trải qua, đã sống và hành động như thế nào về tính đồng hành của mình, để có thể đề ra những bước tiến bộ hơn, để cho Giáo Hội được lớn mạnh hơn. 

Câu hỏi nền tảng mời gọi chúng ta "hướng về" chính mình, về Giáo hội, một Giáo hội đồng hành để làm tốt hơn; chứ không "hướng tới" như là hướng tới một điều gì đó nằm ngoài chúng ta hay một điều gì đó ở tương lai. 

Bởi vậy, tiêu đề "Per una Chiesa sinodale..." hay "For a Synodal Church..." nên được dịch là: 
- "Vì một Giáo hội đồng hành...". Chữ "Vì" chỉ lý do tại sao tôi phải làm thế này thế kia. Ví dụ: "Vì Đức Kitô tử nạn: Bác ái, yêu thương, hy sinh mạng sống"; "Vì hạnh phúc con cái: lao nhọc, quan tâm, chăm sóc". 
- "Cho một Giáo hội đồng hành...". Chữ "Cho" chỉ mục đích nhắm tới và cũng chỉ một sự ủng hộ, làm thuận lợi, giúp vào, đẩy mạnh... Ví dụ: "Cho một gia đình hạnh phúc: yêu thương, chung thủy, hy sinh"; "Cho một giáo xứ đồng hành: tham gia, phục vụ, hy sinh". 

4. Hiệp hành hay đồng hành? 

4.1. Synodus: từ ngữ có tính biểu tượng 
Điều cần lưu ý ở đây là vấn đề của từ ngữ có tính biểu tượng. 
Trong các nền văn hóa, để diễn tả những ý nghĩa phong phú, người ta thường dùng những từ ngữ biểu tượng. Trong tôn giáo lại càng có nhiều từ biểu tượng để diễn tả những chân lý cao siêu, mầu nhiệm. Ví dụ như: 
- Giáo hội là hiền thê Chúa Kitô. 
- Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô. 
Đặc điểm của ngôn ngữ biểu tượng là đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa và có cấu trúc vững bền. Một khi ngôn ngữ biểu tượng đã hình thành trong văn hóa thì không thể thay đổi. Nếu thay đổi nó sẽ làm lạc mất ý nghĩa của biểu tượng đang dùng. 
Với lý do đó, chúng ta không nên thay đổi chữ Synodus, có gốc Hy Lạp σύνοδος, gồm hai thành tố: 
σύνοδος = σύν + ὁδός = với, cùng (with, syn-) + đường (way, path). 
Thành tố "σύν" có nghĩa là với, cùng, hoặc nói rộng ra một chút là với nhau, cùng nhau. 
Khi dùng chữ "hiệp hành" để chuyển dịch chữ từ synodus thì ta đã thay đổi thành tố quan trọng của nó: 
σύν - với, cùng (with, syn-) 
σύν - hiệp (?) 
Có thể thay đổi with, syn- với chữ khác như là: in union, joining, combining... có được không? Chắc chắn là không được. 

Trong tiếng Việt, chữ "với/cùng" và chữ "hiệp" rõ ràng mang nghĩa khác nhau. Nếu ta thay đổi chữ "với/cùng" bằng chữ "hiệp" thì ta đã thay đổi một thành tố của từ ngữ biểu tượng. Điều này không được phép vì sẽ làm thay đổi ý nghĩa mà biểu tượng muốn diễn tả. 

Biểu tượng nhiều khi đơn giản nhưng hàm chứa được nhiều ý nghĩa. Khi nó bị thay, ý nghĩa bị thay đổi.  Cả khi ta thêm vài nét để nó mang ý nghĩa tích cực hơn và nghĩ rằng làm cho nó hay hơn, nhưng ngược lại ta đã làm nó bị hạn hẹp ý nghĩa. 

Ví dụ trong "Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô", chữ "thân thể" mang nghĩa biểu tượng, ta không thể thay đổi thành "thân thể phục sinh", "thân thể da vàng", "chi thể"... 
Ví dụ như ta thay đổi thành "thân thể da vàng" thì ta đã hạn hẹp lại ý nghĩa của "thân thể", loại trừ đi da trắng, da đen. 

Khi ta đổi chữ "cùng" bằng chữ "hiệp" với lý do là chữ hiệp thì hay hơn, do có ý nghĩa của sự hiệp sức, hiệp thông, hiệp lòng, hiệp ý thì ta đã làm hạn hẹp lại ý nghĩa của biểu tượng "cùng đi với nhau", mà tiếng Việt vẫn thường nói là "đồng hành". 

Đồng hành: cùng đi 

Chữ "đồng" trong chữ "đồng hành" được dùng ở đây chỉ có nghĩa đơn sơ là "cùng" (with, together) và nó được dùng như biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Đừng vội giải thích hay gán cho nó cái nghĩa là đồng tâm, đồng lòng, đồng chí hướng, đồng nghị... hoặc hiệp lòng, hiệp thông, hiệp ý, hòa hợp... Cũng không nên phân tích, bình phẩm chữ "đồng" hay chữ "hiệp" theo Hán tự để tìm ý nghĩa  hay hơn, rồi chọn để dịch. 
Dịch giả phải dịch đúng ngay nguyên nghĩa của biểu tượng, và đây là chữ  σύν là insiemme, là with, có nghĩa là cùng, với. Chữ "đồng hành" có nghĩa là "cùng đi", đơn giản vậy thôi. Còn chuyện luận bình hay đào sâu những ý nghĩa của một biểu tượng về lý thuyết hay thực hành trong cuộc sống thì sẽ diễn ra sau. 
"Cùng đi với nhau" là một yếu tính của Giáo hội. "Giáo Hội và Sinodo đồng nghĩa với nhau" như lời Thánh Gioan Kim khẩu nói. Vì vậy, nó bao hàm nhiều vấn đề trong cuộc lữ hành trần thế, hệ tại ở chữ "cùng" với nhau, liên quan đến mối liên hệ, liên đới, hiệp thông, quyền lợi , nghĩa vụ... 
Hãy thử nghĩ đến những người: cùng một huyết tộc họ hàng; cùng sống trong một gia đình; cùng chiến đấu trong một đội quân; cùng một quốc gia đang bị xâm lược. Điều mà chúng ta nhận ra trước hết là mối liên hệ liên đới với nhau trong vận mệnh sống chết, vinh nhục, sướng khổ... Và từ đó đòi hỏi mỗi người phải "sống và hành động" như thế nào cho phù hợp. 

4.2. Theo tài liệu Giáo hội 
Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng,  Documento Preparatorio della XVI Assemblea Generale Ordinaria del Sinodo dei Vescovi, 07.09.2021, n.10 cho ta những chỉ dẫn quý giá: 

Sự đồng hành (Sinodalità) trong viễn tượng này, còn hơn rất nhiều (è ben più che) việc cử hành các cuộc họp trong Hội Thánh và hội nghị của các Giám mục, hay là vấn đề điều hành nội bộ của Hội Thánh; nó chỉ "phương cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội Dân Thiên Chúa, được biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình trong việc đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong  tụ họp hội nghị  và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên vào sứ vụ Phúc âm hóa của mình". Như vậy, những điều mà tước hiệu Đồng hành (Sinodo) đề ra là như những trục được kết hợp với nhau trong một Giáo hội sinodale:  hiệp thông, tham gia và sứ vụ. 

Theo đó, có thể thấy rằng: 
- Một Giáo Hội đồng hành (sinodale) còn hơn rất nhiều "việc cử hành các cuộc họp trong Hội Thánh và hội nghị của các Giám mục", nghĩa là, còn hơn rất nhiều một "Giáo hội đồng nghị".  
- Một Giáo Hội đồng hành (sinodale) còn hơn rất nhiều "vấn đề điều hành nội bộ của Hội Thánh", nghĩa là, còn hơn một "Giáo hội cơ cấu".
 
Và nếu như Ủy Ban Thần học và Tài liệu chuẩn bị nói synodus chỉ "cách thức sống và hành động" (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội, thì ta không thể hạn hẹp cuộc sống và hành động của Giáo hội chỉ vào sự hiệp sức, hiệp nhất, hiệp lòng, hiệp ý. 
Trong cuộc lữ hành trần thế của Giáo hội: 
- Nhiều người thuộc nhiều giai cấp, già trẻ lớn bé, khỏe mạnh đau yếu cùng đi. 
- Nhiều người trí thức khôn ngoan và người khờ dại cùng đi. 
- Nhiều người phú quý và người bần tiện cùng đi. 
- Nhiều người thánh thiện và người gian ác cùng đi. 
- Nhiều người vâng phục và chống đối cùng đi. 
- Nhiều người tâm trí bình thường và bất thường cùng đi... 
Bạn có thể kể nhiều thêm nữa, quả là có nhiều khác biệt về nhiều phương diện khác nhau, có phức tạp và khó khăn khi đi cùng nhau. Như Đức Phanxicô đã nói: đồng hành "là một khái niệm dễ diễn đạt thành lời, nhưng không dễ thực hành". 

Thử nghĩ đến lời khuyên: "Cha sở hãy đồng hành với giáo dân của mình". 
Trong giáo xứ có nhiều người như kể trên, ngoài những tín hữu đạo đức, còn có những tín hữu thờ ơ, lạnh nhạt và đôi khi cũng có những người lừa lọc, bỏ đạo, chống đối, nổi loạn... cha sở vì trách nhiệm của vị mục tử phải đồng hành với họ để làm sao họ có thể sống và hành động theo Thánh ý Chúa, theo Tin Mừng. "Đồng hành" đối với cha sở như thế nào, quả là một vấn đề khó. Nó là khó xét với "trách nhiệm", "nghĩa vụ" trong sứ vụ được trao phó của một mục tử. Ngài phải chu toàn sứ vụ: cai quản, ngôn sứ và thánh hóa của mình. 

Nếu chỉ đòi cha sở phải "hiệp" hành, thì nó như một đòi hỏi đạo đức luân lý. Ngài "hiệp" với họ được hay không là tùy vào lòng đạo đức của ngài. 

Cũng hãy nghĩ đến những "bổn phận", "nghĩa vụ" mà người tín hữu "buộc phải làm" là vì cùng "sống và hành động" (vivendi et operandi) "cùng/với" tín hữu khác. Điều này nằm ngoài và lớn hơn vấn đề hiệp sức, hiệp lòng rất nhiều. Chúng ta thấy việc chu toàn "bổn phận" hay "nghĩa vụ" của mỗi người là điều rất quan trọng trọng một cuộc lữ hành. 

Ngoài vấn đề bổn phận, nghĩa vụ của mỗi người trong hành trình, còn phải kể đến những vấn đề khác như quyền hành, tổ chức, trật tự, kỷ luật, tự do cá nhân... Vì vậy, Giáo hội nói chung và riêng mỗi người tín hữu đều phải suy tư cầu nguyện và góp ý xây dựng trong ơn Chúa Thánh Thần. 

4.3. Khó hay dễ hiểu 
Khi chuyển dịch synodus thành chữ "hiệp hành" người ta tưởng lầm là sự hiệp nhau hành động. Chữ "hành" được hiểu là "hành động"; không được hiểu là "đi". 
Chữ "hiệp hành" cũng có thể hiểu là hành hiệp, là thi hành những điều trượng nghĩa, tốt đẹp, trừ gian diệt bạo, như trong một số phim truyện: Hiệp hành thiên hạ, Thiếu hiệp hành..., như bài hát Du Hiệp Hành. 

Người ngoài Công giáo có thể hiểu lầm rằng Giáo hội Công giáo hiệp hành, trừ gian diệt bạo! 
Sự tưởng lầm, khó hiểu đòi hỏi phải giải thích, phải cố gắng giải thích và sự giải thích này cũng không dễ gì được lãnh hội. 

Ngược lại, chữ "đồng hành" rất dễ hiểu, tương hợp với Lời Đức Thánh Cha Phanxicô "là một khái niệm dễ diễn đạt thành lời". Tôi thấy nó đáp ứng được đề nghị rất hữu lý của cha Anphong Nguyễn Công Vinh: "... từ ngữ ấy phải làm sao giúp người đọc hoặc người nghe nắm bắt ngay được một phần nội dung chính yếu". 

Mọi tín hữu hầu như nắm bắt được ngay nội dung chính yếu của khái niệm "Giáo hội đồng hành" (sinodale, sinodal) hay tính đồng hành (sinodalità, synodality) của Giáo hội. Và từ đó họ có thể suy nghĩ, thảo luận, góp ý khi thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng kỳ này. 

Cũng có ý kiến có vẻ e ngại rằng, đồng hành là động từ thì làm sao gắn với chữ Giáo hội? 
Đúng là có thể thấy động từ đồng hành xuất hiện trong một câu, ví dụ như: "Giáo hội đồng hành." (là một câu, khác với cụm từ một Giáo hội đồng hành), "Cha sở đồng hành với giáo dân.". 

Tuy nhiên có thể thấy danh từ đồng hành, như trong từ ngữ "tính đồng hành" (sinodalità, synodality). 
Và có thể thấy tính từ đồng hành, như cụm từ "Một Giáo hội đồng hành", hay trong câu: "Vì một Giáo hội đồng hành, tôi cần phải góp ý về vấn đề rao giảng Tin Mừng như sau: ...". Trong cấu trúc câu này, danh động từ hay danh từ đồng hành được ghép vào và có vai trò như một thuộc từ hay tính từ. Nó đi sau một danh từ, theo như cấu trúc thông thường của Việt ngữ danh từ đi trước tính từ đi sau. 

Kết luận 

Cuối cùng, xin gợi ý: Nếu như bạn đọc hay nghe chữ "hiệp hành" mà thấy khó hiểu thì bạn cứ hãy thay thành chữ "đồng hành" thì bạn sẽ dễ hiểu, và bạn cũng không hiểu sai hoặc thay đổi nội dung của bài viết hay bài giảng về Thượng hội đồng kỳ này. 
Synodus - đồng hành, theo Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng, là nói đến "phương cách", "kiểu cách", hay "đường lối" (modus) "sống và hành động" (vivendi et operandi) "riêng biệt" hay "đặc thù" (specifico) của Giáo hội. 

Mà cách sống đặc thù của Giáo Hội là gì ? Đó tất nhiên là phải sống và hành động theo Giáo huấn của Chúa, của Tin Mừng. Và ở đây, "cùng đi" nhấn mạnh đến sự liên hệ liên đới với nhau trong cuộc sống và hành động. Lời Chúa dạy phải chăng là: Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, yêu mến anh em như chính mình; hãy vâng phục quyền bính, tôn trọng thứ tự luật lệ; hãy sống yêu thương giúp đở lẫn nhau, phục vụ nhau, chỉ bảo cho nhau, lắng nghe tôn trọng nhau; hãy khiêm tốn, chia sẻ vui buồn sướng khổ, nâng đở nhau khi gặp khó khăn trên đường đời đầy chông gai...? 
Đúng là những điều trên, và có thể kể nhiều điều hơn nữa, là rất cần thiết cho cuộc lữ hành, mà dân Chúa đang "đi cùng nhau", đang "đồng hành", cùng chung chia vận mạng trên con đường dương thế tiến về quê trời. 

Lm J.B. Lê Ngọc Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét