Nhân dịp lễ Đức Mẹ
Vô Nhiễm Nguyên Tội, đọc lại một vài trang Sách Thánh liên hệ.
Một trong những bản văn Sách Thánh khơi nguồn cho Hội Thánh
từ những thế kỷ đầu để chiêm ngắm Đức Trinh nữ Ma-ri-a, người mẹ đã sinh Chúa
Giê-su bởi Quyền Phép Chúa Thánh Thần, là đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, nay mở đầu các mầu nhiệm kinh Mân Côi: “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”, kể việc Thiên Sứ
Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến nói với Trinh nữ Ma-ri-a ở làng Na-da-rét, xứ
Ga-li-lê, tỏ cho Trinh nữ biết ý muốn của Thiên Chúa. Đáp lại, Trinh nữ đã tin
lời Sứ thần, quảng đại và tín thác nộp mình cho Thiên Chúa vô điều kiện: “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ
xảy ra cho tôi theo như lời ngài”.
Đoạn Tin Mừng này kể cho chúng ta về bước khởi đầu của việc
Thiên Chúa sai Con Một hằng hữu trong lòng Chúa Cha, sinh xuống làm con một người
phụ nữ, sống trọn thân phận con người, rồi chết trên thập giá và sống lại, chiến
thắng tội lỗi và cả cái chết, giải thoát cả “con cháu E-và” khỏi quyền lực tội
lỗi và sự chết, cho loài người trở nên con cái Thiên Chúa và tham dự sự sống
vinh quang và vĩnh cửu của Thiên Chúa:
Khi thời
gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một
người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu
chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã
sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã
là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa. (Gl 4,4-7).
Lời chào của thiên sứ Gáp-ri-en sớm được kết với lời chào của
bà I-a-ve[1]
thành kinh Kính Mừng, thường là kinh
đầu tiên chúng ta học khi còn ngồi trên đầu gối cha mẹ. Mỗi ngày ba lần, sáng,
trưa, chiều, chuông nhà thờ ngân vang mời gọi chúng ta ngừng tay đọc kinh Truyền Tin... tất cả đều nhắc chúng ta
nhớ về nguồn cội và căn tính của mình là những người đã được cứu chuộc nhờ Chúa
Giê-su Con Thiên Chúa đã “xuống thế làm người,
sinh bởi Đức Bà Ma-ri-a trọn đời Đồng Trinh”.
Đoạn Tin Mừng này của thánh Lu-ca là một kiệt tác văn chương, gói ghém cả lịch sử cứu độ được mạc
khải từ thời tổ phụ Áp-ra-ham qua các ngôn sứ cho đến khi thực hiện. Trinh nữ Ma-ri-a
nhỏ bé khiêm hạ, ở xóm nghèo Na-da-rét trên miền núi Ga-li-lê, đã được Thiên
Chúa chọn để thay mặt loài người lãnh nhận quà tặng tuyệt vời của tình yêu
Thiên Chúa, mà bao đời hằng trông đợi, bao ngôn sứ đã loan báo để giữ ngọn lửa đợi
trông.
Đoạn văn này chất chứa nhiều ý nghĩa được gợi lên nhờ quy
chiếu vào Cựu Ước, nhất là các lời ngôn sứ mà chúng ta phải nghiền ngẫm và xin
ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để có thể đón nhận những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho
chúng ta về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su, về Đức Trinh nữ Ma-ri-a và về chúng ta,
như thánh Phê-rô đã dạy:
Các
ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành
cho anh em. 11Thần Khí Đức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau
khổ dành cho Đức Ki-tô,
và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí
muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào. 12Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận
sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là
thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động
của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước
mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy. (1Pr 1,11-12).
Trong thư thứ hai thánh Phê-rô căn dặn thêm:
Như
vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào
đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày
bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. 20Nhất
là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời
ngôn sứ nào trong Sách Thánh. 21Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn
người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh
của Thiên Chúa. (2Pr
1,19-21)
Qua lời
thư thánh Phê-rô, chúng ta thấy rằng ý nghĩa tron vẹn của đoạn Tin Mừng rất
phong phú này phải học từ Truyền Thống của Hội Thánh do các giáo phụ truyền lại
từ những thế kỷ đầu, và theo huấn quyền của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần dẫn
dắt giải thích cho chúng ta, giáo huấn này cô đọng trong kinh Tin Kính và trong
những tín điều Hội Thánh tuyên xưng. Những
tác giả ngoài Công giáo, những tay bút nghiệp dư và thậm chí một số nhà chú giải
Công giáo tự cho là “khoa học”, nhan nhản trên internet ngày nay, thường giản
lược ý nghĩa, nội dung theo quan điểm duy lý, phủ nhận quyền năng của Thiên
Chúa mà Thiên sứ đã giải thích: “Đối với
Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Chúng ta cần gắn bó với đức tin của Mẹ chúng ta là Hội Thánh
duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền để khỏi hoang mang vì những luận
điệu của những kẻ không tin Thiên Chúa, hoặc lòng tin như cậy sậy bị cuốn theo
chiều gió. Ngày nay với đủ mọi luồng gió trong nếp sống “hậu vô thần”[2]
và qua mọi phương tiện truyền thông điện tử, lời căn dặn của thánh Phê-rô càng
khẩn thiết: “Ma quỷ[3], thù
địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi
cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”
(1Pr 5,8-9).
*******
Từ Tin Mừng Phục Sinh
đến Tin Mừng Giáng Sinh
Sau khi được đầy Thánh Thần, thánh Phê-rô cùng với mười một
tông đồ đứng lên rao giảng. Chúng ta nghe các ngài khởi từ sự việc các ngài được
đầy Thánh Thần, đang gây xôn xao, bàn tán trong đám đông, ngược dòng lịch sử vạch
cho người ta thấy điều họ đang chứng kiến và ngạc nhiên là điều Thiên Chúa đã hứa
từ lâu: Thiên Chúa hứa ban Thánh Thần, nhưng việc này lại là kết quả của một biến
cố mới xảy ra trước đó, ấy là Đức Giê-su Na-da-rét bị nộp, bị đóng đinh thập
giá, đã chết, sống lại và được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, chính Ngài gởi
Thánh Thần xuống, như anh chị em đang thấy...
Thêm ba ngàn người gia nhập cộng đoàn 120 người đã có mặt
trong nhà Tiệc Ly khi Thánh Thần ngự xuống. Sau khi công bố Tin Mừng và người
ta đã tin, các tông đồ phải dạy người ta, như Chúa Giê-su đã căn dặn: “Làm cho muôn dân thành môn đệ và dạy họ tuân
giữ mọi điều Thầy đã truyền” (Mt
28,20). Sách Công Vụ kể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp
thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh , và cầu
nguyện không ngừng.” (Cv 2,42).
Các Tông Đồ có gì để giảng dạy thêm cho các tín hữu? Nhiều
thứ lắm.
Ngày đầu họ mới nghe tóm tắt cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su để ban
ơn tha tội, và
họ đã chịu phép rửa để gia nhập cộng đoàn
môn đệ. Các môn đệ đã đi theo Chúa trên những con đường xứ Ga-li-lê và Giu-đa,
nhưng vẫn chưa sống theo đường lối của Chúa, vẫn trang giành địa vị với nhau, vẫn
muốn hủy diệt người khác. Nay nhờ Thánh Thần họ đã hiểu thế nào là làm môn đệ,
là đi theo Chúa, và đến phiên họ phải dạy các tín hữu sống làm môn đệ ở bất cứ
đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghĩa là sống theo lời Chúa dạy và theo đường lối
của Chúa. Muốn thế họ cần được nghe thế hệ đã ở với Người từ ban đầu kể lại lời
Chúa đã dạy, cách Chúa đã sống, Chúa đã gặp những khó khăn, thuận lợi nào, đã ứng
xử thế nào; những người chung quanh đã phản ứng thế nào, những đụng độ nào đã dẫn
tới cái chết thê thảm trên thập giá, và tại sao các môn đệ lại có thể tiếp tục
đi theo Người giữa tất cả những thách đố kia, và nay có thể hiên ngang làm chứng,
rao giảng? Các tông đồ kể lại cuộc sống, việc làm và giáo lý của Chúa không
phải chỉ như họ đã thấy, nhưng như họ đã hiểu.
Ngày đầu đứng lên rao giảng, các Tông đồ chỉ tóm tắt cuộc
đời của Chúa Giê-su từ khi ông Gio-an Tiền Hô rao giảng và làm phép rửa sám hối,
tập trung vào mầu nhiệm Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá, chết, mai táng và
phục sinh để đem lại ơn tha tội, được Thiên Chúa tôn vinh và đã gởi Thánh Thần
xuống để các môn đệ có thể đi rao giảng.
Chúa Giê-su đã hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn
anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,13). Chúa Giê-su là Sự Thật. Cả cuộc sống của Chúa trong thân phận con người là
Sự Thật về Thiên Chúa và về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Thần giúp các tông
đồ và Hội Thánh nhận ra rằng từ khi làm người trong lòng mẹ, từ giây phút đầu
tiên, Đức Giê-su đã là Con Thiên Chúa, đã là Đấng Cứu Độ trần gian chứ không phải
chỉ từ khi chịu phép rửa hay khi sống lại từ cõi chết.
Tin Mừng cứu độ bắt đầu từ khi “Đức Chúa Trời sai thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Ma-ri-a,
và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”. Trong cuộc đời
rao giảng, trong cuộc thương khó, trong nhà các môn đệ họp nhau cầu nguyện để
chờ đón Thánh Thần, thân mẫu Chúa Giê-su thấp thoáng có mặt. Nhưng trong trình thuật truyền tin thì Đức Trinh nữ Ma-ri-a
lại giữ vai chính, đại diện cho “con cháu
E-và” để đón nhận Tin Mừng Thiên Chúa gởi đến qua Sứ thần Gáp-ri-en.
Lời loan báo Tin Mừng Cứu độ này không phải là điều bất
ngờ, nhưng là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa tự ngàn xưa, như thánh Phao-lô
viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn , Thiên Chúa
đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật”(Gl
4,4). Để vào sâu trong ý nghĩa của đoạn khởi đầu Tin Mừng này, chúng ta
cần nhớ lại những lời hứa trong Cựu Ước, từ sách Sáng Thế tới các ngôn sứ.
Sứ thần Gáp-ri-en được sai đến... (Lc 1,26)
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên
Chúa sai Sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét , 27gặp một Trinh
nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Hai chương đầu của sách Tin Mừng Lu-ca quen gọi là Tin Mừng thời
thơ ấu, trình bày cho thấy Tin Mừng Cứu Độ trong Chúa Giê-su Ki-tô bắt đầu
từ khi Người đi vào kiếp sống làm người trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh Ma-ri-a. Từ
giây phút đầu tiên ấy người con trong lòng Đức Mẹ đã là Con Đấng Tối Cao, là Đấng
Cứu Độ trần gian rồi. Chúa Giê-su không chỉ cứu linh hồn chúng ta bằng cái chết
và sự phục sinh của Người, nhưng cứu trọn kiếp người của chúng ta từ lòng mẹ tới
lòng đất, bằng cả cuộc sống làm người của Người, vì Người là Chúa và là Đấng Cứu
Độ trần gian từ lòng mẹ tới lòng đất, để đưa kiếp người từ lòng đất lên lòng
Cha trên trời.
Tác giả sách Tin Mừng dùng lối kể xen kẽ giữa vị Tiền Hô
và Đấng Cứu Độ, để so sánh, làm nổi bật tính hơn hẳn về bản tính và sứ mạng.
Trong khuôn khổ bài này, tôi để độc giả tự đọc lại trong sách Tin Mừng để thấy
cách kể truyện xen kẽ đối chiếu này. Tôi xin tập trung vào trình thuật Sứ thần đối
thoại với Đức Ma-ri-a và kết quả.
Lời dẫn
nhập
Lời dẫn nhập trích dẫn ở trên đã giới thiệu các nhân vật
và nơi chốn:
Bà
E-li-sa-bét đã có thai được sáu tháng, tóm lại việc Thiên sứ báo tin cho ông Da-ca-ri-a trong đền
thờ. Lời Sứ thần đã ứng nghiệm. Người con của ông bà già này sẽ đi trước dọn đường
cho Chúa, nên đã ở trong bụng mẹ sáu tháng rồi.
Sứ thần vẫn là Gáp-ri-en, đã hiện ra với ông Da-ca-ri-a
trong đền thờ
Nơi chốn: tại nhà Trinh
nữ, ở một thành miền Ga-li-lê tên là
Na-da-rét. So với việc Sứ thần hiện ra với ông Da-ca-ri-a là tư tế đang khi
thi hành chức vụ dâng hương trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, thì sự tương phản thật
hết chỗ nói: một ngôi nhà nhỏ ở Na-da-rét, nơi “khỉ ho cò gáy”, chẳng hề được
nhắc đến trong Cựu Ước (x. Ga 1,46), cả
xứ Ga-li-lê là vùng xa xôi ở phía Bắc, bị coi như vùng đất của dân ngoại (x. Mt 4,18).
Người được Sứ thần đến gặp: một Trinh nữ đã đính hôn[4] với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi Đa-vít, tên Trinh
nữ[5] ấy là Ma-ri-a. Chúng ta được biết tên và
gốc tích hôn phu trước. Các sách Tin Mừng đều cho biết tên ông Giu-se, nhưng chỉ
có Tin Mừng thời thơ ấu theo Mát-thêu
và Lu-ca mới cho biết ông thuộc dòng
dõi Đa-vít, để cho biết tại sao Chúa Giê-su là “con vua Đa-vít”. Cả hai sách
Tin Mừng này sẽ kể rõ là Đức Trinh nữ thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần chứ
không phải do sự kết hợp vợ chồng như Gio-an, con của ông Da-ca-ri-a và bà
Ê-li-sa-bét.
Lu-ca nói đến Trinh nữ hai lần, trước và sau việc
“đã đính hôn”, rồi cho đến khi
sắp sinh con mà phải về nguyên quán của Giu-se là Be-lem nhân cuộc kiểm tra dân
số toàn thiên hạ, Lu-ca vẫn dùng từ “đã đính hôn”: “Ông lên đó khai tên cùng với người đã
đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai”. Việc Lu-ca “kiên
trì” dùng từ “đính hôn” cho tới khi
Chúa Giê-su sinh ra hiển nhiên không phải vô tình, mà chủ ý làm nổi bật việc
Chúa Giê-su sinh làm người, không phải do sự kết hợp vợ chồng, nhưng bởi quyền
năng Thánh Thần.
Nội dung cuộc đối thoại giữa
Sứ thần với Trinh nữ Ma-ri-a tập trung giải thích hai điểm: người con Trinh nữ sẽ
sinh là ai, có sứ mạng gì, và Trinh nữ sẽ thụ thai bằng cách nào.
Lời chào
của Sứ thần
Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng
đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì (Lc 1,28-29)
So với cảnh Sứ thần hiện ra với ông Da-ca-ri-a để thấy sự
tương phản:
Bỗng một Sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương
án. 12Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối
rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13Nhưng
Sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con
trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. (Lc 1,11-12)
Phản ứng của ông Da-ca-ri-a khi thấy thiên thần: bối rối
và sợ hãi. Sứ thần trấn an và cho biết tin vui và cho ông biết tên phải đặt cho
con. Nội dung gợi nhớ truyện tổ phụ I-xa-ác và bà Rê-bê-ca (St 25,21). Đứa con
này là kết quả của lời cầu xin.
Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ
hoan ngày con trẻ chào đời. 15Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống.
Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. (1,13-14)
Đứa con này đem vui mừng hỷ hoan cho ông và nhiều người,
sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Sống theo quy chế na-dia [người được hiến
cho Thiên Chúa] như Sam-son (Tl 13, 2-14), mẹ của Sam-son cũng son sẻ. Điều mới
là ngay khi còn trong lòng mẹ người con này đã được đầy Thánh Thần.
Sứ mạng của đứa con: là ngôn sứ chuẩn bị một dân sẵn sàng
đón Chúa:
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về
với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17Được
đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu,
để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một
dân sẵn sàng đón Chúa.” (1,16-17).
Lời Sứ thần
chào Đức Trinh nữ Ma-ri-a
Sứ thần đến tận nhà Đức Trinh nữ. Lời chào mở đầu bằng lời
mời gọi “Mừng vui lên” gợi một tin
vui bất ngờ. Sứ thần không gọi tên Trinh nữ, mà gọi bằng một thứ danh hiệu “Hỡi Người được sủng ái!”[6] rồi như giải thích thêm: “Đức Chúa ở cùng bà”. Rõ ràng là được Đức
Chúa sủng ái, đến mức “Đức Chúa ở cùng bà”.
Biết các sách Ngôn sứ trong Cựu Ước thì thấy ngay lời
chào này xuất xứ từ lời hứa ơn cứu độ ở cuối sách Xô-phô-ni-a :
Reo vui
lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào,
nhà Ít-ra-en hỡi !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn
khởi .
15Án lệnh phạt
ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch
của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính
là ĐỨC CHÚA .
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.
16Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem:
“Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”
17ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa
của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì
ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới
ngươi .
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng 18như trong ngày lễ hội.
“Cô gái Xi-on, cô gái Giê-ru-sa-lem »
là hình ảnh thi ca tượng trưng cho cả Xi-on, Giê-ru-sa-lem; rất gần với kiểu
nói Việt Nam: cô gái Saigon, cô gái Huế, cô gái Hà Nội, cô gái Việt Nam da
vàng...
Niềm
vui và vinh quang ở đây gợi nhớ những chương tuyệt vời về ơn cứu độ và vinh
quang của Giê-ru-sa-lem trong sách I-sai-a
60,1-22; 62,1-12.
Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không
nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành,
tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng
đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc.
2Rồi muôn dân
sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn
vinh quang ngươi tỏ rạng.
Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới,
chính là tên miệng ĐỨC CHÚA đặt cho.
3Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng
bàn tay ĐỨC CHÚA,
sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở
tay.
4Chẳng ai còn
réo tên ngươi : “Đồ bị ruồng bỏ !”
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên
đơn.”
Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng
Ta hỡi !”
Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ
hồng .”
Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
5Như tài
trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về .
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.
Trinh nữ Ma-ri-a nhận được tên mới do Sứ thần của Chúa
công bố: «Người được sủng ái»
và Đức Chúa ngự giữa Xi-on, bây giờ ngự nơi «Người được sủng ái».
Sự hiện diện của Sứ thần làm cho ông Da-ca-ri-a « bối rối và sợ hãi ». Còn Đức Trinh
nữ Ma-ri-a, người được Thiên Chúa sủng ái thì không bối rối và sợ hãi vì sự hiện
diện cùa Sứ thần, nhưng bối rối và tự hỏi về ý nghĩa của lời chào do Sứ thần
nói. Sứ thần giải thích, không gọi bằng danh hiệu nữa mà gọi đích danh:
Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin
đừng sợ, vì bà được nghĩa với Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt
tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối
Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban
cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người
sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.
Thiên Chúa xác nhận với ông Mô-sê: «Ngươi được nghĩa với Ta, nên ta sẽ làm điều
ngươi vừa xin»[7] (Xh 33,17). Trinh nữ Ma-ri-a
không chỉ được nghĩa, mà được Thiên Chúa sủng ái. Trinh nữ không xin gì cả,
nhưng Thiên Chúa chọn Đức Trinh nữ để thực hiện lời hứa của Người. Nội dung lời
giải thích là lời hứa cho nhà Đa-vít trong sách I-sai-a. Nhân một cơn hốt hoảng trước nguy cơ bị xâm lược:
Thời vua A-khát, con vua Giô-tham, cháu vua Út-di-gia-hu, trị vì Giu-đa, thì vua A-ram là Rơ-xin, và vua Ít-ra-en là Pe-các, con ông Rơ-man-gia-hu, lên đánh Giê-ru-sa-lem, nhưng không thể tấn công được. 2Người ta báo tin cho nhà Đa-vít rằng: “A-ram đã đóng quân ở Ép-ra-im.» Bấy giờ
lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió. (7,1-2)
Thiên Chúa sai ngôn sứ
I-sai-a đi công bố nhà vua lời hứa:
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Chuyện đó sẽ không xảy
ra, sẽ không có,
8vì đầu
của A-ram là Đa-mát, đầu của Đa-mát là Rơ-xin….9Đầu
của Ép-ra-im là Sa-ma-ri,
đầu của Sa-ma-ri là con
của Rơ-man-gia-hu.[8]
Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không
đứng vững. (7,7-9)
Xem ra lời hứa vẫn chưa làm cho vua và dân an lòng, lòng
tin của họ chưa vững như Thiên Chúa đã truyền. Thiên Chúa hạ cố cho vua xin một
dấu hiệu để củng cố lòng tin cho vua và dân. Không biết thực chất vì sao vua
không dám xin, nên Thiên Chúa tự ý cho một dấu hiệu :
Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ[9] sẽ mang thai,
sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en…
17ĐỨC CHÚA sẽ đem
lại cho ngài, cho dân ngài, cho thân phụ ngài
những ngày như chưa từng có, kể từ
khi Ép-ra-im tách khỏi Giu-đa (7,14.17)
Không có tài liệu nào trong Sách Thánh hoặc lịch sử nói đến
một hoàng tử thời đó có tên là Em-ma-nu-en.
Nhưng tự cái tên có ý nghĩa tương trưng: Thiên
Chúa ở cùng chúng ta, như thấy trong Sách
Thủ Lãnh kể về ông Ghít-ôn:
Thần sứ của ĐỨC CHÚA đến
và ngồi dưới cây tùng ở Óp-ra. Cây này là của ông Giô-át, thuộc
gia đình A-vi-e-de. Con ông là Ghít-ôn bấy giờ đang đập lúa
trong bồn đạp nho để tránh mặt người Ma-đi-an. 12Thần sứ ĐỨC
CHÚA hiện ra với ông và nói : “Chào chiến sĩ can trường! ĐỨC CHÚA ở với ông.” 13Ông Ghít-ôn đáp : “Ôi, thưa Ngài,
nếu ĐỨC CHÚA ở với chúng tôi, thì
sao chúng tôi đến nông nỗi này ? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể
lại cho chúng tôi nghe, rằng : chẳng phải ĐỨC CHÚA đã
đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao ? Thế mà bây giờ ĐỨC CHÚA đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào
tay người Ma-đi-an.”
14Bấy giờ ĐỨC
CHÚA quay lại nhìn ông và nói : “Hãy mạnh bạo lên đường
cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ma-đi-an. Không phải chính Ta
sai ngươi sao ?” 15Nhưng ông
đáp : “Ôi, thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Ít-ra-en ? Này dòng họ con
thấp kém nhất trong chi tộc Mơ-na-se, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con.” 16ĐỨC CHÚA phán với ông : “Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ
đánh quân Ma-đi-an như đánh có một người.” (Tl
6,11-16).
Sứ thần tiếp tục nói về
tên gọi, sứ mạng và địa vị của người con do Đức Trinh nữ sinh ra. Tên con trẻ sẽ
là Giê-su, viết đầy đủ theo tiếng
Hip-ri là GIÊ-HÔ-SU-A, Giô-su-ê [Đức Chúa cứu], giống như Người đã kế thừa sứ mạng
của Mô-sê: cứu dân khỏi ách lưu đầy Ai-cập và đưa vào Đất Hứa (trong sách Xuất
Hành và sách Giô-su-ê).
Địa vị thì hơn hẳn con ông
Da-ca-ri-a, Người là Con Đấng Tối Cao.
Sứ mạng là thừa kế, và hơn thế nữa, thể hiện trọn vẹn lời Thiên Chúa đã hứa cho
dòng dõi Đa-vít (x. 2S 7).
Trinh nữ Ma-ri-a hỏi Sứ
thần về cách thức của việc thụ thai, vì tuy đã đính hôn với Giu-se, nhưng
thường là một năm sau mới tổ chức đám cưới, rước dâu, chẳng lẽ kêu nhà trai
cưới lẹ đi ? Con nhà gia giáo thì đâu có «cưới lẹ» được, lại càng không
thể «ăn cỗ trước các cụ»[10] !
Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh
ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang
một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai
được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (1,35-37)
Sứ thần dùng những cách nói
gợi lại quyền năng tạo dựng:
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. 2Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần
khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,1)
Và sự hiện diện của Thiên
Chúa trên Lều Tạm mà ông Mô-sê dựng theo lệnh của Thiên Chúa:
Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy
tràn Nhà Tạm. 35Ông Mô-sê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám
mây đậu trên đó, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy
tràn Nhà Tạm. (Xh
40,34-35)
Và Đền Thờ vua Sa-lo-môn
đã xây:
Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền
Thờ ĐỨC CHÚA. 11Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây : quả
thật, vinh quang ĐỨC CHÚA đã tràn
ngập Đền Thờ ĐỨC CHÚA. (1V 8,10-11)
Như vậy đây là một công
trình tạo dựng mới của Thiên Chúa và một sự hiện diện mới của Thiên Chúa. Người
con mà Trinh nữ sinh ra là một sự mới mẻ hoàn toàn: Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc
1,35).
Trinh nữ không xin một dấu
hiệu nào, nhưng Sứ thần cho một dấu hiệu, đúng hơn là Sứ thần báo tin cho Trinh
nữ biết: 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với
bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang
tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với
Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
Trinh
nữ không cần dấu hiệu để tin. Lời Sứ thần nhằm nói với chúng ta: Sự mới lạ
Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Trinh nữ là do quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã tạo
thành vũ trụ và muôn loài bằng Thần Khí của Người. Về phương diện cấu trúc văn
chương thì tác giả chuẩn bị cho hồi tiếp theo: cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ: bà
già son sẻ đã mang thai 6 tháng nhờ ông chồng già, bà mẹ trẻ mới mang thai nhờ
quyền năng Thánh Thần. Bào thai trong lòng bà mẹ già son sẻ là người dọn đường
cho Chúa, bào thai trong lòng bà mẻ trẻ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa.
Trinh nữ chỉ xin được biết
rõ ý muốn của Thiên Chúa, khi biết rõ rồi thì nộp mình hoàn toàn cho Lời Thiên
Chúa:
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói
: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi[11] như
lời Sứ thần nói.” Rồi Sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,38).
Trinh nữ không phải làm gì
cả, chỉ cần bằng lòng đón nhận Lời Thiên Chúa. Đấng đã phán «hãy có ánh sáng, lập tức ánh sáng có (St 1,3),
nay Thiên Chúa đã phán với Trinh nữ thì chỉ cần Trinh nữ ưng thuận là Lời Thiên
Chúa thành sự thật[12].
«Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve»
Ngay sau khi Trinh nữ đã
nộp mình cho Lời Thiên Chúa thì Sứ thần từ biệt ra đi vì đã hoàn thành sứ mạng.
Trinh nữ Ma-ri-a cũng vội vã lên đường, từ Ga-li-lê lên
miền núi xứ Giu-đa, thăm bà Ê-li-sa-bét. Lu-ca mô phỏng trình thuật vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước từ
Ky-ri-at Giê-a-rim về Giê-ru-sa-lem (2S
6).
Lu-ca cho chúng ta nhận ra Đức Ma-ri-a được bao phủ bởi Quyền
Năng Thiên Chúa để mang «Con Thiên Chúa” đã thành bào thai trong lòng, Đấng sẽ
thiết lập Giao Ước Mới và là chính Giao Ước Mới. Đức Trinh nữ đã thành Hòm Bia
Giao Ước Mới.
Trong cuộc rước Hòm Bia
thời Đa-vít, xảy ra tai nạn chết người, Đa-vít sợ: «Thế này thì Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được» (2S 6,9), vua cho «chuyển hướng sang nhà ông Obed Edom người thành Gát». Sau ba tháng,
nghe tin gia đình Obed Edom được chúc lành, Đa-vít liền đi rước phúc về nhà
mình: vua đi trước nhảy múa quay cuồng, toàn dân theo sau lớn tiếng hô vang…
Đa-vít đưa Hòm Bia đặt trong Lều vua đã dựng cho Hòm Bia.
Trong trình thuật của Lu-ca,
Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy
lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn
mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong
bụng đã nhảy lên vui sướng. 45Em thật có
phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (1,41-45).
Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Trinh nữ bây
giờ tràn sang cho bà Ê-li-sa-bét và đứa con trong bụng bà, để hai mẹ con thành
ngôn sứ công bố điều mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Trinh nữ. Đứa
con 6 tháng trong bụng mẹ, ở phía trước, nhảy mừng, như vua Đa-vít nhảy mừng
trước Hòm Bia, bà mẹ lớn tiếng kêu lên – như đám đông theo sau lớn tiếng hò
reo. Bà Ê-li-sa-bét không hò reo, nhưng lớn tiếng công bố mầu nhiệm:
Em được chúc phúc
hơn mọi người phụ nữ. Trong Kinh Thánh, người phụ nữ được chúc phúc là người phụ nữ
có sinh con. Trong trình thuật vua Đa-vít kiệu Hòm Bia, bà Mi-khan tiêu biểu
cho người phụ nữ không được chúc phúc: không có con.
Khi đã hoàn tất
việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đa-vít nhân danh ĐỨC CHÚA các đạo binh chúc phúc cho dân... Khi vua Đa-vít trở về để chúc phúc cho nhà mình, bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, ra đón vua và nói : “Vua Ít-ra-en hôm nay thật là danh giá, khi để
hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, hở hang chẳng khác gì một đứa vô
danh tiểu tốt !” 21Vua Đa-vít nói với bà Mi-khan : “Trước nhan ĐỨC CHÚA, Đấng đã chọn tôi thay vì thân phụ bà và cả
nhà thân phụ bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân ĐỨC CHÚA là Ít-ra-en, trước nhan ĐỨC CHÚA tôi sẽ vui đùa. 22Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa, tôi sẽ coi mình là thấp hèn;
nhưng đối với các nữ tỳ mà bà nói, đối với chúng, tôi sẽ được danh giá.” 23Và bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, không có con cho đến ngày chết.
Đức Trinh nữ Ma-ri-a “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” vì đang mang trong lòng người
con rất đặc biệt. Sứ thần đã cho biết người con Đức Trinh nữ là Đấng Thánh, Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa.
Bà Ê-li-sa-bét tiếp tục nói về người con ấy: hoa trái trong lòng em, người con em đang
cưu mang cũng được chúc phúc. Đây là một điểm tế nhị phải giải
thích. Bản văn Hy Lạp dùng cùng một từ eulogemene
/ eulogemenos[13],
nói về con người thì có nghĩa là được Thiên Chúa chúc phúc, nhưng nói về
Thiên Chúa thì có nghĩa là được chúc tụng. Trong trình thuật về cuộc Thương
Khó, Tin Mừng Mác-cô kể: “Vị Thượng Tế hỏi Đức Giê-su: ông có phải
là huios tou eulogetou nghĩa là con của Đấng được chúc tụng không?” (14,61). Cho đến nay
khi nói đến Thiên Chúa, người Do Thái đạo đức vẫn dùng kiểu nói này hoặc tương
tự. Vậy phải chăng trong mạch văn này, người con trong lòng Trinh nữ Ma-ri-a là
“Con Thiên Chúa” thì cũng là Đấng
được chúc tụng?
Đức Trinh nữ Ma-ri-a được Thiên Chúa chúc phúc
hơn mọi người phụ nữ thì cũng mang phúc cho người khác, mà người đầu tiên chính
là mẹ con bà Ê-li-sa-bét. Vua Đa-vít sợ không dám để Hòm Bia đến với mình, còn
bà Ê-li-sa-bét đã được Hòm Bia Giao Ước Mới đến với bà thì kêu lớn tiếng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến
với tôi thế này?” Làm sao bà nhận ra? Chính bà được đầy tràn Thánh
Thần, và con trong lòng bà cũng được đầy tràn Thánh Thần để nhận ra Chúa mà sau
này mình sẽ phải dọn một dân để đón nhận thì hôm nay đã đến với mình rồi đây.
Đứa con trong bụng mình nhảy mừng là dấu hiệu cho mẹ nhận ra người mẹ trẻ vừa
bước vào nhà mình đây là Thân Mẫu Chúa
tôi, như vậy thai nhi trong bụng Trinh nữ là “Chúa tôi”.
Lời cuối cùng của bà Ê-li-sa-bét công bố “bí
quyết” của Đức Trinh nữ để đón nhận phúc lành cho mình và cho mọi người: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì người đã nói với em”. Trinh nữ Ma-ri-a đã thừa kế lòng tin
của tổ phụ Áp-ra-ham. Tổ phụ đã tin lời Thiên Chúa hứa, “ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8), “ông đã tin Đức
Chúa, và vì thế Đức Chúa kể là người công chính” (St 15,6) và là “bạn của Thiên
Chúa” (Is 41,8). Trinh nữ đã tin
lời Thiên Chúa và nộp mình trọn vẹn cho Thiên Chúa như người nữ tỳ để Thiên
Chúa toàn quyền sử dụng mà thực hiện lời Người đã phán, nên được làm “Thân Mẫu Chúa tôi”.
Ba trình thuật Sứ thần truyền tin cho ông
Da-ca-ri-a, Sứ thần truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a và cuộc thăm viếng làm
thành ba bức họa nối kết với nhau, như một bức bình phong ba tấm, để giúp chúng
ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể qua vai vế của hai bà mẹ và hai thai nhi, làm
nổi bật lên: thai nhi trong lòng Trinh nữ Ma-ri-a là ai và Trinh nữ Ma-ri-a là
ai.
Niềm vui ơn cứu độ đã được ban cho loài người.
“Thân Mẫu Chúa tôi” cất lời ca ngợi Tình Thương và lòng thành tín của Thiên
Chúa, Đấng đã ban ơn cứu độ theo đúng lời đã thề hứa với tổ phụ Áp-ra-ham: bài
ca ngợi khen “magnificat” mà chúng ta
hát mỗi ngày trong Kinh Chiều.
Đấng Vô Nhiễm
Nguyên Tội
Từ những thế kỷ đầu, trong sự phát triển của
đức tin nhờ quyền năng Thánh Thần như Chúa Giê-su đã hứa (x. Ga 16,12-13), các Giáo Phụ đã hiểu ra
rằng lời Sứ thần chào Đức Trinh nữ Ma-ri-a là “Đấng đầy ân sủng” còn cho thấy một đặc ân khác Thiên Chúa đã
ban cho Đức Mẹ là “không mắc tội tổ tông truyền” [vô nhiễm nguyên tội].
Sách Sáng
Thế (St 3) kể về tội tổ tông là
nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa và bất tuân lời Thiên Chúa, nghe lời Xa-tan
xúi giục, đi đường tắt để nên bằng Thiên Chúa. Kết quả là thấy mình trần truồng
và sợ sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, không còn
được chung phần sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đức Trinh nữ Ma-ri-a đã được
Thiên Chúa ưu ái tuyệt vời, chọn làm mẹ của Con Thiên Chúa làm người, nên Thiên
Chúa đã cho Đức Trinh nữ được hưởng trước và hưởng trọn vẹn ơn cứu độ, mà người
con do Trinh nữ sinh ra sẽ đem cho cả loài người, nghĩa là từ khi thành thai
trong lòng mẹ, từ giây phút đầu tiên của đời sống, Đức Trinh nữ Ma-ri-a đã là
Đấng được đầy ân sủng, sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa để xứng đáng làm mẹ
của Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta không thể chọn ai làm mẹ của mình,
nhưng Thiên Chúa chọn Trinh nữ Ma-ri-a và “trang điểm” tâm hồn để làm mẹ: sinh
ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ[14]
Con Thiên Chúa nên người. Người Mẹ của Con Thiên Chúa thì không thể trải qua
một giây phút nào trong cuộc đời mà không sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa.
Năm 1854, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã dùng quyền
giáo huấn tối cao do Chúa Giê-su trao cho thánh Phê-rô “củng cố lòng tin của anh em”, công bố tín điều Đức Mẹ không hề mắc
tôi tổ tông truyền[15].
Bản định tín dựa vào lời Sứ thần chào Đức Mẹ và cách Hội Thánh hiểu điều ấy từ
những thề kỷ đầu.
Năm 1858, ngày 11 tháng 2, Đức Mẹ bắt đầu hiện
ra với cô bé chăn chiên Bernadette Soubirous ở hang đá Lộ Đức, chẳng được học
hành gì, mười mấy tuổi rồi mới đang học giáo lý dọn rước lễ lần đầu. Cô bé hỏi
tên, nhưng bà chỉ mỉm cười, yêu cầu cô bé tiếp tục tới đó mỗi ngày suốt hai
tuần lễ, nhưng hết hai tuần lễ bà vẫn chưa cho cô biết tên. Cô phải chờ mãi tới
ngày 25/3, bà mới trả lời "que
soy era Immaculada Councepciou." “Ta là
Đấng vô nhiễm nguyên tội từ khi thành thai trong lòng mẹ”.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II dành nguyên chương thứ 8 của Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh để nói về
vai trò của Đức Trinh nữ Ma-ri-a trong Hôi Thánh, trong đó có trình bày giáo lý
về tín điều này. Sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo cũng trình bày (số 489-493).
Nhờ phép Rửa chúng ta được “khỏi tội tổ tông”, thông phần ơn nghĩa
cùng Thiên Chúa do Chúa Giê-su Con Thiên Chúa, Đấng đã “tự hóa ra không”, sinh làm người, làm con Đức Trinh nữ Ma-ri-a, đem
lại cho chúng ta nhờ “hạ mình vâng phục
cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8). Đức Trinh nữ đã tham dự vào sự vâng phục này khi tự nộp
mình để lời Thiên Chúa được thể hiện.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đón nhận lời Thiên Chúa như
thế nào?
Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Đức Trinh nữ Ma-ri-a: «Em thật có phúc vì đã tin rằng Thiên Chúa sẽ
thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chúa Giê-su mở rộng mối phúc ấy
cho tất cả mọi người:
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông
có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang
và cho Thầy bú mớm!” 28Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói
rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. (Lc
11,27-28).
Giê-ru-sa-lem,
ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 2020
Linh
mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
[1] Trong tiếng Hy lạp, tên bà là Elisabeth, nhưng các thừa sai ban đầu
phiên âm theo tiếng Bồ đào Nha thành I-sa-ve.
[2] Thời kỳ “vô thần”, người
ta còn tranh luận về Thiên Chúa, thời “hậu vô thần” này người ta coi như vấn đề
về Thiên Chúa đã giải quyết xong rồi, không cần nói đến nữa, không cần nghĩ đến
nữa. Hãy lo sống cho thoải mái, vì cuộc sống ngắn ngủi, đừng để cho những cái gọi
là “đạo đức”, “luân lý”, “nhân nghĩa”... ràng buộc mình. Quyền lực, của cải, hưởng
thụ là trên hết. Nhân vị, nhân phẩm là những từ vô nghĩa. Chỉ cần “mài lưỡi như mài gươm sắc, lời thâm độc tựa
tên lắp vào cung” (Tv 64/63,4) để chà đạp mọi người dưới chân, bằng tweet,
bằng nhãn hiệu, bằng lời dối trá... lặp lại trăm lần, ngàn lần thì cả cái dân tự
cho là văn minh nhất thế giới cũng tin, để mình đứng trên đầu trên cổ cả một
dân và nếu được, cả thế giới... Người ta đã nên như Thiên Chúa, ngang hàng với
Thiên Chúa, đúng như lời Xa-tan xúi giục từ ban đầu.
[3] Ngày nay có nhiều nhà thần học Công giáo cũng không tin là có
Xa-tan, trong khi nhiều kẻ khác lại thờ Xa-tan. Thành công lớn nhất Xa-tan.
Chúc mừng ngươi nhé, hỡi Xa-tan!
[4] Dịch sát bản Hy-lạp là “đính
hôn”, luật Cựu Ước khác với luật Việt Nam, đính hôn đã là vợ chồng trên
pháp lý rồi, muốn bỏ nhau là phải làm thủ tục ly dị, chứ không chỉ trả lại trầu
cau. Tuy nhiên chưa cử hành đám cưới thì chưa về chung sống với nhau (x. Mt 1,18). Vì thế bản dịch của PVCGK dịch
là thành hôn.
[5] Lu-ca theo bản LXX Cựu Ước,
dùng từ Parthenos trong Is 7,14, có nghĩa rõ: Trinh nữ; bản
Hip-ri dùng từ almah, có nghĩa chung
là một phụ nữ trẻ. Có hai cuộc tranh luận quanh bản văn này: 1/ tranh luận giữa
Hội Thánh Công giáo với những người không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh; 2/ tranh
luận về lịch sử bản văn sách I-sai-a: bản LXX có trước hay bản Híp-ri có trước.
(Tôi sẽ bàn thêm trong phần phụ thêm sau bài này).
[6] Hy lạp: kecharitomene về
văn phạm là quá khứ phân từ thụ của động
từ charitoo nghĩa là đã được và hiện
được ân nghĩa, sủng ái. Bản La-tinh dịch là “đầy ân sủng”.Trong sách Xuất Hành,
ông Mô-sê mở đầu lời cầu xin Chúa: “Nếu con được nghĩa với Ngài...” (33,13), và
Thiên Chúa xác nhận: “Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi
đã được nghĩa với Ta, và Ta biết đích danh ngươi” (33,17)
[7] Ông Mô-sê xin Chúa cùng đi với ông và dân trên đường lên Đất Hứa (Xh 33,13-16).
[9] X. chú thích 5 ở trên
[10] Kiểu nói hài hước ở miền Bắc nước ta.
[11] Ds: xin cứ xảy ra, xin cứ
được thực hiện.
[12] Thực tế, đây là một kiểu mẫu cầu nguyện cho chúng ta: tìm Thánh Ý
Thiên Chúa và nộp mình hoàn toàn cho ý Chúa thể hiện nơi mình. Trên núi O-liu,
Chúa Giê-su cũng sẽ cầu nguyện: xin cho ý Cha thể hiện chứ không phải ý con (Lc 22,42). Và khi dạy chúng ta cầu nguyện,
Chúa Giê-su cũng dạy xin “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10). Tin Mừng Lu-ca không kể lời
này trong kinh Lạy Cha (11,2-4), phải chăng vì chúng ta không dám xin như vậy
trước khi chiêm ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện và nghe chính Chúa xin điều này với
tất cả những gì hàm chứa trong đó, và Chúa đã cầu nguyện tha thiết đến đổ mồ
hôi máu. Lời ưng thuận vô điều kiện của Trinh nữ Ma-ri-a cũng đã đưa Người vào
một cuộc phiêu lưu đầy truân chiên như thế nào khi gắn liền cuộc sống mình với
Con Thiên Chúa sinh làm con mình.
[13] bởi động từ eulogein, nói tốt về, ca tụng
[14] “Đức Giê-su đến Na-da-rét là
nơi Người đã được dạy dỗ” (Lc
4,16)
[15] Bản định tín “Ineffabilis
Deus”, xác nhận rằng đó là điều Hội Thánh vẫn tin về Đức Trinh nữ Ma-ri-a
và mọi tín hữu Công giáo phải tuyên xưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét