HÀNH HƯƠNG NĂM 2025

HÀNH HƯƠNG NĂM 2024

HÀNH HƯƠNG

GIÁO ĐÔ ROMA

Thánh Địa Do Thái

LINH ĐỊA MARIA

CÁC LINH ĐỊA

KINH NGUYỆN

Sách Tu Đức

Cha FX Trương Bửu Diệp

Ngày cuối đời của linh mục chánh xứ 
Phanxico Trương Bửu Diệp
Biến cố ngày 12.3.1946 của họ đạo Tắc Sậy,

Vào khoảng thời gian 45-46, sau khi Nhật đảo chánh Tây và khi Nhật đầu hàng đồng minh bởi bom nguyên tử ở Hiroshima va Nagazaki thì Tây trở lại nắm chính quyền, dân chúng miệt Cà Mau phải sống trong sợ hải vì nạn “Thổ Ruồng”. Ai ở vùng đó mới biết sự kinh hoàng của nạn “Thổ Ruồng” ra sao? Và cũng biết được lý do của nạn này.

Vì không thể ở trong điền của chúng tôi tại Cây Gừa, nên gia đình chúng tôi phải di tản đến Tắc Sậy. Ở đó mấy hôm, tôi được biết cứ mỗi sáng, sau khi thánh lễ xong, Cha sở Trương Bửu Diệp, mặc áo dòng đen, tay cầm cuốn kinh, đi tới, lui, dọc theo lộ xe chạy, để vừa đọc kinh vừa cho tốp người Miên trông thấy mà không dám vào nhiễu hại giáo dân trong xóm đạo. Khi thấy họ đi xa rồi, Cha mới vào nhà điểm tâm và làm việc hằng ngày.

Sau khi chúng tôi ở lại đây khoảng 10 ngày thì xảy ra biến cố ngày 12 tháng 3 năm 1946.  Hôm đó sau khi ăn sáng và phụ chị tôi dọn dẹp căn phòng của trường học xứ đạo mà Cha sở cho gia đình chúng tôi tạm trú, thì bà thân sinh tôi kêu chúng tôi ra ngay sân nhà thờ để cùng với giáo dân tập họp tại đó. Thế là chúng tôi vội vả chạy ra, không mang theo gì cả. Ở đó có một toán người mặc thường phục, tay cầm súng, áp tải hai bên, ra lệnh cho mọi người tiến về phía Cây Gừa, đi theo đường ruộng chớ không đi theo đường lộ xe chạy.

Gia đình chúng tôi gần 10 người, trong đó có 2 cậu họ, không có đạo Thiên Chúa. Chúng tôi đi theo Cha sở Trương Bửu Diệp và một số đông người khác ở xóm Tắc Sậy, người Công Giáo và người lương, tổng cộng khoảng 100 người.

Vì không quen đi guốc trên đường đất nẻ mùa khô tháng 3, em tôi và tôi trì trật đi lâu quá làm cho bà thân sinh tôi kêu chúng tôi bỏ guốc đi chân không cho mau. Tuy đau chân nhưng dễ đi hơn, chúng tôi cố gắng vừa đi vừa chạy cho kịp mọi người.

Đến Cây Gừa vào khoảng giữa trưa, họ gom chúng tội vào sân nhà ông Bảy Sự. Ở đó có sẵn một toán người nữa, đông hơn, cùng với mấy người Nhật mang gươm dài đang đứng chờ. Toán người ở sân bao quanh và chỉa xà beng nhọn vào chúng tôi. Tôi còn nhớ buổi trưa, sân gạch nóng quá nên em tôi và tôi cứ nhảy chân này sang chân kia cho đở nóng. Lúc ấy Cha sở Trương Bửu Diệp đứng ở giữa chúng tôi, có lẽ vì Ngài thấy nhóm người vũ trang chỉa súng và xà beng vào chúng tôi nên Ngài kêu chúng tôi quỳ xuống để ban phép giải tội lòng lành và chúng tôi cũng đọc kinh ăn năn tội để dọn mình chết.

Một lúc sau họ bảo chúng tôi vào lẫm lúa của ông Bảy Sự, có Cha Trương Bửu Diệp cùng vào với mọi người. Trong lẫm có một lớp lúa hay trấu gì đó, tôi không còn nhớ rõ, và mọi người vây quanh Cha sở. Từng nhóm gia đình ngồi đó bàn tán nho nhỏ, không ai hiểu tại sao mình bị bắt giam tại đây. Một vài đứa trẻ khóc vì khát. May thay có một vài người mẹ nhớ đem theo nước cho con mình và chị hai tôi xin nước đó cho đứa con nhỏ của chị uống. Cha sở Trương Bửu Diệp cũng dùng nước ấy để rửa tội cho vài người lương, theo lời yêu cầu của họ, sau khi dạy họ biết mấy tín điều cần thiết trong trường hợp cấp bách này. Một số người công giáo khác cũng đến xin Cha giải tội, nên tất cả mọi người dồn vào một góc, chừa chỗ giữa trống cho Cha ngồi tòa.

Sau đó có người mang thùng nước vào cho uống và cho biết ai không có đạo thì đi ra để giam vào một chỗ khác cho rộng. Tức thì có nhiều người đứng lên đi ra, nên 2 cậu tôi là người lương cũng theo ra.

(Kể đén đây, tôi xin mở ngoặc để nói về bà thân sinh của tôi một chút, với chủ ý là tôi muốn kể thật trung thực mọi chi tiết sự việc xảy ra ngày hôm đó: Má tôi là một bà góa, năm đó được 43 tuổi, học ít, chỉ biết đọc biết viết như phần đông dân vùng đó thời bấy giờ, nhưng tôi rất thán phục má tôi vì tính tình cương quyết, can đảm, bình tĩnh, ứng xử nhanh nhẹn trong hoàn cảnh khó khăn, khẩn cấp.

Lúc 2 cậu người lương của tôi đứng lên để đi ra, bà dặn mang dùm cái giỏ mây trao lại cho ông ngoại tôi và thưa với ông là khi nào ông nghe tin gia đình tôi chết hết rồi thì xin ông hãy xữ dụng tùy ý tất cả nữ trang tiền bạc trong giỏ ấy. Nói tóm lại, đó là tất cả tài sản của gia đình chúng tôi. Lúc đi đường tôi không thấy bà cầm giỏ này, hỏi ra thì bà không muốn xách theo mình để tránh sự chú ý của những người quen biết, nhưng bà để cho một người cậu tôi xách hộ.

Tôi xin kể tiếp: Sau khi phân ra đạo ngoại, có người đến mời Cha Trương Bửu Diệp ra ngoài. Lúc trở vào, Ngài có vẻ ưu tư nhưng không nói gì. Cha đến từng  nhóm gia đình, nói vài lời an ủi, khuyến khích. Khi đến bên gia đình tôi, Cha hỏi bà thân sinh tôi:”Cô họa đồ có sợ không?” (Cô họa đồ là danh từ mà Cha thường gọi bà thân sinh tôi) Và bà thân sinh tôi thưa với Cha là không sợ. Đó là câu nói sau cùng của Cha với gia đình tôi. Sau khi đi một vòng, hỏi han từng gia đình, Cha trở lại, ngồi giữa giáo dân, lấy chuỗi ra lần hột. Như thường ngày, hôm ấy Cha cũng mặc chiếc áo bà ba vải trắng, quần vải đen. Cha ngồi ở giữa chúng tôi  như vị chủ chăn ở giữa đàn chiên mình.

Khoảng 3 giờ chiều, có người vào mời Cha ra lần nữa. Cha ra lần này thì tôi không còn thấy Cha trở vào (có người nói Cha được mời ra 3 lần, nhưng tôi chỉ nhớ có 2). Khi Cha ra rồi thì có mấy người vũ trang bước vào. Một người trong bọn có vẽ là chỉ huy, ra lệnh cho các thanh niên thiếu nữ từ 18 đến 25, chưa có gia đình, phải đứng ra một bên, không tuân sẽ nặng tội. Từ từ có vài thanh niên thiếu nữ đứng lên. Chị ba tôi năm ấy được 19 tuổi cũng muốn đứng lên nhưng bà thân sinh tôi  ngăn lại, bảo cứ ngồi im và bà kêu chị hai tôi (chị có đứa con nhỏ mà tôi kể trên) đưa chiếc nhẫn cưới của chị cho chị ba tôi đeo. Chắc ý bà nghĩ đơn sơ là hễ đeo nhẫn là kể như đã có gia đình rồi. Trong số các thiếu nữ có người biết chị ba tôi nên nhìn mãi chị làm chị sợ hãi không dám ngước lên. Khi một người trong  bọn vũ trang đi quanh kiểm soát, đến gần gia đình tôi, tôi sợ quá, nhưng ba thân sinh tôi vẫn điềm nhiên ngồi nhai trầu, vì bà đi đâu cũng không quên giỏ trầu cả. Người lính ấy dừng lại, ngó chúng tôi một lúc, rồi không hiểu sao, y quay đi và tuyên bố: “Những thanh niên thiếu nữ này, chiều nay sẽ bị giết hết!” Câu nói ấy như một luồng điện, khiến mọi người nín thở, tái mặt nhìn nhau. Các thiếu nữ có người bật khóc và cha mẹ của những người này cũng khóc theo.

Tuyên bố án tử ấy xong, họ bỏ ra ngoài. Không khí chết chóc như bao trùm lấy chúng tôi. Một giáo dân cần tiểu tiện xin ra ngoài, lúc trở vào báo tin, chung quanh lẫm lúa đã bị chất rơm khô rồi! Tin này loan ra làm mọi người nhốn nháo. Anh rễ tôi ẫm đứa con nhỏ đến bên vách lẫm, lấy tay gỏ thử ván vách và tôi nhận thấy ván còn rất chắc. Trong sự căng thẳng tột độ, chúng tôi lại ngồi chờ coi việc gì sẽ xảy ra, không còn ai nói chuyện với ai nữa. Bỗng cánh cửa lẫm hé mở, tôi thoáng thấy một người lính Nhật với cái gươm dài đeo ở thắc lưng, ra dấu gì với người lính Việt và cả hai đều quay lưng đi. Họ vừa khuất thì chị hai tôi hốt hoảng nói với bà thân sinh tôi là chị sợ Cha Diệp đã chết rồi vì chị thấy người lính Nhật bị đứt tay và y liếm máu nơi tay y. Chị tôi nói nhỏ thôi nên chỉ có gia đình chúng tôi nghe, và tôi lại càng run hơn nữa.

Lại một thời gian nữa trôi qua, mặt trời chắc sắp lặn vì bóng tối lan dần trong lẫm lúa. Một giáo dân ngồi gần cửa ra vào, nghe bên ngoài vắng lặng nên hé cửa ra xem. Khi không thấy còn ai gác nữa, báo cho mọi người biết. Thế là từng người lần lượt đi ra trong sự phập phòng hoang mang. Chúng tôi cũng theo ra. Trời chập choạng tối mà chúng tôi không biết phải về đâu? Về lại Tắc Sậy lấy đồ đạc? Hay về lại trong điền chúng tôi tại Cây Gừa? Sau cùng bà thân sinh tôi quyết định về nhà, nên chúng tôi đến chỗ cầu đúc Cây Gừa, ngó sang bờ sông đối diện, mong có ghe xuồng quen cho quá giang. Khi sang sông rồi chúng tôi tiếp tục đi bộ ven mé rạch dẫn về nhà, cách đó hơn cây số. Chúng tôi nối tiếp nhau đi trên bờ đê, thân thể rã rời, tinh thần nửa tỉnh nửa mơ, không còn ai đủ sức nói gì nữa. Chúng tôi đi trong cảm giác cô đơn lạc lỏng...

Sáng hôm sau, chúng tôi mới hay tin là Cha Trương Bửu Diệp đã bị giết, xác Ngài được an táng ở nhà thờ Khúc Tréo. Một đại tang đến với gia đình chúng tôi và với giáo dân họ đạo Tắc Sậy. Mãi đến sau này tôi mới biết lý do: Cái chết của Cha Trương Bửu Diệp là sự đối nghịch giữa hai tôn giáo và Cha đã mặc cả để Cha chết thay cho toàn thể giáo dân họ đạo Tắc Sậy.

“Thật không có tình yêu nào lớn hơn

tình yêu của một chủ chiên
chết thay cho đoàn chiên mình”.

Người viết,
Nguyễn thị Kiêm
(được Cha Trương Bửu Diệp rửa tội ngày 3.5.1933 tại Tắc Sậy)

********

Thủ Đức ngày 30.11.1995

Kính gởi Cha sở họ Tắc Sậy,

Con xin gởi đến Cha bài tường thuật biến cố ngày 12.3.1946 của họ đạo Tắc Sậy, ngày cuối đời của linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp mà gia đình chúng con được hân hạnh sống cùng người ngày ấy.

Còn về những chi tiết khác, như nói về tổ chức sinh hoạt giáo xứ, sự truyền giáo, phong cách, tình tình thì con có thể tóm lược trong những kỷ niệm khó quên của Cha Trương Bửu Diệp đối với gia đình con như sau:

Ông thân sinh con tên là Phaolô Nguyễn văn Nhàn, nghề nghiệp: Họa Đồ (géomètre), có điền đất tại Cây Gừa. Điền này giáp ranh với điền ông Tám Chánh, điền Tây mặt đỏ, điền thầy thuốc Giai. Điền đất của gia đình con được dân tại đó cho một địa danh là “Điền Họa Đồ”, không biết hiện nay tên đó còn giữ hay không?

Đối với “Cố Diệp”(danh từ mà chúng con gọi Cha Diệp) thì ông thân sinh con vừa là giáo dân mà cũng là bạn thân thiết nữa. Vì vậy thường khi sau thánh lễ Chúa Nhật, ông thân sinh con cùng Cố Diệp dùng cơm tại nhà Cố, một căn nhà nhỏ “cao cẳng”, nhà sàng bằng gỗ. Trong bửa ăn có chia sẻ về nhiều vấn đề nên lắm khi phải kéo dài đến xế chiều “ông Họa Đồ” mới xuống ghe trở về điền (ông Họa Đồ là danh từ mà Cố Diệp gọi ông thân sinh con). Một hôm bà thân sinh con hỏi cố Diệp: “Lúc rày nước kém, khó bắt cá tôm, bữa ăn Cha dùng chi? Cố đáp: “Sáng mấm kho, chiều kho mắm”. Đời sống của Cố thật là đạm bạc. Cố thường giảng ở nhà thờ rằng “lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào đặng ích gì?” Cố cũng thường khuyên lơn những người gặp nghịch cảnh: “Các con nên lấy thánh giá Chúa làm gậy đi đường”. Cố cũng dạy cho biết sức mạnh của đoàn kết với câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. “Cố Diệp” là gương của sự can đảm, của sự nhẫn nại, của tình yêu vậy.

Có những Chúa nhật chúng con dùng ghe để đi lễ tại Tắc Sậy, gặp Cố Diệp đi xe đạp về trên đường lộ, sau khi làm lễ nhất tại nhà thờ Khúc Tréo, Cố kêu ghe chúng con ghé lại, để xe đạp trên mui rồi Cố lên ghe, vào ngồi uống trà nói chuyện với chúng con.

Phần cá nhân con, con rất nhớ hôm cố nghe con vừa biết bập bẹ đọc và tập tửng viết chữ Quốc Ngữ. Cố kêu viết cho Cố xem, con vội nắn nót viết được một hàng thì nghe Cố cười bảo: “Maria, sau con đưa bụng ra trước vậy?”. Con không hiểu Cố muốn nói gi, té ra con viết chữ ngửa ra phía sau!

Kế đó Cố kêu đọc cho Cố nghe. Con phát run, nước mắt lưng tròng, nhưng cũng cố gắng đọc từng chữ một, bổng Cố kêu bà thân sinh con, Cố nói: “Cô Họa Đồ ơi! Trời chuyển mưa rồi!”. Con nghe nói trời chuyển mưa nên ngưng đọc và ngó lên trời làm Cố bật cười vì sự ngây ngô của con. Một bửa nọ, Cố cầm tay con và bảo: “Con gái mà chỉ tay chữ Nhất, sau này sẽ làm tướng cướp”. Nghe nói vậy, con vừa buồn vừa xấu hổ và giận Cố lắm, vì Cố chê con trước mặt anh chị em con.

Ôi! Cố Diệp ơi, viết tới đây, con thấy nhớ Cố quá! Con đã được Cố chăm sóc, mà lúc ấy vì không hiểu nên con không nhận ra hạnh phúc lớn lao này. Cố là một người Cha nhân từ, rộng lượng khoan dung đối với tất cả con cái mình, nhất là những đứa con kém cỏi, bé bỏng”.

Nguyễn thị Kiêm (giáo dân họ đạo Tắc Sậy)

Trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo nơi chôn xác cha Phanxico Trương Bửu Diệp, trước khi chuyển về Nhà Thờ Tắc sậy.

Năm 1995, tôi gởi Bài tường thuật về cái chết của Cha Phanxicô cho người cháu ruột tôi tên là Cecilia Võ thị Cảnh, nữ tu dòng Charles de Foucauld, một tiểu muội đang làm việc tại đài Phát thanh Vatican Roma dưới danh hiệu là Vân Trang, phát ngôn viên tiếng Việt (giọng miền Nam từ 1992 đến 2008) cùng với hai người nữa miền Trung và miền Bắc.

Nữ tu này trình cho Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, thỉnh nguyện viên phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo ở Việt Nam dưới triều ĐGH Gioan Phaolô II. Đức ông Thụ xem xong bài trình thuật, ngài cho vào hồ sơ xin tuyên thánh.

Năm 2008, nữ tu Vân Trang đổi sang làm việc tại Luân Đôn, Anh quốc, cung cấp chứng từ này cho linh mục Paul Huỳnh Chánh, lúc đó đang là tuyên úy Trung Tâm mục vụ Viêt Nam ở Luân Đôn và nữ tu này xác nhận:

“Bà Kiêm là dì ruột cùa con, con gọi là dì 7. Cô “Họa Đồ” là bà ngoại, Chị Hai là mẹ, Anh rể là ba con, đứa con nhỏ là anh cả con. Chị Ba, người mà mẹ con trao cho chiếc nhẫn để được xem là đã lập gia đình là dì 3 con, sau này là nữ tu dòng Vinh Sơn Phaolô. Tất cả nay đã từ trần chỉ trừ bà Kiêm, người viết chứng từ.

Như vậy là tất cả gia đình con đã sống biến cố đó cùng với Cha Diệp và đã thoát chết nhờ sự hy sinh của Ngài.

Ly do cái chết của Cha Diệp, không ai biết và ai là thủ phạm cũng không rõ.”

 Linh muc Huỳnh Chánh xem và đưa lên “Mạng” với lời phê : “Bài viết rõ ràng, nói lên những sự kiện mà nhiều người chưa biết”.

 

Thơ gởi Cha Huỳnh Chánh về nạn “Thổ ruồng”

Thủ Đức ngày 1.5.2018

Kính gởi Rev. Paul Huỳnh Chánh

Thưa Cha,

Bài con viết về LM Phanxicô Trương Bữu Diệp, cha sở Tắc Sậy (tỉnh Cà Mau VN) hồi năm 1995, mãi đến 2010 mới đến tay Cha. Cha đã đọc và đưa lên “Mạng”.

Trong bài ấy, con có nói đến nạn “Thổ Ruồng” mà Cha không biết là gì? Lúc ấy con không dám giải thích cho Cha hiểu vì sợ có sự “đụng chạm”. Nhưng năm nay con đã 85 tuổi rồi nên không còn sợ nữa. Vã lại con xem đây là một câu chuyện thuộc về lịch sử đã xảy ra vào thời ấy. Con muốn ghi lại cho con cháu biết sự việc mà gia đình họ ngoại của chúng đã trải qua khi đó. Lại nữa nạn “Thổ Ruồng”cũng là lý do chính mà ý Chúa muốn cho gia đình con được phúc có mặt vào ngày Cha Diệp chịu chết thay cho giáo dân họ đạo Tắc Sậy cùa người, ngày 12.3.1946

Những biến cố xảy ra cho gia đình chúng tôi vào các năm 1945-1946

Như dân vùng Bặc Liêu-Cà Mau đều biết, vào các năm 45-46, trong thời gian quân đội Nhật nắm quyền ở Việt Nam, họ bắt dân Pháp làm tù binh, cả các điền chủ người Pháp cũng bị bắt, để lại các tá điền người Miên (Kampuchia), còn gọi là người Thổ sống bơ vơ vất vưỡng... Chính quyền Việt Minh gom những người Thổ này lại để tiêu diệt, vì có lẽ họ cho là theo Pháp.

Cuộc thảm sát

Một hôm vào buổi trưa, có một người ở quận Gia-Rai, chổ gia đình tôi đang sinh sống, đem giấy lệnh của ông chủ tịch gởi cho bà thân sinh, má tôi, xin bà cho gởi 80 người Thổ tạm giam trong lẫm lúa của bà trong 2 ngày. Má tôi từ chối. Bà nói: tại sao quanh đây có nhiều điền khác, ai cũng có lẫm lúa mà không gởi, lại gởi cho tôi. Có phải vì thấy gia đình tôi “mẹ góa con côi” nên chèn ép phải không? (lúc đó ba tôi mất lâu rồi).

Sau một hồi tranh luận, không khí căng thẳng, thì có một người trong họ hàng gia đình tôi, xin má tôi nghĩ lại, nếu không cho, sợ sau này sẽ có chuyện không hay.

Chuyện không hay là như vầy. Có tin đồn gia đình tôi là “Việt gian” vì má tôi cho con học trường Pháp. Đó là trường các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, có tên Pháp là trường Providence ở tỉnh Sóc Trăng, do các nữ tu  người Việt và Pháp cùng chung dạy các học sinh chúng tôi.

Tôi nghe kể: nếu bị ghép vào tội “Việt gian”, thì án tử là cho các tử tội đi “mò tôm”. Họ bị trói hai tay sau lưng, lột trần, buộc từng chùm mấy người vào một cây tre, thả xuống sông. Các tử thi khi vớt lên thì thấy có từng đám tôm, tép, bấu vào rỉa thịt xác chết, vì vậy mới gọi là đi “mò tôm”

Bây giờ tôi xin kể tiếp đoạn trên:

Lại thêm một hồi tranh luận nữa, sau cùng má tôi nói: Thời gian gởi 2 ngày thì không lâu, nhưng cũng phải cho họ ăn uống. Tôi không tiếc phần lương thực cho 80 người này, vì gạo thóc, cá mắm, gà heo có sẵn, nhưng không có người phục vụ. Vậy xin cho tôi đánh trống gọi tá điền đến giúp. (Thời gian đó chính quyền Việt Minh cấm đánh trống, loại trống chầu lớn, tiếng vang xa, chỉ đánh khi có cướp để các điền lân cận đến cứu nguy). Nghe vậy, các ông Việt Minh này năn nỉ má tôi cho họ đi đến từng xóm nhà tá điền để xin giúp đỡ.

Sau đó khoảng 2 giờ trưa, trời nắng chói chang, tôi ngó ra ngoài xa, thấy một đoàn người Thổ rất đông, đi hàng 4, ở trần, tay thúc ké ra sau lưng, có các ông Việt Minh cầm súng đi kèm hai bên. Họ cho những người Thổ này vào sân gạch (sân này khá rộng, dành để các tá điền phơi lúa cho thật khô trước khi “nhập lẫm”). Các ông Việt Minh bắt họ ngồi trên gót chân trên nền gạch nóng bỏng. Thấy cảnh đáng thương này tôi rất xúc động, nó ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau đó.

Kế đến, các ông Viêt Minh cho hết các người Thổ này vào trong lẫm lúa. Chiều đến má tôi nhờ các người vợ tá điền đến lo cơm nước cho họ ăn uống.

Hôm sau có 2 người phụ nữ Thổ, trong đó có một người đang mang thai, đến xin gặp chồng mình. Các ông Việt Minh cho vào và nhốt lại luôn...

Tối hôm ấy, các ông Việt Minh chọn 5 người  (trong số này có người “có phép gồng, chém không đứt”) đem ra giết phía xa trong ranh giới đất chúng tôi, bỏ xác xuống ghe, định hôm sau đem chôn. Sáng sớm, kiểm lại chỉ còn 4 xác. Các ông Việt Minh hốt hoảng, đổ xô đi tìm.  

Mấy giờ sau mới thấy người Thổ này còn sống, trốn trong đám lúa. Ở cổ có những vết chém, máu đã đông lại. Đó là một người còn trẻ, lực lưỡng. Người này xin chút nước uống vì mất nhiều máu mà các ông Việt Minh không cho, họ nói nếu cho uống sẽ chém không đứt!!

Họ chở người Thổ này trong một chiếc xuồng, tay trói sau lưng, ở kênh rạch điền chúng tôi. Tất cả tá điền lớn nhỏ đều đổ xô ra xem, tôi cũng ra xem, nhưng không dám đến gần, chỉ núp sau những người đứng trước... Thế là người Thổ này cũng không thoát chết.

Hôm sau nữa, tức là ngày thứ hai mà ông chủ tịch xin gởi 80 người Thổ. Các ông Việt Minh định giết số người Thổ còn lại (kể cả 2 người phụ nữ trong đó có một người đang mang thai).

Tới lúc ấy má tôi mới biết là 5 người đàn ông Thổ bị giết chết đêm hôm qua đã bị giết trong đất điền gia đình tôi. Má tôi nổi giận. Tôi chưa bao giờ thấy bà giận dữ đến thế, mặt bà đỏ bừng. Bà đứng lên lớn tiếng bảo: “Này các ông Việt Minh, tôi nói thẳng cho các người biết “ra sao thì ra, các người muốn gán cho gia đình này “mẹ góa con côi” tội gì cũng được, chết cách nào cũng được, nhưng tôi cấm các người không được làm đổ máu trên đất tôi nữa. Nói xong, bà đứng dậy, bỏ đi vào nhà trong”.

Tôi rất khâm phục má tôi, một phụ nữ can đảm, gan dạ mà hiếm người được như vậy.

Thế là tối hôm ấy, các ông Việt Minh đem tất cả những người Thổ còn lại, kể cả hai người phụ nữ trong đó có một người đang mang thai, vào đất giáp ranh điền chúng tôi để giết, chôn làm 2 mộ tập thể. Trong số những người bị giết có 1 người mà gia đình tôi quen biết, rất hiền lành, đạo Phật, được nhiều người mến mộ. Tôi nghe kể lại, khi sắp đến phiên ông bi giết, ông nói: xin cho tôi một nhát dao cho ngọt để tôi được êm ái ra đi.

Thật kinh hoàng!

Sau này khi phải chạy “Thổ ruồng” (mà tôi kể tiếp theo đây) tôi có đi ngang qua nơi ấy. Đó là hai mộ đất thấp lè tè, rộng bằng khoảng 2 căn nhà, cách nhau lối mươi thước, cỏ mọc phủ lên trên... Đó là nơi an nghỉ của 80 người khốn khổ như vầy sao?

Nạn Thổ Ruồng là gì?

Khi quân Đồng Minh thả 2 trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản thì quân Nhật đầu hàng, rút khỏi Việt Nam. Quân Pháp trở lại và các điền chủ Pháp cũng trở về điền đất của mình. Các tá điền người Thổ còn sống sót cũng trở lại với chủ điền Pháp. Thế là một cuộc trả thù bắt đầu.

Cứ sáng sớm, mặt trời vừa mọc, thì các người Thổ có thân nhân bị các ông Việt Minh sát hại lúc trước, họp lại từng đoàn vài chục người, cầm dao mác, xà beng (loại dao nhọn, cán cây dài, có thể đâm từ xa). Chúng ra đường hoặc các điền lân cận, hể gặp người Việt da vàng là hô lên; “À Việt Minh, “cáp duồn” (cáp duồn là chém), không kể nam nữ lớn bé gì cả!

Vì vậy, dân ở vùng quê tôi, cứ sáng sớm là lo cơm nước, rồi ngó mong ra đồng, xem có người chạy về hướng nào thì mình cũng chạy xuôi theo hướng đó. Đến chiều khi thấy có đám người trở về nhà thì mình cũng trở lại nhà mình, vì biết người Thổ đã trở về điền người Pháp rồi. Và ngày hôm sau thì cũng sống nơm nốp lo sợ như vậy.

Lần đầu tiên khi Thổ vào nhà, má tôi, chị cả có đứa con nhỏ và anh rể, không chịu chạy ra đồng. Thổ vừa thấy ông anh rể, nó chụp đầu anh và hô lên:  “À Việt Minh, cáp duồn” đưa dao lên định chém. Lúc ấy ông ngoại tôi còn khỏe, biết nghề vỏ, ông gạt mạnh tay nó ra và la lên “đừng làm bậy, đây là cháu tao” Và ông anh rễ được thoát chết trong gang tất.

Lần thứ hai. Lần này chúng tôi mệt lắm nên không chạy ra đồng nữa. Tôi ra sau vườn, trèo lên cây ổi, định hái trái ăn, bổng thấy một đám người Thổ từ xa tiến đến. Hốt hoảng, tôi báo động thì em tôi chạy ra trước, kế là chị ba tôi, sau cùng là bà vú muôi. Bà vừa chạy vừa la, tụi con chạy mau đi, và bà dừng lại. Ngay lúc đó có mấy anh thanh niên tá điền thấy chúng tôi chạy trên bờ đê liền cầm dao mác chạy ra chận đường bọn người Thổ này. Họ dừng lại, có lẽ vì sợ còn nhiều thanh niên tá điền khác sẽ đến đông hơn nữa chăng. Nhờ vậy mà mấy chị em tôi mới thoát nạn.

Lần thứ ba này, chúng tôi không còn sức chạy nữa, lại thêm có mấy người vợ tá điền, dắt con nhỏ đến nhà chúng tôi. Đang ngồi chung phía sau nhà thì bọn người Thổ vào. Trong đám người Thổ này có một đứa còn rất trẻ, cầm con dao sắt chuối, loại dao to bản, dùng để sắt chuối cây cho heo ăn. Nó quơ con dao lên và nói: “Tụi bây coi nè, tao vừa chém một thằng Việt Minh, máu còn dính đây” và nó đưa con dao ra trước mặt chúng tôi, làm cho chúng tôi co rúm người lại... Cả bọn Thổ đều cười rộ lên và chúng bỏ đi.

Sau lần này, má tôi quyết định đến xin Cha Trương Bửu Diệp cho gia đình chúng tôi được tạm trú ở họ đạo Tắc Sậy của Cha. Nhờ vậy mà gia đình chúng tôi mới được PHÚC chung sống ngày sau chót của đời Cha.

Người viết:

Maria Nguyễn thị Kiêm,
sinh ngày 13.4.1933, được cha Trương Bửu Diệp rửa tội ngày 3.5.1933
Ps: Như vậy nói vắn tắt nạn Thổ Ruồng là việc trả thù của người Miên vào các năm 1945-1946


Thủ Đức 15.7.2013
Lời Kết

Bài tôi viết về Cha Trương Bu Diệp đến nay được 18 năm (1995-2013). Khi xem lại mới thấy thiếu phần đầu nên tôi nghĩ phải viết thêm cho bài cho có ngọn có ngành như sau:

Khoảng cuối tháng 10/1995, vào một buổi chiều trời chạng vạng tối, có một người lạ mặt, trạc 60 tuổi, ăn vận bình dân, đến gặp tôi và nói Cha sở họ Tắc Sậy muốn tìm người “bà con của Cha Diệp” để hỏi việc... Tôi nói: “Tôi không phải là bà con với Cha Diệp, mà chỉ là giáo dân của Cha thôi. Nhưng bây giờ trời sắp tối rồi, vậy xin mời Cha sở Tắc Sậy đến sáng mai”.

Hôm sau, khoảng 9 giờ sáng, Cha sở Tắc Sậy đến, ăn mặc tươm tất, không giống người hôm qua và cũng là người lạ đối với tôi vì tôi cũng chưa từng gặp Cha lần nào.

Sau khi chào hỏi, Cha sở Tắc Sậy (Cha Nguyễn Ngọc Tỏ) xin tôi kể cho Cha biết về Cha Phanxicô Trương Bu Diệp trong đời sống thường nhật cũng như trong đời sống mục vụ của Ngài. Tôi trả lời vì lúc ấy tôi còn khá nhỏ, 13 tuổi, nên chưa đủ hiểu biết để nhận xét. Tuy nhiên tôi cũng có thể kể những gì mắt thấy tai nghe lúc tôi cùng với gia đình đến thăm Cha Diệp hoặc khi ngài đến thăm gia đình tôi và điều quan trọng nhất là ngày 12.3.1946, ngày “Biến cố Cha Phanxicô Trương Bu Diệp bị sát hại” vì ngày ấy cả gia đình tôi cũng bị bắt chung với Ngài (như tôi đã kể ở phần trước).

Về người lạ mặt mà tôi nói ở đoạn trên, đến nay là 18 năm mà tôi chưa gặp lại lần nào, tôi vẫn thắc mắc tự hỏi người ấy là ai, mà đến tìm tôi lúc chạng vạng tối? Có phải là người mà Cha Phanxicô sai đến hay là chính Cha mà tôi không nhận ra chăng?


Người viết,
Maria Nguyễn thị Kiêm
(giáo dân Giáo xứ Tắc Sậy hồi năm 1946)

Tiến trình hồ sơ xin phong thánh:

1. Lá thư gởi Cha sở họ đạo Tắc Sậy viết ngày 30.11.1995

2. Bài tường thuật biến cố ngày 12.3.1946 viết ngày 30.11.1995

(2 bài này được trao cho thỉnh nguyện viên việc phong thánh 117 vị tử đạo VN, Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thvào năm 1995)

3. Năm 2010 Cha Huỳnh Chánh, phụ trách trung tâm mục vụ tại Luân Đôn đưa lên “Mạng”.

4. Ngày 13.5.2014 Cha Trần Trọng Dung làm việc tại tòa Giám Mục Cần Thơ phỏng vấn bà Kiêm tại đại chủng viện Thánh Quí, để góp vào hồ sơ xin phong thánh.

5. Đăng ngày 7.2.2014: Vatican chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho Cha Trương Bửu Diệp.

“ĐC Stephanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ, chính thức cho xúc tiến từ ngày 25.8.2011. Và tôi, linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên, cáo thỉnh viên, được chính thức bổ nhiệm.”

6. Năm nay 2024, sau gần 30 năm, bài tường thuật về cái chết của Cha Trương Bửu Diệp được đưa lên TV Việt Nam với những chứng nhân đã nhận được phép lạ chửa lành bệnh qua lời chuyển cầu của Cha,  trong cũng như ngoài nước và câu hỏi: “Ai giết Cha Diệp?”.

Tập tài liệu này do Sr Cảnh, dòng Tiểu muội đang sống ở London, chuyển cho cha Paul Chánh ngày 20/6/2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét